Chứng nhân thầm lặng và hy vọng

Cha Bác Giuse Nguyễn Đức Hiểu đã sống thánh chức linh mục 50 năm, kinh qua nhiều trầm bổng trong “bầu khí tôn giáo ngột ngạt khó thở” của một xã hội đương thời. Cha Bác luôn sống “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7) cho dù “gông cùm tù tội vẫn sắt son, nhân chứng tình yêu mãi không mòn” (Antôn Võ Công Ánh, SVD). Nay khi nghe tin Cha Bác về với Chúa, tôi thưa với Đức cha Cosma: “Con thưa Đức Cha: Cha Bác Hiểu về với Chúa rồi! Đức cha có thể chia sẻ cho con biết vài chứng kiến hoặc cảm nhận của Đức cha về Cha Bác được không ạ?” Đức cha trả lời: “Cha Hiểu thì tuyệt vời, là một linh mục mà cha (Đức cha) rất cảm phục! Cha sống nhẹ nhàng, âm thầm, và tốt lành”.

Có lần tôi hỏi về chuyện học hành và sống ơn gọi tu trì của Cha Bác, thì Cha Bác kể: “khi bị giải tán chủng viện Hà Nội, thì tôi về sống ở quê (Ngô Khê).” Theo tìm hiểu của tôi, lúc đó Bác sống như một người dân bình thường và vui tươi nơi xóm làng, giống như câu khẩu hiệu: “Vui sống đức tin, giữ gìn truyền thống”. Cũng có thời kỳ Bác làm việc cho hợp tác xã và giúp họ có nhiều sáng kiến mang lại lợi ích cho dân cho làng, mà đôi khi tôi ngồi chuyện với các ông các bác tại Ngô Khê thì họ vẫn kể đi kể lại như một sự biết ơn Bác, nhưng Bác vẫn luôn sống đời tu trì cách kín đáo. Thời bấy giờ, Đức cha Tụng chủ trương đào tạo linh mục “bằng phương pháp hàm thụ, Đức cha Tụng gửi bài cho chủng sinh học ở nhà, thỉnh thoảng thầy trò mới gặp nhau trực tiếp.” [1] Nên khi tôi hỏi nơi chốn cũng như việc học tập, thì Bác kể: “cứ đến hẹn lại lên”, “hàng tháng Đức cha Tụng gặp để dạy học cho chúng tôi tại phòng của ngài.” “khi đến cũng như khi về tôi đều giữ kín, không để ai biết”. Thời bấy giờ Đức cha Tụng thường nói: Secretum Ecclesiae est”[2] (Giáo hội cần sự bí mật). Rồi hạt giống âm thầm đã nảy nở với thánh chức linh mục: “Đêm 15 rạng ngày 16 tháng 9 năm 1974, Đức cha Tụng chủ sự lễ truyền chức linh mục cho chúng tôi tại phòng nguyện nhỏ của ngài, tức phòng U8 ngày nay. Lễ truyền chức diễn ra trong căn phòng chưa đầy 8 mét vuông (7, 83 m²) mà có Đức cha Tụng, cha Đaminh Quảng và 7 anh em tôi nữa nên khá chật.” (Cha Bác kể) Tôi lại hỏi: con thưa Cha Bác, vậy sau khi Bác được truyền chức rồi thì sao nữa? Ngài kể tiếp: “Việc dâng lễ thì Đức cha Tụng khuyên không dâng ở gia đình, thỉnh thoảng tôi lên dâng lễ kín đáo trong Tòa Giám Mục, hoặc dâng ở gian phòng kín bên phải phòng thánh tại Nhà thờ chính tòa Bắc Ninh, rồi lại về nhà ở.

Có câu ca của người Quan họ: “Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết nghĩa làm câu răn mình”. Là người Bắc Ninh, Cha Bác ví như một “liền anh Quan họ” từ phòng “U8” bước ra đời với thánh chức linh mục, nhưng với những canh cánh trong lòng sao để mình trở nên một “Alter Christus” (Đức Kitô Thứ Hai)? Là người có cơ may được gặp gỡ Cha Bác nhiều nên tôi được Cha Bác kể cho nghe, cũng như phần nào thấu cảm ưu tư nơi Bác.

 “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình. Người Bắc Ninh vốn trọng giao duyên,” đó là câu hát về người Quan họ. Thực vậy, trong đời sống thường nhật, Cha Bác sống rất giàu tình nghĩa đối với mọi người, không phân biệt một ai, không phân biệt lương hay giáo. “Cha là người mà ai biết cũng quý” (Đức cha Cosma). Cha Bác rất chú trọng giúp đỡ những ai gặp khó khăn trong đời sống trên nhiều lĩnh vực của họ. Đặc biệt, Bác rất thương và nâng đỡ anh em tu trì. Vậy nên, Cha Quản hạt Bắc Ninh, Giuse Nguyễn Văn Khiêm có nói: “Trong anh em linh mục, Cha cố Giuse là người cha người thầy hầu hết anh em linh mục thuộc giáo phận Bắc Ninh.” Trong suốt đời tu của tôi từ những năm 2001 trở về đây, Cha Bác thường gặp tôi, trước là mỗi tháng một lần, sau này Cha Bác về ở Toà Giám Mục theo sứ vụ của Bác, thì tôi được gặp gỡ hằng ngày. Bác thường gọi tôi: “mời bác Trung uống nước” hay “mời bác thưởng thức chè sen” … Mỗi lần ngồi “câu chuyện bàn trà” với Cha Bác vậy, Bác lại “tỉ tê” thăm hỏi chuyện đời tu của tôi có gặp khó khăn hay vui buồn gì không chẳng hạn? Có khi tương ứng với mỗi khó khăn thì Cha Bác lại nhắc đến những câu nói hay của Đức Hồng y Thuận như một định hướng để tháo gỡ, chẳng hạn: “Con hãy theo Chúa, chứ không phải theo việc của Chúa!”. Hoặc: “Người đi tu có kết quả và thành công khác nhau. Có thể không kết quả bên ngoài, nhưng thêm kinh nghiệm, thêm khiêm tốn, thêm tin Chúa, đó là thành công dưới mắt Chúa” … Cứ vậy, tôi học được từ Cha Bác nhiều điều ý nghĩa và bổ ích cho cuộc sống tu trì của mình. Hay những năm anh em tôi học thần học ở Sài Gòn, Cha Bác thường xuyên gọi điện thăm hỏi, hoặc chỉ dạy anh em tôi để giúp chúng tôi từ đời sống đạo đức đến cách ứng xử cho phù hợp nơi môi trường sống cũng như việc lãnh hội kiến thức sao cho có hiệu quả…

Nơi giáo phận Bắc Ninh qua những thời cuộc nghiệt ngã đã có biết bao gương chứng nhân đức tin, biết bao gương sống thánh thiện tốt lành. Nay có người còn sống và đã có nhiều người về với Chúa. Nhớ lời Đức cha Cosma nói với tôi khi ngài còn đương nhiệm: “Những gương sống thánh thiện, gương sống hy sinh vì đức tin vào Chúa vì đạo để bảo vệ giáo phận của các cha thời này phải ghi chép lại đầy đủ cho giáo phận. Đó là những tư liệu quý giá về các chứng nhân của giáo phận, mai sau khi cần, biết đâu giáo hội sẽ tuyên thánh”.

Nay Cha Bác đã về ở với Chúa là nơi hạnh phúc! Nơi hạnh phúc ấy như Thánh Phaolô đã viết: “Điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (Cr 2, 8b). Chúng con tạ ơn Chúa, cám ơn Cha Bác và cầu nguyện xin Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời cho Cha Bác. Xin Cha Bác cầu nguyện cho chúng con nữa./.

Gioan Baotita Lâm Văn Trung

[1] Đức cha Cosma Hoàng văn Đạt, SJ, Lược Sử Giáo Phận Bắc Ninh, Tòa Giám Mục Bắc Ninh, 2009, tr 63

[2] Phạm Sĩ An, Hồi Ký Về Vị Mục Tử Nhân Lành, GPBN, 2014, tr 245.