Ngày 24/11: Thánh Vinh-sơn Nguyễn Thế Điểm – Linh mục (1761-1838), tử đạo Việt Nam

Thời kỳ bình an

Sử sách không ghi lại những chi tiết về dòng họ, về gia đình và thời thơ ấu của Cha Vi-xen-tê Nguyễn Thế Điểm. Chúng ta chỉ biết được rằng người sinh năm 1761, tại làng An Do, ở gần Cửa Tùng, thuộc tỉnh Quảng Trị, thuở bé học ở trường làng Hướng Phương, sau được nhận vào Chủng Viện Vĩnh Trị, tỉnh Nam Định, rồi khi mãn trường thì được chịu chức linh mục.

 

Vị tân linh mục nhận bài sai đến làm cha xứ Cồn Nam, ở miền phụ cận huyện Bố Chính. Vốn là người đạo đức sốt sắng, lại có lòng hiền từ, hay thương giúp người nghèo khổ, nên chẳng những Cha cảm hóa được các con chiên của mình, lại thu phục được cả lương dân miền ấy nữa, Cha chuyên cần giảng dạy lời Chúa, siêng năng ngồi tòa giải tội, và làm gương sáng đặc biệt về lòng kính mến Đức Mẹ Maria, nhất là về việc lần hạt Mân Côi. Tinh thần hãm mình của Cha Điểm còn thể hiện qua việc ăn chay thường xuyên mỗi tuần hai ngày, thứ tư và thứ bảy, mặc dù Cha vừa bận rộn vừa tuổi tác. Vì vậy Cha khuyên dụ được rất nhiều người khô khan tội lỗi trở về với Chúa.

Cha cũng không quên chuẩn bị cho tương lai nên luôn luôn quan tâm và chăm chú coi sóc đào tạo các thày giảng. Gặp cơn gian nguy, không nơi trú ẩn. Năm 1838, cuộc cấm đạo dưới triều vua Minh Mệnh đang diễn ra nghiêm ngặt và ác liệt.

Ngày 2-6 năm ấy, Cha phó của Cha Vi-xen-tê Điểm, là Cha Phê-rô Vũ Đăng Khoa, bị bắt cùng với hai thày giảng là học trò của mình.

Vừa nghe tin Cha Phó bị bắt, Cha già Điểm sai ngay một thanh niên tên là Sang đến làng An Bài hỏi giáo dân ở đấy có sẵn lòng cho người tới trú ẩn không. Giáo hữu An Bài thấy làng mình không đủ điều kiện bảo đảm an ninh cho Cha già, nên không dám nhận lời. Cha già phải đi lang thang ngoài cánh đồng, thấy tình cảnh khó khăn của con chiên mình, không biết trốn ẩn nơi đâu, cứ tiếp tục đi lang thang, nên một lúc sau thì bị bắt. Sở dĩ Cha Vi-xen-tê Điểm sớm bị bắt như thế là vì sự nhỡ nhàng của hai thày giảng là học sinh của Cha Phó Vũ Đăng Khoa. Cả hai cùng bị bắt với cha giáo của họ, cả hai cùng bị tra khảo về nơi trú ẩn của Đức Cha Bô-ri[1] (Cao). Các thày lỡ lời nói rằng: “Nếu người không ở làng Cồn kia, tại nhà ông Phương, thì chắc ở làng Hướng Phương tại nhà ông Đôn”. Bởi vậy, lính được lệnh đi truy nã Đức Cha. Khi đi đến gần làng Dân Sá, chưa tìm thấy Đức Cha, nhưng gặp Cha Điểm giữa cánh đồng, họ bắt ngay, rồi đóng gông giải về thành Đồng Hới.

Năm ấy, Cha Điểm đã 77 tuổi nên người yếu mệt lắm, lại bị quân lính đe doạ, Cha sợ hãi lúng túng, nhỡ nhời nói ra mấy nhà giáo hữu mà Cha đã ở, khiến họ bị liên luy. Nhưng trái lại, Cha rất cam đảm xưng tỏ đức tin của mình (1) Borie và cương quyết từ chối không bước qua ảnh Chuộc tội. Đến khi Đức Cha Bô-ri bị bắt và bị giam vào tù, gặp Cha Điểm, người cho Cha già biết rằng những lời khai đó của Cha rất nguy hiểm, thì Cha tìm cách sửa chữa ngay, mà khai lại với các quan rằng: Tôi già nua mệt nhọc nên trong lúc hoảng hốt vì lính tráng đe doạ, rồi bắt tôi, tôi luống cuống vội vã lẩm cẩm. Bây giờ tôi bình tĩnh lại, tôi nghĩ những lời tôi nói đó, chỉ là nói cho qua chuyện, nhưng rất có thể khiến quân lính tưởng thật và gây phiền hà cho mấy người dân lành, nên tôi xin các quan bỏ qua các lời khai ấy, và tha cho họ.

Thà chết trăm lần, chẳng thà khóa quá

Cha già Điểm thường bị tra khảo chung với Đức Cha Bộ-ri và Cha Khoa, bao giờ Cha cũng nhường lời cho Đức Cha ứng đối. Dẫu vậy, nhiều lần Cha đã lên tiếng thêm vào ý kiến Đức Cha để bác bẻ những lời lẽ dụ dỗ chối đạo. Một hôm, quan án nói thẳng với Cha Điểm rằng: “Này, đạo trưởng Điểm, anh đã biết rõ có lệnh vua nghiêm cấm đạo các anh, nhưng nếu anh bằng lòng bước qua thập giá, thì ta sẽ tha ngay cho anh”. Cha Điểm trả lời dứt khoát như sau: “Tôi thà chết trăm lần còn hơn nghe lời quan dụ dỗ”. Rồi Cha thản nhiên sống trong ngục tù, làm gương sáng đạo đức và trung kiên cho các giáo hữu bị bắt. Nhờ lòng nhân hậu, Cha đã cảm hoá được hết các bạn tù của mình. Cha được xưng tội nhiều lần với Đức Cha Bô-ri.

Niềm mong ước trở thành sự thực

Trong tù, Cha Vi-xen-tê Điểm không bị đánh đập, vì luật pháp bấy giờ cấm tra tấn các tù nhân tuổi tác. Nhưng sau cùng ước nguyện của Cha vẫn được chấp nhận, khi hồ sơ của Cha đã hoàn tất, người ta khép án xử giảo cho Cha.

Ngày 24-11-1838, bản án được vua Minh Mệnh châu phê đã chuyển tới thành Đồng Hới. Người ta dẫn Cha Điểm ra pháp trường cùng với Đức Cha Bô-ri và Cha Khoa. Trước ngực Cha phải đeo một miếng ván kết án ghi như sau: “Đạo trưởng Điểm không chịu bước qua thập giá, nên bị án xử giảo”.

Đến nơi xử, Cha Vi-xen-tê Điểm quỳ xuống cầu nguyện mấy phút, rồi lính đặt Cha nằm xuống, trói chân tay vào cột, quấn thừng vào cổ, chờ khi hiệu lệnh nổi lên, họ kéo mạnh, xiết chặt dây cho đến khi chứng nhân của Chúa Ki-tô tắt thở.

Xác Cha Điểm được chôn cất ngay tại pháp trường Đồng Hới; về sau, khi cải táng, người ta chuyển hài cốt Cha về nhà thờ làng Hướng Phương. Bấy giờ có một em học sinh nhỏ lấy trộm xương ngón tay trỏ của Cha Điểm. Một lúc lâu sau, em bị đau ruột dữ dội. Mọi người đã nghĩ rằng em sắp chết. Nhưng bỗng có một linh mục hỏi em có lấy trộm thánh tích gì của vị tử đạo thì hãy thú nhận. Em học sinh thú thật mình đã nhặt một chút xương ngón tay, em xin hoàn lại. Thế rồi vị linh mục bảo em đến mộ Thày Phê-rô Tự tử đạo thú tội và cầu nguyện. Nhờ lời cầu bầu của thày, em bé cảm thấy cơn đau ruột của mình dịu đi ngay.

Trong cơn cấm cách thời ấy, người ta đồn nhiều dư luận xấu về Cha Điểm cả dám theo tả đạo, khinh thường luật vua phép nước. Có người chiều theo tiếng eo sèo của những người bên lương, nên đào cả mộ Cha lên, làm mất danh dự của Cha.

Năm 1867, có một người cho bò của mình giẫm nát mộ Cha Điểm. Ngay lúc ấy, con bò bị liệt hai chân sau, ngã tại chỗ không đi được. Ông chủ bò ngẩn ngơ sợ hãi chạy đến mộ van xin vị linh mục tử đạo tha lỗi cho mình và chữa cho con bò khỏi chân. Quả nhiên, nửa giờ sau, con bò được khỏi thật. Ông chủ bò hiểu rằng vị thánh tử đạo đã nhận lời mình cầu khẩn. Ông tạ ơn người, rồi dắt bò về, không bao giờ dám để nó đến gần mộ người nữa.

Từ khi thấy hai việc lạ trên xảy ra, dân chúng cả lương lẫn giáo, không ai chê trách Cha Vi-xen-tê Điểm nữa. Cha Vi-xen-tê Nguyễn Thế Điểm chịu tử đạo năm 77 tuổi, được Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc ngày 27-5-1900, cùng với Đức Cha Bô-ri, Cha Khoa, ông Trùm Năm và thày giảng Tự. Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn Cha lên bậc hiển thánh.


[1] Borie

Đức Hồng Y Giu-se Maria Trịnh Văn Căn