Ngày 30/11: Thánh An-rê Tông đồ (khoảng +60), Lễ kính

 

I. Ghi nhận lịch sử

Lễ kính thánh Anđrê tông đồ đã được cử hành ngay từ đầu thế kỷ V vào ngày 30 tháng 11, theo lịch của Giêrusalem, như Sách Tử đạo của thánh Hiêrônimô và các sách bí tích xa xưa làm chứng. Lễ này từng được thánh Grégoire thành Nazianze và các Giáo phụ khác biết đến, và luôn được cử hành một cách đặc biệt long trọng từ thời Đức giáo hoàng Simplice (468-483). Vị giáo hoàng này đã cung hiến một thánh đường kính thánh Tông đồ Anđrê vào năm 475 ở Rôma, gần nhà thờ Đức Bà Cả ở Esquilin.

Thánh Anđrê (tiếng hi lạp là andreas, “can đảm”), là một trong số mười hai Tông đồ của Chúa Giêsu. Là con ông Giona và là anh thánh Phê-rô, ngài xuất thân từ Bétsaiđa, một làng nằm ở phía bắc hồ Tibêriade, và làm nghề đánh cá ở Caphácnaum. Là môn đệ thánh Gioan Tẩy Giả, ngài là người đầu tiên trong số các Tông đồ tương lai được gặp Chúa Giêsu bên giòng sông Giorđan, ngay buổi sáng sau ngày Chúa chịu phép rửa. Nghe Gioan Tẩy Giả nói về Chúa Giêsu: Đây là Con Chiên Thiên Chúa, ngài đã đi theo Chúa cùng với một môn đệ khác (chắc là Gioan tác giả sách Tin Mừng) và hỏi Chúa Giêsu: Rabbi, thầy ở đâu? Và Người trả lời: Hãy đến mà xem. Tin Mừng Gioan viết thêm: Họ đi và ở lại với Người ngày hôm ấy (Ga 1, 35tt.). Sáng hôm sau, Anđrê dẫn anh là Phêrô đến gặp Chúa Giêsu sau khi đã nói với anh: Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia !

Ơn gọi chính thức của Anđrê và Phêrô được Tin Mừng Mátthêu (4, 18 ss) kể lại: Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anđrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”

Các sách Tin Mừng còn nhắc đến thánh Anđrê ba lần khác:

Lúc Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Ga 6, 8): Ở đây có cậu bé có năm cái bánh và hai con cá

Khi ngài gặp những người tân tòng gốc Hy Lạp ở Đền Thờ (Ga 12, 22);

Trước khi Chúa nói lời tiên báo về việc Con Người ngự đến (Mc 13, 3).

Theo một số truyền thuyết, về sau thánh Anđrê đi giảng Tin Mừng cho nước Nga, dân tộc Scythes, và nước Hy Lạp, tại đây ngài chịu tử đạo ở Patras, bị treo trên thập giá hình chữ X (thập giá thánh Anđrê).

Giáo Hội Constantinople có lòng sùng kính nhiệt thành đối với thánh Anđrê bổn mạng của Giáo Hội này, và gọi ngài là “vị được kêu gọi đầu tiên”. Ngài cũng được tôn kính như Đấng Sáng Lập Giáo Hội Kiev (Ucraina) và như bổn mạng chính của Tô Cách Lan.

Trong số các họa sĩ, Murillo đã vẽ Cuộc Tử Đạo của thánh Anđrê (viện bảo tàng Prado, Madrid).

II. Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ lấy ý chủ yếu từ ơn gọi và cuộc tử đạo của thánh Anđrê.

Lời Nguyện của ngày nhắc đến vai trò rao giảng Tin Mừng và mục tử của thánh Anđrê. Khi kêu xin sự chuyển cầu của ngài, phụng vụ nhìn nhận ngài đã “rao giảng Tin Mừng và hướng dẫn Hội Thánh”.

Nhưng trước khi nhận sứ mạng, đã có ơn gọi dựa trên một chọn lựa được thực hiện vì tình yêu. “Chúa yêu thương thánh Anđrê, môn đệ mà Người đã chọn.” (Điệp ca 2 Kinh Sáng). Cũng thế, trong Bài Đọc I thánh lễ, chúng ta đọc thấy: … Làm sao nghe được Lời nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng nếu không được sai đi?

Trong tiểu sử ơn gọi của thánh Anđrê, có một chi tiết đáng chú ý. Sau khi tìm thấy Chúa Giêsu, ngài cảm thấy cần phải cho những người khác biết. Trước hết ông gặp em mình là ông Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia! Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. (Ga 1, 40t.). Trong một bài giảng về Tin Mừng Gioan (Bài đọc 2 Kinh Sách), thánh Gioan Kim Khẩu nhấn mạnh về ơn gọi của thánh Anđrê như sau: “Ngài không giữ kho tàng này cho riêng mình: ngài vội chạy đi tìm em mình, để chia sẻ với em điều tốt lành ngài đã nhận được.” Như thế thánh Anđrê bộc lộ “một tình bạn và tình anh em đích thực, một tình cảm sâu xa và một sự chân thành rất tự nhiên… nghĩ mình không có khả năng cắt nghĩa mọi sự, ngài đã dẫn em mình đến chính nguồn ánh sáng.”

Chủ đề ơn gọi và sứ mạng không thể không kèm theo thập giá, được gợi ý trong Lời Nguyện sau hiệp lễ: “Xin cho việc kết hiệp với bí tích của Chúa làm cho chúng con mạnh sức, lạy Chúa, để noi gương thánh Anđrê, chúng con mang trên mình thập giá Chúa Giêsu, và được sống với Người trong vinh quang.”

Bài đọc I thánh lễ (1 Cr 1, 18 – 2, 5) gợi ý về thập giá: Tôi đã quyết không biết gì nơi anh em, ngoại trừ Đức Giêsu Kitô, và Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Cũng vậy, câu Xướng đáp của Bài đọc 2: “Tất cả những ai muốn đẹp lòng Thiên Chúa đều phải biết đến đau khổ.”  Đoạn kết bài Thánh thi giờ Kinh Sáng như sau: “Trước ngưỡng cửa nhà Người, thập giá Người, ôi Giêsu, cho chúng con dấu hiệu…. Xin kính chào, Thập giá ban sự sống !” Điệp ca của kinh Magnificat ca mừng thập giá thế này: “Kính chào, thập giá vô cùng cao quí! Ngươi đã mang thân thể của Thầy ta: hãy tiếp nhận môn đệ của Người.” Một truyền thống kể lại cuộc tử đạo truyền thuyết của thánh Anđrê rằng, khi nhìn thấy cây thập giá mà ngài sắp phải treo lên, ngài chào thập giá như sau: “Ôi thập giá tốt lành, thập giá từ lâu mong đợi, thập giá được yêu mến chừng nào, hãy trả ta về với Thầy chí thánh của ta, Đấng đã cứu độ ta nhờ ngươi!”

Một bức tranh thánh cổ mô tả thánh Phêrô và thánh Anđrê đang trao cho nhau nụ hôn bình an. Chính bức tranh này được giáo chủ Constantinople, Athenagoras I, trao tặng Đức giáo hoàng Phaolô VI năm 1964, khi hai vị gặp nhau trên núi Ô-liu trong khi trao đổi nụ hôn hoà giải. Lễ thánh Anđrê vì thế mời gọi chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa Giáo Hội Constantinople, được đại diện bởi thánh Anđrê, với Giáo Hội Rôma, được đại diện bởi thánh Phêrô.

Enzo Lodi