Cảm nhận về đợt Số hóa thông tin tín hữu hè 2022

Mùa hè đã về với sắc hoa phượng đỏ rực rỡ, ánh nắng chói chang làm thay đổi bầu khí và tâm trạng của mọi người. Tôi cảm nhận được không khí nhộn nhịp, sôi động khiến nhiều người muốn được “cháy nắng”. Ở vào cái tuổi “tam thập nhi lập”, bạn bè tôi đã hai ba đứa con, công việc ổn định, mua nhà, mua xe; tôi vẫn sống trong bầu khí của các em học sinh, háo hức những ngày hè. Đó là những ngày được về thăm gia đình: gia đình lớn, gia đình nhỏ. Chỉ đơn giản là gặp gỡ nhau, ăn với nhau bữa cơm, tâm sự vài ba câu chuyện mà thấy hạnh phúc. Thế nhưng hè không chỉ là những ngày nghỉ, tôi nhớ quý đức cha và quý cha giáo vẫn luôn nhắc nhở: “Nghỉ hè chứ không nghỉ tu”. Vì thế chúng tôi được gửi đi các giáo xứ để được Chúa tiếp tục đào tạo qua các cha xứ, qua những người chúng tôi gặp gỡ và những việc chúng tôi được trao phó.

Hè năm nay, đức cha mời gọi các chủng sinh cộng tác với ngài trong một chương trình rất đặc biệt. Đó là chương trình: “Số hóa thông tin tín hữu”. Nhiều người nghe chương trình này có thể cảm thấy lạ lẫm, nhưng có lẽ nó chỉ lạ về mặt từ ngữ. “Số hóa” là quá trình chuyển đổi thông tin vật lý sang dạng thông tin kỹ thuật số, thay vì ghi chép vào sách vở chúng ta được thông tin vật lý thì gõ vào máy tính chúng ta được thông tin kỹ thuật số. Những ai đã từng làm thủ tục hôn phối thì hiểu được việc tra cứu thông tin sổ sách mất nhiều thời gian thế nào. Tôi chưa làm thủ tục đó, nhưng để làm hồ sơ đi chủng viện cũng phải tìm lại các thông tin về rửa tội, thêm sức khá vất vả. Giáo phận Bắc Ninh chúng ta nhiều xứ bị thất lạc sổ sách, ghi chép không đầy đủ, nhiều xứ mới ghi chép gần đây và đặc biệt chỉ một số ít gia đình có sổ gia đình ở nhà. Vì vậy việc số hóa rất cần thiết và hữu ích cho việc lưu trữ, quản lý và tra cứu thông tin.

Chương trình này thoạt nghe có vẻ đơn giản. Dầu vậy, những việc liên quan đến nhiều người thì dù phức tạp mà được mọi người ủng hộ sẽ trở nên đơn giản, ngược lại một việc đơn giản mà ít người ủng hộ lại trở nên phức tạp. Đó là điều tôi nhận thấy qua chương trình số hóa vừa qua. Dù thế nào, noi gương thánh Phaolô “tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (x. 1 Tx 5,18), tôi muốn nói lên tâm tình cảm tạ. Cảm tạ Chúa vì ở mọi nơi được gửi đến, chúng tôi đều được đón tiếp rất quảng đại. Quý cha tạo mọi điều kiện để giúp chúng tôi làm việc, quý ban hành giáo và nhiều người nhiệt tình cộng tác giúp đỡ. Chưa có dịp hè nào mà tôi lại đến nhiều nhà, gặp gỡ nhiều người như vậy. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết đều đón tiếp chúng tôi với tình thương mến. Những người còn thờ ơ, những người không còn tha thiết với đạo là những dấu chỉ Chúa gửi đến để tôi cảm nhận sự chạnh lòng của Chúa.

Việc đi đến từng gia đình nghe những trăn trở, ưu tư, nghe câu chuyện cuộc đời họ là điều thật ý nghĩa với đời tu của tôi. Một bà mẹ rất đạo đức, siêng năng việc nhà thờ nhưng con cái bà thờ ơ, các cháu không được rửa tội. Con gái bà lấy chồng khác đạo. Chồng chị chỉ rửa tội để làm lễ cưới. Chị ở một nơi toàn người lương dân, chẳng có ai nhắc nhở đọc kinh cầu nguyện, đi lễ Chúa nhật. Có lẽ chỉ đôi lúc chị nghĩ đến Chúa nhưng nó lại lẫn lộn trong một mớ lộn xộn những lo lắng, những vất vả. Bà lo cho con nên vẫn muốn nhập tên chị vào nhân danh của giáo họ, cho dù chị đã sống ở nơi khác và nhiều năm không đến nhà thờ. Bà chỉ nghĩ sau này chồng mất nó sẽ có một nơi để quay về.

Một đôi vợ chồng nghèo kia, sống trong một căn nhà rất đơn sơ. Anh là người Công Giáo bị vợ bỏ, sức khỏe yếu nên cuộc sống khó khăn. Một chị lương dân thương anh và hai người ở với nhau. Biết chúng tôi là người bên đạo đến xin thông tin, chị đón tiếp rất vui vẻ, anh trí nhớ chẳng còn tốt nữa nên phải hỏi thông tin chị. Chị còn kể tội anh lười đi lễ, chị còn phải giục đi nữa.

Một bà khác tóc đã nhuốm bạc, nét mặt vui tươi. Con cái bà đã trưởng thành cả. Từ nhỏ bà theo bố mẹ lên vùng đất này sinh sống. Nhà thờ chẳng có cha về lễ, bà vẫn chịu khó đọc kinh cầu nguyện, ngày chủ nhật cùng mọi người đến nhà thờ dự lễ qua đài. Tôi khá ngạc nhiên vì ở đây dự lễ trực tuyến sớm vậy. Bà kể rằng chồng bà mất sớm, bà đi bước nữa với một người lương dân có thêm con với ông. Đến khi các cha về vùng này, tính hợp thức hóa hôn nhân thì mới hay ông đã có vợ. Ông bỏ vợ con đi ở với bà. Các cha nói hôn nhân của bà không thể hợp thức được, và bà không được rước lễ bao lâu còn sống với ông. Bà khuyên ông về với vợ cũ không được, vậy là bà quyết định ly thân. Đời sống đức tin của bà vẫn vững vàng qua bao thử thách.

Đó chỉ là một vài câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện của biết bao mảnh đời khác đang cần sự quan tâm, lắng nghe và đồng hành. Nhiều cô gái lấy chồng tân tòng, học giáo lý, làm lễ cưới xong là quên mất Chúa. Nhiều gia đình Công Giáo hôn nhân đổ vỡ, con cái thiếu tình yêu thương và sự dạy dỗ. Có người ly dị tái hôn cả mấy lần. Nhiều người chẳng bao giờ thấy đến nhà thờ. Đợt số hóa này giúp tôi cảm nhận được phần nào những thao thức, trăn trở của Mẹ Giáo Hội muốn chăm lo cho mọi con cái của mình.

Chương trình “số hóa” diễn ra trong tiến trình hiệp hành của Giáo Hội. Đây là cơ hội để tôi luyện tập sự gặp gỡ, lắng nghe và phân định, để góp phần xây dựng một Giáo Hội hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Xin tạ ơn Chúa trong mọi sự.

Đaminh Nguyễn Văn Tiến