Ngày 3/9: Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả – Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội Thánh, Lễ nhớ

Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ thánh Grégoire cử hành vào ngày Người được chọn làm giám mục ngày 3 tháng 9 năm 590 tại đền thánh Phê-rô ở Roma sau khi được bầu làm giáo hoàng.

Grégoire là chắt của Đức giáo hoàng Félix (+ 492), sinh tại Roma vào khoảng năm 540, thuộc gia đình dòng nghị sỹ Anicii. Thân phụ Ngài, ông Gordien, là nghị viên, thân mẫu là thánh nữ Sylvie, các bà cô là thánh nữ Tharsilla và thánh nữ Emiliana (Tarsille và Émilienne). Từ năm 573 đến 578, Ngài là thị trưởng thành phố Roma; sau khi thân phụ qua đời, cảm thấy đời tu lôi cuốn, Ngài giã từ công việc, biến ngôi nhà gia đình ở Coelius thành tu viện, sống như tu sỹ, theo luật dòng thánh Biển Đức. Ngài cũng thành lập sáu tu viện khác trên các lãnh địa của mình ở Sicile. Năm 579, Đức giáo hoàng cho Ngài thụ phong phó tế rồi sau làm sứ thần tại Constantinople; trong vòng sáu năm. Tại đây, Ngài bắt đầu chú giải Sách Gióp theo đề nghị của các tu sỹ Ngài đem từ Roma và cùng sống với Ngài.

Trở về Roma năm 586, thánh Grégoire tiếp tục đời tu dòng. Nhưng năm 590, sau cái chết của Đức giáo hoàng Pélage II vì dịch hạch, Ngài được cả nghị viện, hàng giáo sỹ và dân chúng tôn làm giáo hoàng. Lúc này thành phố còn bị tàn phá bởi dịch hạch, nạn đói đe dọa, lũ lụt sông Tibre hoành hành. Để lấy lại tinh thần dân chúng, Đức tân giáo hoàng tổ chức các cuộc kiệu, những buổi cầu nguyện trọng thể và đồng thời đảm trách việc tiếp tế lương thực cho thành phố. Chuyện kể rằng thời đó có một thiên thần hiện đến với đức Grégoire báo tin sắp hết dịch bệnh ở Roma.

Dù có ơn gọi sống đời chiêm tu, thánh Grégoire cũng là bậc thầy về linh đạo, là con người của hành động, nhà cai trị tài ba (người ta sẽ gọi Ngài là người La mã cuối cùng) và nhà chính trị sắc xảo. Được bầu làm giáo hoàng ngoài ý muốn, Ngài biến Giáo hội Roma thành lực lượng chính của phương Tây. Ngài tổ chức lại, khôi phục “di sản thánh Phêrô” trải dài đến tận Sicile và trong khi lo chống đối các dân man di, Ngài thương lượng ký kết một hoà ước với quân Lombardo đang đe dọa Roma. Về Hội Thánh, Ngài phục hồi trật tự, kỷ luật, chứng tỏ uy quyền; tại châu Phi, Ngài can thiệp vào vụ giáo phái Donatus; tại Tây Ban Nha, Ngài chống lại lạc giáo Arius; ở xứ Gaule, Ngài tái lập vị trí trưởng giáo khu cho Arles. Đức giáo hoàng Grégoire cũng can thiệp sang phương Đông chống lại hoàng đế Manrice không chấp thuận cho các quân nhân và cộng chức thụ phong linh mục, chống lại Đức Constantinople tự xưng là “oecuménique” gây xúc phạm đến tư cách cũng như quyền lợi của các thượng phụ khác.

Vị giáo hoàng không hề mỏi mệt này mặc dầu sức khỏe mỏng dòn, đã cai quản Hội Thánh trong mười bốn năm. Mặc dầu vào những năm cuối đời có yếu đi và không thể cử động, Ngài vẫn tiếp tục giáo huấn dân chúng bằng những bài giảng dọn cẩn thận và giao cho một giáo sỹ đọc. Ngài qua đời ngày 12 tháng 3 năm 604, thọ sáu mươi ba tuổi. Vị giáo hoàng đã chọn tước hiệu Servus servorum Dei (Tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa) nầy, tước hiệu được các đấng kế vị gỉư lại. Ngài thật xứng đáng với tước hiệu “Vĩ đại” mà Đức Boniface VIII đặt cho. Xác Ngài được tôn kính tại Đền thờ thánh Phêrô ở Vatican. Mộ chí gọi Ngài là Consul Dei (nghị viên của Chúa).

2. Thông điệp và tính thời sự

Hai lời nguyện thánh lễ lấy từ Sách các phép thánh Grégoire, vốn đã được chọn làm nền tảng cho sách lễ Roma; sách Các phép này người ta nói là do thánh Grégoire, nhưng có lẽ có từ thời Đức Grégoire II (715 – 737).

Lời nguyện trong ngày cầu xin Chúa ban “Thần trí khôn ngoan của Chúa cho những ai có trách nhiệm dẫn dắt Giáo hội”. Trong bản Quy luật mục vụ, thánh Grégoire phác thảo các bổn phận của giám mục, cũng như trong bài giảng về Ezéchiel (Phụng vụ bài đọc trích dẫn), thánh nhân mô tả nhiệm vụ “người trinh sát”. “Người trinh sát luôn đứng trên cao để nhìn được những gì từ xa sắp xảy đến. Tất cả những người trinh sát đều phải đứng cao trên cuộc đời mình để có thể giúp đỡ, nhờ sự cảnh giác của mình… Quả thế, tôi buộc lòng phải xem xét đến khi thì những công việc của Giáo hội, lúc của các tu viện, và thường phải xét đoán về đời sống cũng như hành vi các cá nhân, khi phải bận tâm lâu ngày dài tháng về một số vấn đề dân sự, lúc khác nữa phải đau đớn trước những đợt tấn công gây chết chóc của những dân man di và lo sợ những đàn sói đang đe dọa đàn chiên Chúa giao phó cho tôi. Có lần tôi buộc lòng sử dụng một số biện pháp để khỏi thiếu sự trị liệu… lần khác tôi phải kiên nhẫn cam chịu những vụ cướp bóc và lần khác nữa phải ra mặt chống đối lại chúng hầu giữ được tình bác ái” (Bài giảng về Ezechiel 1, 11, 4 – 6). Lời nguyện hiệp lễ nhấn mạnh giáo huấn của Chúa như là nguồn mạch chân lý tình yêu – Quả thế, Đức giáo hoàng Grégoire, trong một bức thư, đã viết rằng người ta có thể “hiểu rõ tấm lòng Chúa qua trung gian các lời của Người”. Lúc khác, thánh nhân nói: “Lời Chúa phát triển cùng với kẻ đọc nó”. Nhưng lời Chúa chỉ có thể hiểu trọn vẹn trong Giáo hội: “Kinh nghiệm cho thấy thông thường tôi được nhiều điều về lời Chúa khi cùng với anh em hơn, những điều tôi không sao hiểu nổi một mình; chính anh em giúp tôi học được những gì lời dạy anh em. đây là sự thật, là: nhiều khi tôi chỉ nói lại những gì tôi đã nghe từ chính anh em” (Bài giảng về Ezechiel 2, 2, 1).

Một khía cạnh khác trong công việc mục tử của Ngài, đó là lòng nhiệt thành truyền giáo. Chính Ngài đã sai bốn mươi tu sỹ Biển Đức sang quần đảo nước Anh, với sự hướng dẫn của tu sỹ Augustin sau sẽ là tổng giám mục Cantorbery đầu tiên. Việc này đã giúp Kitô giáo phát triển sang Anh quốc, đồng thời cũng là cơ hội cho bản kỷ luật dòng Biển đức rực chiếu trong nhiều nhà dòng sẽ được xây dựng hầu khắp châu Âu.

Chăm lo cho đàn chiên mà Thánh Thần giao phó trách nhiệm (Đáp ca trong Phụng vụ bài đọc), thánh Grégoire vừa soi sáng vừa xây dựng Giáo hội – khi vạch nét căn bản cho thần học luân lý truyền thống trong một nền giáo lý thánh kinh, thánh Grégoire mãi mãi là gương mẫu cho Giáo hội mọi thời.

Enzo Lodi