Ngày 17/9: Thánh Em-ma-nu-el Nguyễn Văn Triệu – Linh mục (1756-1798), tử đạo Việt Nam

Chú lính cận vệ

Cha Em-ma-nu-el Nguyễn Văn Triệu sinh năm 1756 ở Phủ Cam (Huế) trong một gia đình quan lại. Thân phụ làm quan ở triều Nguyễn, bị chết trong trận chiến với nhà Tây Sơn. Là con quan có công với Nhà nước, cậu Triệu được ở trong đội lính cận vệ nhà vua; khi chiến đấu cậu tỏ ra rất anh dũng. Năm 1775 chúa Nguyễn thua trận chạy trốn vào Đồng Nai. Cậu Triệu ở lại Huế giúp việc một quan người Bắc lúc ấy đang cai trị mấy tỉnh phía bắc miền Trung.

Hoạt động tông đồ trên đất Bắc

Khi nhà Tây Sơn truyền cho mọi người gốc miền Bắc phải trở về nguyên quán, cậu Triệu cũng theo họ ra Bắc và ở đây Chúa đang đợi chờ cậu, cuộc đời cậu sắp bước sang một khúc ngoặt mới. Cậu gặp một Cha thừa sai, được Cha giảng giải về đạo, cậu phục lẽ, chịu phép rửa tội. Cậu cảm thấy tiếng Chúa thôi thúc muốn cậu tiến lên hơn nữa, cậu đã hiến dâng cuộc đời cho Chúa và Giáo Hội. Bỏ nghề binh đao, cậu xung vào đội tiền phong của Chúa Ki-tô để mở nước Chúa. Cậu được một Cha thừa sai dẫn dắt. Về sau, cậu ở với các Cha dòng Thánh Đa-minh (Tây-ban-nha) và được Đức Cha địa phận Đông Đàng Ngoài truyền chức linh mục cho, rồi Cha Triệu hoạt động tông đồ ở địa phận này. Trong vòng năm, sáu năm, cha tận tụy chăm chỉ giảng dạy khuyên bảo con chiên, được các đấng bề trên khen ngợi.

Nghe tin mẹ già đau yếu, nghèo khó không có nhà ở. Cha xin phép Đức Cha về Phú Xuân – Huế thăm mẹ. Ai ngờ chuyến đi này là chuyến đi lĩnh triều thiên tử đạo. Vừa về tới quê nhà, Cha lên chào Đức Cha La-ba-tét[1], Đức Cha phụ tá địa phận Đàng Trong và trình lên ngài thư giới thiệu của Đức Cha địa phận Đàng Ngoài để Cha được phép ở gia đình trong những thời gian cần giúp mẹ.

Cuộc tranh luận trong triều vua Cảnh Thịnh

Bấy giờ vua Cảnh Thịnh con vua Quang Trung đóng đô ở Huế. Trong triều có một quan tên là Lối vốn ghét người có đạo, nhất là các linh mục. Quan tâu với vua rằng: “Người Tây phương tài giỏi, thông thạo việc binh đao, trong nước lại có những người theo đạo Gia-tô làm hậu thuẫn, chúng chỉ chờ dịp tiện là xông vào cướp nước ta. Vậy xin đức vua ra chiếu chỉ truy nã lùng bắt các đạo trưởng Tây và đạo trưởng Nam để diệt ngay mối nguy cơ đe dọa Nhà nước”.

Trong triều cũng có quan Hồ Cung Diệu là người có đạo, quan này phụ trách việc đối ngoại, giao dịch với ngoại quốc. Quan lên tiếng bênh vực các linh mục, phản đối ý kiến của quan Lối. Quan tâu với vua rằng: “Đạo chúng tôi dạy vâng phục quyền bính, tôn kính tổ tiên, sao lại có thể nổi loạn chống lại nhà vua, chống lại tổ quốc, xin đừng nghe ý kiến ấy, sợ rằng trong nước sẽ mất trật tự”.

Nhưng cuối cùng sự dữ đã thắng, vua Cảnh Thịnh nghe theo lời tố cáo gian dối kia.

Bị bắt 

Ngày 7-8-1798, theo lệnh vua, các quan đem bốn đại đội thình lình đến bao vây bốn xứ đạo gần thành phố Huế. Khu vực này có hai ba cha đang ẩn. Được tin mật báo, các cha đã kịp trốn thoát, Cha Triệu vì mới đến còn bỡ ngỡ, không mấy người biết, Cha không kịp cải trang cũng không kịp trốn.

Bổ vây phường Thợ Đúc (Huế) xong, lính gặp một bà bán đồng nát không có đạo, lính hỏi bà rằng: “Ở đây có cụ đạo không?” Bà trả lời: “Có, cụ thường đi Phủ Cam và đến nhà dòng”. Quan quân vội vàng tiếp tục đi, theo hướng câu trả lời trên chỉ dẫn. Đến phường Thợ Đúc, lính bắt nhiều người có đạo và tra hỏi họ đạo trưởng trốn ở đâu. Chẳng may Cha Triệu ở trong số này. Bị bại lộ, Cha bị bắt và bị trói ngay. Bà mẹ Cha thấy con bị bắt thì khóc lóc thảm thiết, Cha cũng cảm động an ủi mẹ rằng: “Thiên Chúa dùng dịp này để con mẹ được vinh hiển, mẹ đừng cưỡng lại thánh ý Chúa, mẹ đừng khóc, mẹ phải theo thánh ý Chúa”.

Cha bị điệu về nhà giam Trấn Thủ Huế, lúc ấy có hai nữ tu đến tận tụy lo cho những người cùng bị bắt với Cha, nên lính canh đánh đập hai chị rất dã man.

Vị tướng can trường của Chúa Ki-tô

Khi ra trước công đường, quan án hỏi Cha: “Ông ở ngoài Bắc vào đây giảng đạo để dụ dỗ dân chúng theo đạo có phải không?” Cha Triệu đáp rằng: “Thưa quan lớn, tôi không phải là người Bắc, tôi là người miền Trung. Tôi sinh ở Phú Xuân – Huế, cụ thân sinh của tôi là ông Cai Luông đã làm quan giúp chúa Nguyễn. Cách đây 20 năm, trong kỳ đói kém, tôi phải bỏ quê hương ra Bắc sinh sống. Ở đây, tôi biết đạo và theo đạo, mấy năm sau tôi được chịu chức linh mục, đi giảng đạo. Xa quê hương đã lâu, tôi mới về thăm mẹ tôi đã già yếu lại ốm đau độ hai tháng nay.

Quan Án hỏi giọng mỉa mai rằng: “Ông có vợ con không? Ở đây hay ngoài Bắc?” Cha thưa lại: “Tôi không có vợ con, từ nhỏ tôi đã bỏ sự đời, quyết giữ mình trong sạch trọn đời”.

Quan truyền giam Cha vào ngục chật hẹp tối tăm, đóng gông rất nặng, nhưng sau quan sợ Cha chết trước khi xử, nên thay gông nhẹ hơn. Ba lần Cha bị tra tấn rất dữ dội, bị đánh 60 roi, ngày đêm mang xiềng xích, ngoài ra quân lính còn tìm mọi hình khổ để hành hạ Cha, chúng chửi rủa, xỉ vả Cha thậm tệ, Cha đang ăn cơm, chúng cướp giật cả thức ăn, có khi còn trộn những thứ nhơ bẩn vào. Dù thế Cha vẫn bình thản can trường như người lính giữ nơi xung yếu, bị tấn công dồn dập vẫn giữ vững vị trí của mình, khí giới của Cha là cầu nguyện và suy ngắm. Trong 40 ngày bị giam giữ, Cha được Cha Lộc đến thăm và giải tội cho một lần. Mẹ Cha cũng đến thăm Cha, ơn Chúa đã thay đổi tâm tình bà, bà không còn phàn nàn khóc lóc, trái lại bà an ủi khuyên Cha vui lòng chịu mọi sự khó vì Chúa.

Đến ngày 17-8, các quan kết án Cha bị voi dày, nhưng vì ý kiến bất đồng nên hoãn lại.

Đến ngày 17-9, Cha bị điệu ra tòa lần cuối cùng. Quan hỏi Cha: “Bây giờ ông nghĩ thế nào? Nếu ông bằng lòng không giảng đạo nữa, về nhà quê ông muốn làm gì tùy ý, tôi sẽ tâu vua tha chết cho ông”. Cha Triệu can đảm thưa lại rằng: “Cám ơn quan lớn, tôi là đạo trưởng, nhiệm vụ của tôi là giảng đạo thánh Chúa, tôi thà chết chẳng thà chối bỏ việc bổn phận của tôi”.

Cha vừa nói xong, quan làm án Cha phải trảm quyết ngay ngày hôm ấy.

Trên pháp trường Bãi Dâu – Huế

Khoảng 10 giờ sáng, Cha bị điệu ra pháp trường cùng sáu người trộm cướp. Các quan có ý làm nhục Cha, nhưng có ngờ đâu Cha lại vui mừng vì càng được nên giống Thày chí thánh.

Giáo dân biết tin lũ lượt đón đường từ biệt Cha. Còn Cha, Cha mạnh bạo bước đi hùng dũng như người lính tiến ra trận không phải như tội nhân tiến ra pháp trường. Một người lính đi trước Cha cầm bản án ghi rằng: “Để cho mọi người được biết: Tên Triệu nguyên quán ngoài Bắc, thuộc gia đình Nguyễn Văn Đang, làm nghề dạy Gia-tô tả đạo và dụ dỗ người ta theo đạo ấy, một thứ đạo rất đáng chê ghét, vì thế nó phải trảm quyết”.

Khi tới Bãi Dâu, Cha quỳ xuống cầu nguyện, quan đưa cho mỗi nạn nhân một quan tiền, đến lượt Cha Triệu, cha từ chối nói rằng: “Tôi không còn thiếu sự gì ở trần gian này nữa”. Quan Án nhấn mạnh: “Đây là đặc ân của Triều đình, không được phép khinh chê”. Nghe thế Cha nói rằng: “Nếu vậy tôi nhờ quan giữ số tiền này cho người nghèo”.

Khi đang nói chuyện, một tên lính lấy roi quật vào mặt Cha. Quan Án giận mắng nó rằng: “Chưa đến giờ xử, sao mày lại xử tệ với tội nhân như thế!”. Quan phạt tên lính ấy rồi quay sang nói với Cha Triệu: “Mời ông ngồi, khi tới giờ xử, tôi sẽ báo cho ông trước”. Cha Triệu ngồi xuống và tiếp tục cầu nguyện.

Một lúc, quan án bảo Cha: “Đã đến giờ”. Hiểu ý, Cha Triệu quỳ ngay lên, giơ đầu chịu chém. Đầu rơi, máu chảy lênh láng, giáo dân đổ xô vào thấm máu, nhổ cỏ, nạo đất.

Các quan tỏ lòng mến phục Cha, cho phép giáo dân lấy xác Cha đem về chôn cất.

Cha Em-ma-nu-el Nguyễn Văn Triệu được phúc tử đạo ngày 17-9-1798 thọ 42 tuổi.

Khi sự đạo được bằng yên, Đức Cha La-ba-tét đưa hài cốt Cha Triệu về táng trong nhà thờ họ Dương Sơn.

Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho Cha ngày 27-5-1900.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong Cha lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.


[1] Labartette.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn