Ngày 20/9: Thánh Anrê Kim Tegon, Phaolô Chong Hasang và các bạn Tử đạo tại Triều Tiên, Lễ nhớ buộc

Lễ nhớ buộc

1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

 

Anrê Kim Taegon và Phaolô Chong Hasang được phong thánh cùng với một trăm mười một vị tử đạo khác do Đức Gioan Phaolô II, năm 1984, nhân dịp Đức giáo hoàng tới Triều Tiên. Lễ kỷ niệm được ghi vào lịch năm 1985, định vào ngày giữa 16 tháng 9, kỷ niệm thánh Anrê Kim tử đạo, bị chặt đầu ở Séonl, và 22 tháng 9, ngày tử đạo của thánh Phaolô Chong, cũng bị hành quyết năm 1846.

Việc truyền giáo cho Triều Tiên bắt đầu từ thế kỷ XVII, nhờ lòng can đảm của một số giáo dân; họ đã lập nên một cộng đoàn sốt sáng tồn tại cho tới khi các thừa sai người Pháp tới. Các vị tử đạo tôn kính hôm nay đều thuộc cộng đoàn đó, tất cả đều là người Triều Tiên, trừ ba vị giám mục và bảy linh mục thuộc Hội truyền giáo hải ngoài Paris, đều bị hành quyết trong các cuộc bách hại 1839, 1846. Trong số đó có thánh Laurent Imbert, sinh tại Aix-en-Provence, thụ phong giám mục tại Triều Tiên, tử đạo năm 1839, thánh Pierre Maubant và Jacques Chastan.

Anrê Kim Taegon sinh trong một gia đình quyền quí ở Triều Tiên. Thân phụ là ông Ignace cũng tử đạo, năm 1821. Ngày nay chúng ta còn lưu giữ được hai bức thư của cha Kim: một lá viết từ trong tù gửi cho giám mục Ferréol, người đã truyền chức linh mục cho cha tại Macao, Trung Quốc; lá thư thứ hai gửi các đồng đạo Triều Tiên khác. Thánh Anrê Kim Taegon là linh mục tử đạo thứ nhất người Triều Tiên.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh tính phổ quát trong nhiệm cục cứu rỗi của Chúa, là “Đấng sáng tạo và là sự cứu rỗi cho mọi dân tộc”. Vậy nên Giáo hội tự bản chất phải truyền giáo, như Công đồng Vaticanô II nhắc nhở: “Được Chúa sai đến với lương dân để trở thành bí tích cứu rỗi mọi người, Giáo hội, vì các yêu cầu nội tại do tự bản chất phổ quát của mình và tuân theo lệnh truyền của Đấng sáng lập (Mc 16,16) hết sức cố gắng hướng tới việc rao giảng cho mọi người” (TG 1).

Đề tài khác được phụng vụ trong ngày triển khai là tử đạo được Giáo hội xem là ơn huệ lớn lao và là chứng cứ của lòng mến siêu việt (LG 42). Chính nhờ tử đạo mà hạt giống rơi xuống đất mang lại nhiều hoa trái (Ga 12,24).

Enzo Lodi