Ngày 29/9: Các Tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en, Gap-ri-en và Ra-pha-en, Lễ kính
1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Trước cải tổ phụng vụ, các tổng lãnh thiên thần Michel, Gabriel và Raphael được mừng kính lần lượt vào các ngày 29 tháng chín, 24 tháng 3 và 24 tháng mười, hiện thời cùng mừng chung ngày 29 tháng chín, ngày kỷ niệm lễ cung hiến một đại giáo đường kính thánh Michel ở thế kỷ IV, trong một miền quê Roma nhưng ngày nay không còn. Việc tôn kính các tổng lãnh thiên thần Michel, Gabriel và Raphael đã được Công đồng Latran năm 745 chấp thuận, dưới sự chủ tọa của Đức giáo hoàng Zacharie. Và thế là người ta phân biệt các ngài với các thiên thần chỉ có tên trong các “ngụy thư” được tôn kính ở phương Đông là Uriel, Salathiel, Jébudiel và Barachiel.
Michel (trong tiếng Do thái là Mika’el, “ai bằng Thiên Chúa?”) được nhắc đến trong sách Đaniel (10,13.21; 12,1) thư Giuđa (1,9), còn sách Khải Huyền (12,7 …) mô tả cuộc chiến do tổng lãnh thiên thần Michel và các tổng lãnh Thiên thần chống lại con Rồng và các thiên thần của nó.
“Con Mãng xà … mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ, nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống cùng nó” (12,9).
Việc tôn kính thánh Michel được phát triển trên núi Gargan miền Pouilles (Italia) từ thế kỷ XI, đặc biệt sau lần người Lombards chiến thắng Sarrasins trong thế kỷ XII, gần Siponto mà người ta nói là nhờ sự bảo vệ của tổng lãnh thiên thần Michel. Tu viện nổi tiếng trên núi Saint-Michel ở Pháp là một trung tâm phát triển lòng sùng kính thánh Michel và, từ năm 966, sau khi có các tu sỹ Biển đức đến tại đây, nhà dòng trở thành một trong những trung tâm hành hương nổi tiếng nhất.
Gabriel (tiếng Do thái Gabri’el, “người của Chúa”, hoặc “Chúa là sức mạnh của tôi”) là tên riêng gọi một thiên thần xuất hiện lần đầu tiên trong sách Đanien (8,16; 9,21) trong một sứ vụ thiên thần truyền tin. Trong Tân ước, Gabriel là sứ giả được Chúa sai (Lc 1,19.26) loan báo việc Gioan tẩy giả sinh ra (Lc 1,11 – 20) và báo việc Đức Giêsu sinh ra từ Mẹ đồng trinh (Lc 1,26 – 28 ). Được tôn kính là tổng lãnh thiên thần từ thế kỷ II, thánh Gabriel được Giáo hội Syrie xem là đứng đầu các thiên thần.
Raphael (tiếng Do thái Repa’el, “Thiên Chúa chữa lành”) là tên một thiên thần chỉ xuất hiện trong sách Tobia (3,17). Raphael đồng hành với Tobia, giúp công việc thành công (5,12s), chửa Tobia cha hết mù, cứu Sara khỏi tay ma quỉ. Raphael là một trong 7 thiên thần đứng trước vinh quang Chúa (12,15), dâng lên Chúa lời cùng của những người thánh thiện cũng như việc lành của họ.
2. Thông điệp và tính thời sự
Các lời nguyện và kinh tiền tụng trong sách lễ minh họa sứ mệnh của các “sứ giả này được sai đi phục vụ điều thiện hảo cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ” (Dt 1,14).
Lời nguyện trong ngày nói đến chức năng các thiên thần ở trần gian là bảo vệ con người và, trên trời, luôn phụng sự trước mặt Chúa. cùng với các vị khác, thánh Michel là Đấng bảo vệ dân được Chúa chọn (Đn 10,13.21; 12,1) . Thư Giuđa nói rằng thánh Michel bàn cãi và tranh luận với quỷ về thi hài ông Môsê (1,9).
Chức năng của các thiên thần cũng được minh họa bằng bài giảng của thánh Grégoire Cả trong phụng vụ bài đọc, thánh nhân nói rằng chính tên các Ngài nói lên chức năng của mình: “Các ngài chỉ là thiên thần khi đưa tin. Người ta gọi là thiên thần những vị đưa tin ít quan trọng và tổng lãnh thiên thần các vị báo những biến cố quan trọng hơn”.
Lời nguyện trên lễ vật đề cao một khía cạnh khác trong sứ mệnh các thiên thần là trung gian giữa thiên Chúa với loài người. Chính vì các ngài mang lễ hy tế tạ ơn lên trước vinh quanh Thiên Chúa. Vì thế lễ qui Roma giúp chúng ta cầu nguyện: “Xin thiên thần mang lễ vật hiến tế lên trước bàn thờ vinh quang Chúa ...”. Truyền thống tin rằng các thiên thần vẫn liên kết với con người trong việc thờ phượng Chúa (xem Kh 8,3 –5).
Lời nguyện tạ lễ nhấn mạnh ý nghĩa của thánh thể là lương thực đi đường cho người tín hữu, được tiên báo qua chiếc bánh ngôn sứ Êlia nhận được từ thiên thần và nâng đỡ ông tới núi Hô-rép (1 V 19,5).
Sau hết, lễ các tổng lãnh thiên thần Micael, Gabriel và Raphael nhắc chúng ta rằng phụng vụ trần thế của chúng ta liên kết với phụng vụ các thiên thần cử hành trên trời: “Cùng với muôn vàn thần thánh thờ phụng Chúa trên trời qua Đức Kitô Chúa chúng con, chúng con ca ngợi Chúa dưới trần gian này…” (kinh tiền tụng lễ hôm nay). Chính là trước mặt Chúa Giêsu đó, Đấng chúng ta tuyên xưng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết rằng “các thiên thần thán phục” (kinh tiền tụng 1 lễ Chúa thăng thiên).
Enzo Lodi