Ngày 2/8: Thánh Êu-xê-bi-ô Véc-se-li – Giám mục, Lễ nhớ không buộc

Lễ nhớ không buộc

1. Tiểu sử – phụng vụ

Thánh Eusèbe, giám mục Verceil (Piérmont), qua đời ngày 1 tháng tám năm 371. Trong lịch cũ, ngài được tôn kính như thánh tử đạo vì những đau khổ phải chiụ do sự trung thành với tín điều bản tính Thiên Chúa của Đức Kitô vốn bị lạc giáo Arius phủ nhận.

Eusèbe sinh tại Sardaigne vào khoảng năm 300. Sau thời gian theo học tại Roma, Ngài nhận chức đọc sách trước khi được chỉ định làm giám mục Verceil năm 345. Là giám mục, thánh Eusèbe là người đầu tiên du nhập thói quen các linh mục sống chung với giám mục sang phương Tây, một cuộc sống theo Phúc âm, đơn sơ, khó nghèo theo một qui luật chung.

Trong giai đoạn lạc giáo Arius được hoàng đế Constance bảo vệ và nâng đỡ nên phát triển mạnh, Eusèbe đã mạnh mẽ bảo vệ tín điều về Thiên tính của Đức Kitô. Bị hoàng đế bách hại, thánh nhân bị đày sang Palestine, rồi Cappadoce, sau tới miền Thượng Thébaide ở Ai-cập. Constance băng hà (361); nhờ Julien lên ngôi hoàng đế, Eusèbe trở về địa phận của mình, sống cuộc đời chủ chăn đạo đức, được cả hàng giáo sĩ và giáo dân quí mến.

2. Sứ điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày ca tụng đức can đảm của thánh Eusèbe, Ngài đoạt kỷ luật ngoan cường trong việc bảo vệ tín điều thiên tính của Đức Kitô, đương thời bị nhóm Bán-Ariens (semi – ariens) từ chối, những kẻ gọi là “bọn khùng theo Arius”. Ngài nhất mực không chịu ký tên vào việc kết án thánh Athanase, giáo chủ Alexandria, đối thủ chính của phe lạc giáo này, và Ngài đã tham dự công đồng Milan năm 355 do Đức Giáo Hoàng Libère triệu tập để kết án Arius. Ngài cũng cộng tác với thánh Hilaire thành Poitiers trong việc phục hồi nền nếp chính thống.

Trong ba bức thư thánh nhân còn lưu truyền tới chúng ta, phụng vụ bài đọc trích dẫn lá thư Ngài viết ở nơi lưu đày, ở Scythopolis (Palestine) gửi giáo sỹ và giáo dân Verceil (sau năm 355), trong thư ta đọc được lòng nhiệt thành của vị chủ chăn: “Tôi khẩn khoản nài xin anh chị em hãy giữ vững đức tin với sự cảnh giác cao độ, hãy giữ sự thuận hòa, siêng năng cầu nguyện, không ngừng nhớ đến chúng ta để Chúa Đoái thương giải thoát Giáo hội của Chúa đang khổ đau khắp nơi trên thế giới...” Tiếp theo, Người viết theo những lời đầy tình người: “Tôi xin anh chị em cũng gửi lời chào trân trọng của tôi đến những kẻ ngoài Giáo Hội nhưng vẫn tốt bụng yêu mến anh chị em”.

Enzo Lodi