Hội Trưởng Gia Đình Giáo Phận Bắc Ninh - Tháng 11/2023
I- LỜI CHÚA: Mt 5,1-12a II- SUY NIỆM: PHẦN THƯỞNG ANH EM TRÊN TRỜI THẬT LỚN LAO MỜI TẢI FILE PDF Ở trên đời, tự nhiên, ai trong chúng ta cũng mưu cầu hạnh phúc cho mình, không ai thích hay muốn tai họa, bất hạnh; người đời thích sung sướng nhiều hơn là khổ đau. Thế nhưng, hôm nay, Đức Giêsu chỉ cho ta một con đường khác, hay thậm chí là trái ngược với mong ước cơ bản của con người. Mở đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời, “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Người kêu gọi mọi người cần hối cải, cần sống một đời sống mới, phù hợp hơn để đón nhận Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu lên núi, Người ngồi xuống và bắt đầu dạy dỗ các môn đệ về chính Nước Trời mà Người rao giảng. Không phải là những thứ của cải trần gian, vinh hoa phú quý, hay những thứ hạnh phúc, những điều tốt lành mà họ hằng mong ước, coi trọng. Nhưng Đức Giêsu lại nhấn mạnh về sự bền chặt giữa các môn đệ với Thiên Chúa, Đấng họ tôn thờ và bước theo. Thiên Chúa sẽ ủi an những ai bị sầu khổ, Ngài cho thỏa lòng những người khát khao nên công chính, Thiên Chúa xót thương những ai biết xót thương, Ngài tỏ mình cho những người có tâm hồn trong sạch, Thiên Chúa gọi những ai xây dựng hòa bình là con. Ngài cho họ hưởng nếm Nước Trời ngay từ bây giờ, ngay ở đời này. Ngài dành cho họ phần thưởng trên trời chứ không phải những thứ chóng qua của đời nay. Thật vậy, chính Đức Giêsu là bảo chứng cho con đường dẫn tới Nước Trời. Trong đời mình, Người luôn cậy dựa vào Thiên Chúa Cha. Người nếm trải sự khó nghèo đến nỗi “không có chỗ dựa đầu. Người xót thương kẻ tội lỗi, người góa bụa, chạnh lòng trước đám đông bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt. Người chữa lành hết thảy những ai chạy đến với Người. Chính Người đã trải qua những khổ đau cùng cực nơi Vườn Dầu, trong tòa xử án. Người chịu đủ thứ sỉ vả, vu khống và bách hại trên cây Thập Giá. Các mối phúc chính là con đường Đức Giêsu đã đi. Vậy các mối phúc cũng chính là con đường nên thánh của mỗi tín hữu. Đó là ơn gọi và lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Sống thánh là sống nghèo khó, hiền lành, sống trong sạch, công chính, sống đến nỗi chịu bách hại, sỉ nhục. Lạy Chúa Giêsu, giữa một xã hội hiện đại ngày nay, sống các Mối Phúc là một thách đố rất lớn đối với mỗi người trưởng gia đình chúng con. Đôi khi, chúng con không thể cảm nhận ngay được những hạnh phúc, hay cảm nếm được ủi an trong những lúc khó khăn hay khi đau khổ. Xin Chúa giúp anh em chúng con ý thức mình được hạnh phúc, vì được nên giống Chúa hơn khi đối diện với biết bao thử thách trong cuộc sống ngày nay. Amen. * Gợi ý suy niệm và chia sẻ: - Để sống nên thánh cần vượt qua những thử thách gì trong đời sống thường ngày? - Liệu có Mối Phúc nào trở nên cách sống của chính mình và trở thành tiêu chuẩn chọn lựa của gia đình mình? III- CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI: 1- Giuse Đinh Sĩ Cứ - Nhà xứ Dũng Vi 2- Giuse Phan Tự Tuần - Nhà xứ Dũng Vi 3- Phaolô Ngô Văn Hợp – Họ Nội Doi, xứ Xuân Hoà 4- Giuse Nguyễn Văn Hợp – Họ Cầu Chính, xứ Bắc Giang 5- Tôma Nguyễn Văn Nhung – Họ Đại Lợi, xứ Phúc Yên 6- Giuse Trần Văn Lương – Nhà xứ Thống Nhất 7- Giuse Dương Văn Tấn – Nhà xứ Đình Tổ 8- Giuse Nguyễn Hướng Hưu – Nhà xứ Tiên Nha 9- Gioan Vũ Văn Tình - Nhà xứ Yên Lãng IV- HỌC TẬP: KINH THÁNH: SÁCH GHI LỜI CHÚA (tt) CHÚA THÁNH THẦN, ĐẤNG MINH GIẢI KINH THÁNH Vì Kinh Thánh có tác giả là chính Thiên Chúa nhưng đồng thời Thiên Chúa lại sử dụng những con người cụ thể và ngôn ngữ nhân loại, nên để hiểu được Lời Kinh Thánh, người tín hữu phải quan tâm đến cả hai mặt: Một đàng, phải "tìm ra chủ ý của thánh sử" bằng cách quan tâm đến các thể văn được sử dụng, cũng như những cách thức cảm nghĩ, diễn tả, tường thuật được thịnh hành trong khung cảnh thời đại đó (MK 12). Đàng khác, phải đọc và giải thích Kinh Thánh trong Chúa Thánh Thần (MK 12) vì Kinh Thánh được viết ra dưới tác động của Chúa Thánh Thần và cũng chỉ có Ngài mới mở lòng trí ta ra để hiểu Lời Kinh Thánh (Lc 24-45). Để đạt được mục đích này, Hội Thánh đưa ra ba tiêu chuẩn hướng dẫn người tín hữu khi đọc Kinh Thánh: Phải lưu ý đến "nội dung và sự thống nhất của toàn bộ Kinh Thánh", bởi vì tuy Kinh Thánh bao gồm nhiều tác phẩm nhưng lại duy nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa và Chúa Kitô chính là tâm điểm của toàn bộ Kinh Thánh. Phải "dựa trên truyền thống sống động của toàn thể Hội Thánh", bởi vì Hội Thánh lưu giữ trong truyền thống sống động của mình, ký ức sống động về Lời Chúa và chính Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh trong việc giải thích Kinh Thánh. Phải quan tâm đến "sự tương hợp của Đức tin", nghĩa là sự nối kết giữa các chân lý đức tin với nhau và với toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa. (Còn tiếp) Lm. Đặc trách HTGĐ GPBN Fx. Nguyễn Văn Huân