ĐỌC THÔNG ĐIỆP ÁNH SÁNG ĐỨC TIN (LUMEN FIDEI)
Ngay từ khi bắt đầu Năm Đức Tin, nhiều người đã dự đoán và mong chờ một thông điệp về Đức tin. Dự đoán ấy dường như không thành hiện thực khi Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI đưa ra quyết định từ nhiệm. Thế nhưng cuối cùng Đức giáo hoàng Phanxicô cũng chính thức ban hành thông điệp Lumen fidei vào ngày 29-6-2013, và ngài nói rõ: Đức Bênêđictô XVI “hầu như đã hoàn tất bản thảo đầu tiên” và “tôi thêm vào một ít đóng góp của mình” (số 7). Như thế, thông điệp này ghi dấu ấn của hai vị giáo hoàng, lại được công bố vào ngày kính trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Chọn lựa ấy làm nổi bật sự liên tục và duy nhất trong giáo huấn của Hội Thánh, từ thời các Tông đồ đến ngày nay. Bài viết này không chỉ tóm lược nội dung nhưng mong muốn tìm hiểu diễn tiến tư tưởng của thông điệp.
Tựa đề của thông điệp – Ánh sáng đức tin – đã muốn giới thiệu đức tin như ánh sáng, “ánh sáng soi chiếu toàn bộ hành trình của các tín hữu” (số 1). Thế nhưng ánh sáng ấy đang bị đặt thành nghi vấn, bị cho là vô dụng trong thời đại mới, khi nhân loại đạt đến tuổi trưởng thành của lý trí. Tắt một lời, phải chăng đức tin chỉ là “ánh sáng ảo”, và ảo tưởng ấy “ngăn cản con đường hướng đến tương lai của một nhân loại được giải phóng” (số 2)?
Đối diện thách đố ấy, nhiều người tìm cách cứu vãn đức tin bằng cách trình bày đức tin như thứ ánh sáng chủ quan, dựa trên cảm xúc cá nhân hơn là lý trí. Tuy nhiên, theo cách trình bày đó, đức tin không còn là chân lý khách quan, có thể chia sẻ cho người khác và soi sáng cho đời sống. Hậu quả là một đàng, lý trí ở tự nó không thể soi tỏ tương lai, đàng khác, nó lại phủ nhận đức tin; do đó người ta không còn quan tâm tìm kiếm nguồn sáng vĩ đại nữa (số 3).
Chính vì thế, cần phải tái khám phá đức tin như ánh sáng đến từ Thiên Chúa, “soi chiếu mọi mặt của hiện hữu nhân sinh”. Đức tin ấy phát sinh từ sự gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, Đấng kêu gọi và bày tỏ tình yêu của Ngài với toàn thể tạo thành. Đức tin ban tặng các tín hữu cặp mắt mới để nhìn mọi sự và hướng dẫn hành trình đời sống của họ trong ánh sáng mới. Ánh sáng ấy một đàng đến từ quá khứ vì chúng ta đón nhận từ Chúa Giêsu; đàng khác, ánh sáng ấy lại đến từ tương lai vì Đức Kitô là Đấng Phục sinh và Người dẫn chúng ta vượt qua cả sự chết (số 4). Hiểu như thế, đức tin được ví như một người mẹ đã dẫn chúng ta đến với ánh sáng và sinh hạ chúng ta trong đời sống mới (số 5). Hành trình tái khám phá ánh sáng đức tin được thông điệp khai triển qua 4 chương:
– Chương một: Chúng tôi đã tin vào tình yêu (số 8-22);
– Chương hai: Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không hiểu (số 23-36);
– Chương ba: Tôi truyền lại cho anh em điều tôi đã lãnh nhận (số 37-49);
– Chương bốn: Thiên Chúa chuẩn bị cho họ một thành đô (số 50-60).
Chương một: Chúng tôi đã tin vào tình yêu (x. 1Ga 4,16)
Hành trình tái khám phá ánh sáng đức tin được thực hiện trước hết bằng cách nhìn lại nẻo đường mà các chứng nhân đức tin trong Cựu Ước đã đi qua. Ở đó nổi bật khuôn mặt của Abraham, tổ phụ của chúng ta trong đức tin (số 11). Với Abraham, tin gắn liền với lắng nghe và bước vào mối quan hệ cá vị với Thiên Chúa. Lời mà Abraham nghe được vừa là tiếng gọi vừa là lời hứa. Đó là tiếng gọi lên đường, hướng đến một tương lai không thấy trước. Đó còn là lời hứa làm cho ông thành cha của một dân đông đảo. Abraham được yêu cầu phải tuyệt đối tín thác vào lời ấy, và tin chính là đón nhận lời ấy như tảng đá vững chắc. Trong Kinh Thánh, từ “đức tin” vừa có nghĩa là sự trung tín của Thiên Chúa vừa có nghĩa là niềm tin của con người. Đấng Thiên Chúa đòi hỏi nơi Abraham sự tín thác tuyệt đối chính là cội nguồn sự sống, cội nguồn mọi hiện hữu.
Tiếp nối đức tin của Abraham, lịch sử dân Isarel là một hành trình dài được dệt bằng niềm tín thác vào Đấng giải thoát họ khỏi cảnh khốn cùng và dẫn đưa họ đến miền Đất hứa (số 12). Những kỳ công của Chúa được nhắc nhớ, cử hành trong phụng tự và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên lịch sử Israel cũng cho thấy cơn cám dỗ của bất tín, bất trung, qua việc thờ ngẫu tượng (số 13). Sâu xa trong việc thờ ngẫu tượng là ước muốn lấy bản thân mình làm trung tâm và thờ phượng những công trình của chính mình. Đức tin chân chính chống lại các ngẫu tượng, vì đức tin hệ tại ở chỗ chấp nhận để cho tiếng gọi của Thiên Chúa không ngừng biến đổi và canh tân con người chúng ta. Trong lịch sử dân Isarel, Môsê nổi bật lên như vị trung gian (số 14). Cùng với Môsê, Israel tập sống đức tin không chỉ như một hành vi cá nhân nhưng còn như một dân.
Tất cả Cựu Ước dẫn chúng ta đến với Đức Kitô là tâm điểm của đức tin Kitô giáo (số 15). Nơi Đức Kitô, mọi lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện, sự khả tín của Thiên Chúa được đóng dấu, và tình yêu của Ngài được bày tỏ trọn vẹn. Chính vì thế, đức tin Kitô giáo là tin vào một tình yêu tuyệt hảo, tình yêu làm nền tảng cho mọi thực tại và dẫn đưa nó đến vận mệnh tối hậu. Bằng chứng rõ ràng nhất về tình yêu tuyệt hảo ấy là Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Người đã hiến dâng sự sống cho mọi người, kể cả kẻ thù, để biến đổi con tim của họ. Sự hiến dâng và trao ban trọn vẹn của Đức Kitô vượt lên mọi nghi nan và làm cho chúng ta có thể phó thác hoàn toàn cho Chúa (số 16). Hơn thế nữa, sự phục sinh của Đức Kitô là bằng chứng thuyết phục về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa (số 17). Chính vì thế, thánh Phaolô nói, “Nếu Đức Kitô không sống lại, đức tin của anh em thật hão huyền” (1Cor 15,17). Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô không phải là chuyện tưởng tượng nhưng đã diễn ra trong lịch sử này, vì thế người Kitô hữu không tin vào một tình yêu mơ hồ, trừu tượng, nhưng là tình yêu đang có mặt trong lịch sử và uốn nắn lịch sử này, một tình yêu được bày tỏ trọn vẹn nơi cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô.
Với các Kitô hữu, Đức Kitô không chỉ là Đấng chúng ta tin, nhưng còn là Đấng mà chúng ta kết hợp với Người để tin. Đức tin cũng không chỉ là nhìn vào Chúa Giêsu mà còn là nhìn mọi sự như Người nhìn. Cho nên tin vào Chúa Giêsu là đón nhận Người vào trong cuộc đời mình, gắn bó với Người trong tình yêu và bước theo Người (số 18). Nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô, các tín hữu trở thành những tạo thành mới, “những người con trong Chúa Con” và được gọi Thiên Chúa là Cha. Ơn cứu độ nhờ đức tin là ở đây. Niềm tin vào Đức Kitô mang lại ơn cứu độ vì trong Người, cuộc đời chúng ta thật sự mở ra đón nhận một tình yêu vốn có trước chúng ta, một tình yêu biến đổi chúng ta từ bên trong, hoạt động trong và qua chúng ta (số 19,20).
Được tình yêu biến đổi, đời sống Kitô hữu mở rộng ra thành đời sống trong Giáo Hội. Đức Kitô quy tụ tất cả những ai tin vào Người thành một thân thể, trong đó họ kết hợp với Người và với nhau. Cho nên đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích Giáo Hội chứ không chỉ đơn thuần là chuyện riêng tư của mỗi cá nhân.
Chương hai: Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không hiểu (x. Is 7,9)
Tin và hiểu, đức tin và chân lý, đây là nội dung được nhấn mạnh và triển khai trong chương hai, cũng là vấn đề cần được quan tâm trong thế giới ngày nay do cuộc khủng hoảng về chân lý. Ngày nay dường như người ta chỉ nhìn nhận chân lý duy nhất là chân lý kỹ thuật: chân lý là cái gì đem lại sự thoải mái tiện nghi cho đời sống. Người ta quan tâm đến những chân lý chủ quan của mỗi cá nhân, còn chính Chân Lý (viết hoa) thì bị lãng quên. Hậu quả là rơi vào chủ nghĩa tương đối, trong đó câu hỏi về chân lý phổ quát, chân lý về Thiên Chúa, bị loại trừ (số 25). Vậy đức tin Kitô giáo có thể cung cấp nẻo đường đúng đắn dẫn đến chân lý không?
Khởi đi từ việc phân tích từ ngữ trong Isaia 7,9 ở hai bản văn Hípri và Hi Lạp, thông điệp khẳng định: không có nhận thức và chân lý, chúng ta không thể đứng vững và đi tới. Đức tin không có chân lý thì không thể cứu độ, không thể cung cấp nền tảng vững chắc (số 24). Nhưng trong hành vi đức tin có một loại nhận thức là nhận thức của con tim. Trái tim là tâm điểm của con người, nơi chúng ta mở ra đón nhận chân lý và tình yêu, và để cho mình được biến đổi cách sâu xa. Sự hiểu biết của đức tin phát sinh khi chúng ta đón nhận tình yêu vô biên của Thiên Chúa, tình yêu biến đổi chúng ta từ bên trong và làm cho ta nhìn thực tại bằng cặp mắt mới (số 26). Nói đến tình yêu, cần khẳng định rằng tình yêu không chỉ là cảm xúc chóng qua nhưng tình yêu gắn với chân lý. Nếu không gắn với chân lý, tình yêu chỉ còn là cảm xúc và không đứng vững nổi trước thử thách của thời gian. Không có chân lý, tình yêu không thể thiết lập mối quan hệ vững bền, không thể giải thoát chúng ta khỏi cái tôi ích kỷ, không thể ban tặng sự sống và hoa trái. Ngược lại, chân lý cần đến tình yêu. Không có tình yêu, chân lý trở thành khô khan, vô ngã và nặng nề (số 27). Đức tin Kitô giáo bao hàm cả tình yêu và chân lý. Tin là tin vào Đấng Thiên Chúa trung tín (trong Kinh Thánh, chân lý và trung tín đi đôi với nhau) với giao ước tình yêu Ngài đã ký kết (số 28).
Ngôn ngữ Kinh Thánh, cách riêng Tin Mừng Gioan, diễn tả đức tin bằng hai động từ: nghe và thấy. Tin là nghe tiếng gọi của một Đấng và bước vào mối quan hệ với Ngài, đồng thời đức tin mở mắt chúng ta để “thấy” mọi sự trong ánh sáng mới. Sự kết hợp giữa nghe và thấy được thể hiện trọn vẹn nơi Chúa Giêsu, Đấng chúng ta nghe và thấy được, Đấng là “Ngôi Lời đã làm người… và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người” (Ga 1,14). Nơi Người, chân lý không còn là chân lý trừu tượng nhưng hóa thành nhục thể mà chúng ta nghe, thấy, và hơn nữa, sờ được! (số 30,31).
Từ đó, các Kitô hữu hiểu được tầm quan trọng của cuộc đối thoại và mối quan hệ giữa đức tin và lý trí (số 32-34). Ngày nay chân lý thường bị giảm thiểu thành khẳng định chủ quan của mỗi cá nhân. Thế nhưng nếu chân lý thật sự là chân lý của tình yêu, thì chân lý ấy phải giải thoát chúng ta khỏi vòng vây của sự ích kỷ cá nhân và hướng đến ích chung; đồng thời có thể thấm nhập cõi lòng sâu xa nơi mỗi con người. Niềm tin vào chân lý ấy soi sáng mọi thực tại đời sống, do đó đức tin không loại trừ khoa học nhưng đem lại lợi ích cho khoa học: đức tin thúc đẩy nhà khoa học mở ra trước thực tại vô cùng phong phú, ngăn cản thái độ tự mãn trong khoa học để không ngừng khám phá huyền nhiệm sâu xa của tạo thành.
Ánh sáng đức tin cũng soi chiếu con đường của tất cả những ai đang thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, do đó góp phần tích cực vào cuộc đối thoại giữa các tôn giáo (số 35). Thiên Chúa là ánh sáng và những ai thành tâm tìm kiếm sẽ gặp được Ngài. Hình ảnh ba đạo sĩ trong Tin Mừng Matthêu diễn tả con người tôn giáo là người đang trên đường đi, sẵn sàng ra khỏi bản thân để tìm kiếm Đấng Thiên Chúa của những bất ngờ. Với các Kitô hữu, trọn vẹn ánh sáng của Thiên Chúa được tập trung nơi Đức Kitô, do đó người Kitô hữu càng đón nhận ánh sáng Đức Kitô thì họ càng có khả năng hiểu biết và đồng hành với những ai đang tìm kiếm Chúa. Trong số đó có cả những người tuy không thuộc tôn giáo nào nhưng vẫn khao khát tin và tiếp tục kiếm tìm. Nếu họ chân thành mở ra với tình yêu và lên đường bước theo ánh sáng, thì họ đã ở trên đường dẫn đến đức tin rồi, dù không nhận biết.
Trong sự tìm kiếm Thiên Chúa, thần học đóng vai trò quan trọng vì thần học không ngừng đào sâu hiểu biết về Thiên Chúa (số 36). Tuy nhiên, không thể làm thần học mà không có đức tin, bởi lẽ thần học là một thành phần của chính tiến trình đức tin. Thiên Chúa không chỉ là một đối tượng để nghiên cứu nhưng là Đấng tỏ mình ra trong một tương quan liên vị. Vì thế thần học phải khiêm tốn để cho Thiên Chúa chạm đến, nhìn nhận những giới hạn của mình trước mầu nhiệm, đồng thời cố gắng tìm hiểu mầu nhiệm ấy bằng phương pháp riêng của lý trí. Thần học cũng mang chiều kích Giáo hội, do đó một đàng thần học phải phục vụ đức tin của các tín hữu, đàng khác phải nhìn nhận Huấn quyền như thành tố thiết yếu trong suy tư và nghiên cứu của mình.
Chương ba: Tôi truyền lại cho anh em điều tôi đã lãnh nhận (x. 1Cor 15,3)
Chương ba của thông điệp tập trung vào chủ đề Thông truyền đức tin Kitô giáo. Vì đức tin là nghe và thấy, nên đức tin ấy cũng được thông truyền như lời (để nghe) và ánh sáng (để thấy). Đã đón nhận Lời Thiên Chúa thì phải tuyên xưng và loan báo. Cũng vậy, ánh sáng của Đức Kitô chiếu tỏa trên khuôn mặt các Kitô hữu và họ phải làm lan tỏa ánh sáng đó, như những ngọn nến được thắp lên trong Đêm Vọng Phục Sinh (số 37). Việc thông truyền đức tin được thực hiện không chỉ từ cá nhân này đến cá nhân khác, nhưng còn từ thế hệ này sang thế hệ kia. Sau 20 thế kỷ, làm sao chúng ta có thể chắc chắn mình đã gặp Chúa Giêsu đích thực như Người là? Được như thế là nhờ Hội Thánh. Hội Thánh là người mẹ dạy chúng ta nói ngôn ngữ đức tin. Hội Thánh lưu giữ ký ức về Đức Kitô và truyền lại cho chúng ta (số 38). Cho nên ở tự bản chất, đức tin là sự mở ra với cái “Chúng tôi” trong Hội Thánh. Đức tin được tuyên xưng trong sự hiệp thông của Hội Thánh. Sự mở ra này phản chiếu sự mở ra của chính tình yêu nơi Thiên Chúa: không chỉ là tương quan giữa Cha và Con, mà còn là “trong Thánh Thần”, nghĩa là “Chúng Ta”, sự hiệp thông giữa các ngôi vị (số 39).
Hội Thánh thông truyền toàn bộ nội dung đức tin cho chúng ta qua Truyền thống tông đồ được kính cẩn lưu giữ trong Hội Thánh nhờ Chúa Thánh Thần. Và Hội Thánh thực hiện điều đó qua giáo lý, đời sống và việc thờ phượng.
Trước hết là qua các bí tích (số 40). Nếu chỉ là thông truyền học thuyết thì chỉ cần một cuốn sách, thế nhưng đức tin không chỉ là học thuyết mà là ánh sáng mới phát sinh từ sự gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống. Do đó phải có một phương thế đặc biệt là các bí tích được cử hành trong phụng vụ. Đầu tiên là bí tích Rửa Tội. Trong bí tích này, người Kitô hữu vừa đón nhận giáo lý phải tuyên xưng vừa đón nhận một lối sống mới phải thực hành. Vì thế cần quan tâm đến giáo lý cho các dự tòng, đó là con đường chuẩn bị cho họ chịu Phép Rửa và biến đổi toàn bộ đời sống trong Đức Kitô (số 42). Cũng ở đây, cần ý thức tầm quan trọng và ý nghĩa của việc rửa tội cho trẻ nhỏ. Dù các em chưa ý thức nhưng các em được nâng đỡ bởi cha mẹ, người đỡ đầu, và được đón nhận trong đức tin của Hội Thánh. Điều đó làm nổi bật sự hợp tác giữa Hội Thánh và cha mẹ trong việc thông truyền đức tin cho trẻ nhỏ, nhờ đó các em có được định hướng nền tảng cho cuộc đời, hướng đến tương lai tốt đẹp (số 43).
Đặc tính bí tích của đức tin đạt đến đỉnh cao nơi bí tích Thánh Thể (số 44). Thánh Thể là của ăn quý giá cho đời sống đức tin vì ở đó, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, Đấng hiến mình vì chúng ta. Một đàng, chúng ta tưởng nhớ sự chết và phục sinh của Chúa; đàng khác, chúng ta được dẫn từ thế giới hữu hình đến thế giới vô hình, khám phá chiều cao và chiều sâu của các thực tại, như bánh và rượu được biến đổi nên Mình và Máu Đức Kitô.
Cùng với các bí tích, Hội Thánh thông truyền đức tin cho các tín hữu qua lời tuyên xưng đức tin, cụ thể là Kinh Tin Kính (số 45). Kinh Tin Kính có cấu trúc Ba Ngôi, nghĩa là tâm điểm của mọi hiện hữu chính là sự hiệp thông nơi Thiên Chúa. Kinh Tin Kính cũng mang chiều kích Kitô học vì nơi Đức Kitô, Đấng Thiên Chúa của hiệp thông đã bước vào lịch sử thế giới này và đưa nó vào sự hiệp thông vĩnh hằng của Ngài.
Ngoài các bí tích và lời tuyên xưng, Hội Thánh còn thông truyền đức tin cho chúng ta qua Kinh Lạy Cha và Kinh Mười Điều Răn (số 46). Với Kinh Lạy Cha, các Kitô hữu học chia sẻ chính kinh nghiệm thiêng liêng của Đức Kitô và tập nhìn mọi sự như Người nhìn. Kinh Mười Điều Răn chỉ lối cho chúng ta thoát khỏi sa mạc của cái tôi ích kỷ để bước vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, để cho lòng thương xót của Chúa chiếm hữu và chia sẻ lòng thương xót ấy cho người khác.
Bốn yếu tố nói trên cũng là bốn phần chính trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, qua đó Hội Thánh thông truyền toàn bộ đức tin duy nhất của mình. Tính duy nhất và toàn bộ là hai điều cần nhấn mạnh ở đây (số 47,48). Thánh Lêô Cả nói, “Nếu đức tin không duy nhất thì không còn là đức tin nữa”. Đức tin duy nhất vì chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất, vì chỉ có một Chúa Giêsu Kitô, và vì đức tin ấy được toàn thể Hội Thánh tuyên xưng. Vì đức tin duy nhất nên cũng phải toàn vẹn. Các chân lý đức tin đan kết với nhau trong một toàn thể duy nhất như các chi thể trong một thân mình. Vì thế phải cẩn trọng để kho tàng đức tin được thông truyền cách toàn vẹn. Để phục vụ cho đòi hỏi này, Chúa đã ban cho Hội Thánh điều mà chúng ta gọi là sự kế nhiệm tông đồ, nhờ đó ký ức của Hội Thánh được lưu giữ liên tục và thông truyền qua các thế hệ (số 49).
Chương bốn: Thiên Chúa chuẩn bị cho họ một thánh đô (x. Dt 11,16)
Sau khi bàn đến trách nhiệm thông truyền đức tin, thông điệp dành chương bốn để nói đến vai trò đức tin trong việc xây dựng công ích. Thư Hípri không những trình bày đức tin như một hành trình mà còn như tiến trình xây dựng một nơi con người có thể chung sống với nhau. Chính vì đức tin gắn kết với tình yêu nên ánh sáng đức tin cũng soi chiếu việc xây dựng công lý và hòa bình (số 50,51). Thật vậy, ánh sáng đức tin không chỉ soi chiếu đời sống nội bộ của Hội Thánh, cũng không chỉ hướng đến thành đô vĩnh cửu trong thế giới mai sau, nhưng còn giúp xây dựng xã hội trần thế hướng đến tương lai tốt đẹp.
Trước hết là gia đình, tế bào căn bản của xã hội (số 52,53). Dù không luận bàn chi tiết, thông điệp khéo léo nhắc đến những giáo huấn căn bản về đời sống gia đình như sự bền vững của hôn nhân giữa người nam và người nữ, sự tốt đẹp của khác biệt giới tính, sự sinh sản. Trong khung cảnh gia đình, đức tin đồng hành với mọi thành viên ở mọi lứa tuổi: trẻ thơ học tin tưởng vào tình thương của cha mẹ, người trẻ phải cảm nhận sự gần gũi và nâng đỡ của cha mẹ và Hội Thánh trong hành trình đức tin.
Nếu được thấm nhuần tinh thần đức tin trong gia đình, đức tin ấy sẽ trở thành ánh sáng soi chiếu mọi mối tương quan xã hội (số 54). Niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu thúc đẩy chúng ta xây dựng tình huynh đệ với mọi người, vì Thiên Chúa muốn cho mọi người đều được chia sẻ cùng một phúc lành, và ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa trên tôi qua khuôn mặt những người anh em tôi. Trong thực tế, đức tin Kitô giáo đã góp phần tích cực vào việc xây dựng thành đô nhân loại, cách riêng là gây ý thức về phẩm giá độc đáo của con người trong vũ trụ và thúc đẩy con người sống đúng với phẩm giá của mình.
Đàng khác, chính niềm tin vào tình yêu của Đấng Tạo Hóa giúp chúng ta biết tôn trọng thiên nhiên vì nhìn công trình tạo dựng của Chúa như món quà Chúa ban, biết điều hành xã hội để phục vụ công ích vì mọi quyền bính đều phát xuất từ Thiên Chúa tình yêu, nhất là biết tha thứ vì xác tín rằng tình yêu lớn hơn thù hận. Nếu đức tin suy yếu thì nền tảng đời sống cũng bị suy yếu. Nếu chúng ta loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống xã hội, thì con người cũng sẽ không còn tin tưởng nhau, sẽ chỉ còn sợ hãi và sự ổn định xã hội bị đe dọa (số 55).
Ánh sáng đức tin còn soi chiếu cuộc đời ngay cả khi phải đau khổ và thử thách (số 56). Người Kitô hữu biết rằng không thể loại trừ đau khổ cách tuyệt đối, nhưng nhờ đức tin, họ có thể đón nhận đau khổ như hành động của tình yêu và tín thác nơi Thiên Chúa là Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta, như Đức Kitô đã kết hợp với Chúa Cha ngay giữa ngút ngàn đau khổ. Đồng thời ánh sáng đức tin cũng không làm cho chúng ta quên đi những đau khổ của thế giới, nhưng trái lại, thúc đẩy chúng ta đem tình yêu và sự an ủi đến chốn khổ đau, như thánh Phanxicô Assisi và Mẹ Têrêxa Calcutta đã thể hiện. Đức tin Kitô giáo gắn liền với hi vọng, niềm hi vọng lớn lao đến nỗi ngay cả khi nơi ở trên trần gian này bị tiêu tan thì vẫn có nơi ở vĩnh hằng mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta trong Đức Kitô. Cùng với đức tin và đức ái, đức cậy thúc đẩy chúng ta tiến đến tương lai vững chắc, gạt bỏ những ảo tưởng do các ngẫu tượng của trần thế này loan báo, và vì thế, người Kitô hữu không được để mất hi vọng.
Để kết thúc, Thông điệp hướng lòng chúng ta lên Đức Maria, người được xưng tụng rằng, “Bà có phúc vì đã tin” (Lc 1,45). Đức Maria thật sự là gương mẫu tuyệt hảo của đức tin. Nơi Mẹ, hành trình đức tin trong Cựu Ước trở thành hành trình bước theo Chúa Giêsu và đem lại hoa trái phong phú. Ở tâm điểm đức tin Kitô giáo là lời tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, được sinh ra bởi một người nữ, và trong tác động của Thánh Thần, đã làm cho chúng ta trở nên những người con cái Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta được mời gọi hướng nhìn lên Mẹ Maria và khẩn nài ơn trợ giúp. Xin Mẹ giúp chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa, dấn bước theo Ngài, phó thác nơi tình yêu của Chúa, và tập nhìn mọi sự như Chúa Giêsu, để ánh sáng của Chúa thật sự soi chiếu nẻo đường chúng ta đi.
Tin liên quan