Ngày 30/9: Thánh Giê-rô-ni-mô – Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh, Lễ nhớ buộc
1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Giê-rô-ni-mô (Jérôme) qua đời tại Bethléem ngày 30 tháng chín năm 419 hoặc 420. Lễ kính Ngài đã khá phổ biến ở Gaule trong thế kỷ VIII, sau đó lan khắp phương Tây (thế kỷ IX – X).
Eusebius Hieronimus Sophronius sinh khoảng năm 340 tại Stridon, gần trên giới Dalmatie, trong một gia đình Kitô giáo, sung túc. Đến Roma, Jérôme theo học trường của nhà tu từ nổi tiếng Donatius và vì rất mê say văn chương cổ điển, Jérôme đã tạo cho mình một thư viện phong phú. Được Đức giáo hoàng Libère (352-366) rửa tội cho, Jérôme lưu lại Trèves ít lâu, sau đó tới Aquilée; tại đây Jérôme có ấn tượng về lòng đạo đức của các giáo sĩ thành phố. Khoảng năm 372, Jérôme sang phương Đông, đến Antiochia thì ngã bệnh. Trong bức thư (nổi tiếng) gữi Eustochium, Jérôme kể lại trường hợp lương tâm Kitô giáo của ông bị mê hoặc theo văn chương đời, vì, trong một thị kiến, Thiên Chúa xét xử đã nói với Jérôme rằng: “Người là đệ tử Cicéron, chứ không phải môn đệ Kitô…”. Lúc bấy giờ Jérôme rút vào hoang mạc Chalcis (Syrie), nơi đây có nhiều nhà khổ tu; tại đây ông học tiếng Hébreu. Sau đó ông trở lại Antiochia, thụ phong linh mục, rồi đến Constantinople (380-381), tiếp tục học khoa chú giải với thánh Apollinaire de Laodicée và thánh Grégoire de Naziance, dịch các bài giảng của Origène từ tiếng hy lạp và cuốn Chronique của Eusèbe de Césarée. Năm 382, Jérôme tháp tùng Paulin d’Antioche và Epiphane de Salamine dự công đồng chung Roma. Jérôme được đánh giá là chuyên viên giỏi. Ngài ở lại Roma, được chỉ định làm cố vấn cho Đức giáo hoàng Damase; Đức Damase giao cho Ngài xem lại bản văn la tinh các sách Phúc âm và Thánh vịnh. Đồng thời, Ngài làm linh hướng cho nhiều phu nhân trong giới quí tộc như Marcella, Paula, Eustochium …
Sau khi Đức giáo hoàng Damase qua đời, Ngài trở thành nạn nhân của một nhóm tố cáo Ngài quá cứng rắn trong các yêu sách về dòng khổ tu và quá mới mẽ trong các công trình về Kinh Thánh. Thánh nhân từ giã Roma, xuống tàu trở lại phương Đông. Ngài đi viếng Palestine, thăm Ai-cập và hoang mạc Nitrie (Hạ Ai Cập), vùng có nhiều thầy khổ tu sinh sống. Tại Alexandria, Ngài tham vấn nhà thần học trứ danh là Didyme Mù. Sau hết, Ngài đến Bethléem và ở đây cho đến khi qua đời. Tại đây thánh nhân có thể toàn tâm toàn ý hoàn tất bản dịch Kinh thánh từ tiếng Hy lạp (bản Septuaginta) và từ Hébreu (phần lớn Cựu Ước). Trong các tác phẩm lịch sử của thánh nhân, ngoài các tác phẩm khác, có thể kể De viris illustribus (Những con người lừng danh) là bản tổng kết quí báu bốn thế kỷ văn chương Kitô giáo. Cũng cần nhắc đến lượng thư từ đồ sộ Ngài viết, từ mẫu giấy nhỏ đến cả thiên luận thuyết quan trọng, hiện giờ chúng ta còn lưu giữ được trên một trăm hai mươi thư.
Jérôme cũng là một nhà bút chiến dữ dội và đáng gờm. Năm 383, Ngài từng phản bác Helpidius phủ nhận sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria. Sau đó, Ngài tấn công Vigilance để bênh vực việc tôn kính các vị tử đạo và một số tập quán trong đời tu dòng. Trong cuộc tranh luận lâu dài về Origène (393-402), thánh Jérôme chống lại Rufin và Jean, giám mục Jérusalem. Những năm cuối đời Ngài gặp nhiều chuyện buồn: các đồ đệ và bạn hữu qua đời; quân man di xâm chiếm, đốt phá các tu viện. Cuối cùng Ngài qua đời ở Bethléem, thọ tám mươi tuổi. Bethléem là nơi Ngài từng lao động trí tuệ và đền tội suốt ba mươi lăm năm cuối đời.
Thánh Jérôme là một trong những vị thánh thường được nhiều ảnh tượng công giáo ghi khắc, khi là một hối nhân nơi hoang mạc (Lorenzo Lotto, Louvre; Rubens, Dresde; Van Dyck, Dresde; L.Giordano, Madrid…), khi là một tiến sỹ Hội thánh hay một hồng y, đôi khi có thêm một con sư tử mà Ngài từng nhổ cái gai ở chân cho (Durer, Petit Palais, Paris).
2. Thông điệp và tính thời sự
Ba lời nguyện trong thánh lễ nhấn mạnh các công phúc của thánh Jérôme, một trong các tiến sỹ lớn của Giáo hội phương Tây
Lời nguyện trong ngày đệ đạt lên Chúa là Đấng đã ban cho thánh Jérôme “được thưởng thức hương vị của Thánh Kinh và sống tinh thần Kinh Thánh một cách mãnh liệt”. Công trình lớn của Ngài là duyệt xét có phê phán bộ Kinh Thánh đã dịch sang tiếng La tinh (Bản Vulgata) và giải thích trong bộ chú giải. Bản Vulgata dựa trên những bản dịch La tinh cổ (Vetus Itala), nhưng cũng dựa trên các bản gốc bằng tiếng Do thái và Hy lạp. Bản này được xem là bản dịch chính thức của Giáo hội công giáo và sẽ được công nhận là bản đích thực có giá trị, do công đồng Trente năm 1546.
Phụng vụ bài đọc nhắc lại câu nói trứ danh của thánh Jérôme: “Kẻ nào không nhận thức đúng thánh kinh thì cũng không nhận thức đúng quyền năng và sự khôn ngoan Thiên Chúa: không hề biết thánh kinh, tức không biết Đức Kitô” (chú giải sách Isaia, lời dẫn).
Lời nguyện trên lễ vật thúc giục chúng ta đón nhận lời Chúa noi gương thánh Jérôme, để “chúng ta được mau mắn dâng lễ hy sinh cứu rỗi”. Quả thực bàn tiệc lời Chúa đi trước bàn tiệc thánh thể (xem PV51). Thánh Jérôme trọn đời miệt mài với Thánh Kinh. Trong bài giảng về thánh vịnh 41, thánh nhân nhắc nhở các tân tòng: “Giờ đây anh em đã mặc lấy Đức Kitô, anh em đi theo sự hướng dẫn của chúng tôi, giống như những chú cá nhỏ bơi theo mồi, anh em hãy để lời Chúa cứu anh em khỏi các đợt sóng thế gian này”.
Lời Chúa đó khi “được đọc và giải thích dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần Đấng đã soi rọi hầu viết ra nó (MK 12) là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, xuyên thấu tận đáy tâm hồn … (DT 4,12).
Enzo Lodi