Chúa nhật 4 mùa Chay

Bài đọc 1    1 Sm 16, 1b.6-7.10-13a

Ông Đa-vít được xức dầu tấn phong làm vua Ít-ra-en.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

1b Thời đó, Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en:  “Ngươi còn  khóc thương Sa-un cho đến bao giờ, khi ta đã gạt bỏ nó, không cho làm vua cai trị Ít-ra-en nữa? Ngươi hãy lấy dầu đổ đầy sừng và lên đường. Ta sai ngươi đến gặp Gie-sê người Bê-lem, vì Ta đã thấy trong các con trai nó một người Ta muốn đặt làm vua.”

6  Khi họ đến, ông thấy Ê-li-áp, ông nghĩ: “Đúng rồi! Người  Đức Chúa xức dầu tấn phong đang ở trước mặt Đức Chúa đây!” 7 Nhưng Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.”

10 Ông Gie-sê cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Sa- mu-en, nhưng ông Sa-mu-en nói với ông Gie-sê: “Đức Chúa không chọn những người này.” 11 Rồi ông lại hỏi ông Gie-sê: “Các con ông có mặt đầy đủ chưa?” Ông Gie-sê trả lời: “Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên.” Ông Sa-mu-en liền nói với ông Gie-sê: “Xin ông cho người đi tìm nó về, chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi nó tới đây.” 12 Ông Gie-sê cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn. Đức Chúa phán với ông Sa-mu- en: “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó!” 13 Ông Sa- mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí Đức Chúa nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi”.

 

Ðáp ca        Tv 22, 1-3a.3b-4.5.6

Đ. Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành, và bổ sức cho tôi.

Đ. Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính, vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

Đ. Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc, ngay trước mặt quan thù. Đầu con Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.

Đ. Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người, những ngày tháng, những năm dài triền miên.

Đ. Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Bài đọc 2    Ep 5, 8-14

Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

8 Thưa anh em, xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; 9 mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. 10 Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. 11 Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng. 12 Vì những việc chúng làm  lén lút, thì nói đến đã là nhục rồi. 13 Nhưng tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra; 14 mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng. Bởi vậy, có lời chép rằng: Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào!

Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!

 

Tung hô Tin Mừng        Ga 8, 12b

Chúa nói: Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.

 

Tin Mừng   Ga 9, 1-41

Anh mù đến rửa ở hồ Si-lô-ác, và khi về thì nhìn thấy được.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

1  Khi ấy, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh.

2 Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” 3 Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. 4 Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. 5 Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế  gian.”

6 Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, 7 rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si- lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh  ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

8 Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh  ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?” 9 Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây!” 10 Người ta liền hỏi anh: “Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?” 11 Anh ta trả lời: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy.” 12 Họ lại hỏi anh: “Ông ấy ở đâu?” Anh ta đáp: “Tôi không biết.”

13 Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu.  14 Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. 15 Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.” 16 Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. 17 Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?  “ Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ! “

18 Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. 19 Họ hỏi: “Anh này có  phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?” 20 Cha mẹ anh  đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. 21  Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi  nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được.” 22 Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. 23 Vì thế, cha mẹ anh mới nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó.”

24 Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi.” 25 Anh ta đáp: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” 26 Họ mới nói với anh: “Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?” 27 Anh trả lời: “Tôi  đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?” 28 Họ liền mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô- sê. 29 Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến.” 30 Anh đáp:  “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! 31 Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. 32  Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. 33 Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng  làm được gì.” 34 Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” Rồi họ trục xuất anh.

35 Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” 36 Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” 37 Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” 38 Anh nói: “Thưa  Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù! “

Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” 41 Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn!”

 

Hoặc bài đọc ngắn        Ga 9, 1.6-9.13-17.34-38

Anh mù đến rửa ở hồ Si-lô-ác, và khi về thì nhìn thấy được.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

1 Khi ấy, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. 6 Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, 7 rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô- ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

8 Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh  ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?” 9 Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây!”

13 Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu.  14 Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. 15 Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.” 16 Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. 17 Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?  “ Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ! “

Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” Rồi họ trục xuất anh.

Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” 36 Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” 37 Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” 38 Anh nói: “Thưa  Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

 

Bài giảng của Đức Hồng y Phaolô Giuse

Mù là một chứng bệnh gây nhiều đau khổ thiệt thòi, buồn tủi và nguy hiểm cho bệnh nhân. Người mù suốt đời, ngày cũng như đêm ở trong tối tăm, không xem thấy ánh sáng, không thể nhìn ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, màu sắc của vạn vật cũng như nét mặt xinh tươi của người thân yêu. Đó là những thiệt thòi rất lớn làm giảm thiểu sinh lực và hạnh phúc của cuộc đời.

Hơn nữa, người mù còn mặc cảm, coi mình là vô dụng, ăn bám và phải cậy nhờ người khác trong mọi sự, đi phải có người dắt, ăn phải có người đem đến tận tay, có khi liều mình gặp nguy hiểm sa lửa, sa nước, va chạm, vấp ngã thiệt đến tính mạng.

Mù là chứng bệnh gây đau khổ thiệt thòi cho bệnh nhân như vậy. Đàng khác, mù cũng là chứng bệnh nan y bất trị, ngày nay khoa học đã tiến bộ rất nhiều, người ta chữa được nhiều bệnh trước kia không thể điều trị, dù vậy, người ta chưa tìm được phương thuốc nào làm cho người mù sáng mắt.

Một việc mà con người sau bao cố gắng tìm tòi, cho đến nay vẫn chưa làm được thì Đức Kitô đã thực hiện một cách dễ dàng mau chóng như một trò chơi thích thú. Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại rằng: “Khi ấy, Chúa Giêsu gặp một người mù bẩm sinh đang ngồi ăn xin, Chúa nhổ xuống đất, lấy nước miếng (nước dãi) trộn thành bùn xoa lên mắt người đó, rồi bảo đi tới hồ Si-lô-ê mà rửa. Anh đi ra và rửa, đoạn trở lại thì trông thấy mọi sự rõ ràng”. Đây là một phép lạ hiển nhiên, gây chấn động mạnh mẽ trong dân chúng. Theo công lệ tự nhiên, bùn chỉ có thể làm cho người ta đau mắt, nhưng trường hợp này bùn xoa vào mắt lại làm cho người mù được sáng. Như vậy, không phải do tính chất của nó mà do quyền năng của Đức Giêsu đã phú bẩm cho nó và dùng nó như chất liệu chữa bệnh phần xác.

Ta có thể nói, đây là hình ảnh các nhiệm tích mà Chúa sẽ lập, trong đó Chúa dùng những chất liệu bề ngoài để chữa tật bệnh linh hồn. Thí dụ: nước trong phép Rửa tội, dầu thánh trong phép Xức dầu bệnh nhân. Sau nữa, phép lạ chữa người mù trong bài Phúc Âm hôm nay cũng tượng trưng một việc vĩ đại hơn Chúa sẽ thực hiện, đó là làm cho người ta khỏi mù phần linh hồn, biết mở mắt trí khôn nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và là Cha nhân lành, nhìn nhân Đức Kitô là Đấng Thiên Chúa sai xuống cứu độ loài người. Vì thế, sau khi người mù bẩm sinh, được Chúa cho sáng mắt, anh đã can đảm làm chứng về Chúa và bị người Do Thái đuổi ra khỏi Đền thờ, Chúa đã đến gặp anh và hỏi: “Ngươi có tin Con Thiên Chúa không ?” Anh nói : “Thưa Ngài, Con Thiên Chúa là ai để tôi tin”. Chúa trả lời: “Ngươi đang nhìn thấy Ngài và Ngài đang nói với ngươi”. Anh liền thưa: “Lạy Thày, con tin và anh sấp mình thờ lậy Chúa”. Từ đây, anh trở nên một tín hữu nhiệt thành và một tông đồ can đảm. Đối với anh được khỏi mù phần xác là một sung sướng lớn lao, nhưng được khỏi mù phần linh hồn là một hạnh phúc lớn lao hơn nhiều, vì bệnh mù phần xác chỉ là một bất hạnh tương đối và tạm thời ở đời này, còn bệnh mù phần linh hồn làm mất hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, không thể lấy gì bù lại được. Do đó, những năm ở trần gian, Chúa gặp rất nhiều người mù, nhưng chỉ một số ít được Chúa chữa khỏi, khi về trời Chúa cũng không để lại phương thuốc gì để chữa người mù sáng mắt. Nhưng phần linh hồn, Chúa còn dùng những phương thế hữu hình để soi sáng cho người ta biết Chúa và những chân lý trong đạo. Những phương thế hữu hình đó thể hiện nhiều cách khác nhau: có khi là một lời khuyên với dòng nước mắt của người mẹ gia đình như bà thánh Mônica đã làm cho thánh Auguttinô là con mình trở lại đạo chính; có khi là một hiện tượng gây xúc động xẩy đến như đám tang và thi hài tàn rữa của bà hoàng xinh đẹp nhất nước đã làm cho thánh Phanxicô bỏ địa vị chức quyền để tận hiến cuộc đời cho Chúa; có khi là một thất bại trong ước mơ, như việc thua kiện bất ngờ đã làm thánh Anphongsô bỏ đường danh vọng để dâng mình phục vụ Giáo Hội; có khi là gương sáng của người chung quanh như cử chỉ tôn sùng thành kính của người Ả Rập đã làm cho cha Sac-lơ Phu-cô lấy lại được đức tin đã mất từ thời niên thiếu…Tất cả những sự kiện hữu hình trên đây, ta có thể nói là như chất liệu Chúa đã dùng để làm cho người ta sáng mắt linh hồn, nhìn nhận được Chúa và trở lại với Ngài, cũng như Chúa đã dùng chất bùn làm cho anh mù bẩm sinh được sáng mắt rồi sau đó được sáng trí khôn để tuyên xưng Chúa và tôn thờ Ngài.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng: ánh sáng làm cho người có mắt lành mạnh được dễ chịu và xem thấy sự vật, nhưng cũng làm cho người đau mắt khó chịu và chói lòa. Đức Giêsu là ánh sáng soi trần gian, những ai có thiện chí và tâm hồn ngay lành mới nhận được Ngài, còn những ai thiếu thiện chí và có thành kiến sẽ không nhìn nhận Chúa mà còn phản đối Ngài. Bài Phúc âm hôm nay chứng minh điều đó, đứng trước phép lạ hiển nhiên Chúa làm, người mù đã nhận Chúa và tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa, song những người biệt phái thì tìm mọi cách để chối bỏ phép lạ của Chúa và còn trục xuất những ai tuyên xưng Ngài là Đấng Kitô. Trước sự ngoan cố của họ, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Chính vì để xét xử mà Ta đã xuống trần gian để những ai không xem thấy thì được xem thấy và những kẻ xem thấy sẽ hóa nên mù”.

Để kết luận, chúng ta hãy xin Chúa cho ta một thiện chí và một tấm lòng ngay lành để chúng ta đón nhận được Chúa khi Ngài dùng các dấu chỉ bề ngoài mà đến gặp ta và tỏ cho ta nhận biết Người. Amen.

 

SÁM HỐI THAY ĐỔI LỐI NHÌN (Lm. Đaminh Nguyễn Xuân Trường)

Người ta bảo: Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Thế nên, trong đời có nhiều bài thơ, bài hát diễn tả về đôi mắt rất đẹp:  

“Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời,

Để nhìn đời và để làm duyên.

Mẹ cho em đôi mắt màu đen,

Để thương để nhớ, để ghen để hờn.”

Thế mà, Lời Chúa tuần này lại nói về những đôi mắt mù: mù thể lý, mù tinh thần.  

  1. Mù. Mù thì không thấy. Mù mắt không nhìn thấy sự vật. Mù tinh thần thấy vật chất mà không thấy tinh thần, thấy bên ngoài mà không thấy bên trong, nên không nhìn thấy bản chất, giá trị, ý nghĩa của sự việc, của cuộc đời. Mù mắt hỏng thị giác, nhưng thường lại có thính giác, xúc giác rất tốt. Còn mù tinh thần thì hỏng hết như Chúa nói: họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, vì lòng dạ họ bị chai đá rồi. Mù mắt thì biết rõ mình bị mù, còn mù tinh thần lại không nhận ra mình mù. Thế nên, mù tinh thần tai hại hơn nhiều.
  2. Sáng. Chúa đã chữa cho người mù được sáng mắt. Cần để ý điều này: Mắt muốn nhìn thấy thì cần có ánh sáng. Dù mắt có tinh đến mấy mà không có ánh sáng thì cũng không nhìn thấy. Con mắt tinh thần cũng cần phải có ánh sáng của lý tưởng, tình yêu, hệ giá trị, và trên hết là Lời Chúa soi dẫn thì mới thấy đường đi nước bước trong đời như lời Thánh Vịnh: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”

Câu chuyện Phúc Âm cho thấy cảnh đối nghịch: Người mù mắt lại sáng tâm hồn khi nhìn thấy Đức Giêsu là Ngôn Sứ, tin nhận Ngài là Chúa Cứu Thế, còn những người sáng mắt lại mù quáng khi họ nhìn người mù và cả Chúa Giêsu là những kẻ tội lỗi! Thế nên, điều cốt lõi của sám hối là thay đổi lối nhìn. Khi bắt đầu có cái nhìn giống Chúa, bước đi trong ánh sáng Lời Chúa, thì những suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp, chan chứa tin yêu. Amen.

 

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Mù lòa có ý nghĩa tượng trưng: tình trạng mê muội của những người sống trong tội và cố chấp. Sống trong tội là sống trong bóng tối sự chết. Người cố chấp dù mắt vẫn sáng nhưng không trông thấy vì bị những thành kiến, đam mê che lấp sự thật.

Muốn khỏi mù, trước hết phải nhận ra tình trạng tăm tối của mình, rồi phải có can đảm từ bỏ; nghĩa là phải đến với Ðức Giêsu bằng sự ăn năn và niềm tin, cụ thể qua bí tích giải tội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến thế gian để đem ánh sáng cho chúng con. Xin cho chúng con được ánh sáng Chúa soi dẫn, để nhận ra tăm tối mù quáng của mình. Ðồng thời chúng con biết khiêm nhường, tin tưởng, cậy trông vào tình yêu nhân từ của Chúa. Ðể chúng con được ơn giải thoát. Amen.

Ghi nhớ: “Hắn đi rửa, rồi trở lại trông thấy rõ”.

 

Giáo lý cho Bài giảng Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm A

(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

Số 280, 529, 748, 1165, 2466, 2715: Đức Kitô là ánh sáng muôn dân

280   Trước sự hiện diện cuốn hút và huyền nhiệm của Thiên Chúa, con người nhận ra sự nhỏ bé của mình. Trước bụi gai cháy bừng, ông Môsê cởi dép và che mặt trước tôn nhan Thiên Chúa chí thánh [X. Xh 3,5-6]. Trước vinh quang của Thiên Chúa ba lần thánh, tiên tri Isaia thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất, vì tôi là một người môi miệng ô uế” (Is 6,5). Trước những dấu chỉ thần linh Chúa Giêsu thực hiện, ông Phêrô thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Nhưng bởi vì Thiên Chúa là Đấng Thánh, nên Ngài có thể tha thứ cho kẻ nhận biết mình là tội nhân trước mặt Ngài: “Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận…, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Hs 11,9). Tông đồ Gioan cũng sẽ nói tương tự: “Chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Ngài biết hết mọi sự” (1 Ga 3,19-20).

529   Việc dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ [X. Lc 2,22-39] cho thấy Người có tư cách là “con đầu lòng” thuộc về Thiên Chúa như sở hữu riêng của Ngài [X. Xh 13,12-13]. Cùng với ông Simêon và bà Anna, toàn thể dân Ítraen đến gặp gỡ Đấng Cứu Độ mà họ trông chờ (truyền thống Byzantin gọi biến cố này như vậy). Chúa Giêsu được nhìn nhận là Đấng Mêsia được mong đợi đã quá lâu, là “ánh sáng muôn dân”, là “vinh quang của Ítraen”, nhưng cũng là “dấu hiệu cho người đời chống báng.” Lưỡi gươm của đau khổ được tiên báo cho Đức Maria, loan báo một việc dâng hiến khác, hoàn hảo và duy nhất, là việc dâng hiến trên thập giá, việc dâng hiến này sẽ mang lại ơn cứu độ mà Thiên Chúa “đã dành sẵn cho muôn dân.”

748   “Ánh sáng muôn dân chính là Đức Kitô, nên Thánh Công đồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước chiếu giãi trên mọi người ánh sáng của Đức Kitô, phản chiếu trên dung nhan Hội Thánh, bằng việc rao truyền Tin Mừng cho mọi thụ tạo” [CĐ Vaticanô II, Hiến Chế tín lý Lumen Gentium, 1: AAS 57 (1965) 5]. Những lời trên đây mở đầu “Hiến chế tín lý về Hội Thánh” của Công đồng Vaticanô II. Như vậy, Công đồng cho thấy đề mục đức tin về Hội Thánh hoàn toàn tùy thuộc vào những đề mục quy chiếu về Chúa Giêsu Kitô. Hội Thánh không có ánh sáng nào khác ngoài ánh sáng của Đức Kitô; Hội Thánh có thể so sánh, theo hình ảnh các Giáo phụ thích dùng, với mặt trăng, mọi ánh sáng của nó đều là phản chiếu ánh sáng mặt trời.

1165   Khi Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Đức Kitô, có một từ luôn được nhắc đến trong kinh nguyện của Hội Thánh: đó là từ “Hôm nay”, là âm vang Lời Kinh Chúa dạy [X. Mt 6,11], và âm vang tiếng gọi của Chúa Thánh Thần [X. Dt 3,7-4,11; Tv 95,8]. Ngày “hôm nay” này của Thiên Chúa hằng sống mà con người được mời gọi bước vào, chính là “Giờ” của cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, Giờ đó xuyên suốt và hướng dẫn toàn bộ lịch sử:

“Sự sống được mở ra cho vạn vật và tất cả được đầy tràn ánh sáng vĩnh cửu, và Đấng là Vầng Đông của các vầng đông xâm chiếm vũ trụ: Đấng được sinh ra trước Sao Mai, bất tử và cao cả, là Đức Kitô chiếu soi vạn vật hơn cả mặt trời. Vì vậy, ngày bừng sáng, lâu dài, vĩnh cửu và không thể tàn lụi đã xuất hiện cho chúng ta là những kẻ tin vào Người: đó là cuộc Vượt Qua thần bí” [Pseuđôhippôlytô Roma, In sanctum Pascha, 1, 1-2: Studia patristica mediolanensia 15,230-232 (PG 59,755)].

2466   Chân lý của Thiên Chúa được tỏ hiện cách trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô. Chính Người, Đấng tràn đầy ân sủng và chân lý [X. Ga 1,14.], là “ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Chính Người là chân lý [X. Ga 14,6]. Mọi kẻ tin vào Người, thì không còn ở trong bóng tối [X. Ga 12,46]. Môn đệ của Chúa Giêsu ở trong lời Người, để nhận biết chân lý có sức giải thoát [X. Ga 8,31-32] và thánh hóa [X. Ga 17,17]. Bước theo Chúa Giêsu là sống bởi Thánh Thần chân lý [X. Ga 14,17], Đấng Chúa Cha sai đến nhân danh Người [X. Ga 14,26], và là Đấng sẽ dẫn đưa đến “sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải tuyệt đối yêu mến chân lý: “Trong lời nói của anh em, hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’” (Mt 5,37).

2715   Cầu nguyện chiêm niệm là cái nhìn đầy lòng tin, chiêm ngắm Chúa Giêsu. Người dân quê làng Ars xưa đã cầu nguyện trước Nhà Tạm rồi nói với cha sở thánh của ông: “Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi” [X. F. Trochu, Le Curé d’Ars Saint Jean-Marie Viannê (Lyon-Paris 1927) 223-224]. Sự chăm chú nhìn Chúa như vậy là sự từ bỏ “cái tôi.” Cái nhìn của Chúa thanh luyện tâm hồn chúng ta. Ánh sáng trong cái nhìn của Chúa Giêsu chiếu sáng con mắt tâm hồn chúng ta; ánh sáng ấy dạy chúng ta biết nhìn mọi sự dưới ánh sáng chân lý và lòng thương xót của Người đối với tất cả mọi người. Việc cầu nguyện chiêm niệm cũng hướng cái nhìn vào các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Kitô. Như thế, việc cầu nguyện này dạy “sự hiểu biết nội tâm về Chúa” để yêu mến và bước theo Người nhiều hơn nữa [X. Thánh Inhaxiô Lôyôla, Exercitia spiritualia, 104: MHSI 100,224].

Số 439, 496, 559, 2616: Chúa Giêsu là Con Vua Đavít

439   Nhiều người Dothái, và cả một số người ngoại cùng chia sẻ niềm hy vọng của Ítraen, đã nhận ra nơi Chúa Giêsu những nét cơ bản của “Con vua Đavít”, Đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã hứa ban cho Ítraen [X. Mt 2,2; 9,27, 12,23; 15,22; 20,30; 21,9.15]. Chúa Giêsu đã chấp nhận danh hiệu Mêsia, Người có quyền làm như vậy [X. Ga 4,25-26; 11,27], nhưng Người chấp nhận một cách dè dặt, bởi vì danh hiệu này bị một số người đương thời với Người hiểu theo một quan niệm quá phàm trần [X. Mt 22,41-46], đặc biệt mang tính chất chính trị [X. Ga 6,l5; Lc 24,2l].

496   Ngay trong các công thức đức tin đầu tiên [X. DS 10-64], Hội Thánh đã tuyên xưng rằng Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria là chỉ do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà thôi, và Hội Thánh cũng khẳng định khía cạnh thể lý của biến cố này: Chúa Giêsu được thụ thai “bởi Chúa Thánh Thần, không có mầm giống nam nhân” [CĐ Latêranô (năm 649), Canon 3: DS 503]. Các Giáo Phụ nhận ra việc thụ thai đồng trinh là dấu chỉ của việc Con Thiên Chúa thật sự đã đến trong bản tính nhân loại như chúng ta. Thánh Inhaxiô Antiôkhia (đầu thế kỷ II) dạy:

“Tôi đã nhận thấy anh em… xác tín rằng Chúa chúng ta, thật sự xuất thân từ dòng dõi vua Đavít theo xác phàm [X. Rm 1,3], là Con Thiên Chúa theo ý định và quyền năng Thiên Chúa [X. Ga 1,13], Người đã thật sự được sinh ra bởi một trinh nữ;… Người đã thật sự chịu đóng đinh trong thân xác vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô… Người đã thật sự chịu khổ hình cũng như đã thật sự sống lại” [Thánh Inhaxiô thành Antiôkhia, Epistula ad Smyrnaeos, 1-2: SC 10bis, 132-134 (Funk 1,274-276)].

559   Giêrusalem sẽ đón nhận Đấng Mêsia của mình như thế nào? Chúa Giêsu, Đấng luôn trốn tránh mọi ý đồ của dân chúng muốn tôn Người làm vua [X. Ga 6,15], đã chọn thời điểm và chuẩn bị kỹ lưỡng để tiến vào Giêrusalem, thành của “Đavít, tổ tiên Người” (Lc 1,32) với tư cách là Đấng Mêsia [X. Mt 21,1-11]. Người được dân chúng hoan hô như con vua Đavít, như Đấng mang lại ơn cứu độ (Hosanna có nghĩa là “xin cứu”, “xin ban ơn cứu độ!”). Nhưng “Đức Vua vinh hiển” (Tv 24,7-10) lại “ngồi trên lưng lừa con” (Dcr 9,9) tiến vào thành: Người không chinh phục Thiếu nữ Xion, hình ảnh của Hội Thánh Người, bằng mưu mẹo hay bằng bạo lực, nhưng bằng sự khiêm tốn, là bằng chứng của sự thật [X. Ga 18,37]. Vì vậy, ngày hôm đó, thần dân của Nước Người là các trẻ em [X. Mt 21,15-16; Tv 8,3] và “những người nghèo của Thiên Chúa”, họ tung hô Người giống như các Thiên thần đã loan báo Người cho các mục đồng [X. Lc 19,38; 2,14]. Lời tung hô của họ: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Tv 118,26) được Hội Thánh dùng lại trong kinh “Thánh! Thánh! Thánh!” để mở đầu phụng vụ Thánh Thể tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa.

2616   Lúc Người còn đang thi hành tác vụ, lời cầu nguyện với Chúa Giêsu đã được chính Người nhận lời, qua các dấu lạ, những dấu lạ này tiền dự vào sức mạnh của sự chết và sự sống lại của Người. Chúa Giêsu nhận lời cầu nguyện của đức tin, được diễn tả bằng lời nói (của người bệnh phong [X. Mc 1,40-41], của ông Giairô [X. Mc 5,36], của người phụ nữ Canaan [X. Mc 7,29], của người trộm lành [X. Lc 23,39-43]), hay trong thinh lặng (của những kẻ khiêng người bất toại [X. Mc 2,5], của người đàn bà bị bệnh loạn huyết đụng chạm vào áo Người [X. Mc 5,28], nước mắt và dầu thơm của người phụ nữ tội lỗi [X. Lc 7,37-38]). Lời nài xin tha thiết của những người mù: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi” (Mt 9,27) hay “Lạy Ông Giêsu, Con Vua Đavít, xin rủ lòng thương tôi” (Mc 10,48) được sử dụng lại trong truyền thống Khẩn nguyện Chúa Giêsu (Oratio ad Iesum): “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Chúa Giêsu luôn đáp lại lời cầu xin Người với đức tin, bằng cách chữa lành bệnh tật hoặc thứ tha tội lỗi: “Cứ về bình an, lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

Thánh Augustinô đã khéo léo tóm tắt ba chiều kích của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Người cầu nguyện cho chúng ta, vì Người là vị Tư Tế của chúng ta; Người cầu nguyện trong chúng ta vì Người là Đầu của chúng ta; Người được chúng ta cầu nguyện, vì Người là Thiên Chúa của chúng ta. Vậy chúng ta phải nhận biết tiếng nói của chúng ta trong Người, lẫn tiếng nói của Người trong chúng ta” [Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 85, 1: CCL 39,1176 (PL 36,1081); x. Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh phụng vụ, 7: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v. 1 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 24].

Số 1216: Phép Rửa là sự soi sáng

1216   “Phép Rửa này còn được gọi là ơn soi sáng, vì những ai học biết điều này (về giáo lý) thì được soi sáng trong tâm trí” [Thánh Giustinô, Apologia, 1, 61: CA 1,168 (PG 6,421)]. Người được Rửa Tội, vì trong Phép Rửa họ được đón nhận Ngôi Lời là “ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), nên sau khi “được soi sáng” [X. Dt 10,32], họ trở thành “con cái sự sáng” [X. 1 Tx 5,5] và chính họ là “ánh sáng” (Ep 5,8):

Bí tích Rửa Tội “là hồng ân cao đẹp nhất và kỳ diệu nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa… Chúng ta gọi bí tích đó là hồng ân, ân sủng, Rửa Tội, xức dầu, soi sáng, y phục bất hoại, sự tắm rửa của ơn tái sinh, ấn tín và tất cả những gì quý giá nhất. Nó được gọi laø hồng ân, bởi vì được ban cho những người trước đó chẳng có gì; là ân sủng, bởi vì được ban cả cho những người tội lỗi; là sự dìm xuống, bởi vì tội lỗi bị chôn vùi trong nước; là xức dầu, bởi vì bí tích này là thánh thiêng và vương giả (như những người được xức dầu); là ơn soi sáng, bởi vì nó sáng ngời và chói lọi; là y phục, bởi vì nó che phủ sự xấu xa của chúng ta; là tắm rửa, bởi vì bí tích này rửa sạch; là ấn tín, bởi vì nó là sự bảo toàn và là dấu chỉ của uy quyền” [Thánh Grêgôriô thành Nazien, Oratio 40, 3-4: SC 358,202-204 (PG 36,361-364)].

GLGLCG 782, 1243, 2105: Kitô hữu phải là ánh sáng thế gian

782   Dân Thiên Chúa có những đặc tính, phân biệt họ một cách rõ ràng với tất cả những tập thể trong lịch sử về tôn giáo, chủng tộc, chính trị hoặc văn hóa:

— Đây là dân của Thiên Chúa: Thiên Chúa không thuộc riêng một dân nào. Nhưng Ngài thủ đắc cho mình một dân từ những người trước kia không phải là một dân: “là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh” (1 Pr 2,9).

— Người ta trở nên phần tử của dân này, không nhờ sự sinh ra theo thể lý, nhưng nhờ sự sinh ra “bởi ơn trên”, “bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,3-5), nghĩa là, nhờ đức tin vào Đức Kitô và nhờ bí tích Rửa Tội.

— “Dân này có Đấng làm Đầu là Chúa Giêsu Kitô (Đấng Được Xức Dầu, Đấng Mêsia): bởi vì cùng một Sự Xức Dầu, là Chúa Thánh Thần, chảy từ Đầu vào Thân thể, nên đây là “Dân thuộc về Đấng Được Xức Dầu.”

— “Dân này có phẩm giá và sự tự do của các con cái Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần ngự trong trái tim của họ như trong một đền thờ” [CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13].

— “Dân này có Luật là giới răn mới của yêu thương như chính Đức Kitô đã yêu thương chúng ta” [CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13; x. Ga 13,14]. Đó là Luật “mới” của Chúa Thánh Thần [X. Rm 8,2; Gl 5,25].

— Sứ vụ của dân này là làm muối đất và ánh sáng thế gian [X. Mt 5,13-16]. “Dân này là hạt giống chắc chắn nhất mang lại sự hợp nhất, niềm hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại” [CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13].

— Cuối cùng, mục đích của dân này là “Nước Thiên Chúa, đã được chính Thiên Chúa khởi sự nơi trần thế và ngày càng lan rộng, cho đến khi được chính Ngài hoàn tất trong ngày tận thế” [CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13].

1243   Áo trắng nói lên cách tượng trưng người chịu Phép Rửa đã mặc lấy Đức Kitô [X. Gl 3,27], đã sống lại cùng với Đức Kitô. Cây nến được thắp sáng từ nến phục sinh nói lên rằng Đức Kitô đã chiếu dọi ánh sáng cho người tân tòng. Trong Đức Kitô, những người chịu Phép Rửa là “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14) [X. Pl 2,15]. Người tân tòng lúc đó là con cái Thiên Chúa trong Người Con Duy Nhất. Họ có thể đọc lời kinh của những người con Thiên Chúa: kinh Lạy Cha.

2105   Bổn phận phải dành cho Thiên Chúa sự tôn thờ đích thực liên quan đến con người xét theo cá nhân cũng như xã hội. Đây là “đạo lý truyền thống công giáo về bổn phận luân lý của con người và của xã hội đối với tôn giáo thật và Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô” [CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 1: AAS 58 (1966) 930]. Khi không ngừng loan báo Tin Mừng cho con người, Hội Thánh cố gắng làm sao để con người “có thể làm cho tinh thần Kitô Giáo thấm nhuần vào các tâm trí, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống” [CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 13: AAS 58 (1966) 849]. Bổn phận xã hội của các Kitô hữu là tôn trọng và khơi dậy nơi mỗi người tình yêu đối với chân lý và điều thiện hảo. Bổn phận này buộc họ phải truyền bá nền phụng tự của tôn giáo duy nhất và chân thật, đang tồn tại trong Hội Thánh công giáo và tông truyền [X. CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 1: AAS 58 (1966) 930]. Kitô hữu được mời gọi trở thành ánh sáng thế gian [X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 13: AAS 58 (1966) 850]. Nhờ đó, Hội Thánh bày tỏ vương quyền của Đức Kitô trên vạn vật, đặc biệt là trên các xã hội loài người [X. ĐGH Lêô XIII, Thông điệp Immortale Dei : Leonis XIII Acta, 5, 118-150; ĐGH Piô XI, Thông điệp Quas primas: AAS 17 (1925) 593-610].