Giáo Phận Bắc Ninh

Bắc Ninh là cái nôi xứ Kinh Bắc xưa, nơi non xanh, nước biếc, thế đất linh thiêng, xứng được coi là vùng địa linh, nhân kiệt. Sông núi Bắc Ninh gắn liền với bao trang sử oai hùng dựng và giữ nước. Phía tây có núi Tam Đảo, Sóc Sơn gắn với sự tích Thánh Gióng. Phía đông có Lục đầu Giang, bến Bình Than gắn với tên tuổi Trần Quốc Toản và Hưng Đạo Vương. Phía bắc có sông Thương, thành Xương Giang. Phía nam có sông Đuống, thành Luy Lâu và Chùa Dâu là trung tâm chính trị và tôn giáo của vùng đất Giao Chỉ xưa kia. Dòng sông Như Nguyệt còn vang mãi bản tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt, “Nam quốc Sơn Hà, Nam đế cư”…

Bắc Ninh ôm trọn trong mình một kho báu văn hóa dân gian Đệ Nhất Trời Nam và những làn điệu dân ca Quan họ được xem như di sản của văn hóa nhân loại. Quan họ tuy hình thành trong sinh hoạt lao động, sản xuất nhưng không hề dân dã, tầm thường, dung tục. Khi hát lên, những làn điệu dân ca nghe thanh thoát, tình tứ, ngọt ngào… có lẽ bởi vì “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình, người Bắc Ninh vốn trọng giao duyên”… hay bởi nơi đây “một làn nắng cũng mang điệu dân ca”. Và hôm nay, nhắc đến Bắc Ninh là còn nhắc đến một Giáo phận truyền giáo rộng lớn, đã vượt qua biết bao gian truân lịch sử để không ngừng trổ sinh hoa trái.

Bản đồ định vị các nhà thờ, nhà nguyện Giáo phận Bắc Ninh

I. Địa lý và dân số

1. Địa lý

Giáo phận Bắc Ninh hiện nay nằm ở phía Đông Bắc Hà Nội – Việt Nam, có diện tích 20.983 km2. Phía bắc giáp giáo phận Lạng Sơn, phía nam giáp giáo phận Hà Nội, phía đông giáp giáo phận Hải Phòng, phía tây giáp giáo phận Hưng Hoá. Vùng đất của giáo phận hiện nay nằm trọn vẹn trên 5 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc cùng một  số  huyện, xã của các tỉnh lân cận như thành phố Hà Nội, các tỉnh Tuyên Quang, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Sơn và Phú Thọ.

2. Địa hình

90% vùng đất của Giáo phận là đồi núi. Khoảng cách giữa các giáo xứ và họ lẻ xa nhau, đường xá giao thông không thuận tiện nên việc đi lại, thăm viếng mục vụ gặp nhiều khó khăn.

3. Dân số

Trên địa bàn Giáo phận có gần 9 triệu người, hầu hết là người Kinh, cùng với khoảng 600 ngàn người thuộc các dân tộc anh em, sống  rải  rác ở các  tỉnh vùng núi như người H’mông, Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Hoa. Trong tổng số 9 triệu dân cư, số giáo dân chỉ có vỏn vẹn gần 149,371 người, chiếm tỷ lệ 1,65%. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho công cuộc Loan báo Tin Mừng của Giáo phận.

II. Lược sử hình thành

Năm 1627, khi hai thừa sai Dòng Tên lần đầu tiên là cha Pedro Marques và cha Alexandre de Rhodes (quen gọi là cha Đắc Lộ) đặt chân đến Cửa Bạng Thanh Hoá rồi đến Hà Nội, chắc chắn lúc ấy trên phần đất giáo phận Bắc Ninh hiện nay chưa có người Công giáo nào. Ba mươi hai năm sau (1659), khi Tòa Thánh thiết lập 2 Phủ doãn Tông Toà đầu tiên tại đất Việt là Đàng Trong và Đàng Ngoài, sử sách ghi nhận đã có một số giáo dân thuộc Kẻ Mốt (xứ Đức Trai), Kẻ Nê (xứ Tử Nê) và Kẻ Roi (xứ Xuân Hòa).

Hai mươi năm sau (1679), khi Miền truyền giáo Đàng Ngoài được chia thành hai là Phủ doãn Tông Toà Đông (Hải Phòng) và Tây (Hà Nội), thì trên phần đất của giáo phận Bắc Ninh hiện nay đã có 3.317 giáo dân và 32 nhà thờ, do các cha Dòng Tên coi sóc. Vào ngày được thiết lập (29 tháng 5 năm 1883), Phủ doãn Tông Toà Bắc có 35 ngàn giáo dân trong 11 xứ và 28 họ, 22 linh mục, 50 thầy giảng và 8 nữ tu Mến Thánh Giá.

Trước khi được thiết lập, hai trận cuồng phong trong thế kỷ XIX mang tên Minh Mạng và Tự Đức tưởng chừng đã tiêu diệt được cây non ấy từ trong trứng nước. Nhưng trái với điều loài người tính toán, Thiên Chúa đã biến sự dữ thành sự lành, đã hội nhập ác tâm của con người vào trong kế hoạch yêu thương. Năm 1838, ngày lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, quan quân triều đình bao vây xứ Kẻ Mốt, bắt cha Phêrô Nguyễn Văn Tự, Dòng Đaminh, 42 tuổi cùng với thầy giảng Đaminh Bùi Văn Úy, 26 tuổi, và 3 giáo dân trẻ.

Đó là 3 thanh niên nghèo Thái Bình đến Kẻ Mốt làm thuê. Anh Tôma Nguyễn Văn Đệ 27 tuổi là thợ may, sinh ra và lớn lên trong gia đình Công giáo. Chính anh dìu dắt 2 bạn đồng hương đến với Chúa. Anh Augustinô Nguyễn Văn Mới, 32 tuổi, là nông dân, sinh ra và lớn lên trong gia đình lương dân, đã theo đạo tại Kẻ Mốt. Anh Nguyễn Văn Vinh, 25 tuổi, cùng là nông dân, sinh ra và lớn lên trong gia đình lương dân, thường đi đọc kinh dự lễ nhưng chưa được rửa tội. Cả 5 cha con bị giam tại Lương Tài.

Thầy giảng Phanxicô Xavier Hà Trọng Mậu, 38 tuổi, ở họ Nội xứ Kẻ Mốt, đến Lương Tài để dò hỏi tin tức 5 cha con thì bị bắt. Cả 6 cha con bị đưa lên Bắc Ninh giam chung với cụ trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh 75 tuổi, quê ở làng Vân tỉnh Bắc Giang, một lương y chuyên bắt mạch bốc thuộc cứu người. Cụ trùm bị bắt tại bến đò Thổ Hà vào đầu tháng 7. Trong nhà giam này, cha Tự đã rửa tội cho anh Vinh và anh lấy tên thánh là Têphanô. Với Đức tin kiên cường, vì cả 7 cha con không chịu bước qua Thánh Giá nên bị kết án tử hình. Ngày 05.09.1838, cha Phêrô Tự và cụ Cảnh bị xứ trảm. Ngày 19.12.1839, năm chứng nhân còn lại bị xử giảo. Cả 7 chứng nhân kiên cường đã được tôn phong hiển thánh.

Cuối năm 1859, tức là 20 năm sau, thừa lệnh vua Tự Đức, quan tổng trấn Ninh Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên) triệu tập các đầu mục, tức là những giáo dân đứng đầu các họ đạo trong khu vực đến Bắc Ninh, và truyền lệnh của vua phải xuất giáo. Các ngài từ chối, nên bị đánh đập dã man rồi cho biết sẽ bị giam và đánh đập cho tới khi xuất giáo. Trong hơn 2 năm, nhiều vị “thứ mục”, tức là những người giúp việc các họ đạo, cũng bị bắt giam. Do bị tra tấn dã man, một số đã xuất giáo. Có 3 chứng nhân đã chết trong thời gian bị giam giữ và tra tấn.

Ngày 04.04.1862, quan tổng trấn Nguyễn Văn Phong ra lệnh chém đúng 100 chứng nhân còn lại, rồi chôn trong hai hố tập thể ở cổng thành. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải nhắc đến cha thánh Phêrô Almato Bình, Dòng Đaminh, người Tây Ban Nha, từng coi sóc xứ Thiết Nham rồi Tử Nê và Thọ Ninh, đã hy sinh tại Hải Dương cùng với hai thánh Giám mục Giêrônimô Liêm và Valentino Vinh tại Hải Dương năm 1861. Tưởng chừng những biện pháp ghê rợn sẽ làm nhụt chí các tín hữu, nhưng máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh đức tin. Qua cơn thử thách quyết liệt, Giáo phận đã vươn vai lớn mạnh như chú bé huyền thoại làng Phù Đổng.

Gần chúng ta hơn, sau khi Phủ doãn Tông Toà được thiết lập khoảng 70 năm, một thử thách khác không kém gay go mà các bậc cha anh trực tiếp cũng đã trải qua và vượt qua. Năm 1954, Giáo phận có 68 ngàn giáo dân, 62 xứ, 413 nhà thờ, 80 linh mục và 28 đại chủng sinh.

Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, gần 40 ngàn giáo dân cùng với đại đa số các linh mục và tất cả chủng sinh di cư vào Nam. Ở lại chỉ còn khoảng 30 ngàn giáo dân, 14 linh mục hầu hết già yếu, 12 thầy giảng và 11 nữ tu Đaminh. Trong tình trạng chiến tranh và thời bao cấp, hoạt động của các linh mục bị hạn chế tối đa. Đã vậy các chủng viện lại bị đóng cửa. Có lúc giáo phận chỉ còn 1 hay 2 linh mục.

Trong gần 30 năm, Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng không thể đi thăm các xứ họ. Ngài thường xuyên phải dâng lễ trong một phòng diện tích chưa đầy 8m2 (sau này gọi là phòng U8). Tại đây, ngài đã âm thầm truyền chức cho một số linh mục trong và ngoài giáo phận và phong chức giám mục cho Đức cha Đaminh Quảng của Bắc Ninh và Đức cha Vinh Sơn Dụ của giáo phận Lạng Sơn. Vì thiếu linh mục, ngài đào tạo giáo dân lãnh đạo các xứ họ và kêu gọi các cô tận hiến (nay hội dòng Hiệp Nhất) tiếp sức. Ngài soạn các kinh và giáo lý Kinh Thánh bằng văn vần để giáo dân dễ nhớ và trẻ em dễ học.

Đức cố giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, trong một thời gian dài, phải hằng ngày đạp xe rời làng trước khi trời sáng, đi 30 km đến Toà Giám mục để học, rồi lại đạp xe về khi trời đã tối. Mọi sinh hoạt được tập trung tại Tòa Giám mục. Có những giáo dân nhiều khi phải đi tàu lửa đến ga Yên Viên rồi đi bộ 20 km đến Bắc Ninh dự lễ. Có những người phải đạp xe hàng trăm cây số để được xưng tội hay làm phép cưới. Có những giáo dân phải dùng xe cải tiến đi 70 km chở củi trong đêm tối đến giúp Tòa Giám mục có chất đốt. Cũng trong thời gian này, có nhiều người, do nhu cầu kinh tế hay vì yếu đuối, đã xa nhà thờ, rối hôn nhân và không dám giữ đạo công khai.

Chỉ Thiên Chúa mới biết hết được bao nhiêu cố gắng và hi sinh đến mức anh hùng của hàng ngàn hàng vạn tín hữu, giáo dân cũng như giáo sĩ và tu sĩ để Giáo phận vững bước và tiến lên trong những năm tháng khó khăn ấy. Đứng về mặt tự nhiên, tình trạng thật bi đát. Nhưng một cây trụi lá như vậy, với quyền năng của Thiên Chúa, vẫn có thể hồi sinh. Và cây ấy đã thực sự hồi sinh. Đó là một cây được trồng bên bờ suối, nên trổ sinh hoa trái đúng mùa.

III. Nhân sự

1. Giám mục đương nhiệm

Ngày 30 tháng 10 năm 2021, Đức Thánh cha Phanxicô bổ nhiệm cha Giuse Đỗ Quang Khang làm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh. Ngài được truyền chức Giám mục vào ngày 14/12/2021 tại nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh. Ngày 17 tháng 6 năm 2023, Giám mục Chính toà giáo phận Bắc Ninh.

2. Các vị Giám mục tiền nhiệm

Đức cha Antonio Colomer Lễ (1883-1902) – Giám mục tiên khởi

Đức cha Maximin Valasco Khâm (1902 – 1925)

Đức cha Théodore Gordaliza Phúc (1924-1931)

Đức cha Eugène Artaraz Chỉnh (1932 -1947)

Đức cha Đa Minh Hoàng Văn Đoàn (1950 -1955)

Đức cha Phêrô Khuất Văn Tạo (Giám quản1955 -1963)

Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (1963-1994) – Giám mục Chính tòa tiên khởi

Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến (1994 -2006)

Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt (Giám quản 2006 -2008)

Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt SJ (04.8.2008-17.6.2023)

Cũng cần phải kể đến Đức cha Đaminh Đinh Huy Quảng được tấn phong năm 1975, sau đó bị quản thúc tại Đại Lãm, tỉnh Bắc Giang, ngài qua đời năm 1992. Năm 2006, Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt công bố Thánh chức Giám mục của Đức cha.

3. Linh mục

Vào thời kỳ của Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Giáo phận Bắc Ninh chỉ có hai linh mục phục vụ. Từ khi Đại chủng viện Hà Nội được mở cửa trở lại vào năm 1989, cùng với sự hiện diện của các linh mục dòng, số linh mục Giáo phận ngày một gia tăng nhanh chóng. Năm 2002, Giáo phận có 17 linh mục và đến hiện nay năm 2022 giáo phận có 135 linh mục, trong đó có 106 linh mục triều; 29 linh mục dòng

4. Dòng tu và Tu sĩ

Biến cố lịch sử năm 1954 ảnh hưởng rất lớn đến đời sống thánh hiến trong Giáo phận. Các sơ nhà Mụ và các sơ Phaolô lục đục di chuyển vào niềm Nam, chỉ còn một số ít tu sĩ già và những tu sĩ bệnh tật ở lại trông coi nhà cửa và giữ gìn đất đai cho Giáo Hội. Mảnh đất Giáo phận Bắc Ninh trở nên vắng bóng các dòng tu và tu sĩ. Thảm trạng này còn kéo dài đến tận những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước. Tuy nhiên, giữa sa mạc khô cạn đã vọt lên mạch nước mát. Tính cho đến nay trên địa bàn Giáo phận có sự hiện diện của 6 dòng tu nam, 5 dòng tu nữ và 1 tu hội đời, với hàng trăm thợ gặt đang lao tác trên cánh đồng truyền giáo rộng thứ tư Việt Nam. Số tu sĩ nam nữ hiện tại là 300.

5. Chủng sinh, ứng sinh chủng viện và tu sĩ

Hiện nay, Giáo phận có 61 thầy đại chủng sinh đang học tại Đại Chủng viện Hà Nội và Xuân Lộc, trong đó một thầy đang học chủng viên Incheon bên Hàn Quốc. Nhà ứng sinh Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự – nơi đào tạo tiền chủng viện – cũng có 47 dự bị chủng sinh. Ngoài ra còn có rất nhiều anh chị em dự tu đang theo đuổi ơn gọi tu trì trong các giáo phận và các dòng tu khác nhau.

6. Cộng sự viên

Tuy không sống trong đời sống tu trì, nhưng những người giáo dân tham gia nhiệt thành vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Nhất là trong giai đoạn khó khăn, vắng bóng mục tử, Đức cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã kiên trì và khéo léo huấn luyện giáo dân bằng nhiều cách để các vị như cánh tay nối dài của Đức Giám mục về các xứ họ. Nhờ đó, đời sống Đức tin được duy trì và phát triển. Giữa những khó khăn, một đội ngũ cộng sự viên tích cực của Đức cha Giáo phận đã hình thành đó là các vị trong hội đồng giáo xứ, ban hành giáo, các đoàn thể, giáo lý viên, huynh trưởng trong các xứ họ. Chính những giáo dân này đã, đang và sẽ góp phần rất lớn cho sự phát triển đời sống đức tin của giáo phận.

IV. Cơ sở Giáo phận

1. Nhà thờ Chính tòa

Năm 1889, Đức cha Antôniô Lễ, Giám mục tiên khởi, đã mua một mảnh đất cách thành cổ Bắc Ninh chừng 200 mét để xây dựng Nhà thờ Chính toà. Sau 3 năm xây dựng, vào năm 1892, ngôi nhà thờ với lối kiến trúc Ba-rốc được khánh thành với tước hiệu Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi. Kể từ năm 1992, nhân dịp kỷ niệm bách chu niên Nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh, Toà Thánh đã ban Ơn Toàn Xá vĩnh viễn cho những ai đến kính viếng có đủ điều kiện.

2. Trung tâm mục vụ

Trung tâm mục vụ Giáo phận Bắc Ninh nằm ngay trong khuôn viên Tòa Giám mục Bắc Ninh với ngôi nhà khép kín 4 tầng, được xây dựng kiên cố từ thời Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến. Ngôi nhà này thường được gọi là “Nhà Giáo Dân” hay “Nhà Mục Vụ”, bởi vì tòa nhà này cũng được dùng cho các giáo dân về ngủ nghỉ trong các dịp lễ trọng và các sinh hoạt khác của giáo dân. Cùng với sự phát triển của Giáo hội và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Giáo phận, hiện nay Trung tâm mục vụ  thực sự trở thành điểm hẹn lý tưởng quy tụ mọi thành phần dân Chúa, là ngôi trường để đào tạo người Kitô hữu trưởng thành, huấn luyện các thừa tác viên cho các xứ họ, giáo phận để họ tham gia đầy đủ vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội.

3. Các điểm hành hương

Khi đến với xứ Kinh Bắc, địa linh nhân kiệt, ngoài việc du ngoạn ngắm những cảnh vật nên thơ trữ tình, lắng tai nghe những làn điệu Quan họ mượt mà, du khách còn có thể tới thăm và nghỉ chân tại Nhà thờ chính tòa Bắc Ninh tọa lạc tại số 537 Ngô Gia Tự, phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; hay Trung tâm Thánh Mẫu Từ Phong tọa lạc trên ngọn đồi hun hút gió thuộc thôn Từ Phong, xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; hoặc cũng có thể ngược quốc lộ 1 đến viếng Đền Thờ Thánh tâm Bắc Giang tọa lạc tại số 6A, đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; đặc biệt có thể tới Nhà Thờ Tam Đảo thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc để chiêm ngưỡng cảnh vật mây trời hòa quyện cùng không khí bốn mùa xoay chuyển.

V. Hoạt động mục vụ, loan báo Tin Mừng và bác ái xã hội

1. Hoạt động mục vụ

Theo một thống kê chưa chính thức mới đây cho thấy trên địa bàn Giáo phận Bắc Ninh vẫn có tới 90% người Công giáo tham dự thánh lễ Chúa nhật, 60% rước Mình Thánh Chúa thường xuyên, 30% số người đi tham dự thánh lễ hàng ngày. Những nơi không có thánh lễ ngày thường thì có khoảng 10% tín hữu đến cầu nguyện thường ngày. Tổng số người mới được rửa tội năm 2018 là 4.063 người, trong số đó 3.224 trẻ em và 839 người lớn. Cùng với đó các ban mục vụ cũng có nhiều hoạt động tích cực và hữu hiệu nhằm góp phần phát triển đời sống Đức tin cho mọi tầng lớp giáo dân:

– Mục vụ gia đình: Tổ chức nhiều khóa huấn luyện chuyên đề về đời sống hôn nhân gia đình cho các bậc cha mẹ và đặc biệt là cho các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Hầu hết các giáo xứ thường xuyên mở các lớp giáo lý hôn nhân dự tòng. Chương trình thăng tiến hôn nhân và gia đình sinh hoạt đều đặn và đạt hiệu quả cao. Tổ chức đọc kinh theo nhóm tại các gia đình.

– Truyền Thông: Cập nhật những tin tức thường xuyên trong Giáo phận, dùng những phương tiện truyền thông hiện đại để đưa những giáo huấn của giáo hội, những bài chia sẻ của các chuyên gia đến với các gia đình, nhất là các bạn trẻ. Hàng năm xuất bản Tập san Tre Ngà.

– Giáo Lý Đức Tin: Ban Giáo lý đang được củng cố tổ chức có quy mô với việc mời gọi sự tham gia của nhiều giáo dân bằng việc tổ chức những khóa huấn luyện chuyên biệt cho các Giáo lý viên cấp giáo hạt và tại các xứ họ. Số Giáo lý viên hiện có  là 1.604 em

– Trung tâm mục vụ: Tích cực mở nhiều khóa huấn luyện cho hội đồng giáo xứ cũng như nhân sự nòng cốt của các hội đoàn.

– Giới Trẻ: Có thể nói, Giáo phận Bắc Ninh là một gia đình mà thành phần trẻ rất đông đảo và đóng vai trò quan trọng. Trong sinh hoạt mục vụ  ở hầu hết các xứ họ, các  bạn trẻ tham gia rất tích cực vào các sinh hoạt chung của cộng đoàn, từ ca đoàn, giáo lý viên, ban kèn, ban nhạc, đến các nhóm truyền giáo, các nhóm bảo vệ sự sống, các nhóm sinh viên,… Tất cả nói lên sức sống đang vươn lên từ những trái tim người trẻ.

– Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT): Mùa hè năm 2009 phong trào TNTT được tái thiết lập nhằm hướng tới việc huấn luyện đức tin và nhân bản cho thế hệ trẻ. Qua phong trào TNTT, Giáo phận hy vọng huấn luyện cho tất cả thiếu nhi có cơ hội được đào tạo về kỹ năng của con người và xã hội cũng như trong giáo lý và kinh nghiệm tôn giáo. Hiện tại, phong trào TNTT đang phát triển lớn mạnh trên toàn giáo phận, thường xuyên mở các khóa huấn luyện sa mạc, huấn luyện chuyên sâu và tổ chức các đại hội dành riêng cho các huynh trưởng cấp giáo phận và cho các em thiếu nhi theo cấp giáo hạt và tại các xứ họ.

2. Loan báo Tin Mừng

Do hoàn cảnh khó khăn nên hơn 60 năm qua, công việc Loan Báo Tin Mừng có phần nào bị đình trệ. Gần đây, ý thức loan báo Tin mừng bắt đầu được khơi dậy. Các nhóm tông đồ giáo dân được sai đi loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa, cho anh chị em dân tộc thiểu số và tái truyền giáo cho những người khô khan nguội lạnh.

Trong thực tế, công cuộc rao giảng Tin Mừng đang được Giáo phận quan tâm cách đặc biệt. Nhóm Loan báo Tin Mừng được thiết lập từ 10 năm trước đã thu được những thành quả nhất định và hy vọng sẽ có được nhiều hoa trái trong tương lai. Các tông đồ giáo dân đã và đang sinh sống và làm việc ở những vùng núi xa xôi hẻo lánh khác nhau để cùng sống và làm việc với người địa phương, để làm chứng qua đời sống hàng ngày và lời rao giảng của họ. Các tông đồ giáo dân này đã được trợ cấp một phần từ quỹ rao giảng Tin Mừng của Giáo phận.

Cũng vậy, Giáo phận đã chia ra 5 vùng ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng đó là: phía Bắc huyện Sóc Sơn – Hà Nội, một số huyện miền núi thuộc tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang và  Bắc Kạn. Hiện nay, giáo phận đã gửi các linh mục và nam nữ tu sĩ đến những giáo điểm này và đã thu hoạch được những kết quả đáng  ghi nhận.

3. Caritas – Bác ái xã hội

Caritas được thành lập năm 2010. Sau gần 7 năm hoạt động, Caritas đã dần cải thiện các hoạt động xã hội và từ thiện trong Giáo phận dưới sự hướng dẫn của Caritas Việt Nam. Ngày nay, Caritas Bắc Ninh trở thành cầu nối giữa các tổ chức, ân nhân và những người cần giúp đỡ. Phát triển con người và xã hội là mục tiêu chính của giáo phận. Do đó, Caritas có những kế hoạch tức thời, kế hoạch ngắn và dài hạn.

Một cách cụ thể, Giáo phận quan tâm đến những người nghèo, bệnh tật, những người không có tiếng nói và bị gạt ra bên lề xã hội. Với những gia đình nghèo, Caritas trao học bổng giúp cho con em họ có điều kiện đến trường, xây dựng nhà ở và chương trình nước sạch cho họ. Với người bệnh, Giáo phận quan tâm chăm sóc bằng việc khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí.

Cho đến nay, Giáo phận đã có một phòng khám cho người nghèo, một nhà nuôi dưỡng bệnh nhân tật nguyền, một nhà mở nuôi các chị em lỡ lầm mang thai ngoài ý muốn; nhiều tủ thuốc ở  các xứ họ vùng xa. Giáo phận cũng đang có các nhân viên phục vụ trong ba trại phong trên địa bàn giáo phận. Không những vậy, các nhóm bảo vệ sự sống được thành lập ở nhiều xứ họ và làm việc rất hiệu quả.

Để  các  hoạt  động  bác  ái  từ  thiện  này  được  duy  trì  và  phát triển, Giáo phận rất cần nhận được sự ủng hộ và trợ giúp  từ cộng đồng nhất là những người hảo tâm.

VI. Tạm kết

Chặng đường lịch sử đã qua của giáo phận Bắc Ninh là chặng đường đầy bão dông. Nhưng kì lạ thay, mầu nhiệm thay, hồng ân Chúa qua tác động của Chúa Thánh Thần làm đổi thay tâm tính của lòng người, cục diện đã từng bước đổi thay sau những biến cố thăng trầm. Giờ là lúc những tín hữu trên miền đất Kinh Bắc đón nhận và thực thi sứ mạng Loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa tại chính nơi mình đang sống. Gương sáng liệt oanh của những chứng nhân tử đạo, bao chứng nhân can trường trong bức hại không phải là khơi lại những kí ức đau buồn, nhưng là để nhắc nhở mỗi người con Bắc Ninh ý thức được nền móng của đức tin, nhắc nhở chúng ta nắm lấy vận mệnh của giáo phận trong thời điểm hiện tại để xây dựng và phát triển gia đình Giáo phận. Noi gương ông cha và tổ tiên, con cháu cùng nhau làm “trổ sinh nhiều hoa thơm trái ngọt” trên quê hương đậm đà vị chè, ngân nga câu Quan Họ.

BTT GPBN