Một xứ đạo nổi tiếng
Cao Xá là một xứ đạo ở tỉnh Hưng Yên, đã có tên tuổi trên hai thế kỷ nay, kể từ ngày các Cha dòng Thánh Đa-minh Phi Luật Tân đặt chân lên phố Hiến (tỉnh Hưng Yên) thuộc địa phận Đàng Ngoài. Xứ Cao Xá còn được nổi tiếng vì chí khí anh hùng thà chết không thà bỏ đạo, đến nỗi vua Tự Đức mỗi khi nghe các quan báo cáo bắt được người có đạo là vua đã thét lên: “Chắc đạo ở Ngọc Đồng, Cao Xá không sai ?” Xứ này còn được nổi tiếng hơn nữa vì là quê hương của chân phúc Giuse Tuân, của 20 vị đã được Giáo Hội ghi vào bản dự án phong chân phúc và trăm nghìn vị khác đã gục ngã dưới thời bách hại đẫm máu.
Được nhận vào tiểu chủng viện, rồi qua đại chủng viện, Thày Tuân đạo đức học hành chăm chỉ thu được nhiều kết quả khả quan. Thày được Bề trên gọi chịu các chức nhỏ và tiến dần đến chức linh mục.
Chúa chiên lành hy sinh tính mạng vì con chiên
Trong chức vụ linh mục, Cha Giuse Tuân đã làm tròn bổn phận đối với đoàn chiên. “Khắc nghiệt với mình, quảng đại với Người” đó là khẩu hiệu đời linh mục của Cha, vì thế người ta thường thấy Cha luôn sống bên cạnh người nghèo, cha len lỏi tìm cách giúp đỡ giáo dân. Trong thời buổi cấm cách không dịp nào là Cha không thực hiện lời Chúa Giêsu đã phán: “Chúa chiên lành hy sinh tính mạng vì con chiên”.
Chịu chức linh mục được ít lâu, Cha muốn thuộc trọn về Chúa hơn và để có dịp cộng tác chặt chẽ với các cha thừa sai dòng Thánh Đa-minh, Cha xin mặc áo dòng và năm 1858, cha được khấn trọng thể. Bề trên cử coi ba xứ Ngọc Đồng, Tiên Chu, Cao Xá, Cha tận tụy nhiệt thành hy sinh cho các linh hồn, vì thế Chúa đã ban cho Cha phúc rất trọng, để lời Chúa phán được ứng nghiệm ở nơi Cha là Cha được đổ máu ra vì đoàn chiên.
Bấy giờ đang vào những tháng đầu năm 1861, một năm khủng khiếp, những người có đạo phải sống những ngày giờ lo âu, đau khổ, những giờ chờ đón một sắc lệnh dã man nhất trong lịch sử cấm đạo ở Việt Nam và có lẽ trong cả lịch sử cấm đạo ở các nước trên thế giới, đó là sắc lệnh phân sáp sẽ ra đời ngày 5-8-1861 và phải được triệt để thi hành ngay.
Cha Tuân và các giáo hữu cùng nhau sống trong hoàn cảnh thật bi đát. Hồi ấy cha đang ẩn ở làng Ngọc Đồng tỉnh Hưng Yên, tránh xa những cặp mắt rình mò mọi nơi. Trong làng có một bà già ốm nặng sắp chết, bà muốn chịu các phép lần sau hết, bà muốn mời Cha xứ đến an ủi giúp đỡ bà dọn mình về đời sau. Bà sai con trai đi đón Cha, nhưng người con bất hiếu này, thay vì mời Cha đến làm phúc cho mẹ thì đi tố giác với quan trên để lĩnh tiền thưởng.
Cha Giuse Tuân phải bắt và điệu về Hưng Yên. Mấy ngày sau Cha phải ra công đường, vai mang gông, tay đeo xiềng, mà Cha cứ tươi cười khiến quan Thượng ngạc nhiên, truyền tháo gông và thương hại hỏi Cha: “Quê quán ông ở đâu?” Cha trả lời: “Quê tôi ở Trần Xá, tôi hằng ước mong từ đạo để được phần thưởng đời đời, lúc này tôi rất đau lòng vì bao người xúc phạm đến Thiên Chúa cao cả”. Dù bị đe loi hành hạ, tra tấn. gông cùm, Cha vẫn cương quyết giữ vững Đức tin, bất chấp gian nan khổ cực, vì hơn ai hết, Cha nhớ lời Chúa phán xưa: “Hạnh phúc cho những ai bị bắt bớ vì chân lý”. Hơn ai hết Cha hiểu mọi sự khó đời này chóng qua mau hết mà hạnh phúc Chúa dành để cho những người trung thành với Chúa thì vĩnh viễn.
Sau một thời gian, biết không thể nào lung lạc được ý chí sắt đá của Cha, các quan khép án Cha phải trảm quyết và sớ vào kinh. Vua y án và một ngày tháng 4-1861, Cha Giuse Tuân phải xử ở tỉnh Hưng Yên.
Trên đường đi tới pháp trường, dù mệt lả Cha cũng tỏ vẻ vui mừng, đến cửa thành, một cây thánh giá đặt ở lối đi. Cha dừng ngay lại, dù lính xô đẩy thế nào, Cha nhất quyết không bước qua, sau họ phải nhượng bộ nhấc tượng lên.
Tới pháp trường, Cha quỳ xuống cầu nguyện, phó linh hồn trong tay Chúa. Lý hình chém một nhát, đầu rơi xuống. Trời đất như cùng với giáo hữu thương tiếc vị anh hùng tử đạo nên ngay sau đó mưa như thác đổ, gió thổi ầm ầm, sấm chớp vang động làm mọi người sợ hãi.
Đức Thánh Cha Pi-ô XII đã phong chân phúc cho Cha Giu-se Tuân ngày 29-4-1951 và Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn cha lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.
Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn