Đức cha Cosma – Con người của Chúa
Khi nói về cảm nghĩ của mình với một ai đó, không ai trong chúng ta có câu trả lời hoàn toàn giống nhau về một người. Cũng vậy, khi nghĩ về Đức cha Cosma, người viết nghĩ về ngài qua những gì được biết, được nghe, và qua những lần được gặp – dù ít ỏi – trong tâm tình của một người con trong giáo phận Bắc Ninh.
1. Đức cha Cosma, con người của giáo phận
Khi chúng tôi còn ở Tập viện, mỗi khi có dịp, Đức cha Cosma lại ghé thăm và chia sẻ đôi điều với chị em tập sinh chúng tôi. Những dịp gặp mặt như vậy thường không dài, nhưng bầu khí rất thân tình, đầm ấm. Những câu chuyện của ngài thường xoay quanh các vấn đề trong giáo phận cũng như những công việc của ngài trong thời gian ấy. Với những tập sinh như chúng tôi, những câu chuyện của Đức cha luôn là một đề tài hấp dẫn: những sự kiện trong giáo phận, những chuyến kinh lý gần, xa… Đó không chỉ là những “chuyến du lịch” ngắn, nhưng còn là những ngọn lửa được nhóm thêm vào trong tâm hồn, thôi thúc mỗi người chúng tôi thêm lời cầu nguyện cho giáo phận, cho quý cha, cách riêng Đức cha trong sứ vụ mục tử của ngài. Quả thật, “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Mt 9,37). Giáo hội, giáo phận luôn cần thêm những vị mục tử tốt lành… Hình ảnh Đức cha dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bạc phơ hẳn đã in vào trong lòng mỗi người con giáo phận Bắc Ninh, hình ảnh của người luôn mang trong mình thao thức gìn giữ và truyền trao đức tin, mong biến giáo phận thành địa chỉ của tình thương và sự sống… Mỗi lần được gặp gỡ với ngài là một lần nhắc nhở mỗi người chúng tôi ý thức hơn về ơn gọi của mình, cách riêng tại giáo phận Bắc Ninh này.
2. Đức cha Cosma, con người của dòng Tên
Với những ai quen biết Đức cha Cosma, hẳn không xa lạ với tên gọi “Chú Năm”. Nhiều người biết đến hình ảnh “Chú Năm” đạp xe đưa đón các cháu thiếu nhi đi lễ, đi học giáo lý; “Chú Năm” đạp xe ghé qua nhà “ới chào” mẹ rồi lập tức về lại nhà dòng; “Chú Năm” thích ngồi ở bờ hồ Xuân Hương – Đà Lạt học bài; “Chú Năm” trong thiên chức linh mục với 10 năm là tập sư, gần 20 năm sống gắn bó với người cùi… Đó là một hành trình lớn lên trong tình yêu của một tinh thần dâng hiến với trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và trọn cả ý muốn, tinh thần của Dòng Tên. Đó cũng là lời đáp trả về hồng ân tình thương và sự sống mà “Chú Năm” ngày càng khám phá cách sâu xa từ Thiên Chúa:
“Ngài đắp lên con bằng da bằng thịt,
Rồi lấy gân lấy cốt mà dệt mà thêu.
Ngài đã ban cho con tình thương và sự sống,
Quan tâm đến từng hơi thở của con.
Nhưng có điều này Ngài luôn giữ kín,
Con biết rõ đó chính là ý nghĩ của Ngài” (G 10,11-13)
Về với giáo phận Bắc Ninh trong cương vị Giám mục, Đức cha đã mang theo những hoa trái của tinh thần ấy. Trong các bài giảng, cuộc đời các thánh luôn là những mẫu gương được Đức cha đưa ra khích lệ con dân giáo phận, trong đó có nhiều câu chuyện từ các vị thánh dòng Tên mà ngài kể cách say mê, thuộc đến từng chi tiết: thánh Inhaxiô, thánh Luy Gonzaga, thánh Gioan Brêbeuf, các vị truyền giáo… Có thể nói, nếu Thiên Chúa đã ban cho ngài tình thương và sự sống thì cũng chính từ tình thương và sự sống ấy, ngài đã, đang và luôn mong ước làm cho tất cả được trổ sinh hoa trái, cách riêng nơi giáo phận miền quan họ này.
3. Đức cha Cosma, một tâm hồn có Chúa
Nơi Đức cha, hẳn ai cũng nhận ra sự giản dị và khiêm nhường. Sự giản dị và khiêm nhường là dấu chỉ của một tâm hồn có Chúa. Lòng yêu mến là điều cốt yếu đưa con người đến sự giản dị, chân thành. Chỉ giản dị, chân thành được khi biết tìm sống điều cốt yếu, và chỉ sống được điều cốt yếu khi có một đời sống thân tình với Chúa. Tâm hồn có Chúa cũng sẽ nhạy bén trong tiếng gọi tình yêu. Có lần Đức cha kể về việc ngài đọc bài thơ “Chú bé chăn cừu” của thánh Gioan Thánh Giá, ngài nhận ra “cô bé chăn cừu” chính là ngài và đã khóc khi nhận ra ngài đã “lãng quên” tình yêu của “chú bé chăn cừu” khiến trái tim chú phải tan nát. Đó là một trong những tiếng gọi tác động mạnh đến ngài trong cuộc đời dâng hiến.
Nơi Đức cha, sự nhạy bén không chỉ dừng lại nơi bản thân nhưng mở ra đến mọi người trong sự đồng cảm của một tâm hồn hướng thượng. Trong cách nói chuyện nhiều khi tưởng “hết hơi” của ngài, hẳn ai cũng thấy được sự chân thành và khiêm nhường trong việc tìm nghe và mong muốn đưa mọi người đến cùng Chúa. Có lần gặp gỡ với Đức cha ở một kỳ linh thao ngài giúp chúng tôi trước khi tuyên khấn, tôi nói đây là lần đầu tiên được nói chuyện riêng với một vị giám mục. Ngài liền nói: nhưng quan trọng hơn là biết nói với Chúa. Tôi trả lời: nhưng gặp Chúa có khi dễ hơn gặp một Giám mục. Rồi hai cha con cùng cười. Sự chân thành nhưng cũng dí dỏm của ngài hẳn khiến người nghe tìm được sự gần gũi và nhận được bài học về sự khiêm nhường. Nếu điều chính yếu Đức cha mong muốn cho mình cũng như cho mọi người là luôn được biết – yêu – theo Chúa HƠN, thì phải chăng sự hao mòn trí lực nơi ngài mỗi ngày cho thấy Chúa đang dần lớn lên (x.Ga 3,30) trong ngài cũng như trong những ai Chúa gửi đến cho ngài…?
Cũng trong dịp linh thao ấy, tôi có ghi lại một câu thơ trong phần gợi ý cầu nguyện của ngài mà không chắc chắn lắm về độ chính xác, nhưng câu thơ ấy đánh động nhiều đến tôi mỗi khi nhớ lại:
Có một lằn ranh vô hình,
Một bên yêu Chúa đến quên mình,
Một bên yêu mình đến quên Chúa…
Đường theo Chúa thường hẹp, nhưng người sống theo Chúa lại thấy mình được thênh thang dù không thiếu những gian nan thử thách. Tạ ơn Chúa vì những điều Người đã thực hiện nơi cuộc đời Đức cha Cosma cũng như trên cuộc đời mỗi người. Xin Chúa tiếp tục hoàn tất những gì Người đã đang và sẽ khởi sự trên Đức cha và trên từng người chúng con, xin cũng ban thêm cho chúng con lòng mến Chúa và ân sủng Chúa, và dạy chúng con biết mãn nguyện với thánh ý của Người. Amen.
Nữ tu Maria