Ngày 6/10: Thánh Phan-xi-cô Trần Văn Trung – Giáo hữu, tử đạo Việt Nam

Chân phúc Phan-xi-cô Trần Văn Trung là một trong chín chân phúc tử đạo Việt Nam xuất thân từ quân đội.

 

Ông sinh năm 1825 ở làng Phan Xá tỉnh Quảng Trị trong một gia đình đạo gốc. Cha ông trước ở trong quân đội giữ chức đội trưởng, sau về làm ruộng.

Ông Trần Văn Trung lớn lên nhập ngũ và cũng giữ chức đội trưởng. Năm 24, 25 tuổi ông kết bạn vớt một thiếu nữ cùng quê tên là Ca, sinh được bốn người con.

Ông giữ đạo bình thường, không sốt sắng lắm. Hằng năm ông dự các tuần đại phúc, xưng tội rước lễ. Ông cũng hay bàn bạc góp ý với các người làm việc trong họ đạo.

Kỳ ấy ông và 11 người bạn phải qua một kỳ sát hạch, tuy ông có đủ điều kiện để trúng tuyển, nhưng theo tình trạng xã hội thời ấy, ông và các bạn phải góp tiền bạc nộp cho các quan để việc thi cử được dễ dàng. Chẳng may vì chia tiền bạc không đều, các quan xích mích với nhau, câu chuyện bị lộ, vua biết nên cả 12 ông đội phải phạt tù vì tội đút lót.

Tình nguyện chống ngoại xâm

Năm 1858, quan Pháp do đô đốc Ri-gôn đơ Giơ-nu-i (Rigault de Genouilly) đánh chiếm cửa Hàn (Tourane). Vua Tự Đức ra lệnh cho các tù nhân, ai tình nguyện đi đánh giặc sẽ được phóng thích. Ông Trần Văn Trung và các bạn vội vàng làm đơn tình nguyện đi đánh giặc.

Trước khi được chấp thuận, các quan muốn biết thái độ các ông về vấn đề tôn giáo. Các ông phải đến lạy bàn thờ tổ tiên và đạp thập giá. Mọi người đều tuân theo, trừ ông Trung.

Các quan hỏi: “Sao anh không làm như các bạn, anh có đạo phải không?”. Ông Trung bình tĩnh thưa: “Vâng, tôi có đạo, tôi sẵn sàng đi đánh quân xâm lăng, nhưng tôi không chối đạo”.

Thế là ông Trung lại phải quay về trại giam.

Đến hôm sau, bốn quan vào tận ngục bắt ông khóa quá, vì ông cương quyết từ chối nên bị đánh đập dã man.

Hai tháng bị giam cầm, phải ra công trường nhiều lần, bị tra tấn 3 lần, chịu hơn 130 roi đòn, lúc nào cũng bị thúc ép bỏ đạo, nhưng ông vẫn trung kiên với Chúa.

Lo cho các con trước khi về đời sau

Biết mình sẽ phải tử hình, ông không sợ. Một lần bé Ca-ta-ri-na Thông 8 tuổi vào thăm bố, ông bảo con: “Con ơi, con cầu xin Chúa cho Cha được chết vì danh Chúa. Ông cũng dặn dò vợ: “Nếu tôi chết, mình hãy lo săn sóc con cái. Hãy hết lòng thương yêu chúng nó, đừng làm bạn với ai nữa”. Rồi ông xúc động khóc từ giã vợ. Bé Thông ở lại săn sóc Cha. Được một tháng, ông bảo con: “Thôi con hãy về với mẹ con, ở đây con không được học giáo lý, không được nghe giảng giải. Cha dặn con điều này con nhớ cho kỹ: Dầu sau này phải thiếu thốn đến đâu con cũng đừng ở chung với người ngoại, hãy ở với các người có đạo, để tiện việc giữ đạo. Con hãy vâng theo các lời dạy dỗ của Cha Quang”.

Biết mình còn nợ ít nhiều tiền bạc, ông lo sau khi chết, chủ nợ sẽ bắt con cái đi ở cho người ta trừ nợ, như thế chúng sẽ phải làm tôi cho người ngoại, và thiệt phần hồn, nên ông dặn vợ bán các đồ đạc trong nhà trả hết nợ để khỏi phiền đến con cái sau này.

Chiến thắng khải hoàn

Các quan biết không làm cách nào để ông Trung nao núng nên làm án đệ trình lên vua Tự Đức như sau: “Tên Văn Trung làm đội cơ binh Tuyên Văn Phòng, bị bắt về tội đút tiền trong khóa sát hạch, đã phải giáng chức và đền trọng tội. Nay y xin nhập sổ binh đánh giặc, nhưng lại bất khẳng khóa quá, đáng xử trảm”

Vua châu phê y án. Ngày 6-10-1858, ngày hành quyết. Năm quan cưỡi ngựa cùng với 60 người lính điều ông đội Trung đến pháp trường ở cửa An Hòa, ngoại ô kinh thành Huế.

Cha An-rê Thoại ở họ Dương Sơn nghe tin vội đến An Hòa cùng với một thầy giảng. Dọc đường cha gặp một người họ hàng với vị tuyên xưng Đức Tin cũng đi dự xử. Cha dặn: “Con gặp ông Đội Trung dặn rằng: “Ông nhìn về phía trước nếu thấy một người cầm điếu thuốc giơ ngang mắt, đó là cha, ông đội hãy ăn năn thống hối, cha sẽ làm phép giải tội”.

Mọi việc xảy ra như lời dặn. Đến chợ An Hòa, thấy Cha Thoại giơ điếu thuốc ngang mắt, ông Trung làm dấu Thánh giá lĩnh nhận phép giải tội trước khi đến tòa phán xét.

Pháp trường đã chuẩn bị sẵn sàng, chờ lệnh, nhưng các quan đình lại chưa xử vì có quan đưa ra ý kiến này: quân Pháp và tàu chiến đóng rất gần đây, nếu ta giết người có đạo, quân Pháp biết sẽ đến đánh và như thế rất nguy cho ta. Các quan khác cũng đồng một quan điểm nên phái lính về trình bày với vua Tự Đức xin tha cho ông đội Trung. Trong khi quan quân chờ lệnh vua, ông Trung tiếp tục cầu nguyện sốt sáng xin ơn bền vững đến cùng. Đến trưa vẫn chưa có tin, rồi đến chiều, tối, quan quân kéo vào quán gần đấy nằm nghỉ, trói ông Trung vào chân ghế để không trốn được. Sau cùng 8 giờ tối lệnh vua đến truyền xử ngay, quan nào can thiệp sẽ bị mất bổng lộc.

Được tin, ông Trung hỏi xem Cha Thoại còn đó hay không, nhưng Cha đã trở về, vì tưởng cuộc xử hoãn. Ông đội Trung quỳ xuống, xin người ta lấy vôi vẽ hình Thánh giá ở cổ ông như muốn chứng tỏ lòng trung kiên với Chúa đến cùng. Rồi ông hiên ngang giơ cổ cho lý hình chém.

Đầu ông phải bêu 3 ngày để làm gương cho người khác. Ngày 8-10 thi hài ông mới được an táng. Bây giờ hài cốt vị tử đạo còn giữ ở nhà thờ họ Dương Sơn.

Ông Phan-xi-cô Trần Văn Trung được Đức Thánh Cha Pi-ô X phong chân phúc ngày 2-5-1909, và Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn