Đức Thượng Phụ và dòng Phanxicô tại Thánh Địa
Đức Thượng Phụ
Vị Chủ Chăn hiện nay của cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo tại Thánh Địa là Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa, người Ý, năm nay 56 tuổi, từ 31 năm nay sinh sống và hoạt động tại Thánh Địa. Ngài sinh tại giáo phận Bergamo, bắc Ý, gia nhập dòng Phanxicô và thụ phong linh mục năm 1990 khi được 25 tuổi, sau đó được bề trên gửi đến Thánh Địa, học thêm 3 năm về Kinh Thánh tại học viện của dòng ở Giêrusalem, rồi làm giáo sư dạy tiếng Do thái Kinh Thánh tại phân khoa của dòng cũng tại Giêrusalem.
Cha Pizzaballa chính thức phục vụ trong dòng Phanxicô tại Thánh Địa từ tháng 7 năm 1999; 2 năm sau, cha được bổ nhiệm làm Bề trên tu viện thánh Simeon và Anna tại Giêrusalem. Cha dấn thân trong việc mục vụ các tín hữu Công Giáo nói tiếng Do thái và được bổ nhiệm làm Đại diện Đức Thượng Phụ trong 3 năm, từ 2005 đến 2008. Tháng 5 năm 2004, Hội đồng Tổng cố vấn của dòng Phanxicô chọn cha Pizzaballa làm Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh Địa đồng thời làm Bề trên tu viện Núi Sion. Ngày 24/6/2016, sau khi mãn 2 nhiệm kỳ bề trên dòng, tổng cộng 12 năm, cha được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Giám quản Tông Tòa tòa Thượng Phụ Công Giáo Latinh, thay thế Đức Thượng Phụ Fouad Twal, người Jordan, từ chức vì lý do tuổi tác.
Giám quản Tông Tòa
Trong nhiệm vụ mới, Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa thay mặt Đức Thánh Cha cai quản Giáo phận Thượng Phụ Giêrusalem của Công Giáo Latinh, có 320 ngàn tín hữu – đa số nói tiếng Arập – thuộc 71 giáo xứ, chia làm 6 giáo hạt ở Israel, Palestine, Jordan và đảo Síp. Thêm vào đó có các cộng đoàn tín hữu thuộc các ngôn ngữ như Do thái và các tiếng khác, trong đó có đông đảo tín hữu Philippines nhập cư. Trong giáo phận của Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa có 95 linh mục triều, 385 linh mục dòng, hơn 1 ngàn nữ tu, 572 tu huynh, và khoảng 40 cơ sở giáo dục Công Giáo.
Thăng Thượng Phụ
Sau 4 năm làm giám quản, ngày 24/10/2020, Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Thượng Phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem. Khác với Công giáo nghi lễ Đông phương, trong Công giáo Latinh, Thượng Phụ là một tước hiệu danh dự, và thực tế ngài trở thành Tổng Giám Mục chính tòa của giáo phận công giáo Latinh ở Thánh Địa. 4 ngày sau đó, nhân dịp ghé Roma, ngài đã được Đức Thánh Cha trao giây Pallium trong một nghi thức đơn sơ tại nguyện đường nhà trọ thánh Marta ở Vatican. Giây Pallium biểu tượng chức vụ chủ chăn tại Giáo Hội địa phương và sự hiệp thông với tòa Thánh Phêrô. Đức Thượng Phụ đã chính thức nhậm chức ngày 4/12 sau đó trong một buổi lễ trọng thể nhưng số người tham dự bị giới hạn, khoảng 50 người, vì đại dịch Covid-19.
Hai vị tiền nhiệm của Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa đều là người Arập bản xứ, vì thế sự kiện Đức tân Thượng Phụ là người Ý, không nói tiếng Arập, gây xì xèo nơi một số giáo sĩ và giáo dân địa phương người Arập.
Vấn đề của Giáo Phận Thánh Địa
Thật ra, khi Đức Thượng Phụ Fouad Twal từ chức, ngài để lại một giáo phận ở trong tình trạng khó khăn về hành chánh và tài chánh, do việc xây cất và khởi sự Đại học Hoa kỳ ở Madaba, được khánh thánh ngày 30/5/2013 trước sự hiện diện của quốc vương Giordani. Trong vụ này có nhiều sai lầm khiến tòa Thượng Phụ mắc nợ gần 100 triệu Mỹ kim.
Trong 4 năm làm Giám quản, Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa đã trang trải được 60% món nợ và cải tiến công việc quản trị kinh tế tài chánh, đồng thời đã thiết lập và công bố “Qui chế điều hành” đời sống nội bộ của Giáo Hội địa phương. Văn kiện được Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa ký ngày 4/6/2020, nhắm mục đích hòa hợp các qui luật điều hành hoạt động của các tổ chức khác nhau thuộc Tòa Thượng Phụ, chiếu theo giáo luật và các qui định gần đây của Tòa Thánh. Với kết quả đó, việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa làm Thượng Phụ đã được hàng giáo sĩ và các thành phần khác trong giáo phận chấp nhận dễ dàng.
Hai cột trụ của Giáo Phận
Trong cuộc phỏng vấn hôm 31/3/2021 dành cho báo La Stampa ở Ý, Đức Thượng Phụ Pizzaballa nói: “Dòng Phanxicô tại Thánh Địa và Tòa Thượng Phụ Công Giáo Latinh là hai cơ chế Công Giáo quan trọng tại Thánh Địa, đã làm nên lịch sử cổ kính và gần đây của Cộng đoàn Kitô và Công Giáo tại đây.
“Dòng Phanxicô tại Thánh Địa, từ hơn 800 năm nay, đã được các vị Giáo Hoàng trao trách vụ quan trọng là gìn giữ các Nơi Cứu Chuộc, nghĩa là các Nơi Thánh, nhân danh toàn thể Giáo Hội. Nhưng trong thời gian dài, sau thời kỳ Đạo binh Thánh giá, tại Thánh Địa không thể đặt các Giám Mục cho đời sống bình thường của Giáo Hội, vì những giới hạn do nhà cầm quyền thời đó áp đặt. Vì thế, trong nhiều thế kỷ, các tu sĩ Dòng Phanxicô đảm trách bao nhiêu có thể công việc mục vụ được phép. Tình thế thay đổi từ năm 1847, khi Giáo Hội được phép tái lập Tòa Thượng Phụ Công Giáo Latinh, nghĩa là tái lập tại Thánh Địa một Giám Mục và các cơ chế Giáo Hội của một giáo phận bình thường. Từ đó, sự phân biệt giữa hai thực thể được duy trì, nghĩa là Dòng Phanxicô chăm sóc các nơi Thánh và Tòa Thượng Phụ đảm trách đời sống mục vụ. Nhưng có một số hoạt động mục vụ đã có trước năm 1847, như một số giáo xứ vẫn còn ở dưới sự chăm sóc của các tu sĩ Phanxicô và được Đức Thượng Phụ hướng dẫn về mục vụ. Đức Thượng Phụ là mục tử của Giáo Hội tại Thánh Địa, trong đó Dòng Phanxicô tại đây là một phần quan trọng, một phần cấu thành”.
Nhìn lại lịch sử: Tỉnh dòng Thánh Địa
Các tu sĩ Phanxicô đầu tiên đổ bộ lên Thánh Địa vào năm 1217, năm diễn ra Tổng tu nghị đầu tiên của dòng tại Santa Maria degli Angeli (Đức Mẹ các Thiên Thần), gần Assisi, dưới quyền chủ tọa của Thánh Phanxicô. Thánh nhân đã quyết định gửi các tu sĩ đi các nước trên thế giới và từ đó Dòng được chia thành các tỉnh. Trong số 11 tỉnh dòng đầu tiên có Tỉnh Dòng Phanxicô Thánh Địa. Tỉnh dòng này rất rộng lớn và được coi là tỉnh quan trọng nhất của Dòng, bao gồm cả Constantinople bên Thổ nhĩ kỳ, Hy Lạp và các đảo, Tiểu Á, Antiokia, Siria, Palestine, đảo Síp, Ai Cập và toàn Đông Phương. Năm 1219, chính thánh Phanxicô viếng thăm tỉnh dòng Thánh Địa.
Thu hẹp Tỉnh Dòng
Dưới thời thánh Bonaventura làm Bề trên Tổng quyền (1257-1974), Dòng Phanxicô quyết định thu hẹp Tỉnh Dòng Thánh Địa chỉ bao gồm đảo Síp, Siria, Li-băng, Palestine, và chia thành các Custodia (Phó tỉnh dòng), trong đó có “Custodia Thánh Địa” bao gồm 6 tu viện, trong đó có Giêrusalem. Sau khi người Hồi giáo chiếm Thánh Địa năm 1291, các tu sĩ Phanxicô bị trục xuất và phải di tản về đảo Síp. Và đến thế kỷ 14 mới dần dần trở lại Thánh Địa.
Tỉnh dòng hiện nay
Hiện nay Dòng Phanxicô tại Thánh Địa, vẫn được gọi bằng tên hiệu lịch sử chính thức là “Custodia di Terra Santa” (Phó Tỉnh Dòng Thánh địa), nhưng thực ra có cơ cấu giống như một tỉnh dòng, với nhiều đặc tính riêng, và có 56 tu viện tại 12 quốc gia là Israel, Palestine, Jordan, Li-băng, Siria, Ai Cập, Síp, Hy Lạp, Argentina, Ý, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, cùng với 66 “Commissariati” (nhà Ủy viên) và 31 phó ủy viên Thánh địa tại 51 quốc gia. Các tổ chức này có nhiệm vụ phổ biến các sinh hoạt của Dòng Phanxicô, quyên góp tài trợ cho các hoạt động của dòng tại Thánh Địa. Tỉnh dòng này có đặc tính quốc tế, hiện nay gồm khoảng 320 tu sĩ đến từ các tỉnh dòng khác.
Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa hiện nay là Cha Francesco Patton, 58 tuổi, gốc tỉnh dòng Thánh Antôn ở Ý, tốt nghiệp cao học về truyền thông và từng làm Bề trên tỉnh dòng thánh Vigilio ở bắc Ý. Cha được Hội đồng Tổng cố vấn dòng chọn làm Bề trên của Dòng Phanxicô tại Thánh địa hồi năm 2016, và được Tòa Thánh phê chuẩn sau đó.
Nguồn: Vatican News