Ngày 18/9: Thánh Đa-minh Trạch – Linh mục (1772-1840), tử đạo Việt Nam
Cha Đa-minh Trạch sinh năm 1782 ở làng Ngoại Bối, tỉnh Nam Định. Cha dâng mình cho Chúa từ khi còn nhỏ. Cha lợi dụng ơn Chúa ban từng giây từng phút nên Cha nổi tiếng là người hiền lành nhân đức. Học xong thần học, Cha được thụ phong linh mục năm 30 tuổi và ngày 3-6-1825 một ơn trọng nữa là Cha được tuyên khấn trọng thể trong dòng Thánh Đa-minh.
Một linh mục ốm đau vẫn lo chu toàn nhiệm vụ
Chúa đã ban cho Cha một Thánh giá Cha phải vác đến chết, đó là bệnh phổi. Thời ấy bệnh phổi là bệnh nan trị. Chúng ta thử nghĩ đến cảnh một linh mục mắc bệnh phổi phải trốn ẩn nay đây mai đó, thiếu mọi tiện nghi bảo vệ sức khoẻ thì vất vả biết bao! Hơn nữa Cha lại siêng năng coi sóc linh hồn người ta, giảng giải, khuyên bảo, làm các phép Bí tích, chu toàn đầy đủ việc bổn phận thì sự hy sinh của Cha lớn lao chừng nào. Như thế Cha chưa lấy làm đủ, Cha còn hãm mình ép xác để cầu nguyện cho con chiên và xin Chúa ban ơn can đảm trong thời cấm cách. Cha luôn luôn làm gương sáng về các nhân đức, không nghĩ đến sức khỏe ngày một suy yếu nhưng chỉ lo việc cứu rỗi linh hồn người ta.
Các nhân chứng trong dịp phong chân phúc cho Cha đều khen Cha là người siêng năng giữ luật phép nhiệm nhặt.
Cha được cử coi xứ Quần Cống, rồi xứ Lạc Thủy. Khi cấm đạo ngặt Cha bị các người ngoại ở làng Ngọc Cục bắt, nhưng bổn đạo nộp 200 quan tiền thì được tha, vì thế Cha không ở xứ Lục Thuỷ thượng phải xuống ẩn ở nhà ông lang Thiện ở thôn Bắc làng Trà Lũ, sau bị lộ lại phải xuống ở nhà ông Trùm Bảo cũng ở làng này.
Bị bắt lần thứ hai
Năm sau Cha đi thăm Cha Vinh ở trại Ngưỡng Nhân, chẳng may ngày hôm sau ông Tổng Nhật đem người đến vây trại để bắt các đạo trưởng; Cha chạy thoát sang trại Tứ Liên nhưng đến cánh đồng Hoành Tam, Cha bị bắt và phải giải về huyện Xuân Trường. Quan truyền nọc Cha dưới đất hơn một tiếng đồng hồ, rồi giam ở phủ. Trong trại ấy có nhiều giáo hữu cũng bị bắt giam, thấy Cha đến họ mừng lắm vì có linh mục giải tội và nâng đỡ họ giữ vững đức tin. Dù ốm yếu, cực khổ, Cha gắng sức giải tội, khuyên bảo họ vững vàng chịu khó vì đạo, đừng bao giờ cả lòng bỏ đạo vì là tội rất nặng. Cha còn rảnh lúc nào là đọc kinh nguyện ngắm, lúc nào cũng vui tươi. Cha thường nói: “Phần xác tôi yếu đuối bệnh tật, nhưng bị bắt vì đạo tôi không sợ cũng không phàn nàn”.
Hôn kính Thánh giá trước công đường Nam Định
Sau Cha bị giải lên Nam Định và phải giam vào ngục ngay. Khi ấy bệnh Cha đang thời kỳ nặng, cộng thêm vào các khổ hình trong tù giày vò làm khốn thân xác Cha, nhưng lòng Cha còn cay cực hơn nữa vì thấy có nhiều người xuất giáo, Cha càng siêng năng đọc kinh lần hạt nguyện ngắm xin Chúa tha thứ cho họ, xin Chúa thương đổ ơn sức mạnh xuống cho họ. Cha an ủi bổn đạo bị bắt, Cha thường bảo họ rằng: “Chúng con phải cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ, chúng con phải kêu xin Chúa vì không có Chúa chúng con không làm được việc gì”.
Lần thứ nhất khi phải ra công đường, trước mặt quan Trịnh quang Khanh, Cha trả lời các câu hỏi cách can đảm hiên ngang. Lần thứ hai Cha lại nói năng mạnh bạo cứng cỏi khiến quan tức giận, vẻ mặt hầm hầm dữ tợn, ai trông thấy cũng khiếp sợ. Quan bảo Cha Trạch: “Mày có xem thấy gì không? Đây Thánh giá hãy đạp đi, khóa quá đi, nếu không sẽ phải chết”. Cha Trạch nghiêm trang tiến gần Thánh giá, trịnh trọng cầm lên hôn kính rồi quay lại nói với các quan rằng: “Thưa các quan, Thánh giá này là hình Thánh giá xưa Chúa tôi đã chịu chết để cứu loài người, đây là biểu hiệu của đạo Thiên Chúa. Nếu các quan muốn sống đời đời, các quan cũng phải thờ lạy Thánh giá này. Tôi thà chết nghìn lần chẳng thà khóa quá”. Cha vừa nói dứt lời, quan Trịnh Quang Khanh tức giận nổi hung, xuống tát vào mặt Cha, đấm đá làm khổ Cha, lại sai lính cầm hai đầu gông khiêng Cha qua ảnh, Cha co chân lên, dù lính lấy roi quất tới tấp vào chân Cha, cũng không thể nào làm chân Cha chạm đến ảnh.
Lần khác quan lại gọi Cha lên công đường dỗ ngọt: “Ông khóa quá đi sẽ được về bình an”. Cha thưa: “Tôi chỉ muốn chết vì Chúa tôi”. Các quan thấy Cha vững vàng, không còn tìm cách nào làm Cha sờn lòng nản chí, thì làm án trảm quyết rồi đệ vào kinh.
Đến ngày 18-9-1840 có chiếu chỉ vua Minh Mệnh truyền xử trảm quyết. Quan lại gọi Cha lên bảo rằng: “Đã có án vua xử trảm quyết ông, nhưng nếu ông khóa quá, cũng chưa muộn, ta sẽ tâu vua tha chết cho”. Cha đáp: “Thưa quan lớn, Chúa chúng tôi thờ đã phán rằng: Phúc cho những ai bị bắt bớ vì Ta, vì Nước Trời là của họ, vậy tôi được phúc trọng này lẽ nào tôi lại bỏ qua, vua đã truyền chém tôi, tôi vui lòng chết vì Chúa tôi, tôi không khóa quá”. Khi lính đến điệu Cha, Cha vui vẻ từ giã Cha Ngân và Cha Nghi đang phải giam ở đấy rằng: “Các Cha nghỉ lại bình an, con đi lĩnh phần thưởng trước, ít nữa chúng ta sẽ gặp nhau trên Nước Trời.
Vị chứng nhân của Chúa thân hình gầy yếu, nét mặt hốc hác nhưng vui tươi tiến ra pháp trường Bảy Mẫu như người lính chiến thắng trở về.
Tới nơi xử, Cha quỳ gối ngửa mặt lên trời cầu nguyện. Hồi chiêng lệnh vừa nổi lên, lính chém đầu Cha, linh hồn Cha bay về nơi vĩnh phúc muôn đời.
Bổn đạo xông vào thấm máu Cha. Người ta lấy xác và đầu bỏ vào áo quan, táng ngay ở nơi xử. Năm sau đem xác Cha về táng ở đất nhà trường họ Lục thuỷ Hạ.
Cha Đa-minh Trạch được phúc tử đạo năm 1840, thọ 47 tuổi. Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc cho Cha ngày 27-5-1900. Chúng ta hãy xin chân phúc Đa-minh Trạch giúp chúng ta dù ốm đau hay gặp sự khốn khó gian nan cũng cố chu toàn việc bổn phận Chuá đã giao phó cho chúng ta.
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn Cha lên bậc hiển Thánh ngày 19-6-1988.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn