“Cuộc hành trình với nhiều kỳ diệu đến ngỡ ngàng của đời người” – Lễ an táng Đức cha Giuse Vũ Duy Thống
“Cuộc hành trình với nhiều kỳ diệu đến ngỡ ngàng của đời người”
Lễ an táng Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục giáo phận Phan Thiết
GIÁO PHẬN PHAN THIẾT – Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục giáo phận Phan Thiết, đã được Chúa gọi về lúc 8g00 ngày thứ Tư Lễ Tro 01-03-2017. Sau ba ngày quàn tại Toà giám mục, sáng thứ Bảy 04-03, linh cữu của Đức cha Giuse đã được di quan đến Nhà thờ chính toà.
Và đến sáng thứ Hai 06-03, Thánh lễ an táng Đức cha Giuse Vũ Duy Thống đã được cử hành cách long trọng vào lúc 9g00 tại Nhà thờ chính toà giáo phận Phan Thiết.
Thánh lễ do Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng giám mục Tổng giáo phận TP.HCM, chủ tế. Đồng tế có Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam; Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam; cùng với 29 Hồng y, Giám mục của các giáo phận và khoảng 500 linh mục trong và ngoài giáo phận Phan Thiết. Đông đảo tu sĩ các dòng tu và giáo dân từ nhiều nơi đã đến hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Đức cha Giuse.
Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam bày tỏ lời tri ân Đức cha Giuse Vũ Duy Thống và chia buồn với giáo phận Phan Thiết. Tiếp theo, cha Antôn Lê Minh Tuấn, Hạt trưởng hạt Hàm Tân, đọc tiểu sử Đức cha Giuse và cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Giám đốc Chủng viện Thánh Nicôla đọc điện văn chia buồn của Đức Thánh Cha Phanxicô.
***
Trong bài giảng lễ, Đức cha Giuse Trần Văn Toản, giám mục Phụ tá giáo phận Long Xuyên, đã bày tỏ cảm xúc và ngỡ ngàng khi cử hành cử hành Thánh Lễ an táng Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, giám mục Phan Thiết. “Cảm xúc và ngỡ ngàng vì cơn bệnh và sự giã từ trần thế của Đức cha Giuse, như kết thúc một chuyến đi của cuộc đời. Cảm xúc và ngỡ ngàng, vì trong chuyến đi của chức vụ, Ngài vừa thể hiện vai trò là người cha yêu thương và trách nhiệm, vừa là người thầy khôn ngoan và sáng tạo, vừa là người bạn nghĩa tình và hết tình. Cảm xúc và ngỡ ngàng còn vì chuyến đi của sứ vụ đời người, sứ vụ vừa là giám mục, vừa là nhà văn hóa, vừa là thi sĩ, vừa là nhạc sĩ, vừa là ca sĩ”.
Dựa trên Lời Chúa trong các bài đọc của Thánh lễ: Sáng thế 12,1-5 (Thiên Chúa gọi ông Ápram), Công vụ Tông đồ20,17-36 (Phaolô từ giã các kỳ mục trong Hội Thánh Êphêxô) và Matthêu 17,1-8 (Chúa Giêsu hiển dung), vị giảng thuyết mời gọi cộng đoàn để cho Lời Chúa dẫn mình đi vào “cuộc hành trình với nhiều kỳ diệu đến ngỡ ngàng của đời người”:
Bài đọc I (St 12, 1-5) là thuật trình về ơn gọi cuộc đời của tổ phụ Abraham. Thật là kỳ diệu đến ngỡ ngàng, khi ơn gọi phát xuất một cách vô điều kiện từ Thiên Chúa “Hãy rời bỏ xứ sở… mà đi đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”(c.1). Thật là kỳ diệu đến ngỡ ngàng khi ơn gọi đòi hỏi sự tín thác tuyệt đối vào lời hứa của Chúa, “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi” (c.2). Cũng thật là kỳ diệu đến ngỡ ngàng khi lời đáp trả không lý luận, không tính toán, miễn sao lệnh Chúa được thi hành, “Ông Apram ra đi như Đức Chúa đã phán với ông” (c.4). Đây là một chuyến đi của huyền nhiệm.
Đức cha Giuse đã thực hiện chuyến đi huyền nhiệm này như một chuyến ra khơi tại vùng biển Phan Thiết, mà trong bài giảng “Một chuyến ra khơi”, ngài đã mô tả là “một chuyến ra khơi chở đầy sứ mạng”, “một chuyến ra khơi còn nhiều sóng gió”, và “một chuyến ra khơi sẽ phong phú” (x. trong tập “Từng Bước Một Thôi” của Giuse Vũ Duy Thống, tr 79-86). Hôm nay, Đức cha Giuse kết thúc chuyến ra khơi cuộc đời.
Kết thúc chuyến ra khơi cuộc đời của Đức cha Giuse, chúng ta sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu đến ngỡ ngàng khi nghe những lời Thánh Phaolô từ giã giáo đoàn Êphêsô trong bài đọc II (Cv 20, 17-36), như đang nghe Đức cha Giuse đang từ giã cộng đoàn chúng ta, đặc biệt là từ giã giáo đoàn Phan Thiết, và cách riêng là từ giã linh mục đoàn giáo phận Phan Thiết.
Ngài như đang tâm sự: “Anh em biết ngay từ ngày đầu tiên đặt chân đến Axia, tôi đã luôn luôn đối xử với anh em như thế nào. Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của người Do thái.” (c.18-20).
Với tinh thần trách nhiệm, ngài tiếp: “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến” (c.32).
Thật là kỳ diệu đến ngỡ ngàng, khi bắt đầu cuộc hành trình chức vụ giám mục, Đức cha Giuse đã tâm sự với anh em lớp Khai Phá tâm tình thổ lộ của thánh Tông đồ Phaolô: “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (c. 22-24).
Với nhiều cảm xúc đến ngỡ ngàng tràn đầy tình yêu và quyến luyến, Đức cha Giuse như đang ôm lấy cộng đoàn chúng ta, để giã từ như thánh Phaolô: “Nói thế rồi, ông Phaolô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu nguyện. Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu” (c.36-38).
Kỳ diệu đến ngỡ ngàng một chuyến đi – Kỳ diệu đến ngỡ ngàng một chọn lựa lên đường – Kỳ diệu đến ngỡ ngàng một tinh thần trách nhiệm – Kỳ diệu đến ngỡ ngàng một tình yêu quyến luyến – Kỳ diệu đến ngỡ ngàng một tiễn biệt trong nước mắt.
Abraham đã thực hiện cuộc hành trình đức tin để trở thành Cha của niềm Tin. Tông Đồ Phaolô đã thực hiện cuộc hành trình định mệnh để để trở thành Thầy dạy Đức Tin. Còn Đức cha Giuse thân yêu của chúng ta, ngài cũng đã thực hiện cuộc hành trình đời mình trong tin yêu với khẩu hiệu “Tình Yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14). Đây là cuộc hành trình để mình được biến đổi trong Đức Kitô, như bài Tin mừng tường thuật về sự biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor (Mt 17,1-8). Sự biến đổi của Chúa Giêsu trên núi thánh được xảy ra trên đường Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem, và sự biến đổi của Người được thực hiện tròn đầy trong mầu nhiệm Vượt Qua. Đức Kitô đã sống mầu nhiệm Vượt Qua mà cao điểm là cây Thập Giá. Và nhờ cây Thánh Giá, Chúa thi hành sứ vụ biến đổi thế giới này: “Này đây ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5).
Quả thật, trên cây thập giá, Đức Kitô đã thi hành sứ vụ làm chứng cho chân lý: “Tôi đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích này là: làm chứng cho sự thật, ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Sự thật mà Ngưởi làm chứng là nhờ Người, với Người và trong Người, tất cả mọi người được mời gọi biến đổi để trở thành “Con rất yêu dấu của Thiên Chúa Cha” (Mt 17,5) và vì thế mọi người là anh em với nhau trong gia đình của Thiên Chúa. Kỳ diệu đến ngỡ ngàng trong khi Người làm chứng cho sự thật, Người lại là nạn nhân của một bản án tử hình đầy gian trá. Kỳ diệu đến ngỡ ngàng hơn nữa, dù là nạn nhân của sự gian trá, Người vẫn sống trọn sự thật với căn tính là con “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46) và là anh cả trong gia đình của Thiên Chúa: “Khi tôi được nâng lên khỏi mặt đất, tôi sẽ lôi kéo mọi người đến với tôi”.
Trên cây thập giá, Đức Kitô thi hành sứ vụ là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tình mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Kỳ diệu đến ngỡ ngàng, khi Người thể hiện tình yêu, Người lại trở thành nạn nhân của sự hận thù ghen ghét và loại trừ. Nhưng kỳ diệu đến ngỡ ngàng hơn nữa, khi dù là nạn nhân của hận thù, Người vẫn sống trọn với tình yêu tha thứ “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)
Trên cây thập giá, Đức Kitô thi hành sứ vụ là cứu chuộc nhân loại khỏi sự nô lệ và sự chết: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn nguời”(Mt 20,28). Kỳ diệu đến ngỡ ngàng, trong khi Người là nạn nhân của những toan tính muốn trói buộc và dập vùi Người trong cái chết, thì lại là lúc Người hoàn thành sứ vụ “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30) và Người tự do bay bổng về Thiên Chúa và “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,9).
Dõi theo ánh sáng của Lời Chúa, Đức cha Giuse Phan Thiết của chúng ta cũng đã bước vào cõi đời này với sự kỳ diệu đến ngỡ ngàng như bước vào đường đi của Chúa Thánh Thần, “một nẻo đường lắm bất ngờ”, “một nẻo đường không dễ”, “một nẻo đường chẳng giống ai” (Đường Đi Của Thánh Thần, trong tập Hạt Nắng Vô Tư, trang 217-224). Nhưng cũng kỳ diệu đến ngỡ ngàng vì “Tình Yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14). Và với tình Chúa và tình người, ngài đã để mình được biến đổi trở thành “con rất yêu dấu của Thiên Chúa” và thi hành sứ vụ biến đổi thế giới này, trở thành “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13).
Kết thúc bài giảng, Đức cha giảng lễ mời gọi mọi người “tiếp tục cuộc hành trình cuộc đời của mỗi người bước theo Đức Kitô để cảm nhận được sự kỳ diệu đến ngỡ ngàng trong cuộc đời mình, hiệp thông với Đức cha Giuse, hướng về Đức Mẹ Tàpao, và mượn lời kinh của Mẹ, để ca tụng sự kỳ diệu đến ngỡ ngàng cuộc đời, ơn gọi và sứ vụ của con người trong cõi đời này”.
***
Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli chia sẻ những tâm tình phân ưu: “Tôi muốn cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lời chia buồn chân thành đến giáo phận Phan Thiết vì sự ra đi của vị mục tử. Cách đặc biệt tôi chuyển đến các linh mục và các chủng sinh là những người Đức cha Giuse hằng yêu mến, cũng như đến với thân quyến của Đức cha, tình cảm sâu sắc nhất của tôi”.
Gợi lại tâm tình của vị chủ chăn giáo phận Phan Thiết, Đức Tổng giám mục Girelli nhắn nhủ: “Đức cha Giuse từng mơ ước giáo phận của ngài được hiệp nhất. Ước mơ này là một di chúc của ngài để lại. Đặc biệt, xin các linh mục hãy làm cho giấc mơ này trở thành hiện thực bằng cách sống đoàn kết trong linh mục đoàn. Chắc chắn Đức cha Giuse đang cầu nguyện cho quý cha với những lời của Chúa Giêsu: Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”.
***
Tiếp theo, cha Phêrô Nguyễn Xuân Anh –nguyên Tổng đại diện, trưởng ban tang lễ–, thay mặt cộng đoàn dân Chúa giáo phận Phan Thiết, linh tông và huyết tộc của Đức cha Giuse, nói lời tri ơn Đức Thánh Cha, hàng giáo phẩm, cảm ơn các thành phần Dân Chúa, các tôn giáo bạn, chính quyền… đã tỏ lòng quý mến yêu thương Đức cha Giuse.
Cha cũng được quý cha trong giáo phận đề cử nói lời từ biệt vị mục tử của giáo phận trong tâm tình kính yêu và hối lỗi, cùng với lời “nguyện hứa đón nhận di sản của Đức cha để lại, là “sống khó nghèo, hiền lành, khiêm nhượng, kết hiệp khổ đau với Chúa Giêsu, yêu mến Mẹ Maria, và chết đời mình đi vì hạnh phúc của mọi người”.
***
Sau nghi thức tiễn biệt do Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh chủ sự, linh cữu của Đức cha Giuse được rước sang nơi an nghỉ cuối cùng ngay bên cạnh Cung thánh. Cuối cùng, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, giám mục Phụ tá Tổng giáo phận TP.HCM, chủ sự nghi thức hạ huyệt; và các Đức cha cùng quý cha đến rảy nước thánh trên phần mộ Đức giám mục quá cố, chào tiễn biệt ngài lần cuối.
(Hình ảnh của Ban Truyển thông giáo phận Phan Thiết)
WHĐ (07.03.2017)
nguồn: hdgmvietnam.org