Ngày 1/11: Thánh Valentinô Berrio Ochoa Vinh – Giám Mục (1827-1861), tử đạo

Tôi muốn làm linh mục dòng Thánh Đa-minh

Cậu Va-lăng-tanh sinh ngày 14-4-1827 E-lô-ri-ô (Elorrio), Vi-cai-a (Vizcaya) Tây Ban Nha. Cha mẹ cậu là ông Gio-an I-si-đo (Jean Isidore) và bà Ma-ri-a Mô-ni-ca Bê-ri-ô Ô-qua (Marie Monique de Berrio Ochoa), thuộc dòng dõi quý phái, nhưng đã sa sút. Ông bà đạo đức hiền lành chăm lo giáo dục con từ bé. Cậu Va-lăng-tanh đã thừa hưởng của mẹ một lòng đạo đức sâu xa, một đức tin sống động, lòng khát khao phụng sự Chúa và cả tính tình vui tươi lành mạnh. Điểm vui tươi này nổi bật cả những khi phải đau khổ vất vả, giữa những cơn bách hại nặng nề.

 

Cậu Va-lăng-tanh yêu mẹ tha thiết, dù khi đã làm Giám mục, mối tình ấy vẫn thắm thiết như hồi còn trẻ thơ.

Thuở bé cậu đã chăm chỉ cầu nguyện, ngày nay ai đến thăm viếng ngôi nhà cậu ở xưa còn thấy căn phòng nơi cậu thường đến cầu nguyện, trên cửa căn phòng có một khe nứt, mẹ và chị cậu thường nhìn qua khe ấy để quan sát cậu bé cầu nguyện.

Từ hồi 11, 12 tuổi, cậu thường nói với các bạn: “Tôi muốn làm linh mục dòng Thánh Đa-minh”. Nhưng cậu có biết đâu mình còn phải lướt thắng nhiều trở ngại mới đạt được tới đích cao đẹp đó.

Cha cậu làm thợ mộc, lớn lên cậu vừa đi học vừa ở xưởng thợ giúp cha, mơ ước làm linh mục hình như quá xa đối với cậu vì gia đình nghèo, không đủ cung cấp phí tổn.

Cậu bé vững tâm tin tưởng. Thời gian cứ tuần tự trôi qua, cậu đã 15, 16, 17 tuổi, tương lai vẫn mờ mịt. Mơ ước của cậu theo ngày tháng tăng dần. Cha mẹ cậu khổ tâm vì không thể làm thoả mãn nguyện vọng của con, cậu Va-lăng-tanh cũng khổ tâm chờ đợi tin tưởng. Rồi cậu đã 18 tuổi. Thương con ông bà cố gắng hy sinh quyết cho cậu vào chủng viện Lô-gơ-ri-nô (Logrino).

Ngày 27-10-1845, ngày cậu thực hiện mơ ước của mình. Nhưng cậu còn phải vượt qua bao vất vả chông gai thử thách tới chức linh vụ mục.

Sau ba năm học, Thày Va-lăng-tanh hiểu rõ hơn sự hy sinh vô bờ gần như không thể chịu nổi mà cha mẹ thày vẫn cố nai lưng vác để cung cấp học phí cho thày. Thày đau lòng, không trở về chủng viện nữa, thật là một thử thách nặng nề, một hy sinh cao cả và tình con hiếu thảo. Thày phó thác mọi sự cho Chúa. Thày vẫn tràn đầy sức sống và tinh thần chủng sinh nhưng ở lại làm trong xưởng thợ mộc của cha mẹ.

Vài tháng sau lại thấy thày có mặt ở Chủng viện, nhưng ở ngoại trú. Thày làm thợ mộc trong những giờ rảnh, hay giúp một ca đoàn nào. Trong kỳ nghỉ hè, thày lao động vất vả với cha để sinh sống. 30 tháng trôi qua trong cảnh ấy. Thày thấy mình khó có thể đạt đến chức linh mục về vấn đề kinh tế, thày đã có ý định sang Rôma trình bày hoàn cảnh mình và thầy tin chắc Đức Thánh Cha sẽ giúp.

Đang loay hoay với ý tưởng này thì thấy nhận được thư của cha bạn báo tin ở chủng viện đang trống chức linh hướng dự khuyết và Đức Giám mục quyết định trao nhiệm vụ này cho một sinh viên trẻ tuổi.

Thầy viết đơn xin ngay, Đức Cha Giơ-sơ I-ri-gô-iêng (Jose Irygoyen), Giám mục địa phận đã nghe nói thầy có lòng đạo đức sâu xa, là một chủng sinh xuất sắc, ngài cũng biết thầy đã hy sinh không về chúng viện vì lòng hiếu thảo với cha mẹ.

Tháng 1-1851, Đức Cha trao cho thầy nhiệm vụ quan trọng là linh hướng dự khuyết của chủng viện Lô-gơ-ri-nô, một nhiệm vụ thường chỉ được giao phó cho những linh mục nhiều kinh nghiệm và nhận đức, vì thế, nguyên việc này đã đủ chứng mình những đức tính hoàn hảo nơi Thầy Va-lăng-tanh.

Đó là đường của các thánh, Chúa đã thử thách các ngài nhưng rồi Chúa lại ban cho các ngài tràn đầy tươi vui an ủi.

Từ đây con đường dẫn tới chức linh mục được bảo đảm, không còn xa. Thầy đã chu toàn chức vụ lính hướng cách khôn ngoan, nhân hậu, thu phục được lòng tín nhiệm của các chủng sinh cũng như của các giáo sư. Nhận nhiệm vụ linh hướng được 3 tháng, thầy chịu bốn chức nhỏ, rồi chức năm, chức sáu và được khuyên chuẩn bị chịu chức linh mục ngay; thầy xin hoãn đến tháng 9, nhưng ngày lễ Chúa Ba Ngôi, 14-6-1851 thầy vâng lời Bề trên bước lên bàn thánh.

Thày được xếp vào hàng các sinh viên xuất sắc vì dù rất bận rộn, yếu đau, cuối năm thày vẫn đạt được điểm cao nhất về mọi khoa.

Nhưng trong thâm tâm vị tân linh mục mới 24 tuổi còn ôm ấp một niềm mơ ước là làm linh mục dòng Thánh Đa-minh, để trở thành nhà truyền giáo trên đất Việt Nam.

Tiếng gọi từ Việt Nam

Tiếng gọi đầu tiên từ miền Bắc Việt Nam đã gieo vào lòng Cha Va-lăng-tanh từ hồi Cha còn là một chú giúp lễ 12, 13 tuổi ở tu viện Thánh An-na thuộc dòng nữ Thánh Đa-minh.

Bấy giờ vào quãng năm 1838-1840, ở Việt Nam đang trải qua cơn bách hại gắt gao dưới thời vua Minh Mệnh.

Cha Măng-đô-da (Mendoza) là cha tuyên úy tu viện và là thày giáo dạy La-tinh của em Va-lăng-tanh để chuẩn bị cho em vào chủng viện. Cha thường kể cho em nghe các công cuộc truyền giáo lớn lao và những cơn bách hại ghê rợn mà các Cha dòng Thánh Đa-minh đang phải chịu và các nhân chứng Đức Tin đã gục ngã trên pháp trường. Năm 1838 đến lượt Đức Cha Đen-ga đô (Y) và Đức Cha Hê-na-rét (Minh). Những câu chuyện này rất hấp dẫn, đến nỗi cậu quên cả đùa nghịch cứ nài nẵng Cha Măng-đô-da kể tiếp.

Cha Va-lăng-tanh âm thầm cầu nguyện, bàn hỏi với Cha linh hồn. Rồi sau 3 năm làm linh mục và linh hướng chủng viện, Cha lên đường đến tu viện Ô-ca-na (Ocana) tỉnh Tô-lét-đơ (Tolède), nơi có nhà tập, nơi huấn luyện các thừa sai tỉnh dòng Thánh Mân Côi Phi Luật Tân. Tháng 11-1853, Cha mặc áo dòng Thánh Đa-minh.

Từ khi là linh mục, Cha Va-lăng-tanh đã nổi tiếng là một linh mục nhân đức, thánh thiện nhất địa phận. Một giáo sư đại học Ma-ni-la nhận xét rằng: “Nguyên sự có mặt của Cha Va-lăng-tanh cũng tràn sang tâm hồn người ta một năng lực mạnh mẽ và không thể trông thấy người mà không cảm thấy kính mến, trân trọng và sùng mộ”.

Cha Giô-sơ Mô-răng (Jose Moran), một linh mục khả kính, một nhà luân lý học nổi danh, lần thứ nhất gặp Cha Va-lăng-tanh ở tu viện Ô-ca-na đã kêu lên sung sướng: “Tôi đã ước mong trông thấy một đấng thánh, nay tôi đã thỏa mãn… Tôi đã thấy một vị thánh”.

Những quan niệm này không thay đổi, khi Cha ở trên đất nước Việt Nam thân yêu, nơi Cha được luyện lọc bằng đau khổ, và sau cùng Cha đã lĩnh triều thiên tử đạo.

Ngày 12-11-1854, Cha tuyên khấn trọng thể trong dòng. Từ đây con đường truyền giáo rộng mở và ước vọng từ thời thơ ấu lại trào dâng mạnh mẽ trong tâm hồn Cha: Tôi phải là thừa sai ở Việt Nam.

Đến cửa biển Ca-đi (Cadiz) chờ tầu đi Phi Luật Tân. Ở đây Cha mới viết thư từ giã cha mẹ vì ông bà chưa biết Cha rời khỏi tu viện Ô-ca-na, Cha xin cha mẹ theo gương tổ phụ A-bơ-ra-ham dâng hiến đứa con yêu quý cho Chúa.

Tháng 1-1857, Cha rời cửa biển Ca-đi và tháng 6 -1857 Cha đến Ma-ni-la. Hồi này ở Việt Nam đang trải qua cơn giông tố bách hại, nên Bề Trên chỉ cử sang đấy những tu sĩ nào tình nguyện xin. Cha Va-lăng-tanh đệ đơn sang truyền giáo miền Bắc, và ngày 12-11-1857, ngày kỷ niệm khấn dòng, Cha được Bề trên ứng nhận.

Miền Bắc ngập máu

Tháng chạp 1857, Cha Va-lăng-tanh bỏ Ma-ni-la qua Hương Cảng, và ở lại Ma Cao hơn hai tháng để học tiếng. Việt Nam đang ngập máu tử đạo, nhất là địa phận Trung, cánh đồng truyền giáo của Cha Va-lăng tanh. Cha cứ đi lao mình vào miệng sói, đó là câu Cha quen nói, nhưng Cha cậy trông vào Chúa và Đức Mẹ như trong thư Cha viết về cho mẹ rằng: “Với tràng hạt Mân Côi trong tay, với kinh Lạy Cha và kinh Kính mừng nở trên môi, với những ý nghĩ thánh thiện trong đầu óc, hỏi thế giới còn gì đẹp hơn.”

Ngày 4-3-1858, Cha và các bạn rời Ma Cao trên con thuyền của người Trung Quốc. Sau gần một tháng lênh đênh trên sóng nước, duyên hải miền Bắc xuất hiện, gần cửa sông Thái Bình. Đêm ấy dưới ánh trăng mờ ảo, các ngài lẩn trốn lên đất, đi bộ tới Nam An tỉnh Hải Dương là nơi Đức Cha Giê-rôm Héc-mô-di-la (Liêm), vị anh hùng tổ phụ thừa sai dòng Thánh Đa-minh, đang trốn ẩn để xin người chúc lành.

Mấy ngày sau, Cha đi về địa phận Trung, đường trường vất vả, đêm đêm lội nước ngoi sông, Cha đến làng Quần Cống gần Phú Nhai gặp Cha Ét-tơ-vê[1] (Nam). Trung tuần tháng 4, Cha mới gặp Đức Cha Men-co Săm-pơ-đơ-rô[2] (Xuyên) là Đức Giám mục địa phận Trung đang ẩn ở Kiên Lao. Nơi đây bao ước nguyên thơ ấu đã thành sự thực: “Tôi đã là linh mục, là thầy dòng Thánh Đa-minh, tôi đã là thừa sai truyền giáo ở Việt Nam”. Cha nhận tên là “Vinh” với tâm hồn tràn ngập niềm vui. Nhưng cũng từ đây Cha Va-lăng-tanh bắt đầu trèo quãng sườn đồi trơn dốc nhất trên ngọn Can-vê của Giáo Hội Việt Nam, suốt đời vua Tự Đức cấm đạo.

Gánh nặng Giám mục

Sườn đồi Can-vê trơn dốc của Cha Va-lăng-tanh bắt đầu… Mấy ngày sau khi đã gặp Đức Giám mục địa phận, Cha đi ẩn ngay, trốn tránh trong đêm tối, hết làng này đến làng kia, chui rúc giữa bãi sậy bùn lầy. Với một thừa sai vừa chân ướt chân ráo đến đây, tiếng nói bập bẹ, mọi cái đều lạ lẫm thì cảnh trên kia càng bi đát hơn.

Thêm vào đó, cơn bách hại càng ngày càng tăng vì tình hình chính trị trong nước rối ren. Năm 1858, bên ngoài Pháp xâm chiếm nước ta, bên trong, ông Phê-rô Phùng Minh là người có đạo nổi lên với chủ trương khôi phục nhà Lê. Để đối phó, vua Tự Đức dồn dập ra các sắc chỉ cấm đạo mới, người thi hành ở Nam Định là Tổng đốc Nguyễn Đình Tân, nổi tiếng ghét đạo và tàn ác. Địa phận Trung của Cha Va-lăng-tanh nằm trong quyền lực của ông lại là một địa phận đông dân nên bị tàn phá đau thương nhất. Ròng rã suốt ba năm là thừa sai trên đất Việt, Cha không những chứng kiến cảnh chết chóc, hành hung, cách đối xử tàn bạo mà các người có đạo phải chịu mà chính Cha là một nạn nhân, một địa phận mà Cha đã nói: “Ở đầu các vị tử đạo, máu đang sôi”.

Giữa hoàn cảnh thương tâm này, Cha Va-lăng-tanh còn phải chịu một nỗi đau đớn nhất là phải làm Giám mục, một gánh quá nặng mà trong thư viết cho Cha I nha-xu là bạn thân, người đã tâm sự rằng: “Tôi khom lưng gánh một gánh nặng mà tôi rất sợ đổ vỡ dọc đường. Tôi tưởng không khi nào tôi khổ tâm bằng khi tôi buộc lòng ưng nhận là Giám mục”. Cha Va-lăng-tanh bản tính vốn vui tươi, nhẫn nại, bình thản, thế mà người đã phải nói lên những lời lẽ thảm thương rằng: “Đức Giám mục khả kính Men-co Săm-pơ-đơ-rô để lại cho tôi gánh gia tài quá nặng là chức Giám mục, ngày nào về thiên cung tôi sẽ tố cáo ngài về việc đó”.

Thực thế, tới Việt Nam được hai tháng, tiếng nói còn ấp úng, chịu chức linh mục được 7 năm, mới 31 tuổi đã phải nhận điều khiển một địa phận đông nhất và là một địa phận được dùng làm thí điểm trong cơn bách hại. Hồi tháng 7 năm trước, Đức Cha Săng-giúyc-giô[3] dòng Thánh Đa-minh, Giám mục địa phận Trung bị trảm quyết, Đức Cha Men-co Săm-pơ-đơ-rô lên kế vị. Ông Nguyễn Đình Tân quyết bắt cho kỳ hết các giám mục ẩn ở trong khu vực ông, Đức Cha Săm-pơ-đơ-rô phải truy nã ráo riết, đầu Đức Cha được các giá vàng. Trong cơn nguy hiểm này, Đức Cha sợ có ngày đoàn chiên bơ vơ không có chủ nhăn, nên với đặc ân Toà thánh ban, Đức Cha chọn Cha Va-lăng-tanh tuy còn rất trẻ nhưng là người xứng đáng nhất để chèo lái con thuyền trong cơn giống tố này.

Một giám mục hầm trú

Cuộc tấn phong giám mục được cử hành ngày 26-6 1858 ở nhà ông Lý Chi, làng Ninh Cường. Đức Cha Săm-pơ-đơ rõ là chủ phong, hai phụ phong là Cha Chính địa phận Ri-a-nô[4] (Hoà) và Cha Ca-rơ-ra[5] (Hiểu) là cha bạn cùng năm tập với Đức Tân Giám mục. Một buổi truyền chức hiếm có, chính Đức Tân Giám mục Va-lăng-tanh thuật lại trong một bức thư gửi cho Cha Oóc-giơ (Orge):

Sau ngày được tuyển, con chỉ có vừa đủ thời giờ để tĩnh tâm, con lắng nghe tiếng Chúa, không có quyển sách nào giúp con, và thật ra không thể kiếm đâu ra một cuốn sách.

“Không những thiếu sách, nhưng chiều hôm trước lễ tấn phong mới có nửa số áo phải dùng trong lễ nghi. Đức Cha Chính và con phải vội vàng hai tay kim chỉ, đóng vai thợ may… Cám ơn Chúa, đến hôm sau… đến đúng giờ, chúng con đã tạm đủ số khăn áo xứng đáng”.

Nhưng có một điều Đức Cha Ô-qua-Va-lăng-tanh không kể là “Mũ ngọc gậy vàng”, nhưng theo lịch sử truyền giáo kể lại thì mũ và gậy Giám mục đều bọc giấy tráng kim. Tảng sáng, cuộc lễ chấm dứt và ngay đêm ấy, mỗi vị lại trở về nơi trú ẩn của mình.

Đức Cha Va-lăng-tanh trốn sang địa phận Đông ở làng Hương La. Ba tuần sau Đức Cha Săm-pơ-đơ-rô bị bắt và ngày 28-7-1858, người phải án lăng trì, một trong những hình khổ ghê rợn nhất. Đó là tin sét đánh và trận đòn chí tử giáng vào lòng Đức Cha Va-lăng-tanh.

Ở làng Hương la, Tử Nê tỉnh Bắc Ninh Đức Cha Va-lăng-tanh tìm được một hầm trú ẩn và lập tòa “Giám mục” ở đây. Đức Cha sống ở hầm này gần ba năm, hầu suốt đời Giám mục chỉ trừ vài tháng trước khi người qua đời, vì thế người được mệnh danh là Giám mục hầm trú.

Từ hầm này, Đức Cha cai trị địa phận và người cũng là linh hồn của địa phận. Ở đây Đức Cha cầu nguyện, thư từ, viết thông cáo và học. Thực lạ lùng, Đức Cha vẫn giữ được tâm hồn an bình, tin tưởng giữa cơn sấm sét đang hoành hành bên ngoài. Người vẫn chuyên lo đến học đường và chủng viện. Lúc nào cũng có mấy chủng sinh bên cạnh để dạy dỗ và huấn luyện, đào tạo các linh mục tương lai.

Thỉnh thoảng lắm, người mới ra khỏi hầm để đi làm các phép cho người ốm, đi xưng tội, thăm Đức Cha già Héc-mô-di-la nhưng không bao giờ đi quá làng Đức Trai và Tử Nê. Thường là đi ban đêm, lén lút, bí mật. Từ ngày người vào hầm, cơn bách hại chuyển dần sang hủy hoại, tàn phá tăng lên mãi. Hàng ngày người luôn được những tin dữ và người thấy mình hoàn toàn bất lực không thể cứu vãn được ngoài việc cầu nguyện. Năm đầu tiên ở trong hầm trú, người đã viết sang Thành Bộ Truyền Giáo rằng “Con rất sợ ít tháng nữa, địa phận sẽ không còn thừa sai, linh mục, không còn chủng sinh, thầy giảng và không biết con có nên nói thêm nữa là không còn bổn đạo”.

Ba năm rưỡi đời Giám mục của người giông bão liên tiếp, chính người đã viết trong một thư rằng “Cánh đồng truyền giáo không lấy được một ngày quang đãng, không một ngày nào không phải gắng tỏ mặt vui tươi, đổi tiếng rên rì thành khúc ca. Không ngày nào không có đau thương để khóc, phải lo lắng tìm cách chữa chạy, hay một người đến do thám, quan quân truy nã”.

Ở trong hầm này, Đức Cha phải đau khổ vì người khác đau khổ. Năm cuối đời người có viết: “Giờ đây có hai việc làm tôi khổ tâm xao xuyến: một là ở ngoài địa phận mà không biết, không hy vọng ngày nào trở về, hai là sống lén lút không có thể khuyến khích nâng đỡ con chiên và cùng họ phải đau đớn thực sự”,

Cùng ở trong hầm này, người ôm ấp, ước ao phúc tử đạo đã chớm nở từ hồi niên thiếu cùng với nguyện vọng làm thừa sai truyền giáo tại Việt Nam. Ở hầm này người muốn ra nộp mình cho các quan, hy vọng làm dịu cơn bách hại.

Sắc lệnh phần sáp: kế hoạch hỏa ngục

Sau một thời gian đồn thổi, ngày 5-8-1861, ngày công bố sắc lệnh phần sáp tàn ác và nham hiểm nhất trong suốt thời gian bách hại đạo ở Việt Nam.

Đức Cha Va-lăng-tanh đã hồi hộp lo sợ sắc chỉ này ra đời, tháng chạp năm 1859, Đức Cha viết: “Nếu Chúa không thương kìm hãm quân thù, phá tan mưu mô quỷ quái của chúng, hay nếu Chúa không ban nhiều phép lạ ơn thánh, thì đó là nhát đòn chí tử cho đạo trong địa phận và trong những nơi kế hoạch hỏa ngục này được các quan thi hành”.

Sắc lệnh bất công này đã được công bố, một sắc lệnh vắn tắt nhưng khủng khiếp, tàn ác. Máu chảy chan hoà trên lãnh thổ Việt Nam.

Sầu héo và kinh khủng xâm nhập lòng mọi giáo dân; đàn ông ảo não đau buồn, đàn bà than thở rên xiết, thanh niên kêu khóc, trẻ thơ cũng gào thét nức nở vì thấy mẹ chúng nước mắt đầm đìa.

Sắc lệnh được thi hành triệt để ngay: các gia đình có đạo phải chia lìa, người chồng phải cưỡng bách xa vợ, thanh niên phải đưa ra khỏi nhà cha mẹ, thiếu nữ bị người ngoại tranh cướp, trẻ con phải trao cho người ngoại giáo dục. Người có đạo mất của cải, nhà cửa, nhiều người bị bóc lột trần trụi, bị hành hạ hơn con vật. Địa phận Trung của Đức Cha Va-lăng-tanh bao giờ cũng là mảnh đất chịu tàn phá hơn cả. Tổng đốc Hưng Yên treo giải thưởng cho làng nào sát hại được nhiều giáo dân nhất. Đức Cha Va-lăng-tanh thấy thảm cảnh ấy đã phải than thở; “Thật là khổ cực, khi phải thấy khổ cực chồng chất khổ cực và khổ cực nhất là thấy khổ cực không cạn, không vơi”.

Thật là tột đỉnh của bách hại. Theo quan niệm trần thế mà nói thì Giáo hội Việt Nam đang trong cơn hấp hối, chờ đón cái chết rất gần tới. Nhưng Giáo hội này vẫn bền vững vì được xây trên nền móng là xương máu của hàng vạn vị tử đạo.

Lời khấn với Mẹ Vô Nhiễm

Đang khi đất nước Việt Nam trải qua cơn sóng gió kinh hoàng, thì cả thế giới công giáo vui mừng về tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm mà Đức Thánh Cha Pi-ô thứ IX mới công bố, và đến năm 1858 toàn dân công giáo sôi nổi về những lần Đức Mẹ hiện ra Lộ Đức thuộc nước Pháp xưng mình là “Đấng đầu thai vô nhiễm”, âm vang này đã vọng tới tại “Đức Giám Mục Hầm Trú”. Ở tòa Giám mục có một không hai trên thế giới, Đức Cha nói: “Tôi cũng cố kéo áo Mẹ Đồng Trinh, để mắt mẹ đoái thương nhìn các con cái tôi đang phải đau khổ cực độ”.

Một điều nổi bật nơi Đức Cha Va-lăng-tanh là lòng sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm, một tình yêu mạnh mẽ đối với Mẹ Maria đã chớm nở từ hồi còn trẻ thơ. Bây giờ lòng sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm được các sự kiện bên ngoài cổ võ thêm. Vì thế với hết lòng tôn mến yêu, Đức Cha Va-lăng-tanh, cùng với Cha Chính Ri-a-nố, khấn xây một nhà thờ dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm và nhận Đức Mẹ là quan thày địa phận, nếu Chúa cho giáo dân được an bình. Đó cũng là lời trối, Đức Cha để lại cho các con yêu dấu của người mà ở địa phận Trung và các miền truyền giáo thuộc dòng Thánh Đa-minh gọi bằng tên quen thuộc “Lời khấn với Mẹ Vô Nhiễm”.

Đức Cha Va-lăng-tanh đã ngã gục trong cơn Tự Đức bách hại, nhưng rồi an bình trở lại, Cha Ri-a-nô là người chứng kiến lời khấn trên, là người đã từng chịu bao đau khổ, Cha đã đi tiên phong trong việc giữ trọn “lời khấn”.

Cha Chính Ri-a-nô đã khởi công xây một nhà nguyện ở làng Phú Nhai. Năm 1881, nhà nguyện biến thành thánh đường. Năm 1917 thánh đường trên bị đổ nát, một đại thánh đường khác được dựng lên thay thế và được cung hiến ngày 7-12-1923. Nhưng thảm hại thay, ngày 30-7-1929 bị tàn phá vì cơn bão.

Chỉ bốn năm sau, ngày 7-12-1933, một thánh đường nguy nga đồ sộ đã đứng hiên ngang ở Phú Nhai, một thánh đường rộng lớn nhất ở Việt Nam, trông xa như một trái núi, như một pháo đài kiên cổ bảo vệ cả miền duyên hải rộng lớn. Thánh đường nguy nga đứng đó nhắc cho mọi người nhớ tới “Lời khấn với Mẹ Vô Nhiễm” của vị “Giám Mục Hầm Trú” tử đạo, nhắc đến những ngày tàn phá đau thương nhưng kết quả của nó là sự hưng thịnh mạnh mẽ, một sức sống dồi dào, một đức tin đang vươn lên vững mạnh và cũng là bằng chứng yên ủi chúng ta khi phải thử thách bách hại.

Cành vạn tuế thắng trận

Sắc chỉ phân sáp tháng 8-1861 được thi hành triệt để trên khắp lãnh thổ Việt Nam với những phương pháp mới, nó theo dõi cả những người thi hành. Các quan nơm nớp lo sợ những hình phạt ghê rợn đang đe dọa họ, nếu không thi hành đúng, nên họ không dám làm trệch một ly. Vì thế hai tháng sau khi công bố sắc lệnh, việc phân sáp đã hoàn thành. Không còn một làng có đạo nào. Nạn hồng thủy tràn ngập khắp nơi đến tận miền “Đức Giám Mục Hầm Trú”.

Những cuộc truy nã, bao vây liên tiếp khắp nơi, Đức Cha Va-lăng-tanh phải bỏ hầm, xuống thuyền cùng với Cha A-ma-tô lênh đênh trên dòng sông Cầu, một con sông đi ngang qua thị xã Hải Dương. Ba tuần trôi qua, thuyền của Đức Cha Va-lăng-tanh cùng với thuyền của Đức Cha Héc-mô-di-la vẫn bình tĩnh thản nhiên như một chiếc thuyền của dân chài, không ai nghi ngờ, Nhưng rồi con người chủ thuyền của Đức Cha Héc-mô di-la đã phản bội, đi tố giác. Đức Cha Héc-mô-di-la và thầy Giuse Khang bị bắt ngày 20-10-1861. Thuyền Đức Cha Va-lăng tanh ở gần đấy, may chạy thoát, Đức Cha và Cha An-ma-tô trốn lên bờ, nhưng đã lộ, hai ngài không còn mảnh đất nào để trú ẩn.

Các thầy giảng tìm một thuyền khác để mời Đức Cha và Cha An-ma-tô lên địa phận Bắc tương đối yên ổn hơn. Nhưng Đức Cha luôn nghĩ đến địa phận và con chiên, và trong giờ phút quan trọng của cuộc đời, người muốn được chết trong địa phận. Các thày nài xin mãi, Đức Cha mới ưng nhận và hai ngài tạm trú ở nhà ông phó lý là người không có đạo mà giáo dân quen biết, Ông này hứa sẽ tìm cho các ngài nơi ở vững chắc.

Nhưng chính ông lại bày mưu nộp Đức Cha và Cha An-ma-tô. Sáng sớm ngày 25-10-1861, quan quân vây chặt, không tài nào trốn thoát. Đức Cha Va-lăng-tanh nói: “Mọi việc đã xong xuôi”. Hai ngài bị đóng gông giải về thị xã Hải Dương. Trước cổng thành một tượng Thánh Giá đã đặt sẵn, hai ngài quỳ xuống thờ lạy, rồi Đức Cha Va-lăng-tanh đứng lên oai nghi bảo họ: “Nếu không cất tượng này đi, thì dù đánh chết, chúng tôi cũng không vào thành”.

Quan nhượng bộ

Trước tòa án quan hỏi những câu thường quen. Đức Cha Va-lăng-tanh nhận mình là Giám mục địa phận Trung ở Nam Định, ngài nói đi nói lại, hy vọng quan sẽ trả về Tổng Đốc Nam Định, như vậy người sẽ được thỏa lòng mong ước là được đổ máu vì Đức Tin giữa đoàn chiên yêu quý.

Đức Cha phải nhốt vào cũi, khiêng vào ngục. Ở đây Cha vui mừng được gặp lại Đức Cha già Héc-mô di-la. Rồi các ngài phải kết án trảm quyết đệ vào kinh để vua châu phê.

Vua Tự Đức hân hoan vì tỉnh Hải Dương bắt được ba Tây dương đạo trưởng, nhất là Đức Cha Héc-mô-di la, một Giám mục nổi tiếng và đã 20 năm nay trong các công văn gửi đi truy nã với tên “Trùm Vọng”, ngài đã lọt lưới suốt thời các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị. Vua truyền giải ba người về kinh để chính vua phán quyết vụ này.

Nhưng khi sắc chỉ tới Hải Dương thì ba vị anh hùng Đức Tin đã đang hưởng vinh phúc trên trời rồi. Vì Tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Tân đã bắt quan Tổng đốc Hải Dương dưới quyền ông phải thi hành ngay, không cần đợi vua y án.

Ngày 1-11 Đức Cha Va-lăng-tanh phải xử ở pháp trường Năm Mẫu Hải Dương cùng với Đức Cha Hec-mô-di-la và Cha An-ma-tô. Ngày lễ Các Thánh, thiên cung đón thêm ba đáng thánh tử đạo, trong đó có một thánh Giám Mục rất trẻ và cũng như trẻ thêm với cành vạn tuế thắng trận xanh tươi đó là Đức Cha Va-lăng-tanh mới 34 tuổi, ngài dâng mình cho Chúa cả một mùa xuân của sức sống mãnh liệt, một dòng máu sôi sục đỏ thắm.

Vinh quang

Đầu Đức Cha Va-lăng-tanh phải bêu, giáo dân chuộc được đem về táng ở làng Yên Đạt. Xác chôn ngay tại pháp trường. Sau lại chuộc được xác đưa về làng Thọ Ninh.

Từ đó Chúa đã làm hiển danh đầy tớ Chúa. Từ khi chuộc xác cho đến khi chuyển thì hài đã xảy ra biết bao sự lạ, nhất là khi kéo xác đã chôn ba tháng từ dưới bùn lên mà không bị vết nhơ, không hư thối.

Mấy năm sau xác Đức Cha Va-lăng-tanh được đưa về địa phận Trung, rồi Đức Cha Sơ-dông[6] (Khay) lo liệu chở sang Ma-ni-la. Dịp này Chúa quan phòng lại tỏ uy quyền Chúa. Thi hài Đức Cha giao cho một số nhà buôn ngoại giáo người Trung Hoa, giữa đường gặp bão, mê tín họ cho là mình chở xác người có đạo, nên bàn nhau quẳng quan tài Đức Cha xuống biển. Tất cả tưởng mất tăm, nhưng chỉ ít lâu sau đã tìm thấy và được đưa về địa phận Trung.

Năm 1885, hài cốt Đức Cha được đưa về Ma-ni-la, rồi gửi về Tây Ban Nha. Lễ đón nhận hài cốt Đức Cha ở hải cảng Ba-xơ-lon (Barcelone) là cuộc khải hoàn vinh quang của Đức Cha trở lại quê hương, Cuộc rước kiệu vĩ đại qua thành phố đưa về đại thánh đường, cả một biển người dồn đến kính viếng vị Giám mục tử đạo Việt Nam.

Rồi cuộc khải hoàn còn tiếp diễn khi chở hài cốt về tỉnh Vi-cai-a táng trong nhà thờ xứ Ê-lô-ri-ô là quê hương Đức Cha, ở chính nơi, mới 60 năm về trước, anh hùng tử đạo đã chịu phép Rửa tội.

Nhưng vinh quang còn tiến thêm mãi. Chưa đầy 45 năm sau ngày lĩnh triều thiên tử đạo, ngày 15-4-1906, Đức Thánh Cha Pi-ố X đã long trọng phong chân phúc cho Đức Cha Ô-qua Bê-ri-ô Va-lăng-tanh.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa và chờ mong ngày Đức Cha Va-lăng-tanh được tôn phong hiển thánh tức là ngài tiến đến vinh quang tột đỉnh trần gian.

Và ngày đó chính là ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong Người lên bậc hiển thánh.


[1] Estevez.

[2] Melchor Sampedro.

[3] Sanjurjo.

[4] Riano.

[5] Carera.

[6] Cezon.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn