Dẫn nhập

1. DOCAT, sách giáo lý mới về học thuyết xã hội của Hội Thánh

2. Kim chỉ nam hướng dẫn người trẻ dấn thân trong lĩnh vực xã hội

3. Học thuyết Xã hội, khởi điểm việc tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề xã hội

Kết luận: Giấc mơ của Đức Thánh Cha Phanxicô

Dẫn nhập

DOCAT là quyển sách mới nhất về học thuyết xã hội của Giáo Hội. Quyển sách này trả lời câu hỏi “phải làm gì?” để thay đổi chính bản thân chúng ta và thay đổi thế giới.

Thế giới ngày nay cần thay đổi. Vì thế, Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định: “Một Kitô hữu ngày nay không phải là người cách mạng thì không phải là Kitô hữu”. Ngài đặt mục tiêu và kêu gọi một triệu người trẻ hãy học hỏi và thực hành quyển cẩm nang hành động DOCAT nhằm tạo ra sự thay đổi trên thế giới, hướng đến một “nền văn minh tình yêu”.

1. DOCAT, sách giáo lý mới về học thuyết xã hội của Hội Thánh

Phát hành sách DOCAT ngày khai mạc Đại hội Giới Trẻ Thế giới 26 tháng 7 năm 2016 tại Krakow, Ba Lan, Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn khởi động một cuộc cách mạng xã hội. DOCAT chính là công cụ để biến đổi xã hội. Để truyền đạt những ý tưởng đó, DOCAT sử dụng một văn phong giản dị, ngắn gọn, trực tiếp theo kiểu YOUCAT.

DOCAT được biên soạn dựa trên:

– Kinh Thánh;

– YOUCAT;

– Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo; và

– Quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội

Nhằm hướng dẫn, trước hết, các người trẻ tham dự Đại hội Giới Trẻ Thế giới biến đức tin thành hành động cụ thể trong thế giới ngày nay.

Ý tưởng về DOCAT xuất hiện không lâu sau khi YOUCAT ra mắt tại Đại hội Giới Trẻ Thế giới năm 2011 tại Madrid. Bernhard Meuser, người sáng lập YouCat Foundation, cho biết sau khi YOUCAT ra đời, họ nhận được nhiều email từ những người trẻ Hoa Kỳ đặt vấn đề: “Bây giờ chúng tôi biết đức tin của chúng tôi là gì. Chúng tôi làm gì đây? Xin hãy làm một Do-Cat! (Please, do a Do-Cat!)”.[1]

Thế là nhen nhúm trong đầu những người thực hiện dự án sách YOUCAT ý tưởng cần phát hành một quyển sách mới với cái tên ngắn gọn DOCAT: Phải làm gì? gợi lên từ email của những người trẻ Hoa Kỳ, cái tên nói lên chủ đích của những người thực hiện dự án DOCAT là làm thế nào để hướng dẫn người trẻ Công giáo biến đức tin thành hành động. Ý tưởng này nhanh chóng được các giới chức Vatican tán thành và ủng hộ.

Sách được biên soạn dưới hình thức hỏi thưa với sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo Giáo Hội cũng như của các nhà doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội. Sách hướng dẫn người trẻ đào luyện lương tâm và hành động theo phong cách Công giáo trước những vấn đề xã hội và chính trị ngày nay. Cụ thể, các chuyên gia Giáo huấn Xã hội cộng tác với những người trẻ soạn thảo DOCAT, dưới sự hướng dẫn của Hồng y Christoph Schönborn và Hồng y Reinhard Marx. Các người trẻ cộng tác bằng cách đặt câu hỏi rồi cố gắng trả lời dựa trên giáo lý và các văn kiện của Hội Thánh. Kết quả là sự ra đời một quyển cẩm nang hành động Kitô giáo có sự phê duyệt chính thức của Giáo Hội Công giáo, trước hết là Hội đồng Giám mục Áo rồi ở cấp trung ương là Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ Tân Phúc-Âm-hóa với sự đồng thuận của Bộ Giáo lý Đức Tin. Dự án hình thành từ thời đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, kéo dài sang đến triều Đức Giáo hoàng Phanxicô và được chính ngài viết lời dẫn nhập và đồng ý xuất hiện trong video giới thiệu DOCAT. Ngài viết:

“Thế giới không thể tiếp tục đi vào lối mòn như hiện nay mà cần phải thay đổi. Nếu một Kitô hữu, trong bối cảnh hiện tại, lại ngoảnh mặt trước nhu cầu của các người nghèo nhất trong số những người nghèo, thì thật sự họ không phải là một Kitô hữu!

Chẳng lẽ chúng ta không thể làm gì hơn để cho cuộc cách mạng về tình yêu và công bằng này trở thành hiện thực trong nhiều vùng trên hành tinh khốn khổ này sao? Học thuyết xã hội của Giáo Hội có thể giúp biết bao người! Dưới sự chỉ đạo giàu kinh nghiệm của các Hồng y Christoph Schönborn và Reinhard Marx, một đội ngũ đã bắt tay làm việc để làm cho sứ điệp giải phóng của học thuyết xã hội Công giáo lôi cuốn được sự chú ý của giới trẻ trên thế giới. Họ đã cộng tác với các học giả nổi tiếng cũng như với những người trẻ về dự án này. Các người trẻ nam nữ Công giáo từ khắp nơi trên thế giới đã gửi đến các hình ảnh tốt nhất của họ. Những người trẻ khác thảo luận bản văn, đóng góp các câu hỏi và đề nghị, và chắc chắn rằng bản văn đọc lên là có thể hiểu ngay. Học thuyết xã hội gọi đó là ‘sự tham gia’! Chính đội ngũ làm việc đã áp dụng một nguyên tắc quan trọng của học thuyết xã hội ngay từ lúc khởi đầu. Như thế DOCAT đã trở thành một áp dụng đầu tiên tuyệt vời để hành động theo Kitô giáo”.

Giáo huấn xã hội của Giáo Hội bắt rễ sâu trong tình yêu của Thiên Chúa. Đó là một công cụ để biến đổi thế giới. Những người thực hiện dự án DOCAT cho rằng nếu những người trẻ được truyền cảm hứng để tạo ra một phong trào học hỏi và thực hành giáo huấn xã hội của Giáo Hội, họ có thể thay đổi bộ mặt thế giới. DOCAT là công cụ để “làm” công bằng xã hội theo phương cách Công giáo.

DOCAT tiếp nối quyển Giáo lý Giới Trẻ YOUCAT phát hành tháng 8 năm 2011 trong Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Madrid. Như đã nói trên, dựa trên Kinh Thánh, YOUCAT, sách Giáo lý Giáo Hội Công giáo và quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, DOCAT hướng dẫn những người trẻ cách thức hành động hướng đến việc xây dựng một “nền văn minh tình yêu”.

DOCAT tóm lược các điểm chính của học thuyết xã hội của Giáo Hội, cập nhật học thuyết cho đến hết năm 2015. DOCAT vì “sinh sau đẻ muộn” nên có thể dẫn chiếu từ kho tàng 10 năm huấn quyền và các tài liệu khác sau khi quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội ra đời, trong đó quan trọng nhất là Thông điệp Caritas in Veritate của đức Giáo hoàng Bênêđictô và Thông điệp Laudato Si’ của đức Giáo hoàng Phanxicô[2].

Các câu trong toàn bộ 328 câu hỏi-thưa của DOCAT (trừ một số câu như các câu 252-255 nói về vấn đề “thương mại công bằng”[3] tương đối mới chưa nói đến trong các sách giáo lý và giáo huấn xã hội) đều tham chiếu đến một, hai hay cả ba tài liệu Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo HộiGiáo lý Giáo Hội Công giáo và YOUCAT.

Ngoài Kinh Thánh, DOCAT thường xuyên trích dẫn thông điệp của các giáo hoàng từ Thông điệp Rerum Novarum năm 1891 của đức Lêô XIII trở đi, lời của các vị thánh, các nhà lãnh đạo trên thế giới và các người nổi danh trong giới doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội và nhiều người nổi tiếng khác, bao gồm những người của công chúng như cô đào Marylin Monroe và diễn viên phim hành động Bruce Willis.

Chẳng hạn: “Trong những vấn đề thiết yếu, hợp nhất; trong những vấn đề còn nghi hoặc, tự do; trong mọi sự, bác ái” – Thánh Augustinô.

“Hollywood là nơi người ta sẽ trả bạn một ngàn đô la cho một nụ hôn và năm mươi xu cho linh hồn của bạn” – Marilyn Monroe.

“Chúng ta ngày nay ở đâu nếu có người nói với Kha Luân Bố: ‘Kha Luân Bố, cứ ở đây. Đừng đi khám phá, thám hiểm, hãy chờ cho đến khi các vấn đề quan trọng nhất của chúng ta – chiến tranh và nạn đói, ô nhiễm môi trường và bệnh tật, nạn mù chữ và tệ phân biệt chủng tộc – được giải quyết’”? – Bill Gates.

DOCAT giải thích tại trang đầu quyển DOCAT, Mục “Giải thích các biểu tượng” rằng một trích dẫn từ nguồn phi-Kinh Thánh và phi-Huấn quyền (không thấy ở trong các sách giáo lý khác) “được dùng để nhấn mạnh ý nghĩa của bản văn để gây sự chú ý. Mục đích chính là để người đọc đối diện với sự thật”[4]. Đây là một điểm mới và đặc sắc của DOCAT.

Ta cũng gặp tư tưởng của vị vốn được người xưa tôn là “Vạn thế sư biểu”, là câu “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Khổng Tử trong sách Đại Học[5].

Và của vị được người ta tôn là thánh sống là Mahatma Gandhi, người thấm nhuần các lời dạy của Chúa Kitô: “Mắt đền mắt làm cho cả thế giới bị mù”.

Sách còn có nhiều bức ảnh chụp minh họa đầy màu sắc, chỉ mục các chủ đề (index of subjects) và dĩ nhiên, các hình vẽ minh họa nội dung theo kiểu gọi là stick image (hình que), mang đậm phong cách YOUCAT.

Cũng như YOUCAT, DOCAT được viết bằng một văn phong năng động và rõ ràng, giản dị, câu thường ngắn gọn, hầu hết là câu đơn. Thật vậy, Thông điệp Caritas in Veritate 30.000 từ và Laudato Si’ 40.000 từ được DOCAT tóm lại bằng câu đơn vài chục từ chỉ có một động từ:

Thật vậy, Thông điệp Caritas in Veritate năm 2009 của đức Bênêđictô XVI được mô tả chỉ bằng một câu đơn vỏn vẹn chỉ có mười mấy từ: “Trích dẫn Thông điệp Populorum Progressio, văn kiện này phân tích trên diện rộng về các mặt khác nhau của toàn cầu hoá”.

Còn Thông điệp Laudato Si’ năm 2015 của đức Phanxicô thì dài hơn, tóm lược trong khoảng 40 từ, nhưng cũng vẫn là câu đơn: “Thông điệp thứ hai này của Giáo hoàng Phanxicô thảo luận những vấn đề gìn giữ môi trường trong bối cảnh rộng hơn liên quan tới quyền của mọi người đối với sự sống và sự phát triển toàn diện, xứng với nhân phẩm”.

Về nội dung, DOCAT gồm mười hai chương, dưới hình thức hỏi-thưa, đề cập đến những vấn đề quan trọng nhất đối với đời sống người Công giáo như: kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại, sứ mệnh xã hội của Giáo Hội, nhân vị, công ích, gia đình, đời sống kinh tế và chính trị, môi trường, hòa bình, tương ứng hoàn toàn với quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, đến nỗi có thể nói DOCAT là “bản tóm lược của tóm lược”, là phiên bản học thuyết xã hội dành cho người trẻ.

Thật vậy, ta có thể thấy rõ tính tương thích đó bằng cách lập bảng đối chiếu Mục lục 12 chương của quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội với Mục lục 12 chương của DOCAT như sau:

Chương một Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại (20-59) Kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa: Tình yêu (Câu hỏi 1-21)
Chương hai Sứ mệnh của Giáo Hội và học thuyết xã hội (60-104) Cùng nhau ta mạnh hơn: Sứ mệnh xã hội của Giáo Hội (Câu hỏi 22-46)
Chương ba Con người và nhân quyền (105-159) Độc nhất và giá trị vô cùng: Nhân vị (Câu hỏi 47-83)
Chương bốn Các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo Hội (106-208) Công ích, nhân vị, liên đới, bổ trợ: Các nguyên tắc trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội (Câu hỏi 84-111)
Chương năm Gia đình, tế bào sống của xã hội (209-254) Nền móng của xã hội: Gia đình (Câu hỏi 112-133)
Chương sáu Lao động của con người (255-322) Nghề nghiệp và ơn gọi: Lao động của con người (Câu hỏi 134-157)
Chương bảy Đời sống kinh tế (323-376) Thịnh vượng và công bằng cho tất cả: Đời sống kinh tế (Câu hỏi 158-194)
Chương tám Cộng đồng chính trị (377-427) Quyền lực và luân lý: Cộng đồng chính trị (Câu hỏi 195-228)
Chương chín Cộng đồng quốc tế (428-450) Một thế giới, một nhân loại: Cộng đồng quốc tế (Câu hỏi 229-255)
Chương mười Bảo vệ môi trường (451-487) Bảo tồn vạn vật: Môi trường (Câu hỏi 256-269)
Chương mười một Cổ vũ hoà bình (488-520) Sống trong tự do không bạo lực: Hòa bình (Câu hỏi 270-304)
Chương mười hai Học thuyết xã hội và hoạt động của Giáo Hội (521-574) Sự dấn thân của cá nhân và xã hội: Tình yêu trong hành động (Câu hỏi 305-328)

2. Kim chỉ nam hướng dẫn người trẻ dấn thân trong lĩnh vực xã hội

Có thể nói DOCAT là cuốn cẩm nang hành động cho người trẻ. Thật vậy, đây chính là kim chỉ nam cho sự dấn thân trong lĩnh vực xã hội của người trẻ. Ta hãy đọc DOCAT câu 317:

“Không có quyển sách nào quan trọng hơn quyển Kinh Thánh đối với người Kitô hữu. Theo lời thánh Phanxicô Assisi: ‘Đọc Kinh Thánh là để nhận được lời khuyên từ Đức Kitô’. Bên cạnh Kinh Thánh, Giáo Hội Công giáo còn sống bằng Thánh Truyền, là đức tin sống động của Giáo Hội được ngọn lửa của Chúa Thánh Thần khơi lên. Trong sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo, đức tin này đã phát triển và trở nên sâu sắc hơn trong quá trình hai ngàn năm, đã tìm thấy cách thể hiện cho thời hiện đại. Tất cả mọi điều mà người Kitô hữu nên biết về nội dung và hình thức cần thiết của đức tin được thu thập trong bộ sách này. Một người dấn thân và tham gia hoạt động trong lĩnh vực xã hội tìm được các giáo huấn chính yếu của Giáo Hội trong các thông điệp xã hội từ Đức Giáo hoàng Lêô XIII trở đi. Các giáo huấn này được tổng hợp trong quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội. Rồi sách YOUCAT giúp cho những người trẻ dễ tiếp cận Giáo lý hơn. Sách DOCAT được soạn thảo để lưu hành rộng rãi giáo huấn xã hội của Giáo Hội trong giới trẻ”.

Sở dĩ Giáo Hội trang bị kim chỉ nam đó, trao vào tay ngày trẻ cẩm nang “DOCAT: Phải làm gì?” là để người trẻ có thể thấu hiểu và thực hiện “sứ mệnh”, hoàn thành “vận mệnh lịch sử” của mình: “Là người Công giáo, chúng ta có sứ mệnh biến đổi xã hội thành ‘một nền văn minh tình yêu’” (câu 319).

DOCAT trích dẫn lời kêu gọi của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại Đại hội Giới Trẻ Thế giới 1995 tại Manila: “Thanh niên là nguồn hi vọng của tương lai. Vận mệnh lịch sử của các con là xây dựng một nền văn minh của tình yêu, của tình huynh đệ và tình liên đới”.

Đáng lưu ý, ngoài bốn nguyên tắc nhân vị, công ích, liên đới và bổ trợ (câu 84), DOCAT đề nghị nguyên tắc phát triển bền vững làm nguyên tắc thứ năm của giáo huấn xã hội:

“263. Bền vững: một nguyên tắc xã hội mới?

Với sự trợ giúp của các nguyên tắc xã hội căn bản => Nhân vị => Liên đới và => Bổ trợ (xem các số 83-102), người ta có thể hiểu được các cơ cấu xã hội và đặt các nguyên tắc này ngang tầm với các chuẩn mực đạo đức. Trước những thách đố của thời nay, dường như cần thêm một nguyên tắc vào các chuẩn mực đó: nguyên tắc bền vững. Nguyên tắc này có liên quan đến và nhằm thực hành các nguyên tắc truyền thống của đạo đức xã hội về các điều kiện sống của con người và sự sống còn của chính trái đất. Nói đến bền vững là nói đến việc bảo vệ sự ổn định lâu dài của hệ sinh thái trái đất và khả năng tự nhiên của trái đất trong việc tái tạo các nguồn tài nguyên”.

Đến đây, thiết tưởng nên bàn về tầm quan trọng của học thuyết xã hội của Giáo Hội mà các vị Giáo hoàng từ Đức Lêô XIII cho đến Đức Phanxicô không ngừng cổ vũ và khai triển.

3. Học thuyết Xã hội, khởi điểm việc tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề xã hội

Như ta đã biết, học thuyết xã hội của Giáo Hội vạch ra những nguyên tắc chính về công bằng mà mọi xã hội đề cao và tôn trọng con người đều phải dựa vào. Học thuyết này – được hình thành chủ yếu từ các thông điệp xã hội của các vị giáo hoàng kể từ đức Giáo hoàng Lêô XIII – là cả một kho tàng đích thực, nếu biết áp dụng, thì cả thế giới sẽ được biến đổi, theo đúng kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Tuy nhiên, Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội (sách Tóm lược) lại than rằng học thuyết xã hội “chẳng được giảng dạy cũng như không được hiểu biết đầy đủ, điều này phần nào là nguyên do khiến cho học thuyết không được chuyển đổi thích hợp thành thái độ sống cụ thể” (528).

Sách khẳng định “học thuyết xã hội của Giáo Hội phải là nền tảng của một công trình đào tạo sâu sắc và bền bỉ, đặc biệt cho giáo dân” (531). Sách cũng dạy rằng các linh mục và chủng sinh “phải trau dồi một kiến thức toàn diện về giáo huấn của Giáo Hội và về mối quan tâm của Giáo Hội trong lĩnh vực xã hội cũng như sự chú ý sâu sắc đối với những vấn đề xã hội của thời đại họ sống” (533).

Tuy nhiên, học thuyết xã hội thường được gọi là bí mật được giữ kỹ nhất (best-kept secret) của Giáo Hội. Điều này thường ngụ ý học thuyết ít được biết đến và do đó những lời giảng dạy của học thuyết thường không được áp dụng. Một trong những lý do giải thích tình trạng “mù” giáo huấn xã hội là vì giáo lý này rải rác trong một số thông điệp xã hội được viết trong một khoảng thời gian trên 100 năm.

Ý thức sâu sắc điều đó, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết trong Tông Huấn hậu Thượng Hội đồng Giáo mục Ecclesia in America năm 1999[6] rằng “rất hữu ích nếu có một bản tóm lược hoặc một tổng hợp có thẩm quyền về học thuyết xã hội Công giáo, bao gồm quyển ‘Giáo lý’, nêu ra mối quan hệ giữa giáo lý này và công cuộc Tân Phúc âm hóa”. Để đáp lại mong muốn này của Đức Thánh Cha, vào ngày 25 tháng 10 năm 2004 Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình đã phát hành quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội (Compendium of the Social Doctrine of the Church, bản tiếng Anh), một cuốn sách gồm 500 trang tóm tắt các văn bản chính của Huấn Quyền về các giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công giáo.

Ở số 54 dưới đề mục “Học thuyết Xã hội”, Tông huấn viết:

“Đối mặt với các vấn đề xã hội nghiêm trọng, với các đặc điểm khác nhau, diễn ra khắp châu Mỹ, người Công giáo biết rằng họ có thể tìm thấy trong học thuyết xã hội của Giáo Hội câu trả lời làm khởi điểm cho việc tìm kiếm các giải pháp thiết thực. Truyền bá học thuyết này là một ưu tiên mục vụ đích thực. Vì thế, điều quan trọng là ‘ở Châu Mỹ những tác nhân Phúc Âm hoá (các giám mục, linh mục, những người giảng dạy, các người làm công tác mục vụ, v.v.) cần hấp thu kho báu này là học thuyết xã hội của Giáo Hội và, nhờ học thuyết soi sáng, ta sẽ có khả năng diễn giải tình hình hiện nay và tìm ra những phương thế hành động’. Về mặt này, cần đặc biệt chú ý đến việc đào tạo giáo dân là những người có khả năng hoạt động, dựa trên niềm tin vào Chúa Kitô, để biến đổi các thực tại trần thế. Ngoài ra, cần thúc đẩy và hỗ trợ việc nghiên cứu học thuyết này trong mọi lĩnh vực sinh hoạt của các Giáo Hội tại Châu Mỹ, đặc biệt là trong các trường đại học, để có thể hiểu biết sâu sắc hơn và áp dụng học thuyết này vào xã hội. Thực tại xã hội phức tạp của lục địa là một lĩnh vực phong phú cần phân tích và áp dụng các nguyên tắc phổ quát của học thuyết này.

Để đạt được mục đích này, rất hữu ích nếu có một bản tóm lược hoặc một tổng hợp có thẩm quyền về học thuyết xã hội Công giáo, kể cả một quyển ‘Giáo lý’, nêu ra mối tương quan giữa giáo lý này và công cuộc Tân Phúc âm hóa. Phần Giáo lý Giáo Hội Công giáo dành cho tài liệu này trong việc diễn giải điều răn thứ bảy của Thập giới, có thể dùng làm điểm xuất phát cho một ‘Giáo lý Học thuyết Xã hội Công giáo’. Đương nhiên, như trong trường hợp quyển Giáo lý của Giáo Hội Công giáo, bản tổng hợp đó sẽ chỉ xây dựng các nguyên tắc chung, còn phần áp dụng vào các vấn đề cụ thể thì dành cho các tình huống địa phương”.

Tóm lược mọi thứ về học thuyết xã hội trong một quyển sách đã là một thành công chưa từng có. Nhưng xét đến số trang, quyển Tóm lược quả vẫn còn khó đọc. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mơ ước một quyển giáo lý xã hội của Giáo Hội. Quyển Tóm lược có thể nói đã đáp ứng mong ước của ngài; tuy nhiên, sách vẫn còn phần nào nặng tính lý thuyết, vẫn còn khá “hàn lâm”, nhất là đối với những người trẻ.

Vào ngày 26 tháng 7 năm 2016, trong kỳ Đại hội Giới Trẻ Thế giới tại Krakow, Ba Lan, một quyển giáo lý về học thuyết xã hội dành cho giới trẻ được phát hành: DOCAT. Xét về tính gọn nhẹ, dễ đọc và tiện mang theo bên mình như một vade mecum, có lẽ đây mới là quyển giáo lý xã hội mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người sáng lập Ngày Giới Trẻ Thế giới, mơ ước lúc sinh thời cho người trẻ.

Kết luận: Giấc mơ của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thực ra DOCAT cũng chính là giấc mơ của Đức Phanxicô. Ngài mơ một cuộc cách mạng xã hội: cách mạng công lý và hòa bình. Ngài mơ có những người trẻ có khả năng, có nhiệt huyết cùng nhau xây dựng lại thế giới, làm thay đổi bộ mặt thế giới. Ngài rất quan tâm đến người trẻ sống giữa những hoang tàn của một thế giới bị tàn phá bởi những ý thức hệ đối nghịch.

Đứng trước hiện trạng đó, cần làm gì? Làm thế nào thay đổi thế giới? Những gì cần làm có thể tìm đọc trong DOCAT là quyển giáo huấn xã hội dành cho những người trẻ. Đây là công cụ để xây dựng nền văn minh tình yêu, thực hiện cuộc cách mạng xã hội, cuộc cách mạng công lý và hòa bình.

Như trong Lời nói đầu của DOCAT, ngài mong ước có một triệu người trẻ sẽ học hỏi và thực hành giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Ngài mong ước những người trẻ sẽ hình thành phong trào canh tân xã hội và trở thành đối tác của ngài trong công cuộc hướng đến một xã hội văn minh và tràn đầy tình yêu.

Kết thúc lời giới thiệu DOCAT, Đức Thánh cha nhắn nhủ các bạn trẻ:

“Bản thân các con cũng hãy tích cực chủ động nữa. Khi nhiều người làm điều đó với nhau, sẽ có những cải thiện trong thế giới này và mọi người sẽ cảm nhận được Thần Khí của Thiên Chúa đang làm việc qua các con. Và có lẽ rồi đây các con sẽ như các ngọn đuốc làm cho con đường dẫn đến Thiên Chúa sáng tỏ hơn cho những người này.

Và vì vậy cha tặng các con quyển sách nhỏ tuyệt vời này, hy vọng rằng nó có thể đốt lên ngọn lửa trong các con”.

Để kết luận, ta thấy trong lời nhận định của Đức Thánh Cha về quyển DOCAT có một sự đồng điệu trong tư tưởng giữa ngài và Khổng Tử về điều mà Karl Marx gọi là “cải tạo thế giới”:

“DOCAT như một quyển cẩm nang giúp chúng ta thay đổi bằng Tin Mừng trước hết chính bản thân mình [tu thân], sau đó hoàn cảnh xung quanh gần gũi nhất của chúng ta [tề gia], và cuối cùng là toàn bộ thế giới [bình thiên hạ]”.

Tài liệu tham khảo:

Tóm lược Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, Bản dịch của Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2007.

Docat: Phải làm gì?, Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin, Nhà xuất bản Bayard Việt Nam, 2017.

Trích tài liệu Khóa bồi dưỡng các nhà đào tạo ứng sinh linh mục tại Việt Nam, từ ngày 01-14 tháng 7 năm 2018 tại Xuân Lộc.

_____

[1] Trong bài này, chúng tôi lấy lại các ý tưởng chính trong các bài “Xin hãy làm một Do-Cat” và “Docat: Làm gì để xây dựng nền văn minh tình yêu” đã viết giữa tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2016 theo thứ tự đó dưới bút danh Thuận Kiệt:
https://dcctvn.org/xin-hay-lam-mot-do-cat/

https://gpcantho.com/docat-lam-gi-de-xay-dung-nen-van-minh-tinh-yeu/

[2] Để viết phần nhận xét về DOCAT, chúng tôi có tham khảo bài “Learn CST and Bring Life to Your Faith with the DOCAT (Available Now!) – A Review” của Keith Michael Estrada tại

http://www.patheos.com/blogs/propernomenclature/docat/

[3] Xin xem “Thương mại công bằng và Giáo huấn Xã hội” Công giáo của Thuận Kiệt tại https://dcctvn.org/thuong-mai-cong-bang-va-giao-huan-xa-hoi-cong-giao/

[4] Trang đầu DOCAT bản tiếng Việt, mục “Giải thích các biểu tượng”.

[5] DOCAT bản tiếng Việt trang 122 dịch lời của Khổng Tử trong DOCAT tiếng Anh: “Người xưa, khi muốn nêu gương lừng lẫy cả đế quốc, trước tiên họ phải ổn định các thành bang. Để ổn định thành bang, trước hết họ phải chỉnh đốn những gia đình của mình. Để chỉnh đốn nổi gia đình, trước tiên, họ phải tu dưỡng bản thân. Muốn tu dưỡng bản thân, đầu tiên, họ phải điều chỉnh các mục tiêu của mình cho đúng hướng”.

[6] https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/apost_exhortations/documents/hf_jp-ii_exh_22011999_ecclesia-in-america.html