Mãi mãi nhớ về Cha
Thấm thoát mười năm trôi đi kể từ ngày đức cố giám mục Giuse Maria về với Chúa (24/9/2006), mà cứ ngỡ như vừa mới hôm qua. Kỳ diệu thay những cử chỉ, hành động, lời nói của người cha, người thầy thân thương đã khắc ghi vào tâm trí người viết, không gì có thể làm phai nhòa.
- Những ấn tượng đầu tiên
Được biết và gặp đức cố giám mục Giuse Maria từ khi nào tôi không còn nhớ rõ chính xác, thế nhưng hình ảnh của ngài đã đi vào tâm hồn từ khi tôi còn rất nhỏ. Có lẽ lần đầu được gặp ngài là khi tôi khoảng chừng 12 hoặc 13 tuổi. Lúc ấy, lần đầu tiên tôi được đi lễ Bắc Ninh với u (quê tôi gọi mẹ bằng u) vì ở Bắc Giang cha Giuse Giản đã qua đời. Đi bộ đến Bắc Giang cách nhà khoảng 20 km, sau đó chúng tôi bắt tầu hỏa tới Bắc Ninh cũng chừng 20 km nữa.
Nhà thờ Bắc Ninh khác lạ so với nhà thờ quê tôi. Trẻ con nhà quê ra tỉnh lớ ngớ vô cùng, thấy cái gì cũng lạ. Dẫu vậy, cũng chỉ ít phút sau, mấy đứa trẻ trong đám chúng tôi đã xung chạy quanh tòa giám mục để thám thính. Thật lạ, cả khu tòa giám mục rộng rãi mà không một bóng người. Mãi đến khu bờ ao, chúng tôi mới nghe thấy có tiếng nói ở trong phòng. Vốn tính trẻ con tò mò, chúng tôi trèo lên và nhòm qua cửa sổ thì thấy có một người đàn ông đứng tuổi mặc quần trắng, áo trắng rất đỗi đĩnh đạc đang đứng giảng giải điều gì đó với mấy phụ nữ ngồi dưới. Ngước mắt lên thấy mấy đứa trẻ lấm lem chúng tôi đang căng mắt vì tò mò, người đàn ông ngưng nói và quay lại nhẹ nhàng hỏi: các con ở đâu đến. Chúng tôi liền trả lời như phản xạ, chúng con ở Sàn. Người đàn ông tiếp tục hỏi chúng tôi vài điều gì đó tôi không còn nhớ rõ. Mãi đến tối, khi nghe mọi người nói chuyện mới biết đó là cha Tuyến. Đó có lẽ là lần gặp và nói chuyện đầu tiên. Những ấn tượng về một người mặc quần tây áo sơ mi đóng thùng mầu trắng vẫn luôn in sâu trong tâm trí tôi.
Vào khoảng năm 1990, tôi lại có dịp được gặp ngài. Khác với lần gặp trước, lần này ngài đến thăm giáo họ Sàn, quê hương tôi trên cương vị là giám mục. Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh rất nhiều người cả lương lẫn giáo, làng trên xóm dưới nô nức đón ngài từ rất xa, kèn thổi ầm ĩ, pháo nổ tung trời. Để chuẩn bị đón đức cha phó về thăm giáo họ, mọi người hợp lòng, hợp ý chuẩn bị cả tháng trời. Thanh niên thiếu nữ học hát, thiếu nhi học múa, người lớn trang trí cổng chào, lễ đài…. Quả thật đây cũng là lần đầu được nhìn thấy đức giám mục đội mũ mitra (mọi người gọi là mũ cà cuống), tay cầm gậy. Trước đó một năm, tôi cũng được đi Bắc Ninh lãnh nhận bí tích thêm sức, không biết trong thánh lễ đức cha (đức hồng y Phaolô Phạm Đình Tụng) có đội mũ mitra và chống gậy không, kỳ thực trong tâm trí tôi không hề có chút ấn tượng nào. Chỉ biết rằng, hình ảnh mà tôi còn nhớ lại trong ngày lễ thêm sức cho đến bây giờ là được xếp hàng lên để đức cha lấy ngón tay quệt quệt trên trán (xức dầu).
Hình ảnh ấn tượng nhất và in đậm vào tâm trí người viết trong chuyến ngài thăm đó chính là khi chia tay. Mọi người cứ vây quanh xe của ngài khóc nức nở như phải chia tay một người thân yêu. Kẻ ở người đi cứ bịn rịn mãi không thể nào dứt ra được. Là một thiếu niên tuổi đã mười lăm nhưng tôi cũng chẳng hiểu tại sao nhiều người khóc như vậy. Mãi sau này khi được tháp tùng Đức cha trong những chuyến kinh lý, tôi mới hiểu tình cảm của con chiên với mục tử nó lớn lao thế nào, tình cảm ấy thiêng liêng có khi còn lớn hơn cả tình cảm ruột thịt.
2. Bên cha kính yêu
Ý Chúa nhiệm mầu, sau khi học xong cấp 3 vào năm 1992, tôi xuống tòa giám mục Bắc Ninh xin đi tu. Ban đầu gặp đức cha chính (đức hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng), ngài nói xuống gặp đức cha phó là đức cha Giuse Maria, ngài phụ trách về ơn gọi. Gặp và nói chuyện một lát, Đức cha phó đã nhận ngay mà chẳng qua một khóa tĩnh tâm định hướng hay sát hạch nào cả. Kể từ đấy trở đi đức cha Giuse Maria là người cha tinh thần luôn đồng hành, dìu dắt trong bước đường tu trì. Cho đến nay sau 10 năm đức cha qua đời, tôi hằng tin tưởng rằng ngài vẫn luôn ở cạnh qua lời cầu nguyện từ nơi Thiên Quốc.
Đến khi đức cha qua đời, tôi đã có mười bốn năm gắn bó dưới sự chỉ dạy của ngài. Quãng thời gian ấy như những cung đàn với nhiều cung bậc khác nhau, lúc thăng, lúc trầm, những lúc bồng bột của tuổi trẻ, những lúc thất vọng tưởng rằng không thể nào vượt qua. Nhưng đức cha Giuse Maria như người cha luôn đồng hành, động viên, khích lệ, có những khi nghiêm khắc chỉ dạy, không những vậy ngài còn như người thầy dậy dỗ chỉ bảo về mọi mặt trong đời sống hằng ngày.
Cho dù biết bao nhiêu công việc trên cương vị giám mục và là cha xứ gần như toàn bộ giáo phận miền Kinh Bắc nhưng đức cha vẫn luôn dành thời giờ lên lớp dạy chúng tôi về nhân bản, nhân cách hay tu đức… Những giờ lên lớp, đôi khi ngài nhắc đi nhắc lại một chủ đề nhưng đã làm cho học viên nhớ mãi những bài học và tư tưởng của ngài. Về nhân cách đức cố giám mục dạy cách ăn, cách nói, cách đi đứng thường ngày. Nhiều anh em nói ngọng “L” với “N” thì ngài dạy lại cách phát âm, bắt đọc đi đọc lại “nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch”. Cũng như cha mẹ thân sinh, ngài dậy từ cách sử dụng những trang thiết bị vệ sinh hiện đại. Đức cha chỉ bảo nhiều điều lắm, nào là khi thấy điện sáng hay quạt quay mà không có ai thì phải tắt, trước khi ra khỏi phòng phải tắt điện, tắt quạt….
Về tu đức, mỗi khi lên lớp đức cố giám mục cho đọc thuộc lòng từng câu trong cuốn “Đường Hy Vọng” của đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, sau đó ngài giảng giải và cắt nghĩa. Ngài luôn nhắc đến những tâm hồn “chai đá” không còn biết rung động trước những đau đớn bất công, trước những người cùng khổ. Bên cạnh đó ngài hay đọc bài thơ “Con cá chột nưa”. Qua bài thơ đó ngài muốn nhắc nhở những người tu trì phải trung thành tuyệt đối vào Chúa cho dù gặp biết bao khó khăn thử thách. Hầu như các giờ lên lớp hay huấn đức, đức cha thường hay nhắc đến vần thơ mà ngài sáng tác vốn đã trở thành kim chỉ nam cho cuộc đời tu trì:
“Xin nguyện làm viên gạch dưới tầng sâu
Làm chất đốt cho cuộc đời ấm lửa
Làm phân bón cho cây đời tươi nhựa
Trĩu quả vàng bát ngát những mùa sau.”
Anh em dự tu thời đó chẳng ai có thể quyên được hình ảnh chùm chìa khóa của đức cha, trong đó có một chìa rất dài. Mỗi khi chú nào làm sai, nhất là giúp lễ sai hoặc đọc sách thánh ngọng thì ngay sau lễ vào buồng áo lập tức ngài cầm chiếc chìa khóa dài nhất dí vào cạnh sườn thay cho lời nhắc nhở. Giờ đây nhớ lại thấy gần gũi và thân thương đến vô cùng, chính chiếc chìa khóa đó đã mở ra cho anh em chúng tôi ý thức hoàn thiện bản thân.
3. Chuẩn bị tương lai cho giáo phận
Sau khi ở trực tiếp tòa giám mục với đức cố giám mục Giuse Maria gần 4 năm, vào năm 1995 lúc đó đức cha Giuse Maria đã là giám mục chính tòa giáo phận Bắc Ninh, đức cha cho một số anh em dự bị chủng sinh sang Hà Nội theo học các trường đại học hay cao đẳng ngoài xã hội. Tùy theo khả năng mỗi người học một chuyên ngành khác nhau để chuẩn bị nhân sự tương lai cho giáo phận. Ngài thường nói là mỗi anh em chọn một ngành nghề để tương lai giáo phận cần về chuyên môn gì thì sẵn sàng có nhân sự ngay. Người thì chọn học vi tính, người chọn học xây dựng, người học sư phạm, kỹ thuật…. Còn tôi và một vài anh em chọn học ngoại ngữ vì lúc này Việt nam mới mở cửa nên tiếng Anh rất cần thiết. Còn nhớ khi mới gặp ngài xin đi tu ngài đã hỏi ở cấp 3 học ngoại ngữ nào? Thưa đức cha con học tiếng Nga, tôi trả lời. Ngay lúc đó ngài trả lời vui tiếng Nga giờ đã chết rồi, bây giờ còn ai học tiếng Nga nữa đâu. Cho nên khi tôi xin phép học tiếng Anh, ngài đã đồng ý ngay.
Lo lắng anh em mất ơn gọi hoặc là ngấm tinh thần “thế gian” trong thời gian học tại Hà Nội, đức cha Giuse Maria đã chuẩn bị chỗ ăn chỗ ở tập trung để anh em nâng đỡ nhau trong ơn gọi tu trì. Hàng ngày anh em phải có những giờ kinh chung, có khi một tháng hoặc ít nhất 3 tháng phải về tòa giám mục tĩnh tâm một lần. Vào năm 1999, lúc đó tôi sắp ra trường, ngài đã mời cha giáo Phêrô Chu Quang Đương OP. từ miền Nam ra đồng hành và chỉ dạy anh em chúng tôi.
Vẫn còn nhớ thời kỳ đó điều bắt buộc phải làm đối với các ứng sinh dự tu là ghi “sổ linh hồn”, một ngày nhớ Chúa bao nhiêu lần… Có những anh em đạo đức đến nỗi ngày nhớ Chúa đến hơn 500 lần. Lúc này với tính tình nông nổi của tuổi trẻ nên ghi sổ linh hồn là một cách xem ra có vẻ hơi nặng nề với nhiều anh em nhất là người viết, nhưng đối với đức cố giám mục đây là cách để đào luyện đời sống đạo đức các dự tu. Có những kỳ tĩnh tâm, đức cha giảng phòng còn nói rõ cho biết kinh nghiệm của ngài khi thấy chú nào hay thầy nào lâu ngày không thấy ghi sổ linh hồn thì đấy là một dấu hiệu sắp bỏ tu. Vì vậy cho dù không thích cho lắm nhưng hàng tháng tôi vẫn đều đặn ghi sổ linh hồn và nộp về cho ngài. Sau này mới hiểu đây có thể là một cách huấn luyện tu đức, rèn luyện tính kiên trì và đức vâng lời cho những người tu trì chăng?
4. Một hướng đi mới
Khi chúng tôi chuẩn bị học xong chương trình tiếng Anh tại Hà nội, theo đề nghị của cha Phêrô Chu Quang Đương, đức cố giám mục Giuse Maria muốn gửi một số anh em vào học viện Đaminh tại Gò Vấp Sài Gòn học thần học thay vì chỉ gửi vào đại chủng viện như trước nay vẫn làm. Cũng xin nói thêm là các chủng sinh thời kỳ này chỉ vào chủng viện Hà Nội mới hợp pháp với nhà nước và chỉ có vào các đại chủng viện được nhà nước công nhận mới có thể được làm linh mục cách hợp pháp đối với chính quyền.
Vì đây là lần đầu tiên giáo phận gửi các ứng sinh vào học tại Sài gòn, và học chương trình như các đại chủng viện khác, trong khi đó, đức cha qua cha Phêrô Đương cũng chẳng cho biết rõ vào Sài gòn học để làm gì. Bởi vậy trong số 7 anh em được đức cha gọi và gửi vào Sài gòn đợt đầu này thì có đến 5 anh em từ chối không đi. Tôi cứ phân vân mãi và câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu là có tiếp tục vâng lời đi học hay không cho dù lúc này năm học đã bắt đầu rồi, vì không học nữa thì cũng đồng nghĩa thôi không tu nữa như 5 anh em kia. Quả thực đây là một quyết định rất khó khăn.
Giữa lúc không biết phải lựa chọn thế nào, nếu cứ tiếp tục học thì liệu có được làm linh mục không, vì ơn gọi làm linh mục là ước mong ngay từ khi còn bé. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi đã đánh liều về tòa giám mục gặp đức cha và thưa với ngài hết mọi suy nghĩ. Như một người cha nhân từ, ngài đã an ủi khích lệ và cho biết ý định của ngài gửi chúng tôi vào Sài gòn học là để làm linh mục. Không những vậy đức cha còn quả quyết sau khi học xong nếu nhà nước không cho phép truyền chức thì ngài vẫn sẽ truyền chức linh mục âm thầm cho anh em, nên con cứ yên tâm học hành. Như liều thuốc bổ kịp thời, lời động viên khích lệ và quả quyết của đức cha Giuse Maria giải tỏa mọi ưu tư, phân vân giúp tôi vượt qua tất cả để tiếp tục trở lại Sài gòn theo học chương trình học viện.
Khi mới vào đến Sài gòn thì cha Phêrô Chu Quang Đương – người sắp xếp mọi sự cho chúng tôi đã được Chúa gọi về. Vì vậy, đức cha Giuse Maria đã gửi chúng tôi đến ở với cha Maria Đaminh Lê Đăng Ảnh ở Bình Triệu – Thủ Đức. Hơn một năm sau qua cha Maria Đaminh, đức cha có ý định gửi chúng tôi đi nước ngoài du học. Lúc này hoàn cảnh xã hội ở Việt Nam, nhất là giáo phận Bắc Ninh rất khó có thể gửi các cha hay các thầy đi du học. Trước và trong khi đó giáo phận đã có ý định gửi mấy người đi du học nước ngoài nhưng tất cả đều bị từ chối.
Bằng đường thẳng không được thì đi đường vòng, vì vậy một mặt ngài khích lệ anh em đang theo học ở Sài gòn học tiếng Anh để chuẩn bị cho tương lai, mặt khác đề nghị cha Ảnh tìm cách làm KT3 (tạm trú dài hạn) tại Sài gòn cho anh em để có thể làm passport (hộ chiếu) như một người dân bình thường. Suy nghĩ đi đôi với hành động, vào mùa hè năm 2002 đức cố giám mục xin với các anh phụ trách phong trào Focolare giúp học bổng để thử đưa anh em chúng tôi sang Phi Luật Tân. Vừa để có điều kiện thực tập thêm tiếng Anh trong môi trường thực tế, vừa là bước đầu chuẩn bị để sau khi học xong thần học sẽ đi du học. Và điều quan trọng nhất là để xem nhà nước có biết hay có cản trở ý định của đức cố giám mục không.
Trở về nước sau gần 3 tháng sống ở Tagaytay – Phi Luật Tân, 3 anh em chúng tôi trở về giáo phận để gặp ngài. Lúc này đức cố giám mục rất vui vì ý định của ngài đã dần được thực hiện. Tuy nhiên, ngài đã không quên nhắc nhở phải hoàn toàn bí mật để thuận tiện cho ý định lâu dài gửi các chủng sinh đang học tại Sài gòn và mở rộng ra là tương lai cho các thầy, các cha trong giáo phận đi tu nghiệp ở nước ngoài.
Trở lại Sài gòn tiếp tục chương trình thần học, nhưng các buổi tối chúng tôi vẫn tranh thủ đến các trung tâm Anh ngữ để nâng cao kiến thức. Thời gian thấm thoát đã gần sáu năm kể từ khi vào Sài gòn học. Vào các dịp hè, hay dịp tết nguyên đán, chúng tôi đều trở về để gặp gỡ đức cha, gặp gỡ các cha, gặp gỡ mọi người để gắn kết tình liên đới với giáo phận.
Dịp tết nguyên đán 2005, khi trở về tòa giám mục Bắc Ninh, đức cha Giuse Maria đã hẹn gặp riêng trước khi chúng tôi trở lại Miền Nam học. Ngài khuyên chúng tôi cố gắng học hành, tiếp tục học tiếng Anh để năm tới sau khi ra trường sẽ sang nước ngoài học theo như ý định từ mấy năm trước. Trước lúc chia tay lên đường vào Nam, ngài nói là hè năm nay các thầy về lại tòa giám mục sống mấy tháng để các cha biết rõ hơn. Đức cha cho biết thêm ý định, năm tới không có gì thay đổi thì trước khi đi du học ngài sẽ truyền chức phó tế và linh mục cho anh em.
Theo như ý định của đức cố giám mục, hè năm 2005 mấy anh em học năm cuối trở về tòa giám mục. Thế nhưng khi trở về, đức cha muốn chúng tôi về thăm gia đình mấy hôm rồi trở lại Miền Nam học thêm ngoại ngữ. Lúc này ngài đã bị bệnh phải đi xạ trị nên đầu rụng hết tóc, song đức cha vẫn dấu bệnh không cho ai biết. Vâng lời ngài sau khi về thăm gia đình khoảng hơn chục ngày, chúng tôi vào lại Sài gòn và tiếp tục học thêm ngoại ngữ. Sau khi vào Sài gòn một thời gian ngắn thì hay tin đức cha đi Mỹ chữa bệnh.
Trong suốt thời gian này, để chuẩn bị cho việc đi du học nên chúng tôi thường phải liên lạc với ngài qua điện thoại để xin đức cha viết thư gửi sang Phi Luật Tân xin học bổng và xin học. Đức cha đã viết thư gửi sang trường ICLA ở Manila xin cho 3 thầy sang học đợt đầu tiên này, nhưng nhà trường chỉ đồng ý cho 2 thầy. Vì vậy, đức cha đã quyết định gửi tôi và một thầy nữa sang Manila học.
5. Tạm Biệt – Hẹn Gặp Cha Trên Trời
Như đã nói, Thiên Chúa có nhiều cách để vẽ những cung đường khác nhau cho những người mà Ngài tuyển chọn, có những con đường thẳng, có những con đường phẳng lặng, có những cung đường gồ ghề. Đối với giáo phận Bắc Ninh thời đức cố giám mục Giuse Maria, để gửi các thầy đi du học được thì Thiên Chúa lại vẽ cung đường cong nhưng không mềm mại.
Ngay sau khi tốt nghiệp chương trình triết học và thần học vào cuối tháng 5 năm 2006 tại học viện Đaminh, chúng tôi vội vã về lại Bắc Ninh để chuẩn bị sang Manila học vì chương trình học ở bên Philippines bắt đầu từ tháng sáu. Lúc này đức cha cũng đã trở về từ Hoa kỳ sau đợt đầu đi chữa bệnh. Đức cha gặp gỡ hai anh em và dặn dò rất nhiều điều trước khi lên đường đi học.
Tôi còn nhớ như in, ngay trước lúc lên đường trở vào Sài gòn, để từ Sài gòn bay sang Manila, thời điểm này chưa có chuyến bay trực tiếp từ Hà Nội đi Manila, với lại xuất cảnh từ Sài gòn “thì ít bị để ý” hơn, chẳng hiểu sao đức cha dẫn hai chúng tôi vào nhà nguyện tòa giám mục để cầu nguyện. Không biết ngài hay cha nào đã chuẩn bị cuốn sách Thánh Kinh và đốt một cây nến. Sau mấy phút cầu nguyện, đức cha bảo chúng tôi từng người một đặt tay lên Kinh Thánh và hứa trung thành với Giáo Hội trước Thánh Thể. Cũng chính nơi đây hơn 4 năm sau (17/6/2010) tôi đã được sinh vào thiên chức linh mục trong âm thầm khi gà vừa gáy sáng.
Sau khi rời nhà nguyện, đức cha đã dẫn 2 anh em xuống phòng kính chào mấy cha trong ban tư vấn đang chuẩn bị họp. Chúng tôi đành phải tạm biệt người cha, người thầy suốt hơn một thập kỷ dậy dỗ, dìu dắt trên bước đường tu trì để đi du học. Chúng tôi không thể ngờ được rằng đây là dịp gặp ngài lần cuối cùng.
Sang Manila một thời gian ngắn, công việc học tập dần dần đi vào ổn định, chúng tôi mới hay tin đức cha tiếp tục sang Mỹ trị bệnh. Từ Philippines, mỗi khi có dịp anh em chúng tôi lại gọi điện hỏi thăm sức khỏe đức cha. Những giây phút cha con trò chuyện ngắn ngủi, cho dù đang phải chịu đựng bệnh tật, ngài vẫn luôn động viên anh em tôi cố gắng học tập để sau này về giúp giáo phận.
Còn nhớ trước khi đức cha qua đời khoảng 4 ngày, tôi gọi điện hỏi thăm, ngài cho biết vừa mới phẫu thuật xong và cảm thấy khỏe hơn rất nhiều, đức cha còn cho biết hôm nay vừa mới đi leo núi với một số người. Cũng như những lần khác, đức cha động viên hai anh em cố gắng học hành và đừng quên cầu nguyện. Đây là lần cuối cùng ngài động viên và khích lệ hai anh em đang phải xa nhà, xa giáo phận cố gắng học tập tu luyện. Ngài cũng bảo chúng tôi cầu nguyện cho đức cha để nếu có thể ngài sẽ tìm cách truyền chức linh mục cho hai anh em. Có thể đây là tâm nguyện của ngài đối với anh em tôi mà ngài chưa thực hiện được chăng, và cũng có thể đức cha biết được ước ao của anh em tôi muốn lãnh nhận chức vụ linh mục để công việc học tập, tu luyện được yên tâm hơn cả về phần xác lẫn phần hồn. Nhưng điều trăn trở chưa được thực hiện thì sau đó 4 ngày vào ngày 24 tháng 9, ngài đã về với Chúa trong an bình tại bệnh viện ở Hoa Kỳ.
Trong suốt mấy ngày tang lễ, cho dù ở xa nhưng chúng tôi vẫn một lòng hướng về giáo phận để cầu nguyện cho ngài, cầu nguyện cho giáo phận. Ngay tại trường, hai anh em tôi xin cha giám đốc để các cha Việt nam dâng một thánh lễ cầu nguyện cách đặc biệt cho ngài.
6. Tạm kết
Hồi tưởng lại về một người cha, một người thầy với biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Cứ ngỡ mọi chuyện vừa mới xảy ra mà đã mấy chục năm rồi. Có thể nói ơn gọi tu trì của tôi ngay từ thuở thiếu thời đã luôn khắc ghi dấu ấn của vị mục tử nhân hiền là đức cha Giuse Maria. Hôm nay, kỷ niệm 10 năm ngày ngài về với Chúa, người viết xin dâng những dòng hồi tưởng này thay cho lời tri ân người cha và người thầy đã chỉ dạy và nâng đỡ trên bước đường ơn gọi. Nếu được so sánh, thì có thể nói rằng cha mẹ đã sinh ra tôi trong cuộc đời, đức cha Cosma sinh ra tôi trong thiên chức linh mục, còn đức cha cố Giuse Maria sinh ra tôi trong ơn gọi tu trì.
Bắc Ninh, ngày 24 tháng 09 năm 2016
Lm. Fx. Nguyễn Văn Thắng
Tin liên quan