1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Lễ này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập năm 1955 và được ấn định vào ngày 1 tháng 5 để mang lại cho lao động một chiều kích Kitô-giáo. Thật vậy, khuôn mặt thánh Giuse, người thợ mộc ở Nagiarét, đã kỳ diệu góp phần giúp chúng ta hiểu được giá trị và sự cao cả của giới lao động. Từ Hy-lạp Tectôn được dịch là “thợ mộc” gán cho Giuse có lẽ chỉ định người thợ mộc, thợ đá hoặc thợ kim loại và cũng có thể là thợ xây dựng nhà cửa.
Do truyền thống gia đình, chắc chắn Đức Giêsu đã được hướng dẫn để làm nghề này. Vì thế, chúng ta đọc trong Tin Mừng của Marcô: (Đức Giêsu) không phải là bác thợ, con Bà Maria sao ? (Mc 6,3). Đối với người Do Thái thuộc thời soạn thảo Kinh thánh, công việc tay chân cũng thánh thiêng, đối với các Rabbi hay các tư tế cũng thế. Các Rabbi bình giảng sách Giảng viên cũng nói: “Con hãy lo cho mình có được một nghề nghiệp, song song với việc học hỏi lẽ khôn ngoan”. Thế rồi, không những hành nghề mà thôi, song còn phải truyền nghề cho con cái vì như sách Talmud đã chép: “Kẻ nào không dạy nghề tay chân cho con mình, kẻ đó như thể cướp mất sự nghiệp sinh tồn của con cái”. Sách này còn nhấn mạnh đến tính chất thánh thiêng và giá trị của công việc tay chân: “Người thợ, trong lúc lao động, không buộc đứng dậy tiếp bậc kinh sư cho dù là vị cao trọng nhất… Kẻ nào giúp ích cho người đồng loại bằng sức lao động của mình thì cao trọng hơn người học biết Thiên Chúa… Kẻ nào nuôi sống mình bằng sức lao động thì cao trọng hơn người vô công rỗi nghề, chỉ biết giam mình trong các tâm tình đạo đức …”
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời nguyện trong Thánh lễ gợi cho chúng ta “Gương thánh Giuse”, được Tin mừng gọi là “người thợ mộc” (Mt 13,55). Truyền thống cho thấy ngài sống thân tình với Đức Maria, hôn thê của mình và với trẻ Giêsu, chính Người cũng được gọi là “bác thợ mộc” (Mc 6,3). Như thế cả ba vị đều tôn vinh Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ; Người muốn con người lao động để tôn vinh Người và tiếp tục công trình sáng tạo của Người (lời nguyện nhập lễ).
b. Bài đọc – Kinh sách, trích Vaticanô II (Hội thánh trong thế giới ngày nay) làm nổi bật ý nghĩa Kitô giáo trong các sinh hoạt của con người. “Nổ lực này đáp ứng với ý định của Thiên Chúa… Điều ấy cũng bao gồm các sinh hoạt thông thường nhất. Vì con người, nam cũng như nữ, khi nuôi sống mình và gia đình, đều phải hoạt động phục vụ xã hội. Họ có quyền nghĩ rằng sức lao động của họ mở mang công cuộc của Đấng tạo hóa và mang lại hạnh phúc cho các anh chị em, cũng như khả năng riêng của mỗi người, cũng góp phần kiện toàn kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử”. Nơi khác, cũng Hiến chế này ghi nhận: “Nhờ việc làm của mình dâng lên Thiên Chúa, con người cộng tác vào chính công cuộc cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nâng cao giá trị của việc làm khi Người làm việc với chính hai bàn tay của mình tại Nagiarét. Do đó, mỗi người có bổn phận phải trung thành làm việc và cũng có quyền làm việc nữa” (Vaticanô II: LG 67,2).
Enzo Lodi