Sau nhiều năm sống ở Tân Triều, Biên Hòa, gia đình ông Phao-lô Hạnh có đạo từ lâu đời di chuyển lên Chợ Quán, Sài Gòn và ở đây ông Phao-lô Hạnh mở mắt chào đời năm 1827. Trải qua một cuộc sống sôi động, ông đã đổ máu mình ra vì Chúa Ki-tô.
Hồi còn trẻ ông với một người bạn buôn bán vặt, sau đi buôn với hai ông Thanh và Ngãi là các anh của ông.
Ngay từ buổi đầu cả ba anh em đã mắc tiếng xấu. Người ta cho rằng ba anh em làm nghề ăn trộm và làm tướng cướp. Người ta đồn rằng ông Hạnh hay tập trung những trẻ con cầu bơ cầu bất, dạy chúng ăn cắp.
Những lời tố cáo này thực hư thế nào không dám chắc. Nhưng người bạn đã buôn bán với ông trước kia quả quyết rằng ông Hạnh là người lương thiện.
Về sau cả ba anh em đều bị tố cáo với quan tỉnh, nhưng họ có đầy đủ bằng chứng đánh đổ bên nguyên và họ được trắng án.
Phán quyết của tòa án cũng không lấy lại được tiếng tốt cho ông Hạnh. Người ta cũng đã tiến hành điều tra được ít nhiều bằng chứng về hạnh kiểm xấu của ông. Một bà tên là Hồng ở chợ quán mất cắp, đến nói với ông Hạnh. Ông ra lệnh cho các bạn không được lấy vật gì của ai trong làng. Chúng không nghe, ăn trộm quần áo của một người có đạo. Khi nghe biết, ông bắt chúng phải trả lại. Tức giận, chúng tố cáo với quan là ông Hạnh đã dẫn đường cho quân Pháp chiếm đóng Cai Mại. Ông Lý Tri và một người ở Sa Đéc làm chứng.
Bấy giờ sau ông Hạnh bị bắt, phải giam ở trại Ba Queo. Trước công đường, các quan tố cáo tội trạng, ông kịch liệt phản đối rằng: “Không bao giờ tôi dẫn quân rợ Tây đi chiếm đồn nào, không bao giờ tôi liên lạc với chúng”. Các quan không thể làm cách nào để ông khai thác được.
Không nhân chứng nào minh xác được sự việc, bên nguyên thất bại
Vụ án chuyển sang vấn đề tôn giáo
Đột nhiên quan án đưa ra một câu hỏi khác: “Anh và nhiều người ở Chợ Quán theo đạo Gia-tô có phải không?” Ông Hạnh trước kia đã cương quyết không nhận những lời tố cáo trên, khi nghe câu hỏi này, ông hiên ngang bình thản trả lời: “Đúng thế tôi có đạo”.
Quan bắt ông đạp ảnh. Ông từ chối. Quan truyền đánh đòn, ông vẫn vững vàng. Quan truyền lấy kìm sống xé thịt ở đùi, ông không nao núng. Rồi quan truyền giam ông vào ngục, hy vọng ông sẽ suy nghĩ và thay đổi ý kiến.
Hôm sau, ông Hạnh phải ra công đường. Câu hỏi khóa quá lại được đưa ra và cũng vấp phải câu trả lời cương quyết như hôm trước, quan truyền dùng kìm nung đỏ tra tấn. Lòng dũng cảm của chiến sĩ Đức Tin không lay chuyển.
Tức giận, quan truyền lính lấy đe và búa. Lý hình kéo hai chân ông Hạnh để lên đe, lấy búa nện vào hai bụng chân. Vị tử đạo chịu hình khổ dã man này cách anh hùng.
Quan hoàn toàn thất bại, không còn cách nào chiến thắng được chứng nhân Chúa Ki-tô. Quan kết án ông Phao-lô Hạnh phải trảm quyết, và bản án được thi hành ngày 28-5-1859.
Một người có lòng bác ái gặp đoàn án giải tù đang tiến ra pháp trường, người ấy thương xót đưa cho lý hình 6 quan tiền để anh xử một nhát cho ‘tội nhân’ đỡ khổ.
Ở pháp trường, ông Hạnh tỏ ra hiên ngang dũng cảm, không sợ hãi, ông sẵn sàng chết để làm chứng cho Chúa. Ông bị xử là một giáo hữu trung thành với đạo Chúa.
Xác ông Phao-lô Hạnh chôn cất ở thửa ruộng ngang cạnh nơi xử, sau người ta đổ đất lên nhiều, nên không thể tìm được xác.
Đức Thánh Cha Pi-ô X phong chân phúc cho ông Phao-lô Hạnh ngày 2-5-1909
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong ông lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.
Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn