Đền thờ Thánh Mẫu Từ Phong là một trong 3 trung tâm hành hương của Giáo phận Bắc Ninh. Phía Bắc là Đền Thánh Tâm cách Tòa Giám mục Bắc Ninh khoảng 20 km. Đền Thánh Mẫu Từ Phong cách Tòa giám mục khoảng 15 km về hướng Nam, và Tòa Giám Mục Bắc Ninh tọa lạc tại trung tâm thành phố Bắc Ninh.
Đền Thánh Mẫu được tọa lạc trên đỉnh đồi Từ Phong hay còn gọi là Đồi Tròn, thuộc xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Trung Tâm Thánh Mẫu nằm giữa hai giáo xứ cổ xưa là Kẻ Roi, nay gọi là xứ Xuân Hòa ( khoảng 10 km về phía Đông Bắc) và Kẻ Cốc nay gọi là xứ Phong Cốc (khoảng 13 km về phía Nam). Giáo xứ Từ Phong được đức cha Eugenio Atarza Chỉnh thành lập năm 1935 và được trao cho cha Phêrô Nguyễn Văn Lộc phụ trách. Khi đó giáo xứ gồm 8 họ đạo là họ An Ðặng, Bùng, Dũng Quyết, Ðào Viên, Mai Cương, Thành Dền, Từ Phong và Từ Sơn. Trong thời kỳ Cha Phêrô Lộc phụ trách, mặc dù chỉ là một giáo xứ nhỏ nhưng cha đã thành lập đầy đủ các hội đoàn công giáo và có các cơ sở phục vụ nhu cầu thờ phượng như nhà thờ, Đền Chúa Cứu Thế, Đền Chúa Kito Vua, Đền Đức Mẹ Lộ-Đức và các cơ sở giáo dục, từ thiện bác ái gồm trường học, nhà nuôi trẻ mồ côi với tên gọi là Nhà Thiên Thần.
Năm 1947, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, toàn bộ nhà chung, nhà thờ và các cơ sở giáo dục, từ thiện bị phá đổ. Cha xứ Phêrô bị bắt buộc phải chuyển đi nơi khác. Không còn nơi thờ phượng và cầu nguyện nên một số giáo dân phải chuyển đến xứ Bỉ Nội, một số khác chuyển đến Phượng Mao, nhưng vẫn còn một số giáo dân vẫn kiên tâm ở lại giáo xứ và họ phải dựng tạm nhà thờ bằng tre để có nơi cầu nguyện.
Biến cố 1954 xảy đến, khi tất cả 54 hộ gia đình trong giáo xứ đang chuẩn bị lên đường di cư vào miền Nam. Cha xứ Phêrô Lộc lúc đó đang ở xứ Cẩm Giàng, ngài đi xe đạp từ Cẩm Giàng về Từ Phong để khuyên gọi giáo dân cùng cha ở lại giáo xứ. Tuy nhiên, chỉ có 7 gia đình ở lại với cha Phêrô, 7 gia đình này đã đến định cư quanh đất nhà thờ, kiên cường giữ vững niềm tin trong muôn vàn gian khó, trong sự cấm cách và bắt bớ. Với lòng tin và nhờ ơn Chúa, dần dần cha xứ cùng với giáo dân đã tái thiết được một ngôi nhà thờ nhỏ. Trong thời gian đó, một số gia đình lương dân cũng đến ở xung quanh đất nhà chung. Những gia đình lương dân này là những chứng nhân đặc biệt vì đã chứng kiến những sự lạ xảy ra tại khu vực trồng ba cây Dã Hương, nơi mà trước đây đã đặt tượng đài Đức Mẹ mà đã bị phá đổ. Một số người đã nhìn thấy Đức Mẹ mặc áo dài trắng đi dưới gốc ba cây Dã Hương. Vì tin nhiều người đã lấy những lá cây Dã Hương ở đền Đức Mẹ đêm về để trị bệnh cho nhiều loại gia súc, chúng đều được khỏi mà bác sỹ thú y không chữa trị được, nhiều người cũng đến lấy lá cây về chữa bệnh và nhiều người trong họ cũng được khỏi bệnh.
Có một điều lạ là khi hòa bình lập lại năm 1975, những gia đình đang định cư trên đỉnh Đồi Tròn đã tự động di chuyển xuống chân núi làm nhà để ở. Khu đất nhà xứ được trả lại như cũ. Những năm đầu thập kỷ 90, đất tại khu vực nhà thờ Từ Phong bị đào bán để san lấp mặt bằng. Theo qui hoạch của nhà nước, Đồi Tròn Từ Phong sẽ được san phẳng. Tuy nhiên, mỗi khi máy xúc đất tiến lại xúc đất khu vực Đền Đức Mẹ đều không thể hoạt động được. Máy móc đều hư hỏng nặng và bị tê liệt nhiều lần, các công nhân hoảng sợ và kế hoạch san bằng Đền Ðức Mẹ đã không thực hiện được.
Với lòng yêu mến Đức Mẹ, năm 1996, giáo dân trong giáo xứ đã đồng tâm hợp lực, quyết tâm đóng góp xây dựng lại tượng đài Ðức Mẹ Ban Ơn Lành, đây là bức tượng Ðức Mẹ lớn nhất giáo phận Bắc Ninh. Khi ban hành giáo giáo xứ Từ Phong trình bày kế hoạch xây dựng tượng đài Đức Mẹ với đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến (ngài qua đời năm 2006), khi nghe trình bày xong thì đức Cha Giuse cũng rất thận trọng trong công việc xây dựng này, nhưng ngài xác tín rằng nếu việc xây dựng này đẹp lòng Chúa và đẹp lòng Đức Mẹ thì sẽ thành công. Quả đúng như điều Đức cố giám mục Giuse đã xác tín, mặc dù công trình xây dựng gặp rất nhiều thiếu thốn về phương tiện, nhất là khó khăn từ phía chính quyền. Nhưng cuối tượng đài Đức Mẹ đã được hoàn thành cách tốt đẹp. Tượng Đức Mẹ cao 5,7m, rộng 1,5m, đặt trên đế cao 6m và tọa lạc đúng vị trí Đền Đức Mẹ đã được xây dựng ngày trước.
Cho đến nay, đã có rất nhiều người thành tâm chạy đến cùng Đức Mẹ Từ Phong và họ đã nhận được rất nhiều ơn lành phần hồn cũng như phần xác. Mặc dù chưa có thống kê chính thức về những người nhận được các ơn lành từ Đức Mẹ, nhưng đa số những người thành tâm tin tưởng chạy đến cầu xin được Đức Mẹ ban ơn là những người không phải là Công giáo.
Giáo phận Bắc Ninh có truyền thống đặc biệt sùng kính Đức Maria và Trái Tim Chúa Giêsu. Theo nguyện ước chung của toàn thể giáo dân trong giáo phận, Đức cố Giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến đã quyết định xây dựng 2 đền thờ đó là Trung Tâm Thánh Mẫu Từ Phong, tọa lạc trên đồi Từ Phong để dâng kính Đức Maria và Đền Thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu tọa lạc ngay chính trung tâm thành phố Bắc Giang.
Đền Thờ Thánh Mẫu là tổng thể kết hợp hài hòa kiến trúc Gothic của Tây phương và mái hình tam giác với các góc uốn cong của Á Đông. Công trình có tổng diện tích sử dụng gần 2,000m2; chiều dài 60m, chiều rộng 26m và cao 30m.
Đền Thờ Thánh Mẫu được khởi công ngày 25.06.2005 và được khánh thành ngày 30/9/2007. Công trình do cha Đaminh Nguyễn Văn Kinh, tổng đại diện linh mục đoàn của Giáo phận đã trực tiếp giám sát thi công.
Vào lúc 13 giờ các ngày thứ 7 đầu tháng và các ngày lễ kính nhớ Đức Maria, tại trung tâm Thánh Mẫu, Đức cha Cosma giáo phận về dâng lễ để xin Đức Mẹ ban cho giáo phận Bắc Ninh mỗi ngày một phát triển tốt đẹp hơn.
Trung Tâm Thánh Mẫu Từ Phong cũng rất hân hạnh và luôn sẵn sàng đón tiếp các phái đoàn đến hành hương Đức Mẹ hoặc tĩnh tâm cũng như những ai thành tâm thiện chí đến cầu xin với Đức Mẹ Maria.
P/S Giáo xứ Xuân Hòa là một trong những giáo xứ đón nhận hạt giống đức tin sớm nhất của giáo phận Bắc Ninh. Trước đây, giáo xứ Xuân Hòa đã từng là tòa giám mục của giáo phận. Hiện nay, giáo xứ Xuân Hòa vẫn nhiệt thành gìn giữ gia sản đức tin của tiền nhân để lại và còn lưu giữ được nhiều kỷ vật đức tin quý báu. Xuân Hòa vẫn là nơi ươm trồng rất nhiều ơn gọi cả linh mục và tu sỹ nam nữ không chỉ cho Giáo Phận Bắc Ninh và cho cả Giáo Hội Việt nam.
Giuse Ngô Văn Quảng
Tin liên quan