Ta sẽ lập một giao ước mới, và không còn nhớ đến lỗi lầm của dân Ta nữa.
Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.
31 Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, 32 không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập ; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng – sấm ngôn của Đức Chúa. 33 Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. 34 Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia : “Hãy học cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.
Đ.Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng.
3Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.4Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Đ.Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng.
12Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.13Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
Đ.Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng.
14Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,
và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con ;15đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi,
ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.
Đ.Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng.
Đức Ki-tô đã học biết thế nào là vâng phục, và trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
7 Thưa anh em, khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. 8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; 9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.
Chúa nói rằng : Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.
Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
20 Khi ấy, trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. 21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng : “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” 22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. 23 Đức Giê-su trả lời : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! 24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.
27 “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống : “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa !” 29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói : “Đó là tiếng sấm !” Người khác lại bảo : “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy !” 30 Đức Giê-su đáp : “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. 31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài ! 32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” 33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.
Suy niệm (Lm. Gioan B. Hoàng Văn Khuê)
“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24), qua đó ta thấy chết đi là điều kiện cần và đủ để sự sống được trổ sinh. Nếu không chấp nhận chết đi, thì hạt lúa sẽ chấm dứt sự sống một cách ích kỷ nơi chính mình. Trái lại, nếu nó chấp nhận từ bỏ sự sống và hình dạng hạt lúa, thì nó sẽ giữ được sự sống ấy bằng cách chuyển sự sống đó sang cây lúa và sang các bông hạt sau này, nghĩa là sự sống từ bỏ kia sẽ không mất đi nhưng sẽ tồn tại mãi mãi. Và Chúa Giêsu đã sống điều này trước nhất và triệt để nhất. Ngài chấp nhận chết đi, chôn vùi trong lòng đất để trở nên nguyên nhân cứu độ, phát sinh nhiều Kitô khác. Ngài chịu treo lên thập giá là để trở thành nguồn ơn cứu độ cho chúng ta để chúng ta được nhìn lên Ngài và được sống. Ngài chết đi để trở thành Đấng ban sự sống cho chúng ta.
Lạy Chúa, chết đi là điều không hề dễ dàng, bởi chấp nhận chết là chấp nhận huỷ mình ra không; chấp nhận chết là chấp nhận sự đau đớn, sự nuối tiếc những gì mình đang có ở hiện tại. Xin ban cho chúng con sự can đảm để chết đi trong mỗi giây phút, trong mỗi chọn lựa để sống hết mình vì Chúa và mọi người Amen.
ĐƯỢC MẤT THẬT SỰ (Linh mục Đaminh Nguyễn Xuân Trường)
Phúc Âm tuần này Chúa Giêsu tuyên bố con đường cứu độ của Ngài và cũng là quy luật của đời sống: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” Đó là những lời minh triết soi sáng cho chúng ta nhận ra những được mất thật sự trong đời.
- Tưởng được mà mất.Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt giống để diễn tả thật dễ hiểu điều cứ tưởng được mà mất: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình.” Hạt giống cứ tưởng nó không bị chết, nó giữ lại được nguyên vẹn, nào ngờ, nó chỉ trơ trọi một mình. Đúng là giàu trí tưởng bở. Nó mất rất nhiều. Trong đời không thiếu những người ích kỷ, chỉ chăm chăm chú chú lo cho bản thân mình vinh thân phì gia, cứ ngỡ là được, ai ngờ mất hết nhân cách, mất hết tình nghĩa, mất cả sự sống đời đời.
- Tưởng mất lại được.Cũng hình ảnh hạt giống lại cho thấy điều tuyệt vời tưởng mất lại được: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” Hạt lúa chết đi tưởng là mất hết, nhưng thật tuyệt vời, chính lúc đó nó lại nảy sinh sự sống mới phong phú hơn nhiều. Chúa Giêsu như hạt giống được gieo vào thế giới này, đã hy sinh chết đi để trổ sinh sự sống cứu độ muôn loài và sự sống phục sinh đời đời. Trong đời, nhiều người cũng đã sống quảng đại hy sinh quên mình, cho đi tất cả. Chính lúc sống quên mình như thế thì lại được đời nhớ đến, ngưỡng mộ, ghi ơn, và nhất là được Chúa tưởng thưởng đời đời.
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy sống màu nhiệm hạt giống tự hủy chết đi, quên mình hy sinh phục vụ, để làm trổ sinh những hoa trái tươi đẹp cho mảnh vườn nhân loại. Và những hoa trái phục vụ còn giúp ta được hưởng Nước Trời như lời Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.” Amen.
Thập giá: mất và được (Denis McBride)
Mất
Cuộc sống bắt đầu trong mất mát. Khi chào đời, chúng ta bị đẩy ra khỏi cung lòng của mẹ, rồi bị kéo vào thế giới bao la bên ngoài, chịu sự trông nom của người lớn mà chẳng làm gì được. Bị ngắt kết nối với mẹ, chúng ta la lên phản đối khi bị một người lạ mặt lật úp và cho chúng ta một cái tát. Đón chào thế đấy ! Sự chia ly này thật đáng sợ dù chúng ta được trả về cho mẹ, vì bây giờ chúng ta sống trong một không gian khác với không gian của bà. Để có được một vị trí trong thế giới mới, trước tiên chúng ta phải đánh mất vị trí của mình trong thế giới cũ. Sự ra đời không tách khỏi nỗi đau khi phải buông bỏ. Đó là bài học đầu dời.
Khi nghĩ đến mất mát, chúng ta thường liên tưởng đến mất một người thân yêu nào đó khi họ chết đi. Nhưng trải nghiệm mất mát trong cuộc sống nhiều hơn chúng ta nghĩ : không chỉ là chết, mà còn có ai đó rời đi, bị bỏ rơi, phải buông để bước tiếp, từ giả những ước mơ bất khả của mình. Suốt cuộc đời, chúng ta phải đối mặt với hàng loạt mất mát cần thiết, con người, các mối quan hệ, sự gắn bó mà chúng ta phải từ bỏ nếu muốn trưởng thành. Sự phát triển dần dần của chúng ta được đánh dấu bằng từ bỏ, vì chỉ qua những mất mát, chúng ta mới học được cách thay đổi để thích nghi và đạt được những ích lợi mới. Thất bại là mẹ thành công.
Khi lớn lên, chúng ta phải từ bỏ sức trẻ, những dự tính không bị hạn chế, vòng eo thon thả, ước mơ cứu thế giới, những kỳ vọng viển vông vào người khác, niềm tin ngây thơ vào sự tiến bộ của thế giới. Sẽ đến lúc chúng ta phải buông bỏ chính cuộc sống, và hành động cuối cùng đó có thể là sự ra đi đau đớn như hành động chào đời. Nhưng giữa chuỗi mất mát này có thể có sự phát triển mới và sự sống mới. Như Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay :
Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
Con đường thập giá
Cái chết của Chúa Giêsu đang ở phía trước. Giờ đã đến. Những người hành hương đang đến Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua, trong đó có một số người Hy Lạp mới theo đạo hoặc có thiện cảm với đạo Do Thái muốn gặp Chúa Giêsu. Trong lễ Vượt Qua này con chiên hiến tế chính là Chúa Giêsu. Đã đến lúc Chúa Giêsu không còn thời gian nữa. Ngài phải đối mặt với mất tự do, mất bạn hữu, mất trợ giúp và mất cả mạng sống. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả sự mất mát này khiến Ngài phiền muộn.
Tin Mừng Nhất Lãm nói về cuộc hấp hối của Chúa Giêsu trên Núi Cây Dầu, Chúa Giêsu đau khổ thế nào trước cái chết đang đến gần, cầu nguyện và hy vọng ý Cha tránh bạo lực trong sứ vụ. Tin Mừng Gioan không có cảnh thống khổ. Chúa Giêsu bối rối, nhưng Ngài từ chối cám dỗ xin Chúa Cha cứu Ngài khỏi những gì sắp xảy đến : “Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Trong bức chân dung này, Chúa Giêsu ý thức rằng không thể tránh khỏi đau thương và sự mất mát để danh Cha được tôn vinh. Sẽ có được lợi ích từ nỗi đau; sẽ có vinh quang từ con đường thập giá.
Đối với Chúa Giêsu, nghĩ rằng có thể tránh được đau khổ là hy vọng hão huyền cần phải từ bỏ, việc mất mạng sống là mất mát cần thiết.
Con đường thập giá xuất hiện trong cám dỗ ngay từ đầu sứ vụ giờ đây là điều không thể tránh khỏi. Giờ đã đến. Quyết định của Ngài là trải qua nhục nhã, đau khổ và bị xử tử trên thập giá. Điều này, như Thánh Gioan thừa nhận, không có nghĩa là Chúa Giêsu không lo lắng về những gì sắp xảy ra. Cơn đau sẽ vẫn gay gắt; sự mất mát vẫn sẽ rất nặng nề, nhưng tình liên đới của Chúa Cha với Con Ngài sẽ giúp Chúa Giêsu đi đến cùng. Chỉ có điều đó mới chỉ ra tất cả.
Mất và được
Sự mất mát của Chúa Giêsu có lợi cho chúng ta. Hành động quên mình triệt để của Ngài là trung tâm của câu chuyện Kitô giáo. Ngài là hạt lúa mì chết đi để sinh nhiều hạt khác. Đó là lý do tại sao thập giá có vị trí nổi bật ở bất cứ nơi nào các Ki-tô hữu tụ tập. Sự mất mát lớn lao trong cuộc đời Chúa Giêsu – mất thật lớn – đã trở nên nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta. Nó chỉ cho chúng ta vượt khỏi thực tế đau khổ để vươn tới thực tế Phục Sinh.
Tuy vậy, khi chính chúng ta mất mát, thật khó tưởng tượng ra điều gì tốt đẹp có thể nảy sinh từ đau khổ. Đôi khi khổ đau khiến chúng ta im lặng đến mức câm lặng khư khư ôm lấy nỗi đau của chính mình. Vào thời điểm đó, ít người trong chúng ta có thể nhìn ra được giá trị nào nơi dau khổ – thường thì tất cả dường như vô nghĩa. Cộng đoàn Kitô hữu cần thời gian để hiểu cái chết của Chúa Giêsu, thì họ cũng cần được giúp đỡ để thấy rằng sự mất mát lớn lao của họ không chỉ là một tai họa khủng khiếp. Chúng ta cần thời gian và sự giúp đỡ. Như vậy chúng ta mới có thể nhìn lại, giống như Tin Mừng nhìn lại khổ nạn của Chúa Giê-su, và trân trọng những gì tốt đẹp nảy sinh từ sự mất mát.
Nguyễn Minh Đức (Nhà thờ Nà Phặc) chuyển ngữ
Phải “chết” để được “sống” (Nt. Anna Emmanuel Vũ Hiên)
“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”(Ga 12,24).
Mỗi chúng ta là một hạt giống được Thiên Chúa gieo vào mảnh đất là Gia Đình, chúng ta được hiện diện giữa lòng thế giới qua các mảnh đất khác nhau của dòng thời gian. Nơi đó, chắc hẳn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta đủ chất dinh dưỡng để được nuôi sống, nên Ngài luôn mong chúng ta nảy mầm và lớn lên tươi tốt và trổ sinh nhiều hoa trái trên mảnh đất này.
Thật là ý nghĩa khi chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ V Mùa Chay năm B, Giáo hội trình bày đoạn Tin Mừng (Ga 12, 22-30), giúp chúng ta chuẩn bị bước vào Tuần Thánh tốt hơn và sống một cách sâu xa những mầu nhiệm quan trọng trong đời sống người Kitô hữu.
Hình ảnh “hạt lúa phải chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” là chính Đức Giêsu, Ngài là hạt lúa mì của Thiên Chúa Cha gieo xuống cánh đồng trần gian đã vui lòng chết đi trên cây thập giá để chúng ta được sống. Thế nên, Ngài cũng muốn chúng ta phải “chết đi” để đời sống đức tin, đời sống tâm linh của chúng ta được trổ sinh nhiều hoa trái. Quả thật, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một nguồn suối vô tận của sự sống mới, bởi vì nó mang theo trong chính nó sức mạnh tái sinh của tình yêu thương nơi Thiên Chúa. Ðược dìm mình trong tình yêu đó qua Bí Tích Rửa Tội để chúng ta trở thành “các hạt lúa” và đem lại nhiều bông hạt.
Thiên Chúa yêu chúng ta là thế đó, Ngài chấp nhận hy sinh mạng sống để chúng ta được sống.
BẠN và TÔI:
- Chúng ta đã làm gì với sự sống Chúa ban?
- Chúng ta có dám “chết đi”, dám “bước ra” khỏi những “lớp vỏ” an toàn để được sinh trưởng không?
- Chúng ta có “dám chết” cho những ý muốn riêng của mình để thi hành thánh ý Thiên Chúa không?
- Chúng ta có dám từ bỏ những “đồ vật” mà chúng ta quyến luyến, một “nơi chốn”, mà ở đó chúng ta dễ sa ngã và phạm tội không?
- Tất cả những cản trở đó, chúng ta có dám “chết đi” để Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng ta hay không?
Mỗi khi chúng ta phạm tội là lúc chúng ta đã sống vô ơn với ân sủng sự sống mà Chúa Giêsu đã hy sinh chuộc lại. Sự sống của chúng ta hôm nay và mãi mãi đã được đổi bằng giá máu của Chúa Giêsu, nên chúng ta cần phải trân quý, bảo vệ và có bổn phận sinh nhiều hoa trái.
Lạy Chúa, Ngài là hạt lúa mì của Thiên Chúa Cha gieo xuống cánh đồng trần gian đã vui lòng chết đi trên cây thập giá để cho chúng con được sống. Xin cho chúng con đừng vì những đam mê thế gian mà đánh mất sự sống đời đời, cũng xin cho chúng con thấy được đâu là những điều chúng con cần phải “chết đi” nơi con người của mình, để chúng con thực sự nếm cảm được niềm vui của “Sự Sống Mới”. Amen.
Giờ của Người chưa đến (Sr. Maria)
Khi đọc Tin Mừng theo thánh Gioan, độc giả sẽ nhận thấy rất nhiều lần Đức Giêsu nói tới ý niệm GIỜ của Đức Giêsu, ví dụ như: “vì giờ của Người chưa đến” (Ga 7,30), hay “Giờ của tôi chưa đến” (Ga 8,20)… Vậy khi nhắc đến giờ ấy, thánh Gioan có ý nói gì? Người viết thử tìm hiểu về ý niệm GIỜ trong Tin Mừng theo thánh Gioan.
Thánh Gioan sử dụng 26 lần ý niệm “giờ” (ὥρα) trong Tin Mừng ngài viết. Đây là một trong những ý niệm về thời gian mà thánh Gioan sử dụng khi trình bày về mầu nhiệm Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã trở nên người phàm (Ga 1,14) nhằm thực hiện ý định cứu độ của Chúa Cha cho nhân loại. Giờ bao trùm toàn bộ sứ vụ của Ngài từ khi khai mở cho tới khi kết thúc. Giờ như sức mạnh thôi thúc, cuốn hút Ngài đi tới đích điểm hoàn thành ơn cứu độ. Cụ thể giờ được trình bày trong một vài nhận định sau.
Trước tiên, giờ được xem như mốc khai mở chương trình cứu độ mà Đức Giêsu công khai thực hiện. Giờ ấy được đánh dấu bằng phép lạ tại tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12). Với việc hoá nước thành rượu, Đức Giêsu lần đầu tiên biểu lộ vinh quang của Người. Tuy nhiên, lời nói của Đức Giêsu: “Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4) cho thấy sự vâng phục của Người với thánh ý Chúa Cha: Chính Người cũng không thể cho xảy ra trước điều gì mà ngoài ý của Cha Người. Như vậy, tuy chưa có thể ban rượu của Giao Ước Mới vì giờ của Người chưa đến thì chính rượu hảo hạng được cung cấp cho thực khách là biểu tượng về sự phong phú, tràn đầy của thứ rượu mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại vào giờ Người cứu độ.
Thứ hai, giờ của Đức Giêsu là giờ của sự quy tụ và giao hoà. Trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samari (x.Ga 4,1-45), Đức Giêsu cho thấy đã đến giờ của những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật (x.Ga 4,23). Lời Đức Giêsu không chỉ giải quyết vấn đề mâu thuẫn trong việc phụng tự giữa người Samari và người Do Thái, nhưng còn hướng con người về ơn cứu độ đích thực. Vào giờ này, con người được đụng chạm đến Đấng Thiên Sai, Đấng đang ngỏ lời với họ. Như vậy, không chỉ con người tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đi bước trước tìm kiếm con người. Đó là một phần trong chương trình cứu độ mà Đức Giêsu là người đại diện thực hiện nhằm mở rộng và đưa hết mọi người vào vương quốc của Cha Người.
Thứ ba, “giờ đã đến”, giờ đi tới chặng cuối trong sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Nếu như trước đó, Đức Giêsu chủ động và hiên ngang trước sự bắt bớ của những kẻ chống đối vì Ngài biết rằng Chúa Cha chưa muốn và giờ của Ngài chưa tới (x.Ga 7,30; 8,20) thì nay, Chúa Giêsu hoàn toàn ý thức về biến cố giờ đã đến: “giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (Ga 13,1). Lúc này không chỉ dừng lại ở việc đong đếm giờ tự nhiên, nhưng đúng hơn, giờ gọi về thời khắc tuyệt đối tự do của một mình Thiên Chúa, giờ liên quan tới vận mạng của Chúa Giêsu: “Đến như chính Con Một mà Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta…” (Rm 8,32). Trong mạch văn này, Gioan cho thấy tính năng động của giờ từ khi được giới thiệu ở tiệc cưới Cana, được “nở hoa” ở thành xứ Samari, đến những mối đe doạ của những kẻ chống đối tại Giêrusalem… Nay giờ tiếp tục dòng chảy đến những hành động vì yêu cho đến cùng trong lễ tiệc ly và sẽ hoàn tất vào giờ trên đồi Golgotha.
Cuối cùng, giờ của Đức Giêsu là giờ hoàn tất ơn cứu độ (Ga 19). Về phía Đức Giêsu, Gioan không viết trực tiếp một từ giờ nào nhưng ý niệm giờ lại được biểu lộ cách sâu sắc bằng một chuỗi các dữ kiện về sự hoàn tất. Sau tất cả những nhục hình đau thương, “Đức Giêsu nói: ‘Thế là đã hoàn tất!’ Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30); “…một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34)… Người đã đi đến cùng trong việc chu toàn thánh ý Chúa Cha. Cái chết là sự tôn vinh Đức Giêsu đã trao ban Thần Khí vào trong thế giới. Cái chết gợi lại tâm tình của Người trong bữa ăn tối hôm trước: “Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Rượu tượng trưng tại tiệc cưới Cana nay được thay thế bằng Máu Giao Ước của Người đổ ra cho muôn người được tha tội (x.1Cr 11,23-26). Mầu nhiệm quy tụ trong giờ tại Samaria nay được mở rộng cho muôn dân qua lời tuyên xưng đức tin của người lính dân ngoại mà Máccô nhắc đến trong Tin Mừng của ông: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39)… Đặc biệt là hình ảnh Mẹ Maria dưới chân thập giá. Trước kia, Mẹ thì thầm bên Chúa trong tiệc cưới Canna thì giờ này, Mẹ cũng ở bên Chúa ngay dưới chân thập giá. Bên Mẹ là người môn đệ Đức Giêsu thương mến: một biểu tượng của Hội Thánh, biểu tượng cho các tín hữu hay cho tất cả những ai tìm kiếm ơn cứu độ… Dầu là ai thì họ cũng được Đức Giêsu trao phó cho Mẹ của Ngài và họ cũng được diễm phúc “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27)… Đó là sự sắp đặt cuối cùng cho một cuộc tái sinh mà Đức Giêsu thực hiện để hoàn tất ơn cứu độ cho nhân loại qua cái chết và sự phục sinh của Người.
Quả thật, cuộc đời Đức Giêsu là một “cái gì” lớn hơn một trình thuật về những biến cố trong đời của Người. Nếu chỉ nhìn dưới góc độ những truyện kể về đời sống hay cả những dấu lạ phi thường mà không có sự nối kết theo góc nhìn của GIỜ CỨU ĐỘ thì người đọc không thể nào thấy được hết những giá trị cao cả, sâu sắc trong cuộc đời đó. Chính trong sự tiến triển của giờ, cuộc đời Đức Giêsu luôn dạt dào ơn cứu độ mà đỉnh cao là trên thập giá và sự phục sinh của Người.
Chúng ta đang tiến về những tuần cuối của Mùa Chay, chúng ta đang cùng Đức Giêsu tiến về GIỜ CỨU ĐỘ của Người trên đồi Canvê. Ước chi mỗi người chúng ta ý thức những bước chuyển của thời gian và dọn mình xứng đáng hơn với những gì chúng ta đã, đang và sẽ được lãnh nhận từ cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Amen.