Ngày 27/9: Thánh Vinh-sơn Phao-lô – Linh mục (1581-1669), Lễ nhớ buộc
1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Vincent de Paul qua đời ngày 27 tháng 9 năm 1660 tại Paris, được phong thánh năm 1737 và năm 1883 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên bố là bổn mạng tất cả các công việc bác ái.
“Ông Vinhsơn” (Monsieur Vincent) sinh ngày 24 tháng 4 năm 1581 trong một gia đình nông dân ở Pony (nay là Saint-Vincent-de-Paul) miền Landes. Ban đầu đi chăn cừu cho cha, rồi theo học tại trường các cha dòng Phansinh ở Dax, tiếp đó học đại học ở Toulouse. Sau khi thụ phong linh mục, nhân một cuộc hải trình, Vinhsơn bị bọn cướp biển bắt bị bán cho một thợ luyện kim ở Tunis năm 1605. Được tha, cha Vinh sơn sang Roma (1607) rồi trở về Paris (1609), tại đây cha trở thành cha sở Clichy năm 1612. Chính trong giai đoạn này, cha Vinhsơn qui hồi đổi đời; chịu ảnh hưởng cha Pierre de Bérulle linh hướng, Vinhsơn khấn tận hiến cho Chúa bằng cách phục vụ người nghèo. Năm 1617, cha được chỉ định làm tuyên úy tại nhà Philippe Emmanuel ở Gondi là vị tướng coi sóc các thuyền Galères của nhà vua. Công việc tuyên úy các tù nhân chèo thuyền và các thủy thủ cũng như linh mục miền quê trên vùng Gondi càng giúp cha thấm thía nổi khổ tinh thần và vật chất của dân chúng. Năm 1619, ngài gặp thánh Francois de Sales và cũng như Pierre de Bérulle, thánh Francois cũng có ảnh hưởng đối với Vinhsơn. Lúc này nhằm tạo hữu hiệu hơn trong việc phục vụ người nghèo, cha tập hợp các “Nữ tỳ người nghèo” đầu tiên (các Nữ Tử Bác ái) và lập cho họ một qui chế. Năm 1625, cha lập Hội dòng các “Linh mục thừa sai” để truyền giáo cho người nghèo, đặc biệt là ở miền quê, và để đào tạo các linh mục tốt theo tinh thần công đồng Trente. Vì được đào tạo tại tu viện Saint-Lazare ở Paris, các thừa sai của cha cũng được gọi là Lazaristes. Tại đây cha Vinhsơn chuẩn bị cho các ứng sinh lên chức linh mục, theo yêu cầu của Đức tổng giám mục Paris. Tiếp theo, được Đức hồng y Richelieu khuyến khích, cha mở thêm các chủng viện dưới sự điều khiển của các linh mục trong dòng, để huấn luyện các chủ chăn tương lai. Năm 1633, với sự trợ giúp của thánh nữ Louise de Marillac, thánh Vinhsơn Phaolô lập dòng nữ tử bác ái có mục đích phục vụ người nghèo; dòng có một sức bậc phi thường và được phổ biến không gì sánh bằng khắp trên thế giới. Các nữ tu hồi đó mặc y như ở các tỉnh gốc gác của mình và sống trong các giáo xứ nơi họ phục vụ.
Năm 1643, cho Vinhsơn chứng kiến các chết của vua Louis XIII, và nhờ ý kiến của hoàng hậu nhiếp chính là Anne d’Autriche, cha được chỉ định làm thành viên Hội đồng lương tâm (cơ quan chỉ định các giám mục); nhờ thế cha can thiệp vào các vụ chỉ định giám mục, và cùng với hai linh mục Bérulle và Olier, Ngài xếp cho các giám mục được chỉ định thực sự là những chủ chăn tốt.
Do các dòng tu Ngài thành lập, tình yêu đối với người nghèo và sự thánh thiện linh mục, thánh Vinhsơn thực sự là khuôn mặt sáng giá nhất thế kỷ XVII và là một trong những nhà hoạt động chính trong công cuộc Phục hưng công giáo tại Pháp. Các Thư tín (khoảng hai ngàn thư) và Giáo huấn của Ngài là một nguồn quan trọng cho việc hiểu biết lịch sử dòng tu trong thế kỷ XVII.
Thánh Vinh sơn Phaolô qua đời ở Paris, thọ tám mươi tuổi, tại nhà Saint – Lazare. Xác Ngài được tôn kính tại nhà nguyện các cha Lazaristes.
2. Thông điệp và tính thời sự
Lời nguyện trong ngày nhắc đến các trục chính trong công việc của thánh Vinhsơn là “giúp đỡ người nghèo và đào tạo linh mục”. Nơi thánh Vinhsơn phục vụ là trọng tâm của việc tông đồ, vì mục tiêu Ngài nhắm trước tiên là “khuyến khích các linh mục, giáo dân và các phụ nữ, giao trách nhiệm cho họ trong một sự phục vụ trọn vẹn những người thấp cổ bé miệng bằng cuộc sống chứng tá Phúc âm và đem cơm áo cho người không cơm ăn áo mặc”. Có thể tóm gọn chương trình của Ngài như sau: “Yêu Chúa thôi, chưa đủ, nếu tôi không thương anh em. Ưu tư, lao tâm khổ trí của tôi chính là người nghèo”. Trong một buổi đàm đạo với các chị Nữ tử Bác ái, vị thánh lập dòng giải thích thế này về việc phục vụ người nghèo: “Không phải là bỏ Chúa khi bỏ Chúa vì Chúa, nghĩa là bỏ một công việc Chúa vì một công việc khác… Các chị bỏ nguyện gẫm hay đọc sách, hoặc không giữ im lặng để đi trợ giúp một người nghèo, thì, các chị biết đấy, làm tất cả những điều đó chính là phụng sự Chúa” (phụng vụ và bài đọc). Về vấn đề đào tạo linh mục, thánh Vinhsơn ý thức tính cấp thiết của vấn đề, Ngài nói: “Giáo sỹ hư hỏng là nguyên nhân chính gây nên sa sút trong Giáo hội; linh mục thế nào thì giáo dân thế đó”.
Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh rằng thánh Vinhsơn đã biết “sống phù hợp cuộc đời với các mầu nhiệm thánh Người cử hành”. Quả thật, vị tông đồ xem ơn gọi linh mục chính là sự phục vụ và một sứ mệnh: “không gì thích hợp với Giáo hội hơn một đàng là thu thập ánh sáng và sức mạnh cho linh hồn mình bằng nguyện gẫm, đọc sách trong cô tịch, để rồi sau đó chia sẻ thứ lương thực tinh thần này cho người khác.”
Lời nguyện tạ lễ khuyến khích chúng ta “loan báo Tin Mừng cho người nghèo” theo gương thánh Vinh sơn, Đấng xem Đức Giêsu trước hết là “kẻ rao giảng phúc âm cho người nghèo” (Phụng vụ bài đọc). Công đồng Vatican II nhắc chúng ta rằng ngày nay phát triển kinh tế thường dẫn tới việc khinh dễ người nghèo (Mv 63). Ước mong gương thánh Vinhsơn giúp chúng ta nghe được những tiếng kêu và đáp lại các nhu cầu của họ bằng những phương tiện thích hợp, để tạo dễ dàng khắp nơi cho công bằng, đồng thời thốt lên khắp nơi tình yêu Đức Kitô nơi người nghèo khổ (Mv 90,3).
Enzo Lodi