Ngày 21/8: Thánh Giu-se Đặng Đình Viên – Linh mục, tử đạo Việt Nam

Cậu Giu-se Đặng Đình Viên sinh năm 1785 ở làng Tiên Chu tỉnh Hưng Yên. Từ bé cha mẹ cậu đã gửi cậu về quê ngoại ở Họ Vân huyện An Thi để đi học. Khi cha mẹ qua đời cậu dâng mình vào nhà Đức Chúa Trời. Sau bao năm học tập, năm 1821 thày Giu-se Viên được thụ phong linh mục ở làng Lục Thủy – Nam Định.

Hai năm sau được cử làm cha xứ Họ Bắc, Cha ở đây 16 năm, nổi tiếng đạo đức, can đảm. Cha siêng năng đi làm phúc cho các họ: Đông Bài, Thiết Nam, Như Thiết, An Mỹ, Cha đến cả các làng ngoại giảng đạo, Cha giúp họ biết đường trở về với đạo Chúa.

 

Lệnh Truy nã

Các quan bắt được sáu lá thư Cha viết cho Đức Cha Đen-ga-đô (Y), Đức Cha Hê-na-rét (Minh), Cha Chính Phéc-năng-đê (Hiền), Cha Héc-mô-di-la[1] (Liêm) và hai cha khác. Họ biết rõ tên Cha nên ra lệnh truy nã. Trong các sắc chỉ vua ra bắt các đạo trưởng đều ghi tên Cha. Cha phải trốn tránh khổ sở, đi từ làng này sang làng khác, tỉnh này đến tỉnh kia, Cha thực hiện đúng lời Phúc âm dạy rằng: “Khi người ta bắt bớ các con ở thành này hãy trốn sang thành khác”. Các quan không sao tìm được nơi ở của Cha, họ phải thú nhận với nhau: “Ông ta như chim, bắt sao nổi”.

Tuần phủ Hưng Yên Hà Thúc Lương ra lệnh cho các quan Phủ, Huyện, Tổng, Lý tầm nã Cha nhưng họ đều báo cao lên rằng: Tổng, xã chúng tôi không có ai là đạo trưởng Viên. Quan Tuần Hưng Yên lại tư sang cho quản Tổng đốc Nam Định.

Vừa nghe tin Tuần phủ Hưng Yên không bắt được Cha Viên thì nổi giận, cách chức quan ấy, lại cho một kỳ hạn nữa nếu không bắt được Cha, sẽ phải về kinh chịu tội. Quan này làm hết cách, do thám lâu ngày cũng không tìm được chỗ ở của Cha.

“Chính anh em thân thuộc con sẽ nộp con”

Quan tìm cách mua chuộc hai người anh em họ hàng Cha. Họ viết thư cho Cha rằng: “Thấy Cha vất vả nay đây mai đó, chúng con ước ao Cha về quê ở với bà con để nghỉ ngơi tĩnh dưỡng một thời gian”. Nhưng nào biết Cha ở đâu mà gửi. Họ lần mò sục sạo mọi nơi, suốt một tháng mà không thấy. Sau họ nghe ngóng biết tin ở họ Cấu Chay có lễ, họ đến thử xem, họ gửi thư đúng bà chủ nhà Cha đang ở. Nhận được thư Cha biết ngay là âm mưu các quan bày ra để bắt mình, Cha dán thư và gửi trả lại, dù thế những người này biết là Cha đang ẩn ở nhà này. Họ định đích thân bắt để được thưởng công trọng, nhưng sợ không bắt nổi nên báo quan.

Thương con chiên, Cha t nộp mình

Các quan cho lính đến vây nhà Cha Viên ẩn, Cha trốn ở vườn mía sau nhà, lính không thấy Cha thì bắt con trai chủ nhà tra tấn dữ tợn, bắt cậu phải khai Cha Viên ở đâu? Cậu bé cam đảm vững vàng nhất định không chịu khai, dù phải đau đớn lắm cậu chỉ kêu: “Xin Đức Mẹ giúp sức cho tôi, tôi không biết Cha Viên ở đâu”.

Cha ẩn ở ngoài vườn nghe thấy những tiếng kêu như xé ruột thì động lòng thương, Cha ra mặt nói với lính rằng: “Tôi là đạo trưởng Viên các ông đang tìm bắt, đừng làm khổ cậu bé này nữa”. Mọi người đều bỡ ngỡ thấy Cha có lòng thương người và mạnh bạo như thế, trước họ không tin, nhưng sau sinh nghi lại thấy Cha có một chiếc răng mẻ đúng như lời các quan đã dặn trước rằng: “Người nào có chiếc răng mẻ một ít chính là đạo trưởng Viên”.

Lính xông vào trói và đóng gông Cha giải ra đình làng rồi giải về tỉnh Hưng Yên giam trong ngục cùng với những kẻ trộm cướp xấu nết. Hôm ấy là ngày 1-8-1838 cũng là ngày Cha Duệ và Cha Hạnh được phúc tử đạo.

Trước công đường tỉnh Hưng Yên

Cha Giu-se Viên phải ra công đường, phải chịu nhiều sự khốn khó nhưng Cha thà chết chẳng thà làm mất lòng Chúa. Các quan bắt Cha dịch những lá thư bằng tiếng Pháp Cha đã viết. Các quan nghe thấy không có điều gì bí mật hay phạm đến vua, đến Nhà Nước như người ta thường vu khống cho người có đạo thì giận vì thấy mọi điều người ta nói đều gian dối. Nhưng trong số các đạo trưởng ngoại quốc mà Cha Viên đã viết thư còn thiếu Cha Héc-mô-di-la chưa bắt được nên họ cố tra khảo Cha Viên phải khai chỗ ở của Cha này. Sự thật Cha Viên không biết Cha Héc-mô-di-la hiện nay ở đâu nên các quan có tra tấn cũng vô ích.

Sau quan án bảo Cha khóa quá sẽ khỏi chết. Cha can đảm trả lời: “Chết thì chết, tôi không khóa quá. Tôi là đạo trưởng mà khóa quá thì còn ai theo đạo nữa”. Biết có tra khảo cũng uổng công, nên ngày 3-8-1838 các quan hội đồng khép án Cha như sau: “Chúng tôi đã vâng lời vua tra khảo đạo trưởng Gia-tô Đặng Đình Viên là người bản quốc đã theo người Tây giảng đạo tà mê hoặc dân chúng. Nó đã biết lệnh cấm đạo của nhà vua nhưng nó không xem sao, không chịu bỏ đạo, lại dám viết thư chữ Tây liên lạc với người ngoại quốc. Vậy theo lệnh đức vua chúng tôi xin kết án tên này phải trảm quyết”.

Ngày 3-8-1838 án được gửi vào kinh, và ngày 12-8 năm ấy, vua châu phê y án. Đến ngày 21-8 án ra tới Hưng Yên.

Mưu mô giảo quyệt cuối cùng

Hôm ấy quan lại đòi Cha Viên ra công đường để dỗ dành, dùng lời êm ái khuyên Cha bỏ đạo, nhưng Cha cương quyết từ chối không nghe theo những lời đường mật ấy. Bấy giờ quan quay lại phía các nhân viên, nói với họ rằng: “Nếu ông này là người không có đạo như ta, thì ông cũng sẽ làm quan như ta, vì tướng mạo ông khôi ngô, tuấn tú dị dạng khác người”. Cha Viên nghe những lời khen ấy biết ngay là chước ma quỷ cám dỗ. Nhưng ngoài đức tin vững vàng, Cha còn có đức khiêm nhường sâu thẳm và sức mạnh kiên cường chống trả mưu mô giảo quyệt. Cha ước ao ôm lấy Thánh Giá Chúa Giê-su hơn danh lợi trần gian. Một người trong hai người đã nộp Cha vào ngục xin lỗi Cha, Cha vui vẻ tha ngay và khuyên anh ăn năn trở về với Chúa.

Khóc vì vui mừng

Ngày 21-8-1838, các quan tuyên án rồi dẫn Cha đi xử. Một toán lính rất đông điệu Cha đi. Vai mang gông nặng Cha đi giữa hai người lính cầm gươm, lý hình cầm gươm theo sau Cha, đàng trước Cha, một người lính cầm thẻ thỉnh thoảng lại cất tiếng rao: “Minh Mệnh thập cửu niên bát nguyệt nhị thập nhất nhật, đạo trưởng Đặng Đình Viên tùng gian tà đạo, liên lạc đạo trưởng Tây, đạo trưởng Nam, tụ tập đạo đồ, đạo chủng, đạo thư, bất khẳng khóa quá, vi phạm pháp quốc, luật hình trảm quyết, tư thẻ”. Đây là giấy thông hành đem Cha mau về Nước Trời.

Khi đi dường Cha vui vẻ sung sướng vì sắp được đổ máu ra vì Chúa. Cảm động quá khiến Cha trào nước mắt. Các người ngoại tưởng Cha sợ chết, Cha giải thích cho họ rằng: “Tôi không sợ chết đâu, tôi mừng quá không cầm nổi nước mắt”.

Đến pháp trường Ba Tòa là nơi xử Cha, lính tháo gông xiềng, bưng cơm mời Cha ăn, Cha cũng ăn một chút. Rồi lính trói hai tay Cha, Cha quỳ vào chăn bông người ta đã giải sẵn. Hai người đã nộp Cha cho quan đến xin Cha tha lỗi, Cha bảo họ: “Cha tha cho các con, nhưng các con phải xưng tội”.

Cha ngửa mặt lên trời cầu nguyện dâng mình làm của lễ. Ba hồi chiêng vừa dứt, lính chém đầu Cha. Đầu rơi xuống đất, linh hồn Cha bay về trời hưởng triều thiên đã dành sẵn.

Cả giáo lẫn lương xông vào thấm máu Cha, cướp đồ dùng của Cha, lính thấy người ta kính mến Cha, thì bán áo khăn Cha, có người lính lại cắt cả tai Cha để bán nữa.

Bổn đạo họ Vân là quê ngoại Cha, định cướp lấy đầu Cha, nhưng họ Tiên Chu không chịu. Quan xử cho họ Tiên được cả đầu lẫn xác. Họ vui mừng lắm và có chừng 300 người ở họ Tiên Chu đem xác Cha về quê và táng trong nhà thờ họ.

Cha Giu-se Đặng Đình Viên được Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc ngày 27-5- 1900, và Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong hiển thánh ngày 19-6-1988.


[1] Hemorzilla.

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn