Ngày 26/5: Thánh Philipphê Nêri, Lễ nhớ

 

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Philippe Néri sinh tại Florence năm 1515, theo học tại tu viện Dòng Đa-minh San Marco, nơi đây ngài say mê các văn bản của Savonarole. Năm mười tám tuổi, ngài đến nhà chú gần núi Cassin để tập nghề buôn bán nhưng lưu lại đó không lâu vì thích sống tại Rôma hơn.

Trong Thành Đô muôn thuở, người chọn lối sống hoàn toàn thích hợp với mình: Như một người “Lữ thứ của Chúa, không nhà không cửa, nhưng tự do”. Trong trang phục ẩn sĩ, ngài chuyên tâm khổ chế và cầu nguyện, tham gia các lớp triết học và thần học, hoạt động “Tông Đồ cho người ở đường phố”, thăm viếng các tù nhân, phục vụ bệnh nhân trong các bệnh viện… Tính tình cởi mở và vui vẻ của thánh nhân thu hút lòng thiện cảm của mọi người: Người ta gọi thánh nhân là “Pippo il Buono”. (Philípphê nhân hậu).

Năm 1548, ngài qui tụ khoảng mười lăm người vào “Tu hội Chúa Ba Ngôi” nhằm chăm sóc các kẻ hành hương nghèo khó và các bệnh nhân. Ngài được thụ phong linh mục năm ba mươi tám tuổi, và gia nhập cộng đoàn các Tuyên úy nhà thờ San Girolamo. Không có nội quy, không lời khấn dòng và cũng không có cộng đoàn, mặc dù các ngài sống chung dưới một mái nhà. Kể từ năm 1552 Dòng Oratoire bắt đầu phát triển: đây là một phương pháp hoạt động Tông Đồ đặt cơ sở trên việc cầu nguyện, giảng thuyết và hát xướng thánh ca. Năm 1575, Dòng Oratoire được Đức Giáo Hoàng Grégoire XIII phê chuẩn thành Hội dòng các linh mục và giáo sĩ. Các linh mục sẽ sống chung thành cộng đoàn, phục vụ Dòng Oratoire, nhưng không tuyên khấn.

Tu hội của Phippe Néri lan tràn ở Ý và khắp châu Âu. Hội Oratoire tại Pháp được khai sinh nhờ công lao của Hồng y Bérulle. Còn tại Anh, chính Hồng y Newman đã du nhập hội vào năm 1848.

Các thánh như Charles Borromée, Ignace de Loyola, Camille de Lellis đều liên hệ với Phippe Néri, cũng như nhà soạn nhạc Palestrina và sử gia Baronius đều đi theo con đường của thánh nhân.

Phippe Néri qua đời, thọ tám mươi tuổi được phong chân phước năm 1615 và phong hiển thánh năm 1622. Ngài được tôn kính làm “vị Tông Đồ thứ hai của thành Rôma”.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Thánh lễ được mở đầu bằng câu tiền xướng ca ngợi ơn gọi của Philippe Néri “được sai đi mang Tin Mừng cho người nghèo khó và đem lại sự giải thoát cho kẻ bị áp bức” (tiền xướng nhập lễ).

Ngài được mệnh danh là “Kẻ lữ thứ của Chúa” hay “người Nghệ sĩ xảo thuật” và tự hiến làm Tông Đồ loan báo Tin Mừng bằng cách áp dụng phương pháp của Dòng Oratoire, lấy cầu nguyện, giảng thuyết và hát thánh ca làm cốt lõi. Vì quan tâm đến những kẻ sống bên lề xã hội và những người nghèo khổ nhất, nên ngài cũng đến với đám thanh thiếu niên trên đường phố và tại nơi họ sinh sống. Nhờ sức lôi cuốn của ngài chinh phục, nào thợ thủ công, kẻ bán hàng quán, các tù nhân và bệnh nhân đều được ơn sám hối. Ngài để ra hằng giờ để giải tội. Ngài khơi dậy các sáng kiến phù hợp nhằm đánh thức lương tâm của họ để họ tin Chúa và sống theo Tin Mừng. Như thế thánh nhân trở nên người cổ vũ cho phong trào “hành hương bảy thánh đường” khiến người dân xa rời với lễ hội hóa trang thường được tổ chức tại Rô-ma. Với sự đồng cảm và sáng suốt, ngài không chủ trương thay đổi con người từ bên ngoài, nhưng bằng cách yêu mến họ và gợi đến các ưu điểm nơi những kẻ đương thời.

b. Lời nguyện nhắc đến “Chúa Thánh Thần đốt lửa yêu mến trong lòng thánh Philippe Néri và hun đúc tâm hồn thánh nhân cách lạ lùng”.

Là nhà chiêm niệm trước khi trở thành người hoạt động, thánh nhân thường thích lặp đi lặp lại câu này: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy thắp lên trong con ngọn lửa yêu mến Chúa”. Ngọn lửa yêu mến Chúa đây đã “bùng cháy” lên và mở rộng tâm hồn ngài theo nghĩa cụ thể. Lòng mến Chúa nồng nàn cũng trở nên lòng cậy trông, tình âu yếm, niềm vui, mạnh mẽ thúc đẩy thánh nhân đến với tha nhân, nhất là những ai xa rời Hội thánh.

c. Qua lời nguyện trên lễ vật, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta hoạt động để làm “Vinh danh Chúa và phục vụ anh em trong niềm vui luôn mãi” theo gương thánh Philippe Néri.

Với tính tình vui vẻ và cách xử sự đầy hóm hỉnh, chúng ta có thể nói được rằng ngài chính là niềm vui cho mọi người. Tất cả những ai được lôi cuốn vào niềm vui của ngài đều thấy được rằng niềm vui ấy bắt nguồn từ chính Chúa Thánh Thần đang ngự trong tâm hồn Philippe trước khi lan tỏa xung quanh. Ngài nói: “Niềm vui tăng sức mạnh cho tâm hồn, và làm cho chúng ta kiên vững trong đường ngay lành … Hãy vui lên, nhưng đừng phạm tội … Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự bình an đích thật và gìn giữ chúng ta trong niềm vui luôn mãi.”

d. Lời nguyện hiệp lễ nhấn mạnh đến “niềm khao khát các nguồn sống chân thật” nuôi sống tâm hồn Philippe Néri và thúc đẩy ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu của con, con muốn yêu mến Ngài. Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài đừng tin Philippe này … Con đã nói với Ngài rằng con không biết Ngài. Con tìm Ngài mà chẳng thấy. Xin hãy đến với con…”

Để đạt đến các nguồn sống chân thật này, Philippe luôn tìm mọi giây phút thanh tĩnh một mình để cầu nguyện, chiêm niệm … Ngài nói: “Bạn hãy đi trong trần thế như đi trong sa mạc” sự cầu nguyện của ngài đạt đỉnh cao trong Thánh lễ: dâng Thánh lễ là thời điểm quan trọng nhất trong ngày. Ngài chia sẻ lòng sùng mộ này với các môn đệ của mình và không ngần ngại mời gọi mọi người siêng năng rước lễ, trong thế kỷ mà việc rước lễ thật là hi hữu… Cũng thế, ngài chọn việc xưng tội làm phần chủ yếu trong công tác rèn luyện đời sống thiêng liêng.

Thánh Philippe Néri là con người đáng yêu và quảng đại, thanh khiết, khiêm tốn, hoạt động và chiêm niệm; cũng như việc ngài thực thi đời sống Tông Đồ và đề cử nếp sống ấy cho các con cái thiêng liêng của mình là các linh mục Dòng Oratoire: đó là lòng khiêm tốn, bác ái, cầu nguyện và niềm vui. Như thế thánh nhân và nếp sống Tông Đồ của ngài vẫn luôn mãi là mẫu mực mang tính hiện thực một cách kỳ lạ đối với chúng ta.

Enzo Lodi