Ngày 2/11: Lễ các linh hồn, Lễ nhớ
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Việc tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời đã có từ thế kỷ IX và là sự tiếp nối truyền thống các tu viện dành một ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, một truyền thống đã có từ thế kỷ VII. Tuy nhiên, phải đến thời thánh Odilon đan viện phụ Cluny (khoảng 879-942), lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời mới được ấn định vào ngày 2 tháng 11. Thánh Augustin từng ca ngợi tập tục cầu nguyện cho người đã qua đời, kể cả không phải ngày giỗ của họ, để không một ai bị lãng quên. Thực ra, hằng ngày Hội Thánh đều nhắc tới việc tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời và “mọi người quá cố mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV). Lễ nhớ này được phổ biến ở Rôma vào thế kỷ XIV, và đến thế kỷ XV, các tu sĩ Đaminh ở Valentia đã thiết lập truyền thống cử hành 3 thánh lễ —giống như ngày lễ Giáng Sinh— để cầu cho các tín hữu đã qua đời. Năm 1915, trong Thế Chiến I, năng quyền này đuợc Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV mở rộng cho toàn thể Hội Thánh, và nghi thức thánh lễ có thêm một bản Kinh Tiền Tụng riêng lấy từ Sách Lễ Paris năm 1738. Năm 1969, các bản văn phụng vụ được canh tân để diễn tả rõ ý nghĩa Vượt Qua của sự chết. Vì thế người ta đã bỏ ca khúc Dies Irae (Ngày Thịnh Nộ).
II. Thông điệp và tính thời sự
Hiến chế Phụng vụ của Vaticanô II đòi hỏi rằng “nghi thức an táng phải diễn tả rõ ý nghĩa Vượt qua của sự chết Kitô giáo” (PV 81). Vì thế các bản văn Thánh lễ đã được canh tân để đáp ứng các chỉ thị này: bốn Kinh Tiền Tụng mới đã được thêm vào với Kinh Tiền Tụng hiện có. Các Kinh Tiền Tụng này khai triển các chủ đề sau: – 1. Sự đau buồn và hi vọng trước cái chết – 2. Chúa Kitô chết để chúng ta được sống – 3. Đức Kitô, sự sống và sống lại của chúng ta – 4. Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta, sẽ làm cho chúng ta sống lại – 5. Được Chúa Kitô cứu chuộc, chúng ta sẽ sống lại với Người.
a. Chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người sẽ sống lại”, và Sách Giáo Lý giải thích tín điều này như sau: “Xác sống lại” có nghĩa là sau khi chết, không chỉ có linh hồn bất tử sẽ sống, mà cả thân xác chúng ta cũng sẽ sống lại.” (số 989). Niềm tin này được khẳng định rõ ràng trong các lời nguyện thánh lễ, diễn tả mối tương quan giữa “sự phục sinh thân xác” với sự phục sinh của Chúa Kitô: “Lạy Chúa, xin gia tăng lòng tin của chúng con vào Con Chúa, Đấng đã sống lại từ cõi chết, để chúng con tràn trề hy vọng vào sự sống lại của tất cả anh em chúng con đã qua đời.” (Lời Nguyện của Mẫu 1). Công đồng Vaticanô II tuyên bố trong Hiến chế Lumen Gentium rằng: “Ngay từ những thời kỳ đầu của Kitô giáo, Hội Thánh trong các phần tử còn lữ hành ở trần gian đã có lòng sùng mộ sâu xa đối với việc tưởng nhớ những tín hữu đã qua đời, bằng cách dâng cho họ các việc độ vong của Hội Thánh, vì việc cầu nguyện cho những người đã qua đời để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của họ, là một ý tưởng đạo đức và thánh thiện.” (2 Mcb 12, 45). Vì vậy, trong Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta cầu xin Chúa “cho mọi người đã qua đời được đón nhận vào Nước Chúa” (Mẫu 1) và xin cho họ được xóa sạch mọi tội lỗi “nhờ máu Chúa Kitô hiến dâng” trong Thánh Thể (Mẫu 2). Tính chất Vượt Qua của mầu nhiệm sự chết của các tín hữu đã qua đời được sáng tỏ trong Lời Nguyện sau hiệp lễ, khi chúng ta cầu xin Chúa mở cửa cho các anh em quá cố của chúng ta được vào ngôi nhà bình an và ánh sáng của Người “vì chúng ta dâng mầu nhiệm Vượt Qua chính là để cầu cho họ” (Mẫu 1). Cũng thế, Thánh thi Giờ Kinh Sách gợi lên ý tưởng “Đức Kitô sống lại từ cõi chết / Quả đầu mùa của những người đã an nghỉ”. Thánh Ambroise, trong bài giảng ngày giỗ em trai ngài là Satire, cũng nhấn mạnh ý nghĩa Vượt Qua này –bước từ sự chết sang sự sống– trong bài đọc Giờ Kinh Sách: “Đức Ki-tô là gì? Người chính là cái chết của thân xác và là thần khí ban sự sống. Chúng ta cũng chết với Người để sống với Người… Người không thể cứu chúng ta bằng cách nào tốt hơn là cái chết của Người. Vì thế cái chết của Người ban sự sống cho tất cả chúng ta.” Câu Xướng đáp tiếp sau bài đọc trích thư thánh Phaolô: “Đức Kitô đã chết và sống lại, là để làm Chúa kẻ chết và người sống.” (Rm 14, 9).
Enzo Lodi