Home / Giáo hội hoàn cầu

Giáo hội hoàn cầu

Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho các Thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế (30.11.2023)

WHĐ (01.12.2023) – Sáng hôm 30.11, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến 30 thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế (The International Theological Commission). Vì đang bị viêm phổi, nên Đức Thánh Cha đã không đọc trực tiếp nhưng trao Bài diễn văn đã được chuẩn bị sẵn cho Ủy ban. Thay vào đó, ngài có những lời chia sẻ tự phát ngắn trong buổi gặp gỡ . Sau đây là nội dung Bài diễn văn của Đức Thánh Cha: BÀI DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔDÀNH CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ Thứ Năm, ngày 30 tháng 11 năm 2023 Anh chị em thân mến, chào anh chị em! Tôi xin chào Đức Hồng Y Fernández và chào đón toàn thể anh chị em, đồng thời tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn về công việc quý giá của anh chị em. Ngày nay, chúng ta được mời gọi cống hiến hết mình với tất cả nghị lực của con tim và khối óc cho “sự hoán cải truyền giáo của Giáo hội” (Tông huấn Evangelii gaudium, 30). Điều này đáp lại lời mời gọi loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu, được Công đồng Vatican II thực hiện, và vẫn hướng dẫn hành trình mang tính giáo hội của chúng ta: ở đó, Chúa Thánh Thần đã cất tiếng nói của Ngài cho thời đại chúng ta. Công đồng nêu rõ mục đích khi tuyên bố rằng Công đồng “tha thiết mong muốn, bằng việc loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo, (1) mang ánh sáng của Chúa Kitô đến cho mọi người” (Hiến chế Lumen Gentium, 1). Và, như Ủy ban của anh chị em đã nhận xét, “việc biến một Giáo hội hiệp hành thành hiện thực là điều kiện tiên quyết không thể thiếu đối với động lực truyền giáo mới sẽ thu hút toàn thể Dân Chúa” (Tính Hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội, 9): một động lực truyền giáo có khả năng truyền đạt vẻ đẹp của đức tin. Kế đến, chuyển sang nhiệm vụ cụ thể hơn của anh chị em, trong Thư gửi tân Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, tôi đã nhấn mạnh rằng ngày nay “chúng ta cần một lối suy nghĩ biết trình bày cách thuyết phục về một vị Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, cứu độ, giải thoát, thăng tiến con người và mời gọi họ phục vụ tình huynh đệ” (ngày mồng 01.07.2023). Anh chị em được yêu cầu đảm trách đòi hỏi này một cách có chất lượng, thông qua việc đề xuất một nền thần học mang tính Phúc âm hoá, vốn thúc đẩy việc đối thoại với thế giới văn hóa. Và điều thiết yếu là, với tư cách là thần học gia, anh chị em phải thực hiện điều này một cách hòa hợp với Dân Chúa, “từ bên dưới”, nghĩa là, với cái nhìn ưu tiên dành cho người nghèo và người đơn sơ, đồng thời với sự “quỳ gối”, vì thần học được sinh ra từ sự quỳ gối, trong sự tôn thờ Thiên Chúa. Tôi biết rằng anh chị em đang đào sâu 2 thách đố hiện nay: vấn đề nhân học và chủ đề sinh thái. Nhưng công việc của anh chị em cũng liên quan đến việc anh chị em đề xuất một suy tư cập nhật và sâu sắc về sự liên quan lâu dài của đức tin Ba Ngôi và Kitô học được Công đồng Nicaea tuyên xưng, mà chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 1700 năm tiến hành Công đồng, trùng với Năm Thánh sẽ được cử hành vào năm 2025. Do đó, tôi muốn chia sẻ với anh chị em 3 lý do khiến việc tái khám phá Công đồng Nicaea trở nên đầy hứa hẹn. Trước hết, là lý do tâm linh. Tại Công đồng Nicaea, đức tin được tuyên xưng nơi Chúa Giêsu, Con Một của Chúa Cha: Đấng đã làm người vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng”. Đây không chỉ là ánh sáng của một kiến thức không thể hình dung, mà còn là ánh sáng chiếu soi cuộc đời bằng tình yêu của Chúa Cha. Đúng vậy, chính ánh sáng hướng dẫn chúng ta trên lộ trình và xua tan bóng tối, đồng thời ánh sáng này, vốn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, mang lại nguồn mạch sự sống và vĩnh cửu: làm sao chúng ta có thể làm chứng cho điều đó, nếu không phải bằng một cuộc sống rạng ngời, với một niềm vui lan tỏa? Lời mời gọi của Chúa Giêsu đừng “thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà” (x. Mt 5, 15) cũng có giá trị đối với tác vụ của anh chị em với tư cách thần học gia. Các nhà thần học có nhiệm vụ toả lan những tia sáng mới và đáng kinh ngạc về ánh sáng vĩnh cửu của Đức Kitô trong ngôi nhà Giáo hội cũng như trong bóng tối của thế giới. Thứ đến, là lý do hiệp hành. Công đồng đại kết đầu tiên đã được tổ chức tại Nicaea, trong đó Giáo hội có thể bày tỏ bản chất, đức tin, sứ mạng của mình, như Công đồng cuối cùng khẳng định, là “dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (Hiến chế Lumen Gentium, 1). Hiệp hành là con đường, một con đường chuyển thành những hành vi hiệp thông và những tiến trình tham gia sự năng động Ba Ngôi mà Thiên Chúa, qua Đức Kitô và trong hơi thở của Chúa Thánh Thần, đến với nhân loại. Các nhà thần học được trao phó trách nhiệm lớn lao trong việc giải thoát sự phong phú của “năng lượng nhân bản hóa” tuyệt vời này. Chính anh chị em, đến từ nhiều nơi trên thế giới, khi tham gia vào công việc của Ủy ban, mang theo những hồng ân và sự phong phú, những vấn đề và đau khổ của Giáo hội và dân tộc của anh chị em. Hãy là những chứng nhân, trong công việc mang tính hiệp đoàn và trong việc chia sẻ những nét đặc thù về giáo hội và văn hóa của anh chị em, về một Giáo hội bước đi theo sự hòa hợp của Thánh Thần, bắt nguồn từ Lời Chúa và Truyền thống sống động, đồng thời đồng hành với tình yêu và sự phân định các tiến trình mang tính văn hóa và xã hội của nhân loại trong quá trình chuyển đổi phức tạp mà chúng ta đang trải qua. Đừng hài lòng với những gì anh chị em đã đạt được: hãy giữ con tim và khối óc của mình rộng mở trước những đòi hỏi nhiều hơn của Thiên Chúa. Và cuối cùng, là lý do đại kết. Làm sao chúng ta có thể không nhớ đến tầm quan trọng đặc biệt của dịp kỷ niệm này đối với cuộc hành trình hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn của các Kitô hữu? Thật vậy, lời Tuyên tín của Công đồng Nicaea không chỉ hiệp nhất các môn đệ của Chúa Giêsu, mà theo sự quan phòng của Thiên Chúa, vào năm 2025, ngày cử hành Lễ Phục sinh của tất cả các hệ phái Kitô sẽ trùng nhau. Thật là tuyệt vời biết bao nếu sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu cụ thể của việc cử hành Lễ Phục Sinh chung giữa các Kitô hữu! Anh chị em thân mến, chúng ta hãy ấp ủ ước mơ này trong lòng và cầu xin sự sáng tạo của Thánh Thần, để ánh sáng Tin Mừng và sự hiệp thông chiếu sáng rực rỡ hơn nữa. Tôi xin lặp lại lời cảm ơn của tôi đối với sự phục vụ của anh chị em và chúc lành cho anh chị em, xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi.   Những lời chia sẻ tự phát của Đức Thánh Cha: Xin cảm ơn anh chị em vì chuyến viếng thăm này. Và cảm ơn anh chị em vì công việc của anh chị em. Tôi đã có sẵn một bài diễn văn hay về những vấn đề thần học, nhưng vì lý do sức khỏe, tôi không trực tiếp đọc nó. Thay vào đó, tôi sẽ trao bài diễn văn đó cho anh chị em. Xin cảm ơn vì những gì anh chị em thực hiện. Thần học, suy tư thần học, rất quan trọng. Nhưng có một điều về anh chị em mà tôi không thích, xin thứ lỗi vì sự chân thành của tôi. Một, hai, ba, bốn người nữ: Thật là tội nghiệp! Thật lẻ loi! À, xin lỗi, năm. Chúng ta phải tiến hơn nữa về việc này. Người nữ có khả năng suy tư thần học khác với nam giới chúng ta. Có lẽ là do tôi đã nghiên cứu nhiều về thần học của phụ nữ. Qua tác phẩm của một nữ thần học gia tốt lành người Đức, bà Hanna-Barbara Gerl, về nhà thần học Romano Guardini. Bà đã nghiên cứu rằng lịch sử và thần học của người nữ không sâu sắc lắm, nhưng nó rất đẹp và có tính sáng tạo. Và hiện nay, trong cuộc họp sắp tới của Hội đồng 9 Hồng y cố vấn, chúng tôi sẽ suy tư về chiều kích nữ tính của Giáo hội. Giáo Hội là người nữ. Và nếu chúng ta không hiểu người nữ là ai, thần học của người nữ là gì, thì chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được Giáo hội là gì. Một trong những tội nặng mà chúng ta mắc phải là “nam giới hóa” Giáo hội. Và điều này không thể giải quyết bằng lộ trình mang tính thừa tác vụ; nhưng là một điều gì đó rất khác. Nó được giải quyết bằng cách thế mang tính thần bí, một cách thế đích thực. Tư tưởng của nhà thần học Hans Urs von Balthasar đã soi sáng cho tôi nhiều điều: nguyên lý Phêrô và nguyên lý Maria. Điều này có thể bị tranh luận, nhưng luôn có đó 2 nguyên lý. Nguyên lý Maria quan trọng hơn nguyên lý Phêrô, bởi vì có Giáo hội hiền thê, Giáo hội nữ tính, không bị nam tính hoá. Và anh chị em sẽ hỏi tôi: cuộc thảo luận này sẽ dẫn đến đâu? Không chỉ để nói với anh chị em rằng Uỷ ban cần có thêm người nữ - đó là một chuyện - mà còn để giúp anh chị em suy tư. Giáo Hội là người nữ, Giáo Hội là hiền thê. Và đây là một nhiệm vụ mà tôi yêu cầu anh chị em. Xin hãy làm cho Giáo hội bớt nam tính hơn. Và xin cảm ơn vì những gì anh chị em thực hiện. Tôi xin lỗi, tôi đã nói nhiều và nó khiến tôi bị đau. Vì hiện đang ngồi, nên chúng ta hãy cứ ngồi và cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha, mỗi người bằng ngôn ngữ riêng của mình, và sau đó tôi sẽ ban phép lành. Đọc kinh Lạy Cha Phép lành Xin hãy cầu nguyện cho tôi. Hãy cầu nguyện chứ đừng chống đối, vì công việc của tôi không hề dễ dàng. Xin cảm ơn. Nt. Anna Ngọc Diệp, OPDòng Đa Minh Thánh TâmChuyển ngữ từ: vatican.va (30. 11. 2023)

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Đại hội của Tổ chức Luật Phát triển Quốc tế

  WHĐ (01.12.2023) – Hôm 28.11.2023, tại Bộ Ngoại giao Ý ở Roma, đã diễn ra Đại hội dành cho các Thành viên của Tổ chức Luật Phát triển Quốc tế (IDLO- International Development Law Organization) nhân kỷ niệm 40 năm thành lập. Vào dịp này, Đức giáo hoàng Phanxicô đã gửi tới Đại hội một sứ điệp. Sau đây là nội dung sứ điệp của Đức Thánh Cha: SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔGỬI CÁC THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘICỦA TỔ CHỨC LUẬT PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ Thưa Bà Tổng Giám đốc,Thưa Ngài Chủ tịch,Thưa Quý vị,và quý Đại biểu, Tôi vui mừng nhận lời mời của Bà Tổng Giám đốc, thay mặt cho Tổ chức Luật Phát triển Quốc tế (IDLO), để phát biểu tại Đại hội dành cho các Thành viên nhân kỷ niệm 40 năm thành lập. Tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả các tham dự viên Đại hội quan trọng này, nguyện xin cho các cuộc thảo luận của quý vị sẽ mang lại thành quả trong việc củng cố mối liên kết giữa các dân tộc, bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, và bảo vệ quyền lợi của những người mà phẩm giá của họ bị xâm phạm. Trong 4 thập niên, Tổ chức liên chính phủ đã cống hiến hết mình cho việc thúc đẩy pháp quyền nhằm hướng tới hòa bình và phát triển bền vững, khuyến khích những sáng kiến khác nhau hầu đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được công lý, đặc biệt là những người thiệt thòi nhất trong xã hội. Tuân thủ nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, ngăn ngừa sự tùy tiện, nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính minh bạch, thúc đẩy sự tham gia công bằng vào tiến trình ra quyết định, việc bảo vệ nguyên tắc chắc chắn về mặt pháp lý và tôn trọng thủ tục tố tụng hợp pháp, cả từ quan điểm nội dung lẫn thủ tục, đều là những giá trị và tiêu chí không thể thiếu, xuất phát từ khái niệm chung về pháp quyền và nếu được thực hiện sẽ có sức mạnh dẫn tới việc thực thi công lý. Và điều đáng ghi nhớ là, công lý là điều kiện thiết yếu để đạt được sự hòa hợp xã hội và tình huynh đệ phổ quát mà chúng ta rất cần ngày nay. Đó cũng là đức tính cần thiết để xây dựng một thế giới trong đó các xung đột chỉ có thể được giải quyết một cách hòa bình, không có quyền của kẻ mạnh nhất chiếm ưu thế mà là sức mạnh của pháp luật. Thật không may là chúng ta còn lâu mới đạt được mục tiêu này. Trong tình hình phức tạp và thách đố mà chúng ta đang trải qua, bị tàn phá bởi những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng có liên quan với nhau, người ta nhận thấy một cách đau đớn sự gia tăng của các cuộc đụng độ bạo lực, những tác động ngày càng nguy hại của biến đổi khí hậu, tham nhũng và bất bình đẳng. Do đó, việc ủng hộ công lý lấy con người làm trung tâm nhằm củng cố các xã hội hòa bình, công bằng và hòa nhập là điều cấp bách hơn bao giờ hết. Pháp quyền không bao giờ có một ngoại lệ, dù là tối thiểu, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng. Lý do là vì pháp quyền nhằm mục đích phục vụ con người và bảo vệ nhân phẩm, và điều này không cho phép có ngoại lệ. Đây là một nguyên tắc. Tuy nhiên, không chỉ các cuộc khủng hoảng mới gây ra mối đe dọa đối với các quyền tự do và pháp quyền trong các nền dân chủ. Thực ra, một quan niệm sai lầm về con người đang ngày càng trở nên phổ biến, một quan niệm vốn làm suy yếu chính sự bảo vệ con người và dần dần mở ra cánh cửa cho những lạm dụng nghiêm trọng dưới vẻ bề ngoài của điều thiện. Thật vậy, chỉ có luật pháp mới có thể tạo thành điều kiện tiên quyết không thể thiếu cho việc thực thi bất kỳ quyền lực nào, và điều này có nghĩa là các cơ quan chính phủ có trách nhiệm phải đảm bảo sự tôn trọng pháp quyền, bất kể lợi ích chính trị thống trị. Khi luật pháp dựa trên các giá trị phổ quát, chẳng hạn như tôn trọng con người và bảo vệ công ích, thì pháp quyền sẽ vững mạnh, người dân được tiếp cận công lý và xã hội sẽ ổn định và thịnh vượng hơn. Ngược lại, nếu không có hòa bình và công lý thì chẳng có thách đố nào kể trên có thể giải quyết được. Chúng ta đừng quên rằng “Mọi sự đều liên kết với nhau. Vì thế, sự chăm sóc môi trường đòi buộc một tình yêu chân thành đối với con người và một sự dấn thân kiên vững đối với các vấn đề xã hội” (Thông điệp Laudato si', số 91). Pháp quyền có thể đóng một vai trò thiết yếu trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu bằng việc canh tân lòng tin và tính hợp pháp trong quản trị công, chống lại sự bất bình đẳng, thúc đẩy phúc lợi của người dân, cổ võ việc bảo vệ các quyền cơ bản của họ, khuyến khích sự tham gia cách xứng hợp của họ vào tiến trình ra quyết định và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển luật pháp và chính sách đáp ứng nhu cầu thực sự của họ, từ đó góp phần tạo ra một thế giới trong đó tất cả mọi người đều được đối xử với phẩm giá và sự tôn trọng. Tôi hoan nghênh sự dấn thân của IDLO trong việc thúc đẩy công bằng khí hậu và cải thiện quản lý đất đai cũng như sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là lộ trình dẫn đến một thế giới công bằng và hòa bình hơn. Biến đổi khí hậu là một vấn đề công bằng giữa các thế hệ. Sự xuống cấp của hành tinh không chỉ ngăn cản sự chung sống hòa bình và hoà hợp trong hiện tại, mà còn làm suy yếu đáng kể sự tiến bộ toàn diện của các thế hệ tương lai. “Không còn nghi ngờ gì nữa, tác động của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng gây tổn hại đến đời sống của nhiều người và nhiều gia đình. Chúng ta sẽ cảm nhận được những tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cung ứng việc làm, khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên, nhà ở, tình trạng di cư bắt buộc, v.v.” (Tông huấn Laudate Deum, 2). Công lý, nhân quyền, công bằng và bình đẳng về cơ bản có mối liên hệ mật thiết với các nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu. Bằng việc áp dụng cách tiếp cận dựa trên công bằng vào hành động vì khí hậu, chúng ta có thể đưa ra những đáp ứng toàn bộ, toàn diện và công bằng. Tham nhũng làm xói mòn chính nền tảng của xã hội. Bằng việc chuyển hướng nguồn lực và cơ hội khỏi những người cần chúng nhất, tham nhũng làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện có. Đây là lý do tại sao cần phải thúc đẩy các chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm khuyến khích tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và liêm chính hơn ở mọi nơi, nhờ đó đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng một xã hội công bằng và đạo đức. Chính thời thơ ấu là nơi gieo mầm những hạt giống liêm chính, trung thực và nhận thức đạo đức, thúc đẩy một xã hội trong đó nạn tham nhũng không tìm được mảnh đất màu mỡ để bén rễ. Cuối cùng, điều cần thiết là tiếp tục thực hiện các bước để tiếp cận những người nghèo nhất, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, và những người dễ bị tổn thương nhất, vốn là những người thường không có ai lên tiếng thay cho họ và là những người thấy mình bị từ chối và loại trừ. Chúng ta phải đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là phụ nữ, người dân bản địa, và giới trẻ, là những người đang cố gắng để đảm bảo rằng các đề xuất của họ tìm được không gian và tiếng nói trong hiện tại để có thể tự tin hướng về tương lai. Thưa quý vị, tôi đoan chắc rằng những cuộc gặp gỡ, chẳng hạn như Đại hội này, nhằm đảm bảo rằng các hệ thống tư pháp vốn đề cao tính ưu việt của phẩm giá con người so với bất kỳ loại quyền lợi hoặc biện minh nào khác sẽ tiếp tục được củng cố trong thời đại chúng ta. Vì chính nghĩa cao cả này, Tòa Thánh - trung thành với lời của Đức Kitô: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính; Phúc thay ai xây dựng hòa bình” (Mt 5, 6.9) - sát cánh cùng tất cả những ai đấu tranh để củng cố pháp quyền, nhân quyền, và công bằng xã hội, hầu những nỗ lực của họ mở ra những lộ trình hy vọng mới hướng tới một tương lai của sự liên đới, công bằng và thanh bình hơn cho tất cả các quốc gia trên trái đất. Thành Vatican, ngày 28 tháng 11 năm 2023 PHANXICÔ Nt. Anna Ngọc Diệp, OPDòng Đa Minh Thánh TâmChuyển ngữ từ: vatican.va

Vì lý do sức khoẻ Đức Thánh Cha không đi Dubai tham dự COP28

    Trước đó, vào lúc 12 giờ trưa, Phòng Báo chí Toà Thánh đã công bố chương trình chi tiết chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Dubai. Theo đó, ngày 02/12, Đức Thánh Cha sẽ phát biểu trước các tham dự viên Hội nghị Thượng đỉnh COP28, và tham gia một loạt các cuộc gặp riêng song phương. Vào Chúa nhật 03/12/2023, ngài sẽ khánh thành “Gian hàng Đức Tin”, và sẽ có lời chào mừng nhân dịp này. Nhưng buổi chiều, ông Mateo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh đã cho biết: “Mặc dù tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha được cải thiện liên quan đến bệnh cúm và đường hô hấp, nhưng các bác sĩ vẫn yêu cầu ngài không thực hiện chuyến đi đến Dubai như dự kiến trong vài ngày tới nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu”. Và ông Bruni cho biết thêm rằng chấp nhận yêu cầu của các bác sĩ nhưng Đức Thánh Cha “rất lấy làm tiếc” vì phải huỷ bỏ chuyến đi. Ông Giám đốc khẳng định Đức Thánh Cha và Toà Thánh sẵn sàng tham gia vào các thảo luận diễn ra trong những ngày tới, cách thức để thực hiện điều này sẽ được xác định. Về những thay đổi lịch trình của Đức Thánh Cha: Để tạo điều kiện cho việc phục hồi sức khỏe của ngài, một số công việc quan trọng dự kiến trong những ngày này sẽ bị hoãn lại, nhưng những sinh hoạt bình thường vẫn được duy trì. Tuy nhiên, về tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha trong những ngày này, ngài không bị sốt hay có vấn đề gì đặc biệt về hô hấp. Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha tốt và ổn định, nhưng các bác sĩ khuyên tốt nhất là Đức Thánh Cha nên nghỉ ngơi và không nên thực hiện chuyến đi quốc tế thường đòi hỏi nhiều nỗ lực. Vatican News

Trước chuyến đi của Đức Thánh Cha tại Dubai nhân Hội nghị COP28

  Giuse Trần Đức Anh O.P. VaticanNews (26.11.2023) - Tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô dành tới 3 ngày, từ 1 đến 3/12/2023 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP28 tại Dubai, nhưng chỉ đọc 1 bài diễn văn, gặp gỡ một số nhân vật tại Hội nghị, và cùng khánh thành Ngôi Nhà của các Tín Ngưỡng tại Hội nghị này, mà không thăm cộng đoàn Công Giáo địa phương hay cử hành Thánh lễ hoặc buổi phụng vụ nào cho họ? Câu hỏi này chắc chắn được nêu lên sau khi Phòng báo chí Tòa Thánh công bố chương trình chuyến tông du sắp tới của Đức Thánh Cha ở Dubai, thuộc Liên minh các tiểu vương quốc Arập, Emirati, và đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng tham dự một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu trong gần 30 năm lịch sử của tổ chức này. Vài nét về Hội nghị thượng đỉnh COP28 Hội nghị, do Liên Hiệp Quốc triệu tập, sẽ diễn ra trong gần 2 tuần lễ, từ 30-11 đến 12/12 với sự tham dự của ít nhất 70 ngàn người, trong đó có các chuyên gia các nước, các nhà thương thuyết, các tác nhân xã hội và những người tranh đấu cho khí hậu. Nhiều vị nguyên thủ quốc gia cũng sẽ có mặt tại Hội nghị này, kể cả Vua Charles III của Anh quốc, Tổng thống Lula da Silva của Brazil, tiếng nói của miền Amazon, nhưng lãnh tụ hai nước bị coi là gây nhiều ô nhiễm nhất cho khí hậu là Mỹ và Trung Quốc sẽ không có mặt, chỉ có các phái viên của họ. Trong phần mở đầu của hội nghị COP28, Đức Thánh Cha sẽ cùng với các vị quốc trưởng và thủ tướng lên tiếng qua các diễn văn. Các vị thường dùng cơ hội này để lưu ý thế giới về những ưu tiên trong các cuộc thương thuyết sau đó hoặc thông báo những hành động mới hoặc những đầu tư để cắt giảm số lượng thán khí thải ra, tạo nên sự thay đổi khí hậu. Có nhiều phúc trình nói rằng các nước vẫn còn có thể ngăn chặn các ảnh hưởng tàn phá do sự thay đổi khí hậu khi nó vượt quá mức độ 1,5 độ C hâm nóng trái đất. Để được vậy cần có những hoạt động quan trọng trong thập niên này, trong đó có biện pháp không phát triển nhiên liệu phiến thạch và không làm gia tăng mức độ khí thải trên thế giới. Trái đất đã bị hâm nóng thêm từ 1,1 độ lên 1,2 độ tính từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay và dự kiến sẽ tăng lên mức độ trung bình 1,5 độ C trong thập niên 2030 sắp tới. Về phần Đức Thánh Cha, tại hội nghị, ngoài bài phát biểu dài khoảng 30 phút lúc 10 giờ sáng ngày 2/12, ngài sẽ dành thời gian sau đó và cả đầu buổi chiều 3/12 để gặp gỡ các nhân vật khác tại Hội nghị, có thể có cả các lãnh tụ công ty dầu mỏ và các nước sản xuất dầu, hay các quốc đảo và các nước dễ bị tổn thương về khí hậu. Ngoài ra, ngài cũng sẽ cùng khánh thành Ngôi Nhà các Tín Ngưỡng trong khu vực Hội nghị, trong đó có trình bày hơn 60 sự kiện được lên kế hoạch liên quan đến các hoạt động chống thay đổi khí hậu. Nghi ngờ Theo báo chí, Hội nghị COP28 đang phải đối đầu với sự giảm sút mong đợi của nhiều người và có vấn đề uy tín. Lý do vì quốc gia chủ nhà, Các tiểu vương quốc Ả Rập, đang có kế hoạch bành trướng việc sản xuất của các mỏ dầu ở sâu. Chủ tịch được chỉ định của COP28 là Hoàng thân Al-Jaber. Ông cũng là người đứng đầu công ty dầu khí của Abu Dhabi, mặc dù ông đã giúp thành lập Cơ quan quốc tế tái tạo Năng Lượng và đã tránh được những lời kêu gọi hoàn toàn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, như dầu hỏa, loại nhiên liệu mà việc đốt cháy để tạo năng lượng là nguyên nhân chính tạo nên sự biến đổi khí hậu. Hy vọng Tuy có những nghi ngờ thuộc loại như vậy, dựa trên kinh nghiệm, nhiều người vẫn hy vọng đóng góp của Đức Thánh Cha cho sự tiến bộ của Hội nghị COP28. Thực vậy, hồi năm 2015, Đức Thánh Cha đã quyết định công bố Thông điệp “Laudato si'” về sự bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại, trước hội nghị COP21 ở Paris, và văn kiện này đã tạo thêm một động lực mạnh mẽ cho hiệp định, qua đó các nước cam kết giảm số khí thải. Trước tình trạng đình trệ trong việc thực thi hiệp định Paris, nhiều tín hữu Công Giáo hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Dubai có thể là động lực thúc đẩy các cuộc đàm phán về khí hậu quay trở lại đúng hướng. - Ví dụ ông Alistar Dutton, người Scotland, Tổng thư ký Caritas quốc tế, gọi cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha là một thời điểm quan trọng sinh tử cho Giáo Hội đối với những người đang phải đương đầu với những hậu quả của sự thay đổi khí hậu và thúc đẩy các nước về trách nhiệm chung đối với hiệp định năm 2015 ở Paris, trong việc giảm bớt số khí thải hầu loại trừ tối đa ảnh hưởng tiêu cực của tệ nạn này trên dân chúng và hệ sinh thái (ecosystems). Sự hiện diện của ngài không phải chỉ là một cử chỉ tượng trưng, nhưng đó còn là một lời kêu gọi mạnh mẽ thúc đẩy hành động”. - Về phần nữ tu Maamalifa Poreky, Dòng Đức Mẹ Phi Châu, người Ghana, Đồng Tổng thư ký điều hành của Ủy ban Công lý, hòa bình và sự toàn vẹn của Công trình sáng tạo, thuộc Hiệp hội các nữ bề trên Tổng quyền, xác tín rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Hội nghị COP28 thật là rất có ý nghĩa đối với Giáo Hội. Chị nói: “Giáo Hội hiện diện không phải chỉ để cầu nguyện, nhưng còn để làm sao cho xã hội là một nơi có thể sinh sống được đối với mọi loài thụ tạo - con người và thiên nhiên”. - Còn Ông Bill McKibben, một văn sĩ từ lâu vẫn viết về các vấn đề môi trường và là sáng lập viên các nhóm hạ tầng về khí hậu tên là 350.org và Hành động thứ ba, nói rằng sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng tại COP28 là một dấu hiệu mạnh mẽ: “Cùng với cô Greta Thunberg người Thụy Điển và một số ít người khác, ngài trở thành lương tâm của trái đất trước cuộc khủng hoảng về khí hậu.” ĐHY Michael Czerny Vị có thế giá đặc biệt tại Tòa Thánh về vấn đề đang được bàn đến ở đây chính là ĐHY Michael Czerny, dòng Tên, Bộ trưởng Bộ Phát triển Con người toàn diện. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican hôm 23/11 vừa qua, ngài nói: “Sự hiện diện của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Thượng đỉnh COP28 ở Dubai về sự thay đổi khí hậu sẽ là một cử chỉ mạnh mẽ để kêu gọi các cường quốc trên thế giới đừng để lại cho người trẻ một trái đất bị hư hỏng... Việc chống lại những thay đổi khí hậu và những hậu quả của chúng trên con người và môi trường là những đề tài căn bản đối với Đức Thánh Cha. Mới đây ngài đã công bố Tông huấn “Laudate Deum”, nối tiếp thông điệp “Laudato sì”, được công bố năm 2015 trước đó về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại. ĐHY Czerny nhắc lại rằng Hội nghị COP28 ở Dubai, dưới nhiều khía cạnh, là một cơ hội rất quan trọng từ đó người ta hy vọng sẽ có những hiệp định có tính cách bắt buộc đối với mọi phe, về vấn đề các nguồn năng lượng. Những ưu tiên của Hội nghị này đã được Đức Thánh Cha bày tỏ trong Tông huấn “Laudate Deum” vừa nói. Có thể nói đây là chương trình hành động của Tòa Thánh, được công bố hai tháng trước Hội nghị ở Dubai, vì thế Tòa Thánh đã trình bày một cách thế giá về lập trường của mình. Nhưng người ta cũng có thể nói thêm rằng mục tiêu chính của Hội nghị ở Dubai sắp tới là áp dụng hiệp định ở Paris năm 2015, tức là thi hành tất cả những gì các nước đã thỏa thuận để loại bỏ hiện tượng hâm nóng trái đất. Theo ĐHY Czerny, để thuyết phục các cường quốc trên thế giới, ý niệm chính cần để ý là ý niệm công ích, nó phải thúc đẩy tất cả mọi người làm hết sức để đạt tới một hiệp định. Ngoài ra, trong Tông huấn “Laudate Deum”, Đức Thánh Cha ngỏ lời trực tiếp với những người hùng mạnh của thế giới, mời gọi họ hãy nghĩ đến các con cháu, và hãy trả lời: làm sao quý vị có thể để lại cho con cháu một trái đất đã bị hư hỏng rồi? Nói tóm lại, sự hiện diện của Đức Thánh Cha tại Dubai là để nhấn mạnh, làm nổi bật điều ngài đã nói và giải thích trong Tông Huấn Laudate Deum. Sau cùng ĐHY Czerny hy vọng gia định nhân loại, nhất là các nước mạnh, biết trang bị những phương thế chính trị quốc tế thích hợp để đương đầu với các vấn đề chung, là những vấn đề do con người gây ra. Đó là một thách đố rất rõ ràng: “chúng ta phải đương đầu và giải quyết các vấn đề do chính chúng ta gây ra”  ĐHY Quốc vụ khanh Parolin Như để bổ túc cho nhận định của ĐHY Czerny về sự dấn thân của Đức Thánh Cha trong một vấn đề thuộc lãnh vực đời và giải thích tại sao ngài không cử hành lễ nghi tôn giáo nào trong cuộc viếng thăm tại Dubai, ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nói rằng sự thay đổi khí hậu là một vấn đề đời, thuộc lãnh vực trách nhiệm của các nhà chính trị, cũng như các nhà khoa học cùng những người khác. Nhưng sở dĩ có sự dấn thân của các vị lãnh đạo tôn giáo trong lãnh vực này vì ở đây cũng có một chiều kích luân lý đạo đức, điều mà Tòa Thánh rất nhấn mạnh. ĐHY Quốc vụ khanh nói thêm rằng Đức Thánh Cha rất quan tâm đến vấn đề thay đổi khí hậu, bằng cớ là hai văn kiện của ngài: Thông điệp “Laudato si'” và Tông Huấn “Laudate Deum”... Tuy nhiên, sự chú tâm của Công Giáo quy đặc biệt vào hai vấn đề: trước tiên là lối sống, không phải chỉ đầu tư nhiều tiền hơn vào vấn đề này, nhưng còn phải thay đổi lối sống của chúng ta để khỏi làm thương tổn thiên nhiên, chúng ta chỉ là những người quản lý có trách nhiệm. Nghĩa vụ này Thiên Chúa đã ủy thác cho nhân loại khi tạo dựng nên con người. Điểm thứ hai là vấn đề giáo dục các thế hệ trẻ để họ sử dụng các tài nguyên thế giới này một cách khác. Đó là một sự dấn thân hoàn vũ của Tòa Thánh khi ký hiệp định Paris, và quyết tâm này cũng được thực thi qua những biện pháp cụ thể ở Quốc gia thành Vatican.   Nguồn: vaticannews.va/vi

Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2023 – “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng” (Rm 12, 12)

WHĐ (15.11.2023) – Hôm 14.11, phòng báo chí Toà thánh đã công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 38 với chủ đề: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng” (Rm 12, 12). Năm nay, ngày Giới trẻ Thế giới sẽ được cử hành theo cấp giáo phận vào Chúa nhật ngày 26.11.2023, lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ. Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:  SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHACHO NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚILần thứ 38, ngày 26.11.2023 “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng” (Rm 12,12) Các bạn trẻ thân mến, Tháng 8 vừa qua, cha đã gặp gỡ hàng trăm ngàn người trẻ cùng độ tuổi với các con từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về Lisbon để tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới. Trong thời kỳ đại dịch, giữa rất nhiều điều bất ổn, chúng ta hy vọng rằng khoảnh khắc gặp gỡ tuyệt vời này với Đức Kitô và với những người trẻ khác có thể diễn ra. Niềm hy vọng này đã thành hiện thực, và đối với nhiều người hiện diện – trong đó có cả cha - sự kiện đó đã vượt quá sự mong đợi. Cuộc gặp gỡ của chúng ta ở Lisbon thật tuyệt vời, một trải nghiệm đích thực về sự đổi mới, và một sự bùng nổ của ánh sáng và niềm vui! Vào cuối Thánh lễ bế mạc tại “Cánh đồng ân sủng”, cha đã nói về chặng tiếp theo của cuộc hành hương xuyên lục địa của chúng ta: Seoul, Hàn Quốc, vào năm 2027. Nhưng, trước đó, cha mời các con đến Rôma vào năm 2025 để mừng Năm Thánh Giới Trẻ, nơi các con cũng sẽ là “Những người hành hương của Hy vọng”. Là người trẻ, các con thực sự là niềm hy vọng hân hoan của một Giáo hội và của một nhân loại luôn chuyển động. Cha muốn nắm tay các con và cùng các con bước đi trên lộ trình hy vọng. Cha muốn nói với các con về vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của chúng ta, cũng như của tất cả anh chị em trong gia đình nhân loại (x. Hiến chế Gaudium et Spes, 1). Trong hai năm chuẩn bị cho Năm Thánh này, trước hết chúng ta sẽ suy niệm lời của Thánh Phaolô, “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng” (Rm 12, 12), và sau đó chúng ta sẽ đào sâu lời của ngôn sứ Isaia, “những người cậy trông Ðức Chúa thì chạy hoài mà không mỏi mệt” (Is 40, 31). Niềm vui này đến từ đâu? “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng” là lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô dành cho cộng đoàn tín hữu Rôma, một cộng đoàn đang trong thời kỳ bị bách hại khắc nghiệt. Thật vậy, “Vui mừng vì có niềm hy vọng” được Thánh Tông đồ rao giảng xuất phát từ mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô, và từ quyền năng phục sinh của Người. Niềm vui này không phải là thành quả của những nỗ lực, kế hoạch, hoặc kỹ năng của con người, mà là năng lượng phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Niềm vui của Kitô hữu đến từ chính Thiên Chúa, từ việc biết rằng chúng ta được Ngài yêu thương. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, khi suy tư về trải nghiệm của ngài tại Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2011 ở Madrid, đã nêu lên câu hỏi: “Niềm vui đến từ đâu? Niềm vui được giải thích như thế nào? Chắc chắn có nhiều yếu tố phối hợp với nhau. Nhưng điều cốt yếu là sự chắc chắn đến từ niềm tin: Tôi được mong muốn. Tôi có một vai trò trong lịch sử. Tôi được đón nhận, tôi được yêu thương”. Đức Bênêđictô giải thích rõ: “Cuối cùng, chúng ta cần có cảm thức mình được đón nhận vô điều kiện. Chỉ khi Thiên Chúa đón nhận tôi và tôi xác tín về điều đó thì tôi mới biết chắc chắn rằng: thật tốt đẹp khi tôi hiện hữu… Thật tốt đẹp khi tồn tại như một con người, ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Đức tin mang lại cho con người hạnh phúc từ sâu thẳm tâm hồn” (Diễn văn trước Giáo triều Rôma, ngày 22.12.2011). Niềm hy vọng của tôi ở đâu? Tuổi trẻ là giai đoạn tràn đầy hy vọng và ước mơ, được thúc đẩy bởi những thực tế tươi đẹp làm phong phú cuộc sống của chúng ta: sự huy hoàng của công trình sáng tạo của Thiên Chúa, mối tương quan của chúng ta với những người thân yêu và bạn bè, những trải nghiệm của chúng ta về nghệ thuật và văn hóa, khoa học và công nghệ, những nỗ lực của chúng ta để hoạt động vì hòa bình, công lý và tình huynh đệ, và rất nhiều điều khác nữa. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một thời đại mà đối với nhiều người, kể cả những người trẻ, niềm hy vọng dường như không còn nữa. Thật không may, nhiều người cùng độ tuổi với các con đang chịu cảnh chiến tranh, xung đột bạo lực, bắt hại và nhiều hình thức khó khăn khác, đang bị bao vây bởi sự tuyệt vọng, sợ hãi và trầm cảm. Họ có cảm giác như đang ở trong một nhà tù tối tăm, nơi ánh sáng mặt trời không thể lọt vào. Tỷ lệ tự tử cao trong giới trẻ ở một số quốc gia là bằng chứng rõ ràng cho điều này. Trong những bối cảnh như vậy, làm sao chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm vui và hy vọng mà Thánh Phaolô nói đến? Trái lại, có nguy cơ là chúng ta sẽ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, khi nghĩ rằng làm điều tốt là vô ích, bởi vì nó sẽ chẳng được ai đánh giá cao hoặc thừa nhận. Chúng ta có thể tự nhủ giống như ông Gióp: “Vậy thì hy vọng của tôi ở chỗ nào, hạnh phúc của tôi, ai là người nhìn thấy?” (G 17,15). Khi nghĩ đến những bi kịch của nhân loại, đặc biệt là nỗi đau khổ của những người vô tội, chúng ta cũng có thể lặp lại một số Thánh Vịnh và hỏi Chúa: “Tại sao?” Nhưng đồng thời chúng ta cũng có thể là một phần trong câu trả lời của Thiên Chúa về vấn đề. Được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh và giống Ngài, chúng ta có thể trở thành dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, mang lại niềm vui và hy vọng ngay cả trong những hoàn cảnh dường như vô vọng. Cha nghĩ đến cuốn phim “Cuộc sống tươi đẹp” (Life is Beautiful), trong đó một người cha trẻ, với sự tinh tế và sáng tạo tuyệt vời, đã biến thực tế khắc nghiệt thành một loại phiêu lưu và trò chơi. Ông giúp cậu con trai nhỏ của mình nhìn mọi thứ bằng “đôi mắt hy vọng”, bảo vệ cậu khỏi nỗi kinh hoàng của trại tập trung, gìn giữ sự ngây thơ của cậu, và ngăn chặn sự độc ác của con người đánh cắp tương lai của cậu. Những câu chuyện như thế không chỉ là hư cấu! Chúng ta thấy những điều tương tự diễn ra trong cuộc đời của rất nhiều vị thánh, vốn là những chứng nhân của niềm hy vọng ngay cả giữa sự gian ác tàn khốc nhất của con người. Chúng ta hãy nghĩ đến Thánh Maximilian Mary Kolbe, Thánh Josephine Bakhita, Chân phước Józef và Wiktoria Ulma cùng 7 người con của họ. Khả năng khơi lên niềm hy vọng trong tâm hồn con người đã được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI mô tả một cách tuyệt vời: “Một Kitô hữu hoặc một nhóm Kitô hữu khi sống giữa cộng đoàn của mình… có thể chiếu giãi một cách đơn giản và tự phát niềm tin của họ vào các giá trị lâu bền, và niềm hy vọng của họ vào một điều gì đó không thể nhìn thấy và thậm chí không dám mơ ước” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 21). Hy vọng, một nhân đức “bé nhỏ” Thi sĩ người Pháp Charles Péguy, ở phần đầu bài thơ về niềm hy vọng, đã nói về ba nhân đức Đối thần – Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến – như ba chị em cùng bước đi bên nhau: “Cô bé út Đức Cậy đi bên cạnh hai người chị của mình, hầu như không được ai chú ý …Nhưng chính cô bé Đức Cậy ấy, lại là người điều khiển mọi thứ.Bởi vì Đức Tin chỉ nhìn thấy những gì đang hiện hữu.Và Đức Mến chỉ yêu những gì đang hiện hữu.Nhưng Đức Cậy yêu mến những gì sẽ xảy ra. … Chính cô bé Đức Cậy là người giúp hai người chị tiếp tục bước đi;Cô bé là người dẫn dắt họ,và khiến tất cả cùng nhau bước đi”(Cánh cửa mầu nhiệm của nhân đức thứ hai). Cha cũng bị thuyết phục về tính khiêm tốn, nhỏ bé nhưng thiết yếu này của Đức Cậy, nhân đức về niềm hy vọng. Hãy thử nghĩ một chút. Làm sao chúng ta có thể sống mà không có hy vọng? Ngày tháng của chúng ta sẽ như thế nào? Hy vọng là muối cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hy vọng, ánh sáng chiếu rọi trong màn đêm Theo truyền thống Kitô giáo trong Tam Nhật Vượt Qua, Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày của hy vọng. Nằm giữa Thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh, Thứ Bảy Tuần Thánh giống như điểm trung gian giữa nỗi tuyệt vọng và niềm vui của các môn đệ vào buổi sáng Phục Sinh. Đó là nơi hy vọng phát sinh. Vào Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội thinh lặng tưởng niệm việc Đức Kitô xuống ngục tổ tông. Chúng ta thấy điều này được mô tả qua nhiều biểu tượng, cho thấy Đức Kitô, rạng ngời ánh sáng, đi xuống những vực sâu tăm tối nhất và xuyên qua chúng. Thiên Chúa không chỉ đơn thuần nhìn những trải nghiệm của chúng ta về cái chết với lòng trắc ẩn, hoặc chỉ gọi chúng ta từ xa; nhưng Ngài còn bước vào những trải nghiệm địa ngục của chúng ta như ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và chinh phục bóng tối (x. Ga 1, 5). Điều này được thể hiện một cách tuyệt vời qua một bài thơ bằng tiếng Xhosa của Nam Phi: “Ngay cả khi niềm hy vọng đã lịm tắt, thì qua bài thơ này, tôi đánh thức hy vọng. Niềm hy vọng của tôi được đánh thức vì niềm hy vọng của tôi ở nơi Chúa. Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ nên một! Hãy vững niềm hy vọng, vì kết quả tốt đẹp đang đến gần”. Nếu chúng ta nghĩ kỹ về điều đó, thì đây là niềm hy vọng của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã đứng vững dưới chân thập giá của Chúa Giêsu, tin chắc rằng “kết quả tốt đẹp” đang gần kề. Đức Maria là người nữ của niềm hy vọng, Mẹ của niềm hy vọng. Trên đồi Canvê, “trông cậy mặc dầu không còn gì để trông cậy” (x. Rm 4, 18), Mẹ không bao giờ dao động trong niềm xác tín về sự phục sinh mà Con Mẹ đã loan báo. Chính Mẹ là người lấp đầy sự thinh lặng của Thứ Bảy Tuần Thánh bằng sự chờ đợi yêu thương và tràn đầy hy vọng, đồng thời gợi lên nơi các môn đệ niềm xác tín rằng Chúa Giêsu sẽ đánh bại tử thần và sự ác sẽ không phải là tiếng nói cuối cùng. Niềm hy vọng Kitô giáo không phải là sự lạc quan dễ dãi, cũng không phải là liều thuốc an thần cho những người cả tin, nhưng đó là sự chắc chắn, bắt nguồn từ tình yêu và đức tin, rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta và Ngài luôn trung thành với lời hứa của Ngài: “Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng” (Tv 23, 4). Niềm hy vọng Kitô giáo không phải là sự phủ nhận đau khổ và cái chết; nhưng là sự tán dương tình yêu của Đức Kitô phục sinh, Đấng luôn ở bên chúng ta, ngay cả khi Người dường như ở rất xa chúng ta. “Chính Đức Kitô là ánh sáng hy vọng rạng rỡ cho chúng ta và soi đường chúng ta trong đêm tối, vì Người là “sao mai chiếu rạng’” (Tông huấn Christus Vivit, số 33). Nuôi dưỡng niềm hy vọng Sau khi được thắp lên trong chúng ta, đôi khi tia hy vọng có nguy cơ bị dập tắt bởi những lo lắng, sợ hãi và áp lực của cuộc sống thường nhật. Một tia lửa cần không khí để tiếp tục tỏa sáng, để phát triển thành ngọn lửa lớn của hy vọng. Chính làn gió nhẹ nhàng của Chúa Thánh Thần nuôi dưỡng niềm hy vọng và có một số cách thế để chúng ta hợp tác trong việc này. Niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện. Cầu nguyện duy trì và canh tân niềm hy vọng. Cầu nguyện giúp thắp lên ngọn lửa hy vọng. “Cầu nguyện là sức mạnh đầu tiên của niềm hy vọng. Bạn cầu nguyện, và niềm hy vọng lớn lên, tiến về phía trước” (Bài Giáo lý, ngày 20.05.2020). Cầu nguyện giống như leo lên đỉnh núi: Khi ở trên mặt đất, nhiều khi chúng ta không thể nhìn thấy mặt trời vì mặt trời có thể bị mây che khuất, nhưng một khi chúng ta trèo lên tới đỉnh núi, ánh sáng và sức nóng của mặt trời sẽ bao phủ chúng ta. Với trải nghiệm này, một lần nữa chúng ta nhận ra rằng mặt trời luôn có đó, ngay cả khi mọi thứ xung quanh chúng ta có vẻ tối tăm và ảm đạm. Các bạn trẻ thân mến, khi các con cảm thấy bị bao phủ bởi những đám mây của sợ hãi, hoài nghi, lo lắng và không còn nhìn thấy mặt trời nữa, hãy đi theo lộ trình cầu nguyện. Bởi vì “khi không còn ai lắng nghe tôi nữa, Thiên Chúa vẫn lắng nghe tôi” (Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, 32). Mỗi ngày chúng ta hãy dành chút thời gian để nghỉ ngơi trong Chúa, nhất là khi chúng ta cảm thấy bị lấn át trước những vấn đề của mình: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến” (Tv 62, 5). Niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng những lựa chọn hàng ngày của chúng ta. Lời mời gọi hãy vui mừng vì có niềm hy vọng của Thánh Phaolô (x. Rm 12, 12) đòi hỏi chúng ta phải có những lựa chọn cụ thể trong cuộc sống đời thường. Cha mời gọi tất cả các con hãy chọn một lối sống dựa trên niềm hy vọng. Cha xin đơn cử một ví dụ: Trên mạng xã hội, việc chia sẻ những điều tiêu cực có vẻ dễ dàng hơn những điều khơi dậy hy vọng. Vì thế, gợi ý cụ thể của cha là thế này: mỗi ngày, hãy cố gắng chia sẻ một lời hy vọng với người khác. Hãy trở thành người gieo mầm hy vọng vào cuộc sống của bạn bè và mọi người xung quanh các con. Thật vậy, “hy vọng thì khiêm tốn, và đó là một nhân đức cần được vun đắp từng ngày… Mỗi ngày chúng ta cần nhớ rằng chúng ta sở hữu những hoa quả đầu mùa của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong chúng ta qua những điều nhỏ bé” (Suy niệm buổi sáng, ngày 29.10.2019). Thắp lên ngọn đuốc hy vọng Đôi lúc, khi đi chơi vào buổi tối với bạn bè, các con bật đèn pin trên điện thoại thông minh của mình để chiếu sáng. Trong những buổi hòa nhạc lớn, hàng nghìn bạn trẻ di chuyển những ngọn đèn hiện đại này theo nhịp điệu của âm nhạc, tạo nên một khung cảnh rất ấn tượng. Vào ban đêm, ánh sáng cho phép chúng ta nhìn mọi thứ theo một cách thế mới, và ngay cả trong bóng tối, vẫn có một vẻ đẹp nào đó tỏa sáng. Điều tương tự cũng xảy ra với ánh sáng hy vọng, đó là Đức Kitô. Nhờ Người, qua sự phục sinh của Người, cuộc đời chúng ta được soi sáng. Với Người, chúng ta nhìn mọi sự dưới một ánh sáng mới. Như chúng ta được nghe kể rằng, khi ai đó đến gặp Thánh Gioan Phaolô II để nói chuyện với ngài về một vấn đề, câu hỏi đầu tiên của ngài là: “Bạn nhìn nhận điều này dưới ánh sáng đức tin như thế nào?” Khi được nhìn dưới ánh sáng của niềm hy vọng, mọi việc được nhìn nhận dưới một góc nhìn khác. Do đó, cha khuyến khích các con hãy bắt đầu nhìn mọi thứ theo cách này. Nhờ hồng ân hy vọng của Thiên Chúa, người Kitô hữu thấy mình tràn ngập một niềm vui khác, đến từ trong tâm hồn. Những thử thách và khó khăn vẫn luôn có đó, nhưng nếu chúng ta có một niềm hy vọng “tràn đầy đức tin”, chúng ta có thể đương đầu với những thử thách và khó khăn khi biết rằng chúng không có tiếng nói cuối cùng. Và chính chúng ta có thể trở thành ngọn đuốc nhỏ của niềm hy vọng cho người khác. Mỗi người trong các con đều có thể là một ngọn đuốc như vậy, đến độ đức tin của các con trở nên cụ thể, gắn liền với thực tại, và nhạy cảm với nhu cầu của anh chị em mình. Chúng ta hãy nghĩ đến các môn đệ của Chúa Giêsu, một ngày nọ, trên một ngọn núi cao, họ đã chứng kiến Người biến hình trong ánh sáng vinh quang. Nếu các ông ở lại trên núi, thì đó sẽ vẫn là một trải nghiệm đẹp đẽ đối với họ, nhưng những người khác sẽ không được chia sẻ vẻ đẹp rực rỡ này. Các môn đệ cần phải xuống núi. Chúng ta cũng vậy, chúng ta không được chạy trốn thế gian, nhưng hãy yêu mến thời đại mà Thiên Chúa đã đặt để chúng ta vào, và không phải là không có lý do. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc khi chia sẻ ân sủng chúng ta đã lãnh nhận với anh chị em mà Chúa ban tặng chúng ta mỗi ngày. Các con, những người trẻ thân mến, các con đừng ngại chia sẻ niềm hy vọng và niềm vui của Đức Kitô phục sinh với người khác! Hãy nuôi dưỡng tia lửa đã được nhen nhóm trong các con, nhưng đồng thời hãy chia sẻ nó. Các con sẽ nhận ra rằng ngọn lửa bùng sáng bằng cách cho đi! Chúng ta không thể giữ niềm hy vọng Kitô giáo cho riêng mình, như một cảm giác ấm áp, bởi vì niềm hy vọng ấy dành cho tất cả mọi người. Hãy gần gũi cách cụ thể với bạn bè của các con, những người mà bề ngoài có thể mỉm cười nhưng bên trong đang khóc vì thiếu hy vọng. Đừng để mình bị tiêm nhiễm bởi sự thờ ơ và chủ nghĩa cá nhân. Hãy luôn rộng mở, như những con kênh qua đó niềm hy vọng của Chúa Giêsu có thể tuôn chảy và lan tràn trong môi trường các con đang sống. “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này!” (Tông huấn Christus Vivit, 1). Cha đã viết cho các con những lời này gần 5 năm trước, sau Thượng Hội đồng về Giới trẻ. Cha khuyến khích tất cả các con, đặc biệt là những người tham gia mục vụ giới trẻ, hãy đọc lại Tài liệu cuối cùng của năm 2018 và Tông huấn Christus Vivit. Đã đến lúc cùng nhau cân nhắc tình hình và hợp tác với niềm hy vọng hướng tới việc thực hiện đầy đủ Thượng Hội đồng đáng nhớ này. Chúng ta hãy phó thác trọn cuộc đời mình cho Đức Maria, Mẹ của Niềm Hy vọng. Mẹ dạy chúng ta cách mang Chúa Giêsu, là niềm vui và niềm hy vọng của chúng ta, vào trong tâm hồn mình và trao tặng Chúa Giêsu cho người khác. Các bạn trẻ thân mến, cha chúc các con tận hưởng từng bước của cuộc hành trình mà các con đang thực hiện! Cha chúc lành cho các con và đồng hành với các con trong lời cầu nguyện. Và xin các con hãy cầu nguyện cho cha. Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày mồng 09.11.2023, Lễ Cung hiến Vương cung Thánh đường Latêranô. PHANXICÔ   Nt. Anna Ngọc Diệp, OPDòng Đa Minh Thánh TâmChuyển ngữ từ: vatican.va (14.11.2023)

Diễn văn của Đức Thánh Cha dành cho Hội nghị về chiều kích cộng đoàn của sự thánh thiện

WHĐ (17.11.2023) - Từ ngày 13 – 16. 11 vừa qua, Bộ Phong Thánh đã tổ chức một Hội nghị chuyên đề quốc tế về “Chiều kích cộng đoàn của sự thánh thiện” tại Học viện Giáo hoàng Augustinianum. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã dành cho các tham dự viên Hội nghị buổi tiếp kiến riêng vào sáng ngày 16.11.2023. Sau đây là nội dung Bài diễn văn của Đức Thánh Cha: DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔDÀNH CHO CÁC THAM DỰ VIÊNHỘI NGHỊ VỀ CHIỀU KÍCH CỘNG ĐOÀN CỦA SỰ THÁNH THIỆN Hội trường ClementineThứ Năm, ngày 16 tháng 11 năm 2023 Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em! Tôi hân hoan chào mừng anh chị em khi kết thúc Hội nghị chuyên đề về Chiều kích cộng đoàn của sự thánh thiện, do Bộ Phong Thánh tổ chức. Tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y Marcello Semeraro, quý Bề trên, quý Viên chức, quý Thỉnh viên, và cộng tác viên, Đức Tổng Giám mục Paglia và toàn thể anh chị em, đến từ khắp nơi để tham gia vào công trình của những ngày này. Anh chị em đã tặng tôi cuốn bình giải về Tông huấn Gaudete et exsultate, do Bộ xuất bản nhân kỷ niệm 10 năm triều đại giáo hoàng của tôi. Tôi chân thành cảm ơn anh chị em! Tôi hy vọng rằng những suy tư trong tập sách này sẽ giúp nhiều người hiểu rõ hơn về lời mời gọi nên thánh phổ quát. Chủ đề về lời mời gọi nên thánh phổ quát, và trong đó, chiều kích cộng đoàn của sự thánh thiện được Công đồng Vatican II đề cao và đề cập đến, đặc biệt là trong Hiến chế Lumen gentium (x. Chương V). Từ nhãn quan này, không phải ngẫu nhiên mà trong những năm gần đây, số lượng việc phong chân phước và phong thánh cho những người nam nữ thuộc các bậc sống khác nhau gia tăng đáng kể: những người kết hôn, độc thân, linh mục, những người thánh hiến, và giáo dân thuộc mọi lứa tuổi, nguồn gốc và văn hóa, ngay cả các gia đình – hãy nghĩ đến gia đình tử đạo người Ba Lan – Đặc biệt, trong Tông huấn Gaudete et exsultate, tôi muốn lưu ý đến việc tất cả anh chị em này đều thuộc về “dân thánh trung thành của Thiên Chúa” (số 6); cũng như sự gần gũi của họ với chúng ta, như là những vị thánh “ngay bên cạnh” (số 7), những thành viên trong cộng đoàn của chúng ta, những người sống đức ái cao cả trong những điều nhỏ nhặt của cuộc sống hằng ngày, cho dù với những giới hạn và khuyết điểm của mình đã theo Chúa Giêsu cho đến cùng. Vì vậy, bây giờ tôi muốn cùng anh chị em suy tư về chính chủ đề này, qua việc nêu bật 3 khía cạnh: sự thánh thiện hiệp nhất, sự thánh thiện gia đình, và sự thánh thiện tử đạo. Thứ nhất, sự thánh thiện hiệp nhất. Chúng ta biết rằng ơn gọi mà tất cả chúng ta được kêu gọi thực hiện trước hết trong đức ái (x. Lumen gentium, 40), là hồng ân của Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5), vốn hiệp nhất chúng ta trong Đức Kitô và với anh chị em mình: do đó, đây là một biến cố không chỉ đơn thuần mang tính cá nhân mà còn mang tính cộng đoàn. Khi Thiên Chúa kêu gọi cá nhân, điều đó luôn mang lại thiện ích cho mọi người, như trường hợp của Ápraham và Môsê, Phêrô và Phaolô. Thiên Chúa gọi cá nhân cho một sứ mạng. Và hơn nữa, giống như Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành, gọi tên từng con chiên của mình (x. Ga 10,3) và tìm kiếm con chiên lạc để đem nó về đàn (x. Lc 15,4-7), vì thế, việc đáp lại tình yêu của Thiên Chúa chỉ có thể diễn ra trong sự năng động của tham gia và chuyển cầu. Tin Mừng cho chúng ta thấy điều này, chẳng hạn như Mátthêu, người mà ngay khi được Chúa Giêsu gọi, đã mời bạn bè của mình đến gặp Đấng Thiên Sai (x. Mt 9, 9-13) hoặc như Phaolô, người sau khi gặp Đấng Phục Sinh, đã trở thành vị Tông đồ dân ngoại. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu có chiều kích cộng đoàn. Thực tại này được Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu diễn tả một cách hết sức sinh động, vị thánh mà tôi đã ban hành Tông huấn C'est la confiance nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ngài. Trong các bài viết của mình, với hình ảnh được gợi hứng từ Kinh Thánh, thánh nữ chiêm ngưỡng toàn thể nhân loại như “khu vườn của Chúa Giêsu”, nơi tình yêu ôm lấy tất cả những bông hoa của mình theo cách thế vừa bao quát vừa độc quyền (x. Manuscript A, 2rv), và đòi hỏi được đốt cháy đến mức bừng cháy bởi ngọn lửa tình yêu ấy, để đến lượt mình, dẫn dắt tất cả anh chị em mình đến với ngọn lửa đó (x. Manuscript C, 34r-36v). Đây là loan báo Tin Mừng “bằng sức thu hút” (Tông huấn Evangelii gaudium, 14), là chứng tá và đồng thời là hoa trái của trải nghiệm thần bí cao nhất về tình yêu cá vị, và về “'mầu nhiệm' của việc chung sống" (Tông Hiến Veritatis gaudium, 4a). Trong đó, hai cách thế hiện diện của Chúa thâm nhập vào nhau, cả trong nội tâm của mỗi cá nhân (x. Ga 14,23), lẫn ở giữa những người quy tụ nhân danh Ngài (x. Mt 18,20); trong “lâu đài của nội tâm” và trong “lâu đài của cộng đoàn”, sử dụng một hình ảnh thân thương của Thánh Têrêsa Avila (x. Lâu đài Nội tâm). Sự thánh thiện hiệp nhất, và nhờ đức ái của Các Thánh, chúng ta có thể biết được mầu nhiệm Thiên Chúa là Đấng “hiệp nhất […] với mọi người” (x. Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22) và ôm lấy toàn thể nhân loại trong lòng thương xót của Ngài, để tất cả có thể nên một (x. Ga 17,22). Thế giới của chúng ta cần tìm được sự hiệp nhất và bình an trong vòng tay này biết bao! Chúng ta chuyển sang điểm thứ hai: sự thánh thiện gia đình. Sự thánh thiện này tỏa sáng rực rỡ nơi Thánh Gia Nazareth (x. Tông huấn Gaudete et exsultate, 143). Tuy nhiên, Giáo hội ngày nay cống hiến cho chúng ta nhiều mẫu gương khác: “Có nhiều cặp vợ chồng thánh thiện, trong đó mỗi người là một phương tiện mà Đức Kitô dùng để thánh hóa người kia” (sđd. 141). Chúng ta hãy nghĩ đến Thánh Louis và Zelia Martin; Chân phước Louis và Maria Beltrame Quattrocchi; Các Đấng đáng kính Tancredi và Julia Barolo; Các Đấng đáng kính Sergio và Domenica Bernardini. Sự thánh thiện của vợ chồng, cũng như sự thánh thiện cụ thể của hai người riêng biệt, cũng là sự thánh thiện chung trong hôn nhân: do đó, sự thánh thiện được nhân lên - chứ không phải chỉ được cộng thêm - hồng ân cá nhân của mỗi người được thông truyền. Và một tấm gương sáng về điều này, như tôi đã đề cập lúc đầu, gần đây đã được đưa ra cho chúng ta trong lễ phong chân phước cho cặp vợ chồng Jozef và Wiktoria Ulma cùng 7 người con của họ: tất cả đều tử đạo. Các ngài cũng nhắc nhở chúng ta rằng: “Nên thánh là một hành trình trong cộng đoàn, sát cánh với những người khác” (sđd.), chứ không phải một mình. Luôn luôn được thực hiện với cộng đoàn. Và bây giờ chúng ta đi đến điểm cuối cùng: sự thánh thiện tử đạo. Đây là một mô hình mạnh mẽ mà chúng ta có nhiều mẫu gương trong suốt lịch sử của Giáo hội, từ các cộng đoàn sơ khai cho đến thời hiện đại, qua nhiều thế kỷ và tại nhiều nơi trên thế giới. Cho đến nay, không có thời kỳ nào mà không có các vị tử đạo, Và chúng ta cho rằng những vị tử đạo này là một điều gì đó không tồn tại… nhưng hãy nghĩ đến một trường hợp của đời sống Kitô hữu sống trong sự tử đạo liên tục: trường hợp của Asia Bibi, người đã bị bỏ tù nhiều năm, và con gái của bà đã mang Mình Thánh đến cho bà… Và nhiều năm trôi qua cho đến khi các thẩm phán tuyên bố bà vô tội. Gần 9 năm làm chứng tá Kitô! Asia Bibi là một người phụ nữ vẫn tiếp tục sống, và có rất nhiều người giống như bà, làm chứng cho đức tin và đức ái. Và chúng ta đừng quên thời đại của chúng ta là một thời đại có nhiều vị tử đạo! Đôi khi họ là “toàn bộ cộng đoàn đã sống Tin Mừng một cách anh hùng hoặc đã dâng hiến cho Thiên Chúa mạng sống của tất cả các thành viên” (sđd.). Và vấn đề còn mở rộng hơn nữa nếu chúng ta suy xét chiều kích đại kết của cuộc tử đạo của họ, gợi nhớ tới những người thuộc mọi hệ phái Kitô (x. ivi., 9). Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ đến nhóm 21 vị tử đạo Coptic mới được đưa vào Sổ các thánh Tử đạo Rôma. Các ngài chết khi đang kêu tên “Giêsu”, “Giêsu”, “Giêsu” trên bãi biển…. Anh chị em thân mến, sự thánh thiện mang lại sức sống cho cộng đoàn, và với công việc của mình, anh chị em giúp chúng tôi hiểu và tôn vinh thực tại cũng như động lực của cộng đoàn ngày càng hữu hiệu hơn, theo nhiều lộ trình khác nhau mà anh chị em đánh giá và đề xuất cho chúng tôi tôn kính; tuy khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới cùng một mục tiêu: tình yêu trọn vẹn. Đây là lộ trình dẫn tới thánh thiện. Tôi cảm ơn anh chị em rất nhiều vì điều này, và tôi khuyến khích anh chị em hân hoan tiếp tục sứ mạng cao đẹp của mình, vì lợi ích của các cá nhân và sự phát triển của cộng đoàn. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn! Nt. Anna Ngọc Diệp, OPDòng Đa Minh Thánh TâmChuyển ngữ từ: vatican.va (16.11.2023)

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi tham dự viên “Diễn đàn Hòa bình Paris 2023” lần thứ VI

    WHĐ (12.11.2023) – Hôm mồng 10.11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một Sứ điệp đến các tham dự viên “Diễn đàn Hòa bình Paris 2023” lần thứ VI, được tổ chức tại Palais Brongniart, Pháp quốc, từ ngày 10 - 11.11.2023. Quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và dân sự, Diễn đàn thảo luận về chủ đề “Tìm kiếm điểm chung trong một thế giới đầy cạnh tranh”. Sứ điệp được ký bởi Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Toà Thánh, và được Đức Tổng Giám mục Celestino Migliore tuyên đọc vào sáng hôm khai mạc Diễn đàn. Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:   Đức Tổng Giám mục Celestino Migliore, Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp, tuyên đọc Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô tại lễ khai mạc Diễn đàn Hòa bình Paris ngày 10.11.2023. (Hình: CNS) SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA,ĐƯỢC KÝ BỞI ĐỨC HỒNG Y PIETRO PAROLIN,GỬI CÁC THAM DỰ VIÊN “DIỄN ĐÀN HÒA BÌNH PARIS 2023” LẦN THỨ VI Nhân dịp Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ VI, Đức Thánh Cha Phanxicô vui mừng tham gia cùng quý vị qua sứ điệp khích lệ này, với hy vọng rằng cuộc gặp gỡ này – nhằm tăng cường đối thoại giữa tất cả các Châu lục để thúc đẩy hợp tác và đối thoại quốc tế – có thể góp phần xây dựng một thế giới công bằng, đoàn kết, và hòa bình hơn. Năm nay, Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh toàn cầu vô cùng đau thương. Khi chúng ta bất lực chứng kiến sự gia tăng của các cuộc xung đột vũ trang kéo theo hàng loạt đau khổ, bất công và thiệt hại – đôi khi không thể khắc phục được – tới ngôi nhà chung của chúng ta, Đức Thánh Cha ước mong Diễn đàn này sẽ là một dấu chỉ của hy vọng. Ngài hy vọng rằng những cam kết được đưa ra sẽ thúc đẩy cuộc đối thoại chân thành, dựa trên việc lắng nghe tiếng kêu cứu của mọi người đau khổ vì khủng bố, bạo lực, và chiến tranh lan rộng, tất cả những tai họa chỉ mang lại lợi ích cho một số nhóm nhất định bằng việc nuôi dưỡng những lợi ích cụ thể, đáng tiếc là thường được ngụy trang bởi những ý định cao cả. Xây dựng hòa bình là một tiến trình chậm rãi, kiên nhẫn, đòi hỏi lòng can đảm và sự dấn thân cụ thể của tất cả những người có thiện chí, những người quan tâm đến hiện tại và tương lai của nhân loại và hành tinh. Hòa bình lâu dài được xây dựng từng ngày thông qua việc nhìn nhận, tôn trọng và thăng tiến phẩm giá và các quyền cơ bản của con người, trong đó Tòa Thánh đặc biệt công nhận quyền hòa bình của con người, vốn là điều kiện để thực thi các quyền con người khác. Trong năm đánh dấu kỷ niệm 75 năm thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, chúng ta phải thừa nhận rằng, đối với hàng triệu người trên khắp các Châu lục, khoảng cách dai dẳng giữa những cam kết long trọng được đưa ra vào ngày mồng 10.12.1948 và thực tế vẫn chưa được lấp đầy, và trong một số trường hợp là hết sức cấp bách. Có bao nhiêu người, kể cả trẻ em, bị tước đoạt quyền căn bản và cơ bản là được sống cũng như được toàn vẹn về thể chất và tinh thần, do sự thù địch giữa các nhóm khác nhau hoặc giữa các quốc gia khác nhau? Có bao nhiêu người vì xung đột mà bị tước đoạt những quyền cơ bản nhất, chẳng hạn như quyền có nước uống và thực phẩm lành mạnh, cũng như quyền tự do tôn giáo, quyền về sức khỏe, quyền có nhà ở tươm tất, quyền được giáo dục có chất lượng và quyền có công việc xứng đáng? Có bao nhiêu trẻ em bị buộc phải tham gia, trực tiếp hoặc gián tiếp, vào cuộc chiến và phải chịu những vết sẹo về thể xác, tâm lý, và tinh thần trong suốt quãng đời còn lại? Trong khi tái khẳng định quyền tự vệ bất khả xâm phạm cũng như trách nhiệm bảo vệ những người đang bị đe dọa tính mạng, chúng ta phải thừa nhận rằng chiến tranh luôn là một “thất bại của nhân loại” (Tiếp kiến chung, ngày 23.03.2022). Không có cuộc chiến tranh nào đáng giá so với những giọt nước mắt của người mẹ khi chứng kiến con mình bị thương tổn hoặc bị chết; không có cuộc chiến tranh nào đáng giá so với sinh mạng dù chỉ là của một người, vốn là thụ tạo thánh thiêng được tạo dựng theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa; không có cuộc chiến tranh nào đáng giá so với sự đầu độc ngôi nhà chung của chúng ta; và không có cuộc chiến tranh nào đáng giá so với việc nhiều người đột ngột bị buộc phải rời bỏ quê hương, bị tước mất mái ấm và cả gia đình, bạn hữu, cũng như những mối tương quan văn hóa, xã hội mà họ xây dựng được, đôi khi qua nhiều thế hệ. Hòa bình không được xây dựng bằng vũ khí, nhưng bằng sự kiên nhẫn lắng nghe, đối thoại và hợp tác, vốn vẫn là phương tiện duy nhất xứng đáng để con người giải quyết những khác biệt. Đức Thánh Cha mong muốn nhắc lại lời kêu gọi không ngừng của Tòa Thánh về việc im lặng vũ khí, suy xét lại việc sản xuất và buôn bán những công cụ chết chóc và hủy diệt này, đồng thời kiên quyết theo đuổi lộ trình giải trừ quân bị dần dần nhưng hoàn toàn, để cuối cùng những lý do cho hòa bình có thể được nghe rõ ràng! Khi cảm ơn sự quan tâm của quý vị, Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng rằng những cuộc thảo luận của quý vị sẽ phong phú và hiệu quả, đồng thời giúp quý vị lắng nghe và gặp gỡ nhau trong sự phong phú của sự đa dạng của mình, nhằm phát triển nền văn hóa hòa bình và mang lại những hoa trái cụ thể của tình huynh đệ. Hồng Y Pietro ParolinQuốc Vụ khanh Toà Thánh Nt. Anna Ngọc Diệp, OPDòng Đa Minh Thánh TâmChuyển ngữ từ: vatican.va (10.11.2023)    

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 ở Dubai

  Với Chuyến Viếng Thăm Này, Ngài Khép Lại Chu Kỳ Các Chuyến Tông Du Quốc Tế Vào Năm 2023 Ảnh: Vatican Media Đây là chương trình nghị sự cuối năm của Đức Thánh Cha tại Dubai   Chia sẻ (ZENIT News / Vatican City, 09/11/2023).- Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Dubai từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 12, qua đó khép lại chu kỳ du hành quốc tế của ngài trong năm 2023. Lý do chính cho chuyến đi của ngài tới một trong bảy tiểu vương quốc đó tạo nên Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ rời Rôma lúc 11 giờ 30 thứ Sáu ngày 1 tháng 12 và sẽ đến nơi vào khoảng 8 giờ 25 tối. Ngày hôm sau, Thứ Bảy, ngày 2 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ can thiệp lúc 10 giờ sáng với bài phát biểu tại COP28. Nửa giờ sau, ông sẽ tổ chức các cuộc gặp song phương riêng. Chiều cùng ngày, khoảng 15h30, sẽ tiếp tục diễn ra phiên họp riêng song phương vào buổi chiều. Chúa nhật ngày 3 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ khánh thành “Tòa nhà Đức tin” tại Expo City ở Dubai lúc 9 giờ sáng. Một lát sau, Đức Giáo hoàng sẽ rời Dubai để trở về Rome, vào khoảng 10h45 sáng. Bố sẽ đến sân bay thủ đô nước Ý vào khoảng 2h40 chiều Chủ nhật, ngày 3 tháng 12. Người dịch:Fr. Dom Quỳnh Nguồn: https://es.zenit.org/2023/11/09/esta-es-la-agenda-del-papa-para-su-cierre-de-ano-en-dubai/  

Chia sẻ của Đức Thánh Cha trước khi Đại hội Thượng Hội đồng công bố Thư gửi dân Chúa

Khi các thừa tác viên quá tải trong việc phục vụ và đối xử tệ với dân Chúa, họ làm biến dạng bộ mặt của Giáo hội bằng những thái độ gia trưởng và độc tài. Thật đau lòng khi nhìn thấy “bảng giá” của các việc phục vụ bí tích ở một số văn phòng giáo xứ như trong siêu thị. Hoặc Giáo hội là dân trung thành của Thiên Chúa đang bước đi, thánh thiện và tội lỗi, hoặc cuối cùng Giáo hội trở thành một công ty cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau. /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin-top:0cm; mso-para-margin-right:0cm; mso-para-margin-bottom:8.0pt; mso-para-margin-left:0cm; line-height:107%; mso-pagination:widow-orphan; font-size:11.0pt; font-family:"Calibri",sans-serif; mso-ascii-font-family:Calibri; mso-ascii-theme-font:minor-latin; mso-hansi-font-family:Calibri; mso-hansi-theme-font:minor-latin; mso-bidi-font-family:"Times New Roman"; mso-bidi-theme-font:minor-bidi;} Vatican News (26.10.2023) Chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô Tôi thích nghĩ về Giáo hội như một Dân trung thành của Thiên Chúa, thánh thiện và tội lỗi, một dân tộc được kêu gọi và quy tụ bằng sức mạnh của các Mối Phúc Thật và của Tin Mừng Mátthêu chương 25. Chúa Giêsu, đối với Giáo hội của Người, đã không áp dụng bất kỳ kế hoạch chính trị nào trong thời của Người: không phải Pharisêu, cũng không phải Sađốc, cũng không phải Essenes, cũng không phải phái nhiệt thành. Không phải là “đoàn thể đóng”; nhưng chỉ đơn giản là tiếp nối truyền thống của Israel: “Các ngươi sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi”.Tôi thích nghĩ về Giáo hội như một dân tộc đơn sơ và khiêm nhường bước đi trước sự hiện diện của Chúa (Dân trung thành của Thiên Chúa). Đây là cảm thức tôn giáo về dân trung thành. Và tôi nói dân trung thành để tránh rơi vào nhiều cách tiếp cận và hệ tư tưởng làm giảm đi thực tế của Dân Chúa. Cách đơn sơ là dân trung thành, hay cũng là “dân thánh trung thành của Thiên Chúa” bước đi, thánh thiện và tội lỗi. Và Giáo Hội là như thế. Một trong những đặc điểm của dân trung thành này là tính không thể sai lầm của họ; vâng, dân trung thành không thể sai lầm trong đức tin. (Trong đức tin họ không thể sai lầm, Lumen Gentium 9). Trong đức tin, không thể sai lầm. Và tôi giải thích điều đó như thế này: khi bạn muốn biết Mẹ Thánh Giáo Hội tin gì, hãy đến Huấn Quyền, bởi vì chính Huấn quyền là người chịu trách nhiệm giảng dạy điều đó cho bạn, nhưng khi bạn muốn biết Giáo Hội tin như thế nào, hãy đến với dân trung thành.Một hình ảnh hiện lên trong tâm trí tôi: các tín hữu tụ họp ở lối vào nhà thờ chính tòa Êphêsô. Lịch sử (hoặc truyền thuyết) kể rằng dân chúng đứng hai bên đường hướng về nhà thờ trong khi các giám mục trong đoàn rước vào, và dân chúng đồng thanh lặp lại: “Mẹ Thiên Chúa”, trong khi yêu cầu Phẩm trật Giáo hội tuyên bố rằng sự thật này là tín điều mà họ đã ôm ấp với tư cách là dân Chúa (Một số người nói rằng họ có gậy trong tay và đưa cho các giám mục xem). Tôi không biết đó là lịch sử hay truyền thuyết, nhưng hình ảnh này thật có giá trị. Dân trung thành, dân thánh trung thành của Thiên Chúa, có linh hồn, và vì có thể nói về linh hồn của một dân tộc nên chúng ta có thể nói về một lối diễn giải, một cách nhìn thực tại, một lương tâm.Dân trung thành của chúng ta ý thức được phẩm giá của mình, họ rửa tội cho con cái họ, họ chôn cất những người đã chết. Các thành viên của hàng giáo phẩm đến từ dân này và đã nhận được đức tin từ dân này, nói chung là từ mẹ và bà của họ, “mẹ của anh và bà của anh”, Thánh Phaolô nói với Ti-mô-thê như thế, một đức tin được truyền tải bằng tiếng địa phương được sử dụng bởi người nữ, giống như mẹ của anh em nhà Mác-ca-bê, người đã nói với các con của mình “bằng phương ngữ”. Và ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong số dân thánh trung thành của Thiên Chúa, thì đức tin được truyền tải bằng phương ngữ, và nói chung bằng tiếng địa phương được người nữ sử dụng. Điều này không chỉ vì Giáo hội là mẹ và chính phụ nữ là những người phản ánh điều tốt nhất (Giáo hội là nữ), mà bởi vì chính phụ nữ biết chờ đợi, biết khám phá những nguồn lực của Giáo hội, của dân trung thành, những người vượt quá giới hạn, có lẽ đầy sợ hãi nhưng can đảm, và lúc một ngày mới đang bắt đầu nửa sáng nửa tối, họ đến gần một ngôi mộ với trực giác (vẫn không hy vọng) rằng có thể có điều gì đó vẫn sống.Phụ nữ của dân thánh trung thành của Thiên Chúa là phản ảnh của Giáo Hội. Giáo Hội là nữ, là hiền thê, là mẹ. Khi các thừa tác viên quá tải trong việc phục vụ và đối xử tệ với dân Chúa, họ làm biến dạng bộ mặt của Giáo hội bằng những thái độ gia trưởng và độc tài. Thật đau lòng khi nhìn thấy “bảng giá” của các việc phục vụ bí tích ở một số văn phòng giáo xứ như trong siêu thị. Hoặc Giáo hội là dân trung thành của Thiên Chúa đang bước đi, thánh thiện và tội lỗi, hoặc cuối cùng Giáo hội trở thành một công ty cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau. Và khi các tác nhân mục vụ đi theo con đường thứ hai này, thì Giáo hội trở thành siêu thị cứu độ và các linh mục trở thành nhân viên đơn thuần của một công ty đa quốc gia.Đây là sự thất bại lớn nhất mà chủ nghĩa giáo sĩ trị dẫn chúng ta đến. Và điều này gây ra nhiều nỗi buồn và cớ vấp phạm (chỉ cần đến các tiệm may đồ lễ ở Roma để xem thật là cớ vấp phạm khi các linh mục trẻ đang xúng xính thử áo chùng, mũ, áo cổ col và tua áo). Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một xói mòn, một tai họa, một hình thức thế tục làm vấy bẩn và làm tổn thương dung mạo hiền thê của Chúa; bắt dân thánh trung thành của Chúa làm nô lệ. Và dân Chúa, dân thánh trung thành của Thiên Chúa, tiến bước với lòng kiên nhẫn và khiêm tốn, chịu đựng sự hoang phí, bị ngược đãi, bị loại trừ bởi chủ nghĩa giáo sĩ trị được thể chế hóa. Và thật tự nhiên khi chúng ta nói về những “ông hoàng của Giáo hội”, hay việc thăng chức giám mục như sự thăng tiến trong nghề nghiệp! Những nỗi kinh hoàng của thế giới, tinh thần thế gian ngược đãi dân thánh trung thành của Thiên Chúa.  Nguồn: vaticannews.va/vi

ĐTC Phanxicô: Tránh thảm kịch nhân đạo. 27/10 là ngày cầu nguyện cho hòa bình

Bệnh viện Ahli Arab ở Gaza bị phá hủy bởi tên lửa (AFP or licensors) Cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 18/10/2023, nghĩ đến những điều đang xảy ra tại Palestine và Israel, Đức Thánh Cha kêu gọi tránh thảm kịch nhân đạo và mời gọi các tín đồ các tôn giáo tham gia ngày ăn chay và hãm mình vào ngày 27/10/2023 để cầu nguyện cho hòa bình và cho chiến tranh chấm dứt. Hồng Thủy - Vatican News Trước tình hình tuyệt vọng của Gaza và số nạn nhân gia tăng, Đức Thánh Cha kêu gọi làm mọi sự có thể "để tránh một thảm họa nhân đạo".Đứng về phía hòa bìnhLo ngại về sự lan rộng của các cuộc xung đột "khi nhiều cuộc mặt trận chiến tranh trên thế giới đã mở rộng, Đức Thánh Cha kêu gọi: "Hãy để vũ khí im tiếng, hãy lắng nghe tiếng kêu hòa bình của người nghèo, của nhân dân, của trẻ em..." Ngài nhắc nhở: "Chiến tranh không giải quyết được vấn đề gì: nó chỉ gieo rắc chết chóc và hủy diệt, gia tăng hận thù, nhân lên sự trả thù. Chiến tranh xóa bỏ tương lai, xóa bỏ tương lai." Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu chỉ đứng về một phía trong cuộc xung đột này: đó là hòa bình. Nhưng không phải bằng lời nói, mà bằng lời cầu nguyện, bằng sự dấn thân trọn vẹn.Thứ Sáu ngày 27/10/2023 là ngày ăn chay và cầu nguyện cho hòa bìnhDo đó, Đức Thánh Cha đã công bố Thứ Sáu ngày 27/10 là ngày ăn chay và cầu nguyện, sám hối. Ngài mời gọi "các anh chị em thuộc các hệ phái Kitô giáo khác nhau, những người thuộc các tôn giáo khác và những người quan tâm đến hòa bình thế giới hãy tham gia theo cách mà họ cho là phù hợp ".Đức Thánh Cha cho biết thêm: "Chiều ngày đó, lúc 6 giờ, tại đền thờ Thánh Phêrô, chúng ta sẽ sống một giờ cầu nguyện trong tinh thần sám hối để cầu xin hòa bình cho thời đại chúng ta, hòa bình trên thế giới này. Tôi yêu cầu tất cả các Giáo hội địa phương tham gia bằng cách chuẩn bị những sáng kiến ​​tương tự có sự tham gia của dân Chúa."Nguồn:  Vatican News

5 Tháng Tám, 2023
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN