Đức Maria trong văn hóa Việt nam
Nét đặc trưng của loại hình văn hóa Việt Nam gốc nông nghiệp (lúa nước), sống phụ thuộc vào thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên và đề cao Mẫu tính (tình cảm). Dù muốn hay không, trong “vô thức” của Người Việt luôn thao thức có một người mẹ, người mẹ đó có quyền có phép, gần gũi, có thể lắng nghe những khát vọng và đáp ứng được các nhu cầu tâm linh của họ. Nên tại Việt nam, chúng ta không lạ gì đã thấy xuất hiện rất sớm một loại tín ngưỡng thờ “Mẫu”.
Dọc theo suốt chiều dài của đất nước, đâu đâu cũng thấy xuất hiện những Đền, những Phủ thờ Mẫu: Mẫu Liễu Hạnh, Đền Bà Chúa Kho, Chùa Thiên Mụ, Đền Bà Chúa Xứ, Núi Bà Đen… thậm chí Bồ Tát Quán Thế Âm ở bên Ấn Độ vốn là một “Nam Thần”, nhưng sau khi sang đến Việt nam đã bị “Mẫu hóa” để trở thành Quan Âm Thánh Mẫu; Những nhân vật đó đôi khi chỉ là biểu tượng (huyền thoại) mà thôi.
Trong bối cảnh đó, rất may mắn cho người Kitô hữu Việt Nam chúng ta có một người mẹ, người mẹ đó không phải là huyền thoại, thần tiên hay tưởng tượng, mà là người mẹ lịch sử: “Mẹ Maria”. Mẹ là một con người trọn vẹn, Mẹ cũng có gia đình, sống đời hôn nhân; Mẹ cũng trải qua biết bao nhiêu khó khăn thử thách trong gia đình, đời sống đức tin… Từ ngày thiên thần Gabrien truyền tin (bị hiểu lầm), sinh con trong hang đá (khó khăn thiếu thốn), dâng con trong đền thờ (tiên báo về sứ mạng hiệp công với Chúa), trốn sang ai cập, lạc mất con ba ngày, … theo Con trên đường Thánh Giá, cuối cùng Mẹ vẫn hiên ngang đứng dưới chân Con chịu Tử hình. Đó là thử thách lớn nhất, tột cùng nhất, mà chắc chắn chưa có một bà mẹ trần gian nào có thể sánh bằng, Mẹ xứng đáng là Nữ Vương các thánh Tử Đạo.
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Mẹ vẫn luôn sống “Đức tin”, nhận ra và thi thành thánh ý Chúa. Vì thế, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ những đặc ân: Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trọn Đời Đồng Trinh, Thánh Mẫu Của Thiên Chúa, Hồn Xác Lên Trời… và Mẹ còn là Đấng trung gian ban phát mọi ân sủng.
Người Kitô hữu Việt Nam chúng ta có lòng tôn kính Mẹ Maria rất đặc biệt, sốt sắng cách riêng trong mỗi tháng Hoa về và các ngày lễ của Mẹ. Các Xứ Đạo đâu đâu cũng nô nức các sinh hoạt: tập hoa, dâng hoa, rước kiệu sầm uốt, thu hút hàng mấy chục ngàn người (như ở La Vang). Nhiều hội đoàn mang tên Đức mẹ: hội Legio, hội Mân côi, hội tận hiến cho Đức mẹ… với nhiều hoạt động bổ ích nhằm nuôi dưỡng đức tin cho con cái Chúa.
Một điều lạ so với các giáo phận khác, tại Bắc Ninh nhiều nơi vẫn thường xuyên dâng hoa kính Đức Mẹ khi không phải là tháng hoa. Không một nhà thờ nào mà không có tượng Đức Mẹ, Đài Đức Mẹ để tôn kính và rất nhiều Nhà thờ được dâng kính cho Đức Mẹ nữa.
Khác với tín ngưỡng thờ Mẫu, đến với Mẹ Maria không phải là đích điểm, mà Mẹ Maria là một con đường gần và ngắn dẫn mọi người đến với Chúa. Thiên Chúa thì quyền năng, khôn ngoan, nhưng khi đến với nhân loại, Ngài cũng đã chọn con đường Maria, chắc chắn con đường đó không phải là ngẫu nhiên.
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều nơi Đức Mẹ đã hiện ra và với biết bao phép lạ cả thể, thu hút hàng triệu khác hành hương mỗi năm: Lỗ Đức, Fatima … tại Việt Nam: Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ Fatima Bình Triệu…
Tại Fatima năm 1917, Đức Mẹ đã mời gọi chúng ta: để thế giới có hòa bình, chiến tranh chóng chấm dứt, nhiều linh hồn được cứu rỗi, hãy thực hiện ba mệnh lệnh: ăn năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm, siêng năng lần hạt Mân Côi. Cách đây hơn một trăm năm rồi mà lời mời gọi ấy vẫn đang mang tính thời sự: chiến tranh vẫn đang đe dọa sự sống của con người bằng những phương tiện vũ khí thật khủng khiếp, nhất là ngày nay người ta đang bỏ Chúa rất nhiều và bán linh hồn cho ma quỉ… Từ khi ba trẻ được thị kiến hỏa ngục, cuộc đời ba trẻ thay đổi hoàn toàn, thương các linh hồn, suốt ngày tìm cách ăn chay cầu nguyện cho họ khỏi bị hư mất đời đời.
Lần hạt Mân Côi là một phương thế cầu nguyện dễ dàng, hiệu quả, gần gũi và quen thuộc với tất cả mọi người, dù trí thức hay bình dân. Nhờ đó đã nuôi dưỡng đức tin cho con cái Chúa từ ngàn xưa đến ngày nay, nhất là trong những thời kỳ bách hại.
Nếu chúng ta để ý, bất cứ nơi nào, xứ nào, gia đình nào, người nào có lòng tôn kính Đức Mẹ đặc biệt thì nơi đó rất sầm uất và đạo đức. Hình ảnh của người mẹ luôn là biểu tượng cho sự phong nhiêu, phú túc. Trong Kinh Dịch: quẻ Càn (vi Thiên), quẻ Khôn (vi Địa); quẻ Khôn luôn ứng với người Mẹ, lòng của người mẹ như mặt đất, luôn gần gũi, mở ra ôm ấp tất cả, ngay cả những cái tầm thường hay cái nhơ bẩn nhất trong cuộc đời; Nhưng tất cả sự sống đều phát sinh trên mặt đất: “Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạt vật chi mẫu” (Đạo Đức Kinh-Lão Tử). Trên mặt đất này thử hỏi có một ngày nào không có người mẹ, vắng bóng người mẹ, thì thế giới này thì sẽ ra sao?
Nhân loại chúng ta đón nhận ơn cứu độ từ mầu nhiệm thập giá, nhưng không thể quên người kết hợp với mầu nhiệm ấy, cộng tác với mầu nhiệm ấy là Mẹ Maria. Không một nỗi cô đơn nào của con người lớn bằng khi đứng trước cái chết, giây phút đó rất cần có một người thân hiện diện ở bên, càng thân bao nhiêu sự yêu ủi càng lớn bấy nhiêu; và còn gì hạnh phúc hơn khi Chúa Giêsu hấp hối có Mẹ mình ở cùng.
Chúng ta thường thấy, tại sao những người đau khổ luôn chạy đến với Mẹ, và được an ủi rất nhiều. Vì đã Mẹ từng trải qua biết bao đau khổ, có kinh nghiệm sống đức tin trong những đêm đen và Mẹ đã vượt qua được những thử thách đó, nên Mẹ dễ dàng thấu hiểu và cảm thông.
Cám ơn Chúa, người Kitô hữu chúng ta đến với Chúa luôn có Mẹ đồng hành, vì trẻ nhỏ nên Mẹ trang điểm cho ta bằng các nhân đức, chẳng một người con nào khi thấy người ta yêu mến mẹ mình là lại nghen tức, yêu mến mẹ chắc chắn sẽ làm đẹp lòng Chúa hơn ai hết.
Barnaba M.Nguyễn Văn Phú, CRM.