Ngày 10/7: Thánh An-tôn Nguyễn Hữu Quỳnh(Năm) – Giáo hữu, tử đạo Việt Nam

Một chân phúc dòng dõi Nguyễn Trãi

Ông An-tôn Nguyễn hữu Quỳnh sinh năm 1768 ở làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Ông là con thứ năm nên quen gọi là ông Năm, trong danh sách các đấng tử đạo ghi là Quỳnh Năm. Ông là con ông An-tôn Nguyễn Hữu Hiệp và bà Ma-đa-lê-na Lộc. Quận công Nguyễn Hữu Bài, đệ nhất công thần của hai triều vua Khải Định và Bảo Đại, là chắt nội người anh thứ tư của chân phúc Nguyễn Hữu Quỳnh. Ai ngờ được rằng quan Đệ nhất Công thần của hai triều Khải Định và Bảo Đại lại là chắt của một ‘Tử tội’ thời tiên đế Minh Mệnh. Người ta càng không ngờ vị tuyên xưng đức Tin này là con cháu ông Nguyễn Hữu Cảnh là tướng Việt Nam đầu tiên có công đánh Chiêm thành và Chân Lập, khai phá đất Đông Phổ là thành phố Sài Gòn ngày nay, là con cháu ông Nguyễn Hữu Dật là danh tướng thứ nhất của triều Nguyễn sơ khai có công đánh chúa Trịnh chiếm các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình cho chúa Nguyễn và trên hết là con cháu dòng dõi Nguyễn Trãi, một nhà văn, một nhà quân sự, chính trị, ngoại giao, là vị anh hùng cứu quốc giúp vua Lê Lợi chống ngoại xâm.

 

Từ thuở nhỏ, cậu Quỳnh đã muốn dâng mình cho Chúa, Đức Cha La-ba-tét (Labartette) đã nhận dạy dỗ, đào luyện cậu sau trở thành thợ gặt của Chúa, nhưng hai anh cậu cũng có ý hướng ấy nên cha cậu đòi cậu về lập gia đình để nỗi dòng.

 

Quan Vệ úy thời Gia Long

Đến tuổi nhập ngũ, cậu Quỳnh lên đường giúp chúa Nguyễn Ánh. Tháng 3-1800, ông được chúa Nguyễn sai đi Thuận Hoá chiêu mộ binh sĩ, chuẩn bị cho chúa về giải phóng thành Phú Xuân. Tháng 6-1801, chúa Nguyễn đại thắng, vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn phải chạy trốn. Ông Nguyễn Quỳnh được thăng chức Vệ úy.

Nhưng quan Vệ úy không ham danh lợi trần gian, lại thấy cuộc đời trong quân đội làm trở ngại cho đường đạo đức, nên ít lâu sau, ông từ chức, trở về quê, tậu ruộng đất trồng trọt, buôn bán thêm và theo học nghề thuốc, sau trở thành thày lang danh tiếng. Ông có tài lại chăm chỉ nên chẳng bao lâu gia đình khá giả, sung túc.

Cha kẻ nghèo khó

Nhưng ông Quỳnh không làm giầu để tích trữ của cải cho riêng mình. Ông giữ đầy đủ luật mến Chúa và yêu người. Ông dùng tiền của theo đúng quan niệm người có đạo là người giầu chỉ là người quản lý tài sản Chúa ban để sử dụng những nhu cầu chính đáng cho bản thân, cho gia đình và giúp ích tha nhân. Vì thế không bao giờ ông tiếc công tiếc của khi phải giúp người gặp khó khăn, ông thường bỏ tiền riêng để trả nợ thay. Vợ con thấy ông rộng rãi quá, có lần phàn nàn vì sợ sau này sẽ thiếu thốn, ông bảo rằng: “Nếu mẹ con bà không bằng lòng tôi lấy của nhà, tôi sẽ đi vay hay đi ở để có tiền giúp đỡ người ta. Tôi chưa thấy con cái người hay thương giúp kẻ nghèo phải đi ăn xin bao giờ, Phúc âm Chúa đã dạy những người ấy là chính Chúa. Tôi không có ý làm giàu cho riêng mẹ con bà đâu. Chúa đã sinh ra, Chúa sẽ quan phòng”. Khi các con đã trưởng thành, ông bảo họ: “Cha đã nuôi các con từ bé, bây giờ các con phải nuôi cha, từ nay tiền cha kiếm được, cha sẽ giúp người nghèo hết”, và ông đã làm như vậy.

Gặp cơn dịch tả hoành hành, đức bác ái của ông càng ngời sáng: hàng ngày ông tập hợp các giáo hữu trong nhà thờ cầu nguyện xin Chúa cứu giúp cho thoát cơn nguy nan này, ông bỏ ra trăm quan tiền mua thuốc phát cho bệnh nhân. Đối với những người trong nhà Đức Chúa Trời, ông càng chăm sóc tận tình hơn, ông đưa về nhà mình chạy chữa thuốc thang.

Tông đồ giáo dân nhiệt thành

Đức Cha La-ba-tét đặt ông làm Trùm trưởng xứ Mỹ Hương và làm ông quản dạy kinh bổn trong toàn miền. Trong thời cấm cách, các cha các thày giảng phải rút lui vào bóng tối, nhưng tông đồ giáo dân vẫn công khai hoạt động.

Ông điều khiển mọi việc trong xứ, từ cất kinh nhà thờ cho đến việc đi thăm viếng khuyến khích các gia đình. Nhà ông biến thành trụ sở cho các Cha qua lại và là trường dạy kinh bổn cho người đang học đạo. Ông tiếp đãi cơm nước không xét gì tốn phí. Trong thời cấm cách, các cha thừa sai, các cha Việt Nam, các thày giảng còn trú ẩn ở nhà ông lâu ngày.

Càng về già, ông càng hiền từ, đạo đức, ai cũng mến phục ông. Các việc bề ngoài của ông bắt nguồn từ lòng đạo đức sâu xa. Ông cầu nguyện sốt sắng, chăm lần hạt. Dù trong thời cấm cách, ông cũng tìm mọi cách để được xưng tội, chịu lễ ít là mỗi năm bốn lần.

Bạn rộn thể nhưng ông không sao nhãng việc giáo dục con cái. Ông đào tạo các con trở thành những tông đồ giao dân nhiệt thành. Ông có hai con gái, một cô hồi còn nhỏ ốm nặng tưởng chết, nhưng nhờ ơn Đức Mẹ cô được khỏi bệnh và ông đã khấn dâng người con ấy cho Đức Mẹ. Khi cô khôn lớn, ông nói cho cô biết ước nguyện của ông, cô đã theo ý cha, sau trở thành nữ tu dòng Mến Thánh Giá và làm Bề trên dòng ở Địa phận Đông Đàng Trong.

Xứ Kim Sen dưới chân dãy Trường Sơn

Hồi mới xuất ngũ, ông Quỳnh mua một thửa đất ở xứ Kim Sen dưới chân dãy Trường Sơn ở huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình. Trong cơn bách hại thời vua Minh Mệnh, Cha Căng-đan (Candalh) (cố Kim) bị truy nã gắt gao, để bảo vệ tính mệnh vị tông đồ truyền giáo, ông Quỳnh đích thân đưa Cha lên trú ẩn ở trại Kim Sen và cất giấu ở đây các đồ thờ, ảnh tượng của xứ Mỹ Hương và của gia đình. Hành động của ông bị theo dõi. Vài tuần sau ông sai người giúp việc về thăm gia đình, giữa đường bị bắt. Quan hỏi người này rằng: “Anh có phải là đầy tớ ông lang Quỳnh không?”

– Dạ phải.

– Chủ anh hiện giờ ở đâu?

– Ở Kim Sen

Quan nghi ngờ hỏi vặn: “Có phải ông ấy đưa đạo trưởng Kim đi trốn không? – Thưa quan không, ông chỉ đem ít đồ thờ và sách đạo”.

Quan bắt người này phải dẫn đường cho toán lính đến Kim Sen. Không bắt được đạo trưởng, chỉ bắt được ông Trùm Quỳnh và tịch thu các đồ đạo, sách vở, họ cũng bắt mấy người có đạo ở trại này. Được tin báo, người con cả ông An-tôn Quỳnh từ Mỹ Hương đi đón đường toán lính, đưa cho họ 50 quan tiền, không phải để chuộc cha già mà để xin tha cho mấy giáo dân và xin lại sổ nhân danh giáo xứ để đốt. Lính bằng lòng, chỉ giữ lại 10 quyển sách và ông lang Quỳnh.

Vui mừng hân hoan vì được cùng chung số phận

Đến Đồng Hới, các quan bắt ông khóa quá, vì cương quyết từ chối nên ông bị đóng gông xiềng giam vào ngục. Ở đây ông sung sướng được gặp Đức Cha Bô-ri (Cao), Cha Điểm, Cha Khoan và Thầy Tự. Ông vui mừng hân hoan vì được cùng chung số phận phúc lộc với các đấng ấy.

Hôm sau, ông phải lên công đường. Quan bảo: “Nếu ông bước qua thập tự, ta sẽ cho về sống với vợ con. Nếu sợ tội, thì ba hôm nữa sẽ lại đây để đạo trưởng giải tội cho”. Ông An-tôn Quỳnh cương quyết từ chối, quan truyền lính lôi ông qua Thánh giá, chống cự không nổi, ông lớn tiếng phản đối: “Đó là việc quan làm, không phải tự tôi, tôi không bằng lòng, nếu có tội là tội ở nơi quan, không phải tội tôi”.

Quan xấu hổ, truyền đem ông về ngục. Một lần tra hỏi khác cũng không thu được kết quả gì, quan hỏi Đức Cha Bô-ri: “Mấy người có đạo kia họ dễ dàng bước qua ảnh, sao ông Năm lại không chịu?” Đức Cha đáp: “Mấy người ấy chưa hiểu rõ giáo lý, còn ông Năm Quỳnh đã thông lẽ đạo, có Đức Tin mạnh mẽ nên không phạm lỗi như họ. Tôi xin quan đừng cưỡng bách ông nữa, mất công vô ích”.

Lại một lần nữa, ông quan võ đang trên hàng ghế quan toà nhảy xuống, vừa xốc ngang lưng ông Trùm Năm để lôi qua Thánh giá vừa nói: “Tên mê muội, hãy đi theo ta, có lên thiên đàng hay xuống hoả ngục cũng có ta”.

Ông Trùm Năm Quỳnh yếu sức hơn, ông bám chặt lấy ông quan võ, rồi co hai chân lên khiến quan này không đi nổi, quan gọi lính đến lôi chân ông Trùm cho chạm vào Thánh Giá, ông kêu to: “Lạy Chúa, Chúa biết việc này không phải tại con, mà do người ta ép con”.

Quan võ tức giận, quên cả địa vị mình, ông giật roi trong tay lính đánh ông Năm quỳnh túi bụi, máu chảy đầm đìa, rồi truyền đóng gông thật nặng, bắt già hiệu ngoài nắng, nhưng khi quan đi khỏi, ông cai tù thương tha cho vị tuyên xưng đức Tin già yếu và dẫn về ngục.

Một vụ án khó xử

Các quan kết án đệ vào kinh. Đức Cha Bô-ri phải trảm quyết, hai Cha Vi-xen-tê Điểm và Phê-rô Vũ Đăng Khoa phải xử giảo, còn Thày Phê-rô Tự và ông Trùm Năm Quỳnh phải xử giảo giam hậu.

Ngay đêm ngày 24-11-1838 là ngày Đức Cha Bô-ri và hai Cha Điểm, Khoa phải xử, quan gọi ông Trùm Quỳnh đến bảo: “Ông đã bị kết án tử hình rồi, nhưng nghe ta còn cứu được. Ông hãy nghe ta bước qua thập giá, ta sẽ xin đức vua ân xá”.

Vị anh hùng Đức Tin vẫn kiên trung vững vàng. Mấy ngày sau quan tâu trình sự việc về kinh, rồi đến lần thứ hai, thứ ba, thứ tư về sự ngoan cố của tên ‘Tử tội’ và xin vua cho thi hành, nhưng vua chưa châu phê.

Tại sao vụ án này lại khó xử đến thế, vua quan phải tốn bao công sức giấy mực, thời gian, trước Đức Tin sắt đá của một cụ già hơn 70 tuổi, và đây là đầu mỗi sự việc qua bản tường trình mà Cha Mi-sơ (Miche) (Mịch) gửi về Hội Truyền giáo Pa-ri:

Ông Trùm Năm Quỳnh là một người rất thuộc quen với các quan vì ông là người chữa bệnh cho họ. Từ quan đến dân, mọi người đều biết rõ nhân đức, tài năng của ông, nên đều yêu mến kính nể. Lòng dũng cảm tuyên xưng Đức Tin của ông có tiếng vang ln, rất có ảnh hưởng cho mọi người. Dụ dỗ được ông khóa quá là một chiến thắng lớn của họ, nên không lạ gì mà họ tìm trăm nghìn kế dành lấy miếng mồi ngon. Ngoài lý do này, còn phải kể đến dòng dõi, địa vị, công trạng đối với triều Nguyễn. Ông Quỳnh là một sĩ quan đã vào sinh ra tử với vua Gia Long là cha vua Minh Mệnh”.

Hai năm bị giam cầm là hai năm chứng tỏ đức nhẫn nại, can đảm đáng khâm phục của ông Trùm 72 tuổi, chăm chỉ đọc kinh, ăn chay, hãm mình, thương yêu nâng đỡ, chữa bệnh cho mọi người. Hai lần Cha Ngân cải trang vào ngục giải tội và cho ông rước lễ.

Lần dụ dỗ cuối cùng không xong, ngày 24-6-1840 các quan tâu trình sự việc trước sau và xin vua châu phê án. Vua Minh Mệnh giao cho Bộ Hình thông báo cho các quan tỉnh Quảng Bình như sau: “Nguyễn Hữu Quỳnh tức hành giảo quyết, ngày 10-7-1840”.

Giang tay như Chúa Ki-tô

Ông Trùm Năm Quỳnh đang ăn bữa sáng thì được tin phải xử, ông vui mừng nói: “Tôi đã mong đợi giờ này từ lâu, nay đã đến, còn dùng của đời này làm gì nữa”.

Một trăm lính giải ông và Thày Phê-rô Tự ra pháp trường, ông đi giữa hai người đỡ hai đầu gông nặng ở cổ ông.

Tất cả giáo dân họ Sáo Bùn và Sáo Cát đi tiễn ông, cũng có rất đông lương dân, những người này nói với nhau: “Hai ông kia chẳng có tội gì, không giết người, cướp của, đốt nhà ai, họ bị giết vì theo đạo Gia-tô”.

Đến pháp trường ông Quỳnh hỏi đúng chỗ xử Đức Cha Bô-ri và hai Cha Điểm và Khoa, rồi dừng lại ở đấy cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, con cảm tạ ơn Chúa đã ban cho con được phúc trọng như ba Đấng ấy”.

Ông ngồi xuống chiếu đã trải sẵn, xin phép cho các con đến từ giã. Hai con và ông lang Khê là học trò của ông đến sát bên ông, ông bảo họ: “Các con đến bái biệt Thày Tự trước, xin thày về cùng Chúa cầu nguyện cho các con”. Ba người làm như lời ông dạy rồi quay vềphía ông, họ quỳ xuống nghe những lời vĩnh biệt sau đây: gửi lời chào các chức sắc, anh chị em giáo hữu xứ Mỹ Hương. Cầu chúc mọi người được bình yên, trung thành giữ đạo. Còn các con hãy thương yêu nhau, sốt sắng đạo đức, rồi cha con sẽ gặp nhau trên thiên đàng”. Nghe những lời ấy, người con gái của vị tử đạo khóc nức nở. Ông gọi con lại an ủi: “Con đừng khóc làm cha buồn, hãy vui mừng, vui mừng cho cha. Hãy ngợi khen, tạ ơn Chúa đã thương ban cho cha được dâng hiến mạng sống mình vì danh Chúa”.

Ông quỳ xuống cầu nguyện, khi quan Giám sát ra lệnh, ông nằm xuống giang hai tay như hình Thánh giá và nói: “Tài muốn giang tay ra như xưa Chúa đã giang tay chịu đồng đanh trên Thánh giá để cứu chuộc mọi người”. Lính quàng dày vào cổ ông, tiếng thanh la ghê rợn vang lên giữa cánh đồng vắng, lính cầm hai đầu dây kéo mạnh, Giáo hội Việt Nam thêm một vị tử đạo anh hùng đổ máu tưổi cây Đức Tin.

Thi hài ông An-tôn Nguyễn Hữu Quỳnh được đưa về xứ Kim Sen an nghỉ với tổ tiên. Mộ ông được ghi hai câu đối:

“Nghĩa khí nêu cao trên đất nước
Oai linh phù hộ khắp non sông”.

Quận công Nguyễn Hữu Bài là chắt của Đấng tử đạo đã xây ở Phước Môn gần La Vang) Quảng Trị một đền kính các chân phúc tử đạo Việt Nam rất đẹp, kiến trúc kiểu Á Đông. Cụ đã đặt di tích và đắp ảnh chân phúc An-tôn Nguyễn Hữu Quỳnh để con cháu và các giáo dân tôn kính, cụ có đề câu đổi bằng chữ Hán, nghĩa như sau:

“Giây phút không bỏ đạo thà chịu chết
Lẩy chết làm trung, danh truyền muôn thuở
Trước sau cho trọn nghĩa, vì Chúa quyên sinh
Tái sinh báo đức, phúc hạnh nghìn thư”.

Ông An-tôn Nguyễn Hữu Quỳnh được phúc tử đạo ngày 10-7-1840, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc ngày 27-5-1900 và Đức Thánh Cha Gio-an Phao -lô II đã phong hiển thánh cho ông ngày 19-6-1988.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn