Chúa Nhật VII Thường Niên Năm A

Bài đọc 1 Lv 19,1-2.17-18
Bài trích sách Lê-vi.
ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.
“Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA.”
Đáp ca Tv 102,1-2.3-4.8 và 10.12-13 (Đ.c.8a)
Đ./     CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.    Đ./
CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.    Đ./
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.    Đ./
Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, CHÚA cũng ném thật xa ta.
Như người cha chạnh lòng thương con cái,
CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.    Đ./
Bài đọc 2 1 Cr 3,16-23
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của THIÊN CHÚA, và Thánh Thần THIÊN CHÚA ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ THIÊN CHÚA, thì THIÊN CHÚA sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ THIÊN CHÚA là nơi thánh, và Đền Thờ ấy, chính là anh em.
Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt THIÊN CHÚA, như có lời chép rằng: CHÚA bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, CHÚA đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.
Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em; dù là Phao-lô, hay A-pô-lô, hay Kê-pha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về THIÊN CHÚA.
Tung hô Tin Mừng 1 Ga 2,5
Alleluia. Alleluia.
Lạy Cha là CHÚA Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha,
vì Cha đã măc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn.
Alleluia.
Tin Mừng Mt 5,38-48
Tin Mừng CHÚA Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Bài giảng của Đức Hồng Y Phaolô Giuse

Trong bài Phúc âm hôm nay, Đức Giêsu dạy chúng ta rằng: “Các con hãy yêu thương thù địch, hãy làm ơn cho kẻ ghét các con và cầu nguyện cho kẻ bách hại các con”.

Yêu thương thù địch là một điểm hoàn toàn mới mẻ đối với luật Tân ước, vì luật Cựu ước dạy rằng “Hãy yêu người thân cận và ghét kẻ thù địch” (Lv 19,18). Yêu thương thù địch là một điểm siêu việt đức bác ái Công giáo mà nhiều người cho là phi lý không thực hiện được. Bởi vì quan niệm của họ, tình yêu phải có đi có lại, phải có lý do, có điều kiện: “Tôi yêu anh vì anh có họ với tôi, vì anh tốt với tôi, làm ích cho tôi. Còn người kia xa lạ, thù ghét tôi, làm sao tôi có thể yêu họ được”.

Nhưng đối với người Kitô hữu thì không lý luận như vậy được, bởi vì Chúa dạy ta phải yêu thương vô vị lợi, yêu thương hết mọi người, kể cả thù địch, để ta được làm con cái Cha trên trời .

Trong thực hành, ta phải làm gì đối với kẻ thù?

Trước hết, ta không được giữ lòng giận ghét, vì giận ghét không thể đi đôi với tình thương. Dù kẻ thù chưa xin lỗi, ta cũng phải sẵn sàng tha thứ và làm hòa với họ. trong Phúc âm Chúa dạy ta: “Khi con đến bàn thờ dâng lễ, mà nhớ ra anh em có điều bất hòa với con thì hãy để của lễ trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ” (Mt 5,23-24).

Theo tính tự nhiên, ta cảm thấy đau buồn khi nhớ đến sự bất công hoặc điều sỉ nhục kẻ thù làm cho ta. Tâm tình đau buồn tự nhiên đó không phải là tội, nhưng nếu ta không gạt bỏ đi thì nó có thể khơi lòng giận ghét và đưa tới hành động lỗi đức yêu thương. Ta đừng nói rằng “nó ăn ở tệ quá, tôi không thể quên được”. Thành khẩn mà nói: ta đối với Chúa còn tệ bạc hơn nhiều, nhưng Ngài vẫn tha thứ và luôn sàng tha thứ cho ta. Sao ta không biết tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ cho ta, đừng bắt chước tên đầy tớ tàn nhẫn trong Phúc âm, sau khi được nhà vua tha cho nó một vạn nén bạc, nó vừa ra ngoài liền bóp cổ người bạn nợ nó một trăm đồng .(Mt 18,23-35)

Còn trong thái độ bề ngoài, ta đừng làm gì, nói gì tỏ ra lòng buồn giận. Thí dụ, tránh không gặp, không thèm chào hỏi khi gặp họ, nói hành nói xấu họ khi vắng mặt. Những cử chỉ đó là dấu ta còn buồn giận chưa muốn làm hòa.

Ta cũng không được mong ước cho kẻ thù gặp sự khốn khó, đừng vui thích khi thấy họ gặp sự không may. Sự vui mừng ác tâm như vậy là con mọt đục khoét đức yêu thương, và cũng là dấu chỉ một tâm hồn bần tiện. Sách Thánh thuật lại: “Ông Gióp xưa cảm thấy sự bình an đặc biệt, vì không bao giờ vui thách trước sự khốn khó của kẻ thù” (G 31,29).

-Về phương diện tích cực, ta hãy cầu nguyện cho kẻ thù và giúp đỡ họ khi cần thiết. Cầu nguyện cho kẻ thù là cách tốt nhất thể hiện tình yêu đối với họ. Đức Giêsu dạy ta: “Thày bảo các con hãy yêu thương kẻ thù, hãy cầu nguyện cho những người bách hại các con” (Mt 6,44). Theo gương Chúa xưa đã cầu nguyện cho kẻ đóng đinh Người, ta cũng phải cầu nguyện cho kẻ thù, nhất là khi thấy cơn giận nổi lên. Lời cầu nguyện khi đó là một liều thuốc tiêu độc, một luồng gió mát làm dịu cơn nóng giận hơn bất cứ phương thế nào.

– Đi đôi với cầu nguyện, ta phải ra sức giúp đỡ kẻ thù khi họ cần đến ta. Thánh Phaolô dạy: “Kẻ thù con đói ư? Con hãy cho nó ăn. Nó khát ư? hãy cho nó uống. Làm như vậy là bỏ than hồng trên đầu nó. Con đừng để mình thua sự dữ, nhưng hãy thắng sự dữ bằng các sự lành” (Rm 12,20-21). Thánh Phêrô cũng nói: “Anh em đừng lấy sự dữ báo lại sự dữ, đừng lấy bất công đáp lại bất công, nhưng hãy cầu chúc cho kẻ thù, vì nhờ đó, anh em sẽ được chúc phúc” (1Pr 3,9).

Ngày qua ngày, chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì đã tha tội cho ta, thì ta cũng phải tha cho những ai xúc phạm đến ta. Hãy theo gương người Samari tốt trong Phúc âm. Người đó đã hy sinh thời giờ, công sức, tiền của để thương giúp một người Do thái là kẻ thù khi lâm nạn, bởi đó người Samari này đã trở nên thân cận với người Do thái kia hơn là ông thượng tế và trợ tế đồng hương với nạn nhân, nhưng đã bỏ rơi không thương giúp họ.

Trong những lãnh vực khác như kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội nghệ thuật… Đức Giêsu không đòi chúng ta phải đi hàng đầu, nhưng trong lãnh vực yêu thương, Chúa đòi ta phải hơn người khác. Chúa nói rõ: “Nếu các con yêu thương người yêu các con thì ân huệ gì? Những kẻ tội lỗi cũng yêu thương người yêu thương họ. Nếu các con chỉ làm ơn cho kẻ làm ơn cho các con thì ân huệ gì? Kẻ tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay để được trả lại tương đương. Nhưng các con hãy yêu thương kẻ thù địch, hãy làm ơn, hãy cho vay mà không mong trả lại. Khi ấy phần thưởng các con sẽ lớn lao, các con sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người tốt lành với kẻ tệ bạc và kẻ gian ác”.(Lc 6,32-35).

Nếu mọi người Kitô hữu chúng ta ghi sâu những lời Chúa dạy trên và ra sức thực hành trong đời sống thì hạnh phúc biết bao, vẻ vang cho Đạo biết bao!

 

THA THỨ THÁNH THIỆN THƯƠNG THÙ (Lm Đaminh Nguyễn Xuân Trường)

Người ta thường đối xử với nhau theo nguyên tắc: Mắt đền mắt, răng đền răng; Ăn miếng trả miếng. Nhưng Chúa thì khác hẳn, Ngài bảo đừng trả thù, hãy yêu cả kẻ thù. Quý vị thấy sao? Khó quá, làm sao mà yêu nổi kẻ thấy mặt nó đã ghét rồi! Con người chỉ có thể yêu được kẻ thù khi nhờ Chúa và muốn nên giống Chúa.

  1. Tha thứ thương thêm.Để không trả thù thì trước hết cần phải tha thứ. Tha thứ không chỉ vì người ta mà vì chính bản thân ta. Chính ta cũng có nhiều lầm lỗi nên cần sự tha thứ của người khác và Thiên Chúa. Thiên Chúa đã luôn chạnh lòng thương tha thứ muôn ngàn tội lỗi cho ta. Hơn nữa, tha thứ làm cho lòng ta thanh thản, giúp ta trở thành người rộng lượng bao dung, và làm cho mặt ta đẹp hơn vì tha thứ làm ta có thể cười tươi vui vẻ, thay vì căm thù, cau có với người làm hại mình.
  2. Thánh thiện thương thù.Yêu kẻ thù không chỉ làm cho đời sống ta được vui vẻ, thanh thản, mà còn giúp ta thực sự trở nên con Chúa là Đấng yêu thương hết mọi người cả tốt lẫn xấu, cả lành lẫn dữ, một tình yêu không biên giới như nắng, như mưa cho tất cả. Hơn nữa, yêu kẻ thù giúp ta đạt được điều cao nhất của đời người là trở nên giống Chúa là Đấng hoàn thiện ở trên trời. Yêu kẻ thù không làm cho ta yếu thế kém cỏi, ngược lại nâng ta lên cao tới đỉnh yêu thương hoàn thiện.

Chúa dạy yêu kẻ thù bắt đầu bằng việc cầu nguyện cho người làm hại mình. Chúa không hô hào suông, chính ngay giữa giây phút đau thương tột cùng vì bị kẻ thù đóng đinh vào thánh giá, Chúa đã cầu xin tha thứ cho kẻ thù: “Lạy Cha xin tha tội cho họ.” Gương Chúa yêu kẻ thù đã truyền cảm hứng cho nhân loại làm những cuộc cách mạng bằng việc đấu tranh bất bạo động, thay đổi hẳn bộ mặt xã hội và lòng dạ con người nhân ái hơn, tử tế hơn. Amen.