Ngày 5/9: Thánh Giu-se Hoàng Lương Cảnh – Giáo hữu (1763-1838) , tử đạo Việt Nam
Ông Giu-se Hoàng Lương Cảnh sinh năm 1763 ở làng Ván tỉnh Bắc Giang.
Ông hiền lành, thương người, siêng năng đọc kinh cầu nguyện. Khi ở làng Thổ Hà, ông nêu gương sáng về mọi nhân đức, ông làm thuốc để giúp đỡ người ta và thường đi rửa tội cho các trẻ ngoại giáo. Ông làm trùm họ và vào dòng Ba Thánh Đa-minh.
Cầu cho người làm khốn mình
Khi quan quân vây làng Thổ Hà, ông lang Cảnh trốn sang làng khác có ý đi làm thuốc và rửa tội cho trẻ em, nhưng vừa đến bến đò có người tố giác với quan rằng: “Ông này có đạo”. Quan bắt và giải về Bắc Ninh. Trước công đường các quan bắt ông khóa quá, ông không chịu nên phải giam vào ngục cùng với Cha Tự. Ông phải tù hơn ba tháng, bị tra khảo nhiều lần, rồi các quan kết án ông phải trảm quyết.
Dù ông đã 76 tuổi, già yếu nhưng sốt sắng, có một đức tin mạnh mẽ vững vàng nên vui lòng chịu mọi sự khốn khó, không nao núng chút nào, chỉ mong được chết vì đạo thánh Chúa.
Một lần các quan bắt ông khóa quá, ông không nói gì nhưng lớn tiếng đọc kinh cầu Tên Chúa Giê-su, khi đọc đến câu xin cho vua chúa trị nước cho yên càng ngày càng thịnh”, các quan bật cười ngạc nhiên vì thấy ông cầu cho kẻ đang làm hại mình.
Lần khác các quan bắt ông Cảnh khóa quá, chẳng những ông không bằng lòng lại cầm Thánh giá lên hôn kính, các quan bắt lính lôi qua Thánh giá, ông co chân lên, các quan giận quát rằng: “Thế muốn chết ư? Ông Cảnh hớn hở thưa: “Vâng, xin các quan làm án cho tôi được chết với Cha Tự thì tôi vui mừng lắm”.
Hai vợ chồng cùng một lòng một ý
Bà vợ đến thăm, ông an ủi bà rằng: “Bà về nhà coi sóc con cái thay tôi, đừng lo gì, ai chẳng thương tiếc vợ con, nhưng Chúa định tôi được chịu khó vì Chúa, bà hãy cầu cho tôi vác Thánh giá theo chân Chúa đến cùng, sau chúng ta sẽ gặp nhau trên nước thiên đàng”. Bà Cảnh xúc động không cầm nổi nước mắt, nói rằng: “Xin ông bằng lòng chịu khó vì Chúa, đừng lo gì cho mẹ con tôi, đã có Chúa và Đức Mẹ gìn giữ hộ phù. Ông về thiên đàng trước nhớ cầu cho mẹ con tôi còn ở thế gian nay được giữ đạo cho trọn”.
Một hôm quan lại đòi ông Cảnh lên công đường dỗ dành: “Ông đã già, chẳng còn sống bao lâu nữa, khóa quá đi, ta tha cho về. Ông Cảnh lại đọc câu kinh Cầu Tên rằng: “Chúa Giêsu là Đàng cực chính cực thật, ai theo đàng này thì được sống lâu vui vẻ vô cùng”.
Một lần ông thưa với Cha Tự rằng: “Khốn nạn cho người bỏ đạo, về phần con dù các quan chém giết, con quyết không khóa quá”.
Sau cùng các quan lại đòi ông đến nói thẳng rằng: “Ông phải bước qua thập tự”. Ông Cảnh dũng cảm thưa: “Có lẽ nào tôi lại bước qua Chúa trời đất?” rồi ông đọc kinh nhỏ tiếng, quan bảo đọc to lên, ông đọc lớn tiếng kinh Chúa Thánh Thần, kinh Tin Kính, kinh Sáng danh và quỳ xuống hôn chân tượng Thánh giá. Quan tức giận truyền cất tượng đi và hỏi ông Cảnh rằng: “Bây giờ có nhiều người tố cáo đạo trưởng để ta bắt, sao ông còn ngoan cố giữ đạo? Ông Cảnh đáp rằng: “Thưa quan, xưa trong đạo chúng tôi cũng có một người tên là Giu-đa đã tố cáo Thày mình là Chúa Giê-su Ki-tô và chính là Chúa chúng tôi tôn thờ”. Quan tò mò hỏi thêm: “Lính bắt Chúa ông thì bắt thế nào, và làm gì?” – “Khi chúng bắt Chúa tôi, Chúa tôi hỏi rằng: Các anh tìm ai? Chúng thưa: Tìm Giê-su Na-gia-rét. Chúa phán: Này Ta đây! Chúng ngã xuống đất ngay. Chúa tôi cho chúng đứng dậy, rồi lại hỏi như trước, chúng cũng thưa giống như trước, bấy giờ Chúa tôi mới để cho chúng trói, buộc xiềng vào cổ điệu đi, đấy cũng là xiềng Cha Tự của tôi đang mang bây giờ”. Quan lại hỏi: “Thánh giá có hai mảnh ngang và dọc thì vác làm sao? Vác đi đâu?” – Ông Cảnh thưa: “Vác lên vai, đi lên núi chịu chết vì tội thiên hạ và cả tội các quan nữa”.
Vui mừng vì được theo chân Cha Tự
Ngày 5-9-1838, có chiếu chỉ vua ra y án trảm quyết. Trước khi xử quan lại đòi ông Cảnh đến công đường, cho uống nước để có thêm sức mạnh. Ông từ chối nói rằng: “Cám ơn các quan, tôi không còn ước ao sự gì, chỉ vui mừng được theo Cha Tự”.
Ngày 15-9 các quan điệu Cha Tự và ông Cảnh đi xử, ông mặc áo dòng Ba, nét mặt tươi vui nhưng vì già yếu quá không đi được, phải có người khiêng. Đến pháp trường, ông quỳ gối thắng không cần ai giúp. Lính chém một lát, đầu rơi xuống, linh hồn ông bay về nơi vĩnh phúc lĩnh triều thiên tử đạo.
Xác ông chôn ngay ở nơi xử. Ông trưởng phố ở đây là người bên lương, bị con rắn hổ mang quấn vào chân, ông sợ quá kêu xin ông Cảnh chữa, con rắn bỏ chạy nên ông nói rằng: “Lạy ông, hôm nay không có ông cứu thì tôi chết, ở trên thiên đàng xin ông phù hộ cho tôi”.
13 tháng sau, họ Hương La đem xác về xứ Tử Nê. Khi đào đến nơi thì có ánh sáng từ quan tài chiếu ra; đem xác đến sông, nước to, không có thuyền, người ta lại kêu xin ông Giu-se Cảnh, sông cạn lội đến cổ, họ bảo nhau: “Cứ đội quan tài lội qua”. Nhưng xuống sông, nước chỉ đến đầu gối. Về đến nhà thờ họ, mọi người đều thấy ánh sáng từ trong quan tài phát ra, họ muốn mở ra xem nhưng không tài nào lấy được nắp lên dù nắp vênh, không có đanh, không có cá, loay hoay mãi cho đến khi Cha xứ đến thì tự nhiên mở được ngay, xác ông tươi tốt như khi ngủ.
Ngày 27-5-1900, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho ông Giuse Hoàng Lương Cảnh.
Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II lại phong ông lên bậc hiển thánh.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn