Ngày 24/10: Thánh Giu-se Lê Đăng Thị – Giáo hữu (1825-1860), tử đạo Việt Nam

Sắc chỉ cấm đao riêng cho quân đội

Dưới triều đại vua Tự Đức, từ năm 1848 đến năm 1860, đã có 14 sắc chỉ cấm đạo. Trong đó có một sắc chỉ riêng truyền bắt tất cả các lính có đạo, vì thời ấy lính có đạo trong quân ngũ rất nhiều.

 

Đáng lẽ không cần sắc chỉ riêng này, vì trước kia đã có nhiều sắc chỉ bắt người dân phải bỏ đạo, thì lính cũng phải chịu một số phận ấy như ông Cai Phan-xi-cô Trần Văn Trung được phúc tử đạo ngày 6 –10 –1858.

Nhưng khi phải tập trung lực lượng để chống với quân đội hai nước Pháp và Tây Ban Nha thì vua thấy cần phải thanh trừng tất cả những người lính có đạo, vì vua nghĩ nhầm họ sẽ làm giảm bớt tinh thần phò vua cứu nước trong quân đội, nên mới có sắc chỉ trên. Chân phúc Giu-se Lê Đăng Thị là người tử đạo đầu tiên sau khi ban hành sắc chỉ này. Vua Tự Đức không thể hiểu được rằng người có đạo trung thành với Chúa trên trời là một bảo đảm chắc chắn họ sẽ trung thành với vua dưới đất, đúng như lời ông Cai Trung đã tuyên bố khi các quan bắt ông khóa quá: “Tôi là người có đạo, tôi sẵn sàng đi đánh quân ngoại xâm để bảo vệ đất nước, nhưng không bao giờ tôi bỏ đạo”.

Dòng dõi và sự nghiệp

Ông Giu-se Lê Đăng Thị sinh khoảng năm 1825 ở họ Kẻ Văn làng Văn Quy, quận Hải Lăng tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình quan võ đạo đức. Cha ông là ông Lê Đăng Tự làm chức đội trưởng. Khi cha qua đời, ông Thị được tuyển vào trường Âm Sinh ở Huế, sau ba năm học tập, ông trúng tuyển chức đội trưởng, chỉ huy 50 quân và được cử phục vụ trong đền vua Tự Đức.

Ông lập gia đình với một cô gái đạo đức quê tỉnh Sơn Tây, sinh được 3 con. Rồi ông được lệnh đổi ra tỉnh Nghệ An. Ông đưa cả gia đình đi theo; ít lâu sau vợ ông qua đời để lại ba đứa con còn thơ dại, ông Thị phải lấy một người vợ kế giúp mình coi sóc nhà cửa con cái. Bà này là người đạo đức, nhưng mới lấy nhau được mấy năm thì ông Thị bị bắt vì đạo.

Tháng chạp năm 1859, vua ra lệnh bắt hết các lính có đạo. Nhận được sắc chỉ vua, quan Huỳnh Thu tổng đốc Nghệ An vì quý mến tài đức ông đội Thị, tìm cách giữ ông ở lại và khuyên ông xuất giáo. Quan bảo: “Bên ngoài anh giả vờ bỏ đạo, rồi anh cứ giữ đạo trong lòng, như thế được cả đôi đàng, được lòng cả Chúa, được lòng cả vua”.

Ông Thị thẳng thắn thưa: “Cám ơn quan lớn, tôi không thể làm như vậy, đạo tôi cấm không được làm tôi hai chủ, buộc phải thờ Chúa cả bề trong lẫn bề ngoài”.

Thấy thế quan tổng đốc bảo: “Vậy anh hãy làm đơn cáo bệnh, ta sẽ cho anh tạm giải ngũ, về quê thuốc men nghỉ ngơi, kẻo phải mất mạng oan uổng. Ông Thị chấp nhận giải pháp này, ông để vợ con ở lại và hứa khi qua cơn bách hại sẽ trở ra.

Một mình lủi thủi về quê ở miền Nam, tạm trú ở Kẻ Văn, lo tậu đất cất nhà để rồi đưa vợ con về. Nhưng trong làng có người ghét đạo, tham tiền tố cáo với quan tỉnh; vào quãng đầu tháng giêng năm 1860, quan quân về vây bắt và giải ông lên Quảng Trị.

Quan tỉnh chỉ hỏi qua loa, rồi cho về và hẹn ngày 29 – 1 năm ấy phải có mặt ở tỉnh. Đúng hẹn ông Thị trở về tỉnh, quan truyền giam ông vào ngục chờ các tù có đạo đến đủ mới xét xử.

Gương mẫu của các bạn tù

Cuối tháng 2 – 1860, ông đội Lê Đăng Thị phải điệu ra toà lần thứ nhất. Quan truyền khoá quá, ông cương quyết từ chối. Sau nhiều lần khuyên dỗ, hăm doạ không được, quan truyền lính đóng gông nặng bịt sắt, xích hai tay và ban đêm phải cùm. Khổ sở nhục nhã đến thế, ông đội Thị vì được ơn trên phù trợ nên càng phấn khởi vui tươi.

Trong tù, ông viết thư vĩnh biệt vợ con, khuyên hãy vâng phục ý Chúa: “Tôi sửa soạn nhà cửa xong xuôi, định trở ra đón mẹ con vào, ngờ đâu tôi bị bắt vì đạo và đang phải giam ở Quảng Trị. Chúng ta hãy cúi đầu vâng phục ý Thiên Chúa đừng phàn nàn, buồn phiền vì không còn được gặp ở trần gian này nữa, chúng ta hẹn gặp nhau ở trên trời. Tôi gửi cho mẹ con hai nén bạc để chứng tỏ lòng tôi thương nhớ.

Bức thư cảm động, nhưng dè dặt, không dám viết dài dòng hay khuyên bảo đạo đức sợ lọt vào tay người ghét đạo sẽ làm khổ vợ con.

Ở trong tù lúc nào ông Thị cũng tỏ ra lòng nhiệt thành đạo đức, chủng sinh Đa-minh Lê Ngọc Biện là bạn tù đã cùng ông chịu đựng những trận đòn dã man, sau này chú trở thành linh mục địa phận Huế, khi ốm đau nặng, cha thường kêu xin rằng: “Lạy chân phúc Lê Đăng Thị, xưa đã cùng nhau chịu khổ, nay ở trên trời xin cầu cho tôi được chết lành”.

Chính cha Biện đã kể lại rằng: “Tôi thấy ông Thị bình thản tươi vui, chịu tra tấn cách anh dũng, ông muốn làm gương cho lính và cho các bạn tù ngoại giáo. Ông tổ chức đọc kinh tối sớm lớn tiếng trong tù. Giờ nào rỗi, ông lấy rơm bện dép phát cho các bạn tù, về sau việc canh gác bớt nghiêm nhặt, có lần ông xin phép đi thăm giáo dân Cổ Vưu và nhờ đó được xưng tội, xem lễ và rước lễ ở nhà ông lang Nguyễn Thiện Thìn”.

Rồi qua 6 tháng trong tù, đến cuối tháng 12-1860, ông Thị phải ra hầu toà lần thứ hai, quan lại bắt khoá quá. Ông cương quyết từ chối và nói: “Vua và quan lớn thương, tôi xin đội ơn, còn bỏ đạo thì không bao giờ”.

Các quan lại truyền giải ông về ngục chờ kết án. Ông Thị coi tội bỏ đạo là tội gớm tởm và nặng hơn mọi tội ác khác. Ông thường nói: “Tôi biết tội nào Chúa cũng tha vì Chúa rất nhân từ, nhưng mà nếu tôi xuất giáo, liệu Chúa có tha không? Bỏ đạo là bỏ Chúa, là tội rất nặng đáng sa hoả ngục, tôi thà chết chẳng thà phạm tội ấy”.

Ông hằng mong ước được phúc tử đạo. Một hôm Cha Thơ hỏi ông: “Ông đội này, ông có muốn chóng được chết vì đạo không?” Ông đáp: “Thưa cha, con hằng ước ao và cầu xin sự ấy”, và ông thường nói: “Tôi sẵn lòng chịu khó vì Chúa đến cùng”.

Trại giam kinh đô Huế

Các quan tỉnh Quảng Trị hết phương kế ép ông Thị bỏ đạo nên làm sớ tâu vua rằng: “Đội trưởng Lê Đăng Thị mê theo tả đạo, bất tuân thượng dụ, chúng tôi xin kết án nó phải xử giảo giam hậu và giải và kinh”.

Ngày 21-8-1860, ông Thị đến Huế và phải giam ở ngục chờ vua châu phê án. Hai tháng ở nhà giam Huế và sáu tháng ở nhà giam Quảng Trị, ông luôn là gương sáng cho các bạn. Ở đây giam nhiều tù có đạo, tất cả có 33 viên chức. Ông Thị là bậc đàn anh khuyến khích mọi người sốt sắng cầu nguyện, giúp họ vững vàng giữ đạo; trong số các người này về sau chỉ có một người mù được tha, một người chết rũ tù, còn các người khác trung thành cương quyết đến cùng, một số bị tù chung thân, một số bị tử hình như ông đội Thị.

Trong tù có một người phải can án vì tội ăn trộm. Ông khuyên giảng lẽ đạo cho nó, khuyên nó xem gương những người bạn tù có đạo, là những người lương thiện không muốn bỏ đạo, sẵn lòng chịu giam cầm, bị chém giết như những kẻ tội ác, lấy máu đào chứng minh đạo thật. Được ơn Chúa, người này tin đạo, ông Thị rửa tội cho, ngay sáng ngày trước khi anh bị điệu đi xử và cùng là ngày ông Thị được lĩnh triều thiên tử đạo. Thế là hôm ấy ông Thị về nơi vĩnh phúc cùng với người trộm lành.

Vì bị giam cầm cực khổ lâu ngày, ông Thị kiệt sức ngã bệnh nặng, ông sợ phải chết trong tù không được chết chém vì đạo. Ông thường nói: “Chúa nhân từ có cho tôi sống đến ngày được phúc tử đạo không? Tôi sợ phải chết bệnh. Tôi chỉ mong một điều là được chết vì Chúa. Tôi là kẻ tội lỗi, liệu Chúa có ban cho tôi phúc trọng này không?

Những ngày chờ đợi

Bộ hình duyệt lại các án tâu lên vua châu phê. Vua y án, ông Giu-se Lê Đăng Thị phải tức hành giảo quyết. Đức Cha Sô-hi-ê viết thư cho Hội Truyền Giáo Pa-ri kể lại rằng “Ngày 22-9-1860, người ta đưa tin cho ông đội Thị biết hôm nay ông sẽ phải xử. Hai ba ngày trước ông đã bị mệt nặng, không ăn, không uống. Nghe tin này ông rất vui mừng như được bình phục hẳn, xin ăn uống, đi từ giã các bạn tù rồi sẵn sàng đợi điệu đi xử”.

Nhưng lệnh xử hoãn. Năm ngày sau lại có lệnh xử, rồi lại hoãn. Ba ngày sau có lệnh mới, rồi lại hoãn làm cho ông Thị luôn sống những ngày mong mỏi đợi chờ.

Thời gian này Cha Lợi vào trong ngục giải tội cho ông Thị một lần và hôm sau thày giảng Quờn đưa Mình Thánh cho ông chịu vì Cha Lợi không dám vào ngục lần nữa sợ bị lộ sẽ phải bắt.

Ngày 23-10-1860 ông đội Thị được tin ngày mai mình sẽ phải xử và lần này là dứt khoát. Ông vui mừng nói đi nói lại: “Hạnh phúc cho tôi! Hạnh phúc cho tôi!”

Một người bạn ông là chú Đa-minh Biện lại mang cho ông niềm vui khác nữa: “Khi ở nơi xử ông trông thấy tôi, ông hãy giục lòng ăn năn tội làm dấu Thánh giá vì bên cạnh tôi có một Cha làm phép giải tội cho ông”. Vị linh mục đó là Cha Thanh.

Ngày 24-10-1860 quan quân kéo đến ngục điệu ông đi xử. Trước khi khởi hành quan khuyên ông khóa quá sẽ tha ngay. Chiến sĩ của Chúa Kitô cương quyết trả lời: “Không bao giờ tôi xuất giáo, tôi ước ao được chết để giữ trọn nghĩa cùng Chúa tôi”.

Quan Giám sát lên hiệu khởi hành. Ông đội Thị mang gông đeo xiềng đi giữa toán lính, quan Giám sát cưỡi ngựa đi trước. Một người lính đi trước mặt ông đội Thị cầm thẻ án ghi rằng:

“Lê Đăng Thị có chức đội trưởng mê theo Gia-tô tả đạo ngoan cố bất khẳng khóa quá, y là tên phạm trọng tội không thể tha được. Phải luận án xử giảo y vào cuối у mùa thu này”.

Còn ông Thị hiên ngang mạnh bạo rảo bước tới pháp trường, tươi cười hân hoan, gặp ai quen biết, ông bái chào từ giã.

Cha Mát-ti-nô Nguyễn Văn Thanh làm chứng rằng: “Khi tới pháp trường là chợ An Hòa thuộc làng An Vân Hạ, tôi lẩn giữa đám đông để làm phép cho ông như đã hẹn.

Chị Mai giáo hữu họ Phủ Cam trải chiếc chiếu, bên trên phủ một mảnh vải trắng. Quan Giám sát bảo ông Thị đứng trong đó và truyền quân lính vây chung quanh. Ông Thị quỳ xuống cầu nguyện một lúc lâu. Rồi bốn tên lính đến mở gông, tháo xiềng, quàng sợi dây vào cổ, bảo ông Thị nằm sấp xuống, trói chân tay vào cọc. Một hồi trống lệnh nổi lên, bốn người lính, mỗi bên hai người xiết chặt đầu dây, dây đứt, họ thay dây khác bền hơn rồi kéo mạnh cho đến khi ông tắt thở.

Hôm ấy là ngày 24-10-1860, ông thọ 35 tuổi. Một giáo hữu sống giữa đời, được đào tạo trong một trường ngoại giáo của các con nhà quan, một viên chức phục vụ trong đền vua, một đội trưởng sống trong quân đội đã trở thành vị anh hùng tử đạo, lấy máu đào mình minh chứng đạo Chúa.

Xác ông đội Thị được giáo dân đem về táng ở họ Phủ Cam như lời vị tử đạo đã trối.

Hiện nay hài cốt người để tại Dòng Chúa Cứu Thế Huế.

Ngày 13-2-1879, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 tuyên bố ông Giuse Lê Đăng Thị lên bậc đáng kính.

Ngày 2-5-1909, Đức Thánh Cha Pi-ô X phong chân phúc cho ông Giuse Lê Đăng Thị, và ngày 19-6 1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn ông lên bậc hiển thánh.

-000-

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn