Người con nối dõi tông đường
Cậu Phê-rô Nguyễn văn Hiếu sinh năm 1783 ở làng Đồng Chuối tỉnh Hà Nam trong một gia đình trung nông. Cậu hiền lành, ngoan ngoãn, đạo đức sốt sáng.
Ông bà Sồm sinh được hai con, một gái, một trai. Chị là An-na Nguyễn Thị Chung, cậu em là thầy giảng Phê-rô Hiếu của chúng ta.
Từ bé cậu Hiếu đã siêng năng học kinh bổn, chăm chỉ đi nhà thờ. Ông bà Sồm cho con đi học chữ Nho, cậu học hành tấn tới, hay vâng lời cha mẹ, không cãi nhau đánh nhau với các bạn bao giờ nên ông bà Sồm rất yêu con. Cậu ước ao dâng mình vào nhà Đức Chúa Trời, nhiều lần cậu định ngỏ ý xin cha mẹ, nhưng lại sợ cha mẹ không bằng lòng vì cậu là con một, theo thói đời, có một con trai thì không cho đi tu, phải ở nhà nỗi dõi tông đường.
Năm 12 tuổi cậu mạnh dạn xin cha mẹ cho mình được như sở nguyện, hai ông bà rất yêu con, lại vốn bản tính hiền lành đạo đức nên bảo cậu: “Con cứ yên tâm, để cha bàn với chú con rồi cha mẹ sẽ cho con đi tu”.
Ông chú là người sốt sáng đạo đức trả lời cách khôn ngoan: “Nếu cháu muốn dâng mình cho Chúa, chúng ta phải tuỳ ý cháu, việc này do thánh ý Chúa chọn”.
Thế là họ hàng đều thỏa thuận, ông bà Sồm cho con vào nhà Đức Chúa Trời. Đang khi cậu học ở chủng viện, thì cha mẹ cậu qua đời, còn chị gái đi lấy chồng.
Xin cầu cho tôi được phúc tử đạo
Khi Thày Hiếu mãn tràng La-tinh, Bề trên sai thày đi giúp các cha thừa sai, về sau thày đi giúp Cha Khoan ở xứ Phúc Nhạc. Thày vâng lời chịu luy, siêng năng làm các việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Thày Hiếu hiền lành dễ dàng, nhưng lại giữ phép nhà rất ngặt, hay giúp người ta dọn mình rước lễ, hay thăm viếng người ốm đau để khuyên bảo người ấy chịu phép xức dầu cho nên.
Thày bị bắt ở trại Đông Biên cùng với Cha Khoan và Thày Thanh.
Khi phải giam ở tỉnh Ninh Bình, thày cũng phải tra khảo như Thày Thanh. Dù các quan bày mọi mưu chước dỗ dành đe dọa thế nào thày vẫn kiên trung vững vàng bằng lòng chịu mọi hình khổ, chịu mang gông xiềng, đòn vọt vì danh Chúa Kitô.
Sau quan giam riêng Thày Hiếu và Thày Thanh một nơi để dỗ dành và khỏi chịu ảnh hưởng của Cha Khoan. Nhưng các quan đã nhầm, sức mạnh của các thày là ở nơi Chúa, là ơn Chúa ban, nên dù các thày bị cô lập một mình các thày vẫn bất khuất trước mọi quyền lực trần gian.
Thày Hiếu cũng bị đòn vọt như Thày Thanh, bị lôi qua Thánh Giá nhưng lần nào thày cũng lên tiếng phản đối, cũng có hành động phản kháng. Hai thày ở với nhau một thời gian ngắn, luôn giúp đỡ khuyến khích nhau chịu khó cho nên.
Thày bị kết án giảo giam hậu vì thế thày chịu cảnh tù ngục hơn một năm nữa. Chứng nhân của Chúa dùng thời gian này để chuẩn bị cuộc sống vĩnh cửu cách hoàn hảo hơn, mọi người đều thấy thày lúc nào cũng tươi vui, khi làm việc, lúc đọc kinh, ăn chay các ngày thứ sáu. Bổn đạo đến thăm, thày khuyên họ chịu khó giữ đạo cho nên và lần nào thày cũng xin họ cầu nguyện cho mình được phúc tử đạo.
Lần thứ hai quan kết án thày phải trảm quyết, trước khi thi hành án, các quan còn cố dụ dỗ thày khoá quá, nhưng thày vẫn vững vàng.
Những viên gạch đỏ thắm xây dựng thành Giêrusalem trên Trời
Ngày 28-4-1840, Cha Khoan, Thày Thanh, Thầy Hiếu, phải điệu đi xử, suốt dọc đường ba cha con hân hoan hát bài ‘Kinh Tạ ơn’, dân chúng đứng hai bên đầu tiên ngạc nhiên, bỡ ngỡ, sau như được lôi kéo hấp dẫn bởi niềm vui thiên linh. Đây là bài ca khải hoàn của các chiến sĩ đức tin đi đón nhận triều thiên vinh quang. Đã đến pháp trường ‘Lò gạch’, Thiên Chúa dùng bàn tay lý hình để hoàn thành ba viên gạch đỏ thắm sáng chói rực rỡ xây dựng thành Giê-ru-sa-lem trên trời.
Thày Hiếu ngồi vào chiếu đã trải sẵn, lính cưa gông, trói thày vào cọc. Sau hồi hiệu lệnh, lính chém đầu thầy, nhưng vì sợ quá chúng chém trệch, khiến thày rất đau đớn ngửa mặt lên trời kêu lên rằng: “Xin chém tôi đi tôi đau quá”. Đến nhát thứ ba, đầu mới rơi xuống.
Bổn đạo xứ Yên Mối đem xác thày về làng ấy và giữ cho đến bây giờ.
Ngày 27-5-1900 Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc cho thày Phê-rô Lê Văn Hiếu, và ngày 19 – 6 – 1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II lại phong thày lên bậc hiển thánh.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn