Giáo xứ bị mất tăm
Đó là giáo xứ Tháp Dương.
Trong Tin Mừng Thánh Mát thêu đoạn 13 nói về dụ ngôn người gieo giống: Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Đây là trường hợp của xứ Tháp Dương.
Chúng tôi xin kể qua về trường hợp xứ Tháp Dương đã bị gai làm chết nghẹt như thế nào.
Xứ Tháp Dương được thành lập từ năm 1940, do quyết định của Đức Cha Artaraz Chỉnh. Đức Cha Chỉnh đã hai lần ở xứ Nê, lần thứ nhất từ băm 1890 đến 1905, làm giám đốc chủng viện Kẻ Nê kiêm cha xứ Nê, lần thứ hai từ năm 1920 đến năm 1932, làm cha xứ Nê, như vậy ngài đã ở xứ Nê trong 27 năm nên ngài rất quí xứ Nê và đã nhận xứ Nê làm quê hương thứ hai của ngài. Khi gặp mặt đa số giáo dân Bắc Ninh từ các nơi về gặp ngài tại Tòa Giám Mục hay bất cứ đâu, hễ khi nghe người làng Nê nói lên là Đức Cha biết ngay người đó là người làng Nê.
Từ xứ Nê có thể đi trên sông Bái giang đến xứ Tháp Dương. Tháp Dương cũng gần với con đường sông mà các cha thừa sai người nước ngoài dùng để đi truyền giáo trong huyện Lang tài, nhưng mãi tới khoảng những năm 1920 mới có lác đác vài gia đình Công giáo tân tòng ở làng Thanh Hà, sau này là họ lẻ của xứ Tháp Dương.Trong số này có gia đình ông Nấm rất nhiệt thành xiêng năng còn hơn các gia đình đạo gốc. Nhiều lễ chủ nhật và lễ lớn, ông không quản ngại đường sông nước và giao thông khó khăn đã lội bộ đến xứ Nê để dự lễ.
Đức cha Chỉnh rất nhiệt tâm trong việc truyền giáo nên đã chủ trương thiết lập xứ Tháp Dương để truyền giáo cho cả vùng Tam Tổng. Thời cha già Thuận coi xứ Nê, cha Đốc là Phó xứ được phân công đến Tháp Dương làm lễ và thăm viếng vào các ngày chủ nhật. Năm 1940 Dức cha Chỉnh trao tiền cho cha Giuse Trần Minh Thu đang là Phó xứ Nê để xây dựng nhà xứ và mua ruộng ở Tháp Dương, một làng ở vị trí trung tâm của cả vùng. Các gia đình trong vùng muốn bán ruộng thì người mua, nhưng các chủ cũ vẫn được cầy cấy ruộng cũ, chỉ phải nôp tô tượng trưng. Và thường các gia đình này theo đạo. Làng Tháp Dương có khoảng một nghìn người, nhưng chỉ có 100 người theo đạo, toàn là tân tòng. Việc dậy kinh và giáo lý cho các người tân tòng khi đó được giao cho các cô mụ, tức các nữ tu dòng Đa minh hay Mến Thánh Giá Hương la, Xuân hòa,Yên Mỹ, mỗi cô phụ trách một giáo họ. Các nữ tu này là cánh tay mặt của cha xứ để rao giảng Phúc Âm và làm phát triển Tin Mừng trong cả vùng Tam Tổng. Mặc dù đời sống vật chất khá thiếu thốn nhưng các nữ tu lúc nào cũng nhiệt tình, không sao lãng nhiệm vụ. Nhà xứ và nhà thờ Tháp Dương được xây cất vào năm 1945, cột gỗ, lợp rạ,tường xây. Ông Lý Bá Thâu người làng Tháp Dương là người có uy tín trong làng đã theo đạo và lôi cuốn được nhiều người trong họ hàng cùng theo đạo. Xứ Tháp Dương trong hững năm đầu mới thành lập có ông Đồng người xứ Nê ra góp sức. Ông phụ trách những việc nặng như xây nhà, phụ trách an ninh cho nhà chung. Nhờ ông mà nhiều lần kẻ cướp đến định bắt con trâu duy nhất của nhà chung dùng để cầy ruộng, nhưng chúng không thể phá chuồng trâu để dắt trậu đi,ví có ông Đồng canh giữ, đánh lại bọn cướp.
Các giáo họ thuộc xứ Tháp Dương :
Họ nhà xứ : Tháp Dương.
Họ Thanh Hà. Gia đình ông trùm Nấm là gia đình đầu tiên theo đạo trong cả vùng Tam Tổng.
Họ Lôi Châu
Họ Tảo Hòa
Họ Cáp Điền,
Họ Thanh Lâm ( làng Đò)
Họ Lai Nguyễn.
Mỗi họ mới chỉ có mấy gia đình tân tòng.
Họ Đồng Dọc hay Đông Cốc ở bên kia sông Thái Bình cũng một thời sinh hoạt với xứ Tháp Dương vì ở gần, mặc dù họ này thuộc giáo phận Hải phòng.
Những năm đầu của thập niên 1940 việc truyền giáo còn thuận lợi, nhưng càng về sau càng gặp nhiều khó khăn vì chiến tranh lan rộng…Một đêm thứ bảy, không nhớ tháng, của năm 1949, cha xứ Trần Minh Thu bị bắt đi tản cư lên Thái Nguyên rồi lên Nhã Lộng, sáng hôm sau chủ nhật, các giáo dân đến nhà thờ dự lễ nhưng đã không còn cha xứ. Và xứ Tháp Dương biệt tăm từ đó, sau 9 năm tồn tại.
Đinh Đồng Phương
Tin liên quan