Ngày 16/11: Thánh nữ Ma-ga-ri-ta Scốt-len (khoảng 1046-1093), Lễ nhớ tùy chọn
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Marguerite qua đời tại Edinburg, Tô Cách Lan, ngày 16 tháng 11 năm 1093. Lễ nhớ trước kia mừng vào ngày 19 tháng 6, nay được mừng đúng ngày giỗ của ngài, 16 tháng 11. Ngài là bổn mạng nước Tô Cách Lan.
Thánh Marguerite là cháu nội thánh Stephan nước Hungari. Ngài sinh khoảng năm 1045 tại Hungari, trong thời kỳ gia đình sống lưu vong tại đây. Năm 1057 ngài được trở về nước Anh, quê hương ngài, sau cuộc trở về của vua Édouard, anh cùng cha khác mẹ với ngài, sau này cũng làm thánh. Nhưng vài năm sau, thánh Marguerite cùng gia đình lại phải lánh nạn sang Tô Cách Lan, vì cuộc chiến do Guillaume Nhà Chinh Phục dấy lên chống lại vua Harold II, và vua đã thua trận ở Hastings năm 1066.
Tại Tô Cách Lan, quyền bính nằm trong tay bạo chúa Malcom III, biệt danh là “tên Khát máu”, vì đã tru diệt tất cả những người ủng hộ Macbeth. Vua này đã cưới Marguerite. Bà trở thành hoàng hậu nước Tô Cách Lan. Là người phụ nữ có học và người vợ gương mẫu, ngài đã thành công làm cho vua bỏ đi những thói quen man rợ và biến đổi triều đình. Ngài được tám người con, trong đó hai con làm thánh: Thánh Đavít và thánh Édith, sau này làm hoàng hậu nước Anh dưới danh hiệu Mathilde.
Theo Tiểu sử thánh Marguerite Tô Cách Lan do cha giải tội của ngài là Theodoric Dunfermline viết, ngài triệu tập một Công đồng cấp quốc gia, tại đó người ta loại bỏ các lạm dụng (cử hành Thánh Thể chung với các nghi lễ ngoại giáo, hôn nhân giữa những người họ hàng gần…) và đưa vào các cải cách (Mùa chay bắt đầu bằng thứ tư Lễ Tro, rước lễ mùa phục sinh, nghỉ ngày Chủ nhật…). Thánh Marguerite còn tỏ ra là một nhà thần học; với những người nói với ngài: “Chúng tôi là người tội lỗi, chúng tôi thà không rước lễ còn hơn rước lễ bất xứng”, ngài trả lời: “Nhưng Hội Thánh tiếp nhận mọi người tội lỗi biết ăn năn sám hối.”
Trong mùa Vọng và mùa Chay, ngài thực hành việc hãm mình nghiêm nhặt và cầu nguyện. Theo nhà viết tiểu sử, ngài cũng xây các tu viện, thánh đường và nhà trọ cho những khách vãng lai và chuộc lại những tù nhân người Anh bị giam giữ ở Tô Cách Lan. Vị nữ hoàng thánh thiện này qua đời chỉ một thời gian ngắn sau khi chồng và con trai cả của ngài bị giết trong trận chiến chống lại Guillaume Râu Đỏ của nước Anh. Trước khi trút hơi thở, ngài đọc bằng tiếng la-tinh lời nguyện lúc chuẩn bị rước lễ: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. . .”. Ngài được an táng trong tu viện Dunfermline do chính ngài đã xây cất.
Dân chúng Tô Cách Lan tự động phát triển lòng sùng kính vị nữ hoàng thánh thiện của họ. Năm 1673, thánh Marguerite được Đức giáo hoàng Clément X tôn làm bổn mạng nước Tô Cách Lan, và năm 1693, việc sùng kính ngài được mở rộng cho Hội Thánh toàn cầu.
II. Thông điệp và tính thời sự
Lời Nguyện của ngày khen ngợi thánh Marguerite là vị thánh “kỳ diệu” đã thể hiện “lòng bác ái cao cả đối với người nghèo”. Ngài không chỉ hài lòng là một người vợ gương mẫu biết dung hoà tình yêu vợ chồng và gia đình với một đời sống tôn giáo sâu đậm. Mỗi ngày ngài đọc nhiều Giờ Kinh Phụng vụ và hết sức sốt sắng tham dự Thánh Thể, được cử hành trọng thể. Ngài cũng dấn thân vào rất nhiều công cuộc từ thiện. Mỗi ngày, ngài phục vụ cho 80 người nghèo trước khi ngài dùng bữa, và rửa chân cho 6 người trong số họ. Vào mùa Vọng và mùa Chay, ngài không chịu vào bàn ăn trước khi đã phục vụ cho 300 người nghèo trong một căn phòng to lớn.
Là mẹ của tám người con, ngài cũng là một người vợ trung thành, cộng tác hoàn toàn vào việc cai trị đất nước. Ngài có ảnh hưởng to lớn đối với vua là chồng của ngài, ngài làm dịu bớt những thói tục man rợ của ông và góp phần một cách hiệu quả và lâu bền vào việc canh tân tôn giáo cho dân Tô Cách Lan. “. . . Gia đình Kitô giáo, vì phát sinh từ hôn nhân là hình ảnh và là sự tham dự vào giao ước tình yêu kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, nên sẽ tỏ cho mọi người thấy sự hiện diện sống động của Đấng Cứu Thế trong thế giới, và bản chất đích thực của Hội Thánh. Gia đình Kitô giáo sẽ làm điều đó nhờ tình yêu vợ chồng, sự quảng đại trong việc sinh sản, sự hợp nhất và trung thành của vợ chồng, sự hoà hợp của mọi phần tử trong gia đình.”
Bài đọc I (Sách Châm ngôn 31, 10. . .31) và Tin Mừng (Mt 13, 44-46) của thánh lễ nói về những viên ngọc hay châu ngọc rõ ràng ám chỉ tới tên của thánh nữ. Thực vậy, tên của ngài tiếng la-tinh là “margarita” có nghĩa là châu ngọc. Các tranh ảnh thánh trình bày thánh Ma-ga-ri-ta là một hoàng hậu đang làm việc bác ái cho người nghèo.
Enzo Lodi