Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay Năm B

Bài đọc 1:  2 Sb 36,14-16.19-23

Chúa đày ải và giải phóng dân để bày tỏ cơn thịnh nộ và lòng thương xót.

Bài trích sách Sử biên niên quyển thứ hai.

14 Khi ấy, tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giê-ru-sa-lem ra ô uế. 15 Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. 16 Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người, khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa.

19 Quân Can-đê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Giê-ru-sa-lem, phóng hoả đốt các lâu đài trong thành và phá huỷ mọi đồ đạc quý giá. 20 Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Ba-by-lon ; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua, cho đến thời vương quốc Ba-tư ngự trị. 21 Thế là ứng nghiệm lời Đức Chúa phán, qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a rằng : cho đến khi đất được hưởng bù những năm sa-bát và suốt thời gian nó bị tàn phá, nó sẽ nghỉ, cho hết bảy mươi năm tròn.

22 Năm thứ nhất thời vua Ky-rô trị vì nước Ba-tư, để lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a được hoàn toàn ứng nghiệm, Đức Chúa tác động trên tâm trí Ky-rô, vua Ba-tư. Vua thông báo cho toàn vương quốc và ra sắc chỉ như sau : 23 “Ky-rô, vua Ba-tư, phán thế này : ‘Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giê-ru-sa-lem tại Giu-đa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên …!’ ”

 

Đáp ca: Tv 136,1-2.3.4-5.6 (Đ. x. c.5a.6a)

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

1Bờ sông Ba-by-lon, ta ra ngồi nức nở
mà tưởng nhớ Xi-on ;2trên những cành dương liễu,
ta tạm gác cây đàn.

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

3Bọn lính canh đòi ta hát xướng,
lũ cướp này mời gượng vui lên :
“Hát đi, hát thử đi xem
Xi-on nhạc thánh điệu quen một bài !”

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

4Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi
nơi đất khách quê người ?5Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
thì tay gảy đàn thành tê bại !

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

6Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm,
nếu ta không hoài niệm, không còn lấy Giê-ru-sa-lem
làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn.

Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.

 

Bài đọc 2: Ep 2,4-10

Anh em đã chết vì phạm tội, nhưng được cứu độ nhờ ân sủng.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

4 Thưa anh em, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, 5 nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ ! 6 Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.

7 Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người. 8 Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ : đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa ; 9 cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. 10 Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.

Tung hô Tin Mừng: Ga 3,16

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời.

 

Tin Mừng: Ga 3,14-21

Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

14 Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

16 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. 19 Và đây là bản án : ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ : các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Suy niệm (Lm. Phê rô Đỗ Đức Kiên, C.Ss.R)

Phụng vụ Chúa Nhật IV Mùa Chay cho phép sử dụng phẩm phục màu hồng, mời gọi cộng đoàn dân Chúa hãy vui lên vì biến cố Vượt Qua đang cận kề. Các Bài đọc Lời Chúa tuần này mời gọi chúng ta thêm một lần nữa chiêm ngưỡng tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại là tình yêu đi bước trước, tình yêu không điều kiện. Trong cuộc tình giữa Thiên Chúa và nhân loại thì Ngài luôn là phía chủ động và thi ân như thánh Phaolô Tông đồ khẳng định: “Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ : đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa;” (Ep 2,8). Mỗi người tin được mời gọi tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa và thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta. (Ep 2,10).

Lạy Chúa Giêsu, trong hành trình sống đức tin của mỗi người chúng con, chúng con kinh nghiệm nhiều lần bất trung với Chúa như dân Chúa thuở xưa. Chúng con cũng được nếm trải lòng nhân từ xót thương của Chúa mỗi khi chúng con lãnh nhận Bí tích Giao hòa. Xin cho chúng con không bao giờ đánh mất niềm hy vọng trên cuộc lữ thứ trần gian này. Xin cho chúng con biết siêng năng chiêm ngắm, suy niệm và sống mầu nhiệm Thánh giá, bằng chứng tình yêu vô biên của Chúa dành cho chúng con. Amen.

CON CẬY CHÚA CỨU (Lm. Đaminh Nguyễn Xuân Trường)

Có một thực tế trong đời sống ai cũng nhận thấy: Nhân loại lỗi lầm. Lịch sử nhân loại là lịch sử của tội này chồng tội khác mà con người đã gây ra cho nhau và xúc phạm đến Chúa. Con người cần được cứu độ. Vậy phải làm sao? Thánh Phaolô xác định trong bài đọc 2: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta. …Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ.”

  1. Chúa cứu.Thiên Chúa là tình yêu nên đã đi bước trước để cứu độ con người. Chúa không muốn mất người mình yêu nên Ngài sẵn sàng cứu độ nhân loại bằng mọi giá. Vì thế, Thiên Chúa ban tặng Con Một cho nhân loại, và Người Con ấy lại hiến dâng cả mạng sống để cứu độ nhân loại. Sự trao tặng tất cả này là ân sủng vĩ đại Thiên Chúa trao ban nhân loại. Thiên Chúa đã yêu hết mình, đã làm hết sức để cứu con người.
  2. Con cậy.Quà tặng cần người trao và cần cả người nhận. Thiên Chúa đã trao tặng ân sủng thì cũng cần con người mở lòng đón nhận bằng lòng tin cậy mến. Phải đón nhận quà tặng thì người ta mới có niềm vui hạnh phúc. Con người phải mở lòng đón nhận ân sủng Chúa tặng ban thì mới được cứu độ, mới được sống đời đời. Đức tin là mở lòng đón nhận ân sủng, là hết lòng cậy trông vào Chúa cứu.

Thiên Chúa đã yêu thương cứu độ bằng một tình yêu hy sinh trao tặng tất cả. Xin cho chúng ta biết cảm nghiệm và cảm tạ tình yêu Chúa bằng lòng cậy trông tín thác. Để chúng ta vui hưởng ơn cứu độ, và vui mừng loan báo cùng làm chứng ơn cứu độ của Chúa cho những người khác. Có thể nói như tục ngữ Việt Nam: Trẻ cậy cha, già cậy con, cả nhà cậy Chúa. Amen.

Tác phẩm nghệ thuật của Thiên Chúa (Denis McBride CSsR)
Bác sĩ và Chúa
Trong tiểu thuyết “Bác sĩ Fischer ở Geneva”, tác giả Graham Greene cho thấy có hai thế lực cạnh tranh trong đời sống con người : lòng tự trọng và lòng tham. Nhân vật chính, bác sĩ Fischer, là một người có khuynh hướng công khai khinh thường người khác. Ông kiếm được hàng triệu đô-la từ loại kem đánh răng dành cho người ăn quá nhiều sô-cô-la Thụy Sĩ. Ông gầy dựng quanh mình một nhóm người mà ông thích trêu chọc và hành hạ. Tại những bữa tiệc quan trọng do ông tổ chức, ông đánh vào lòng tham của khách mời bằng cách tặng họ những món quà sang trọng nếu họ chấp nhận bị ông sỉ nhục. Những vị khách chấp nhận chịu đấm ăn xôi, chấp nhận bị lăng mạ vì quà tặng đắt tiền thì mất lòng tự trọng. Thế mà cứ tiệc là lại thấy mặt họ !
Bác sĩ Fischer khi được hỏi tại sao ông lại bị ám ảnh về việc hạ nhục người ta rồi tặng quà cho họ, ông giải thích : tôi chỉ đơn giản làm những gì Chúa thường làm mọi thời. Ông nói :
Các tin hữu đa cảm bảo rằng Chúa rất muốn được chúng ta yêu mến. Tôi thì nghĩ rằng Chúa chỉ muốn sỉ nhục con người. Thế giới này do Chúa tạo ra và quan phòng, chúng ta cứ phải cầu cạnh xin xỏ hết lần này đến lần khác, còn Ngài thì cứ cơ chế xin cho. Chúa hạ nhục con người rồi ban ơn để xoa dịu những tủi nhục họ phải chịu. Ý muốn không đáy và vô tận đó xoắn lấy cái thế giới này nên nó ngày càng khốn khổ.
Bác sĩ Fischer tự làm cho mình giống vị Thiên Chúa theo như suy nghĩ của ông : tặng quà để xoa dịu những sỉ nhục mình đã gây ra cho người khác. Có lẽ ý nghĩ kiểu đó về Thiên Chúa không hiếm như chúng ta tưởng : khi thấy bao nhiêu người bị cuộc đời vùi dập và thất vọng, tất cả chúng ta đều có thể tự hỏi liệu có thực Chúa yêu con người ?
Người Pharisêu và Chúa Giêsu
Trong Tin Mừng hôm nay, có một người Pharisêu trò chuyện với Chúa Giêsu về Thiên Chúa. Ông Ni-cô-đê-mô đến gặp Chúa khi màn đêm buông xuống, bóng tối phủ đầy, và ông hiểu sai những gì Ánh Sáng của thế giới nói với ông. Đây là cơ hội để Chúa Giêsu làm sáng tỏ ý của mình nên Ngài tuyên bố : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”. Món quà tối thượng ấy của Thiên Chúa được ban tặng vì tình yêu chứ không phải vì muốn hạ nhục hay lên án thế giới. Nếu thái độ của Chúa đối với thế giới là khinh thường hoặc hờ hửng thì quà tặng của Ngài thực sự sẽ là hành khổ thế gian. Và nếu Thiên Chúa có ham muốn gì đó nơi con người thì chỉ là để con người đón nhận tình yêu của Ngài. Thiên Chúa muốn có tình yêu của con người – đó là lý do tại sao Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến. Còn con người luôn khao khát tình yêu thiêng liêng – thì đó cũng là lý do tại sao Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến. Nơi Chúa Giêsu, hai cơn đói gặp nhau và cả hai được no đầy.
Tin Mừng bày tỏ hy vọng rằng nếu chúng ta thực sự tin rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta thì chắc chắn chúng ta sẽ thoát ra khỏi bóng tối đang bao phủ khiến chúng ta sai lầm. Trong tối tăm khó nhìn đúng Chúa; khó nghĩ đúng Chúa. Giống như bác sĩ Fischer, chúng ta có xu hướng biến Chúa thành giống hình ảnh và chân dung của chính mình. Chúng ta ôm lấy bóng tối và đoán mò một cách điên cuồng.
Có lẽ chúng ta sẽ dễ bước vào ánh sáng hơn nếu chúng ta tin rằng ánh sáng đó không phải là ánh sáng kết án chúng ta. Nếu chỉ một số người trong chúng ta sợ bóng tối thì tất cả chúng ta đều sợ ánh sáng. Chúng ta sợ phải đứng ở một nơi quá sáng, lộ liễu và không có khả năng tự vệ. Nhưng đó là hình ảnh của thần tối tăm chứ không phải Thiên Chúa của ánh sáng. Thiên Chúa không đứng trong bóng tối rình ở cửa, sẵn sàng hạ nhục chúng ta bằng ánh sáng sự thật. Mục đích của ánh sáng là soi sáng chứ không phải làm mù mắt. Chúa muốn nhìn thấy chúng ta trong ánh sáng. Suy cho cùng, như bài đọc thứ hai thánh Phao-lô nói với chúng ta : “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.”
Tác phẩm nghệ thuật của Thiên Chúa
Hầu hết chúng ta khó nghĩ rằng mình là tác phẩm nghệ thuật của Chúa. Nghĩ mình là sản phẩm lỗi của Chúa chắc là dễ hơn. Nhưng lời thánh Phao-lô nói rằng chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa không phải là lời giả dối. Chúng ta có thể tự phác họa hình ảnh của mình nhưng đừng nghĩ Thiên Chúa cùng quan điểm đó. Tin Mừng nói rằng chúng ta được tạo dựng trong tình yêu Thiên Chúa, chúng ta là tác phẩm nghệ thuật của Ngài. Chúng ta phải bắt đầu tưởng tượng mình như Chúa nhìn chúng ta.
Không nên để các tác phẩm nghệ thuật mục nát, bỏ quên trong bóng tối không ai nhìn. Nếu đã bị bỏ quên trong một thời gian dài thì cần được cứu và sống lại. Mùa Chay cho chúng ta cơ hội suy nghĩ lại để phục hồi, để Thiên Chúa phát huy những điều tốt đẹp nhất nơi chúng ta. Giống như mọi công việc phục hồi, Chúa cần ánh sáng để thực hiện. Chúng ta tin vào lòng tốt của Chúa và bước ra ngoài sáng để Ngài có thể nhìn thấy chúng ta : biết đâu được, chúng ta có thể bắt đầu coi trọng tác phẩm của Chúa nơi chính mình. Được vậy, ta lại có thể thấy nhiều tác phẩm nghệ thuật của Chúa nơi người khác.

Nguyễn Minh Đức (Nhà thờ Nà Phặc) chuyển ngữ