Ký ức chủng sinh Bắc Ninh-Thủ Đức
Năm 1954, ngày 20 tháng 7, hiệp định Genève về Việt Nam được ký kết, tạm phân chia thành 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới: Miền Bắc, Miền Nam Việt Nam. Theo hiệp định, mọi người có quyền lựa chọn miền Bắc hay miền Nam. Lúc đó chúng tôi (những chủng sinh trường chủng viện Đạo Ngạn) đang nghỉ hè tại các giáo xứ Bắc Ninh, được lệnh tập trung về Tòa Giám mục để di cư vào Nam. Chỉ trong 3 ngày các cha, các chú đã tập trung đầy đủ tại trường Vinh Sơn Liêm Bắc Ninh, cạnh tòa Giám Mục.
Sau đó, đoàn di chuyển ra viện mồ côi Gia Lâm do cha Sự đang coi sóc. Hàng ngày, chúng tôi chia nhau đi chăn đàn bò do cha quản lý Nguyễn Quang Hiển mang từ Đạo Ngạn.
Một tuần sau, chúng tôi được chuyển sang trường La salle Pugnigier HàNội, một trong những trại tập kết do Ủy ban Di cư sắp xếp để chờ ngày chuyển vào Nam. Tại đây, mỗi ngày mỗi người được Ủy Ban trợ cấp 7 đồng.
Đầu tháng 8 năm 1954, chủng viện được di chuyển vào Nam, chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 gồm 2 lớp Đệ Ngũ và Đệ Thất sang phi trường Gia Lâm bay vào Sài Gòn trước. Nhóm 2 gồm lớp Đệ Tứ và lớp Đệ Lục bay sau một tuần.
Sau 4 tiếng, máy bay chong chóng hạ cánh xuống Tân Sơn Nhứt. Vào Sài Gòn, chúng tôi được chuyển tới trường Nguyễn Đình Chiểu, Tân Định, ăn chực nằm chờ, mỗi ngày được Ủy Ban di cư phát 7 đồng / 1 người. Ra chợ Tân Định, ăn bát bún giá 50 xu (5 cắc), đưa tờ một đồng, bà bán hàng xé đôi tờ giấy, trả lại một nửa trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi.
Một tuần sau chúng tôi được di chuyển về Phước Lý, bên kia sông Cát Lái, cả hai nhóm tập trung đầy đủ và cử hành lễ Đức Mẹ lên trời (15.8.1954) tại nhà thờ Phước Lý.
Số là cha Vũ Ngọc Tấn vào Nam trước, liên lạc được với cha Trang, linh mục Bắc Ninh, quê Thanh Sơn, chuyển vào dòng Châu Sơn. Cha Trang cùng nhà dòng đã di vào Nam và được Bà Tám, Trinh Thị Dung, giáo xứ Chợ Quán – Sài Gòn dâng cúng khu rừng gần nhà thờ Phước Lý dựng nhà dòng. Qua Cha Trang, cha Nguyễn Bá Thi, phó giám đốc chủng viện liên lạc với cha sở Phước Khánh để chủng viện tạm trú cạnh nhà thờ. Thế là mấy căn nhà lá được cấp tốc dựng lên, đón các cha chủng viện và các chú về đây.
Các cha chủng viện gồm Cha giám đốc Ignatio Nguyễn Đức Trị, cha Giuse Nguyễn Bá Thi, cha Đaminh Nguyễn Quang Hiển, cha Phêrô Nguyễn Thiện Thuật, cha Giuse Ngô Văn Tố, cha Gioan Baotixita Đào Duy Thứ, cha Đaminh Nguyễn Văn Bảo (trước khi đi vào Nam, được Đức cha Đoàn đặt làm đại diện giám mục Bắc Ninh – cha chính), thầy Nguyễn Văn Nhân, hai thầy Nguyễn Bá Chính và Nguyễn Xuân Soạn (vừa tốt nghiệp Đại chủng viện Nam Định) cùng ở với chúng tôi để chờ chịu chức. Tháng 12 năm đó (1954), 2 thầy được truyền chức linh mục tại Phước Lý.
Tháng 9.1954, vào niên học mới, hai lớp Đệ Tam (lớp cha Sách) và đệ tứ (lớp cha Hoan) được chuyển ra Chủng viện Phanxico Xavie Sài Gòn học. Ở Phước Lý chỉ còn những lớp đệ nhất cấp: Đệ ngũ, Đệ lục và Đệ thất.
Các cha Bắc Ninh được Bà Tám Trinh Thị Dung đồng ý cho mang dân về lập trại di cư tại đất của Bà dọc đường từ Phước Lý tới Xoài Minh Ông Kèo, từ đó:
-Cha Nguyễn Thượng Hiền mang bà con Thị Cầu – Đông Tiến lập giáo xứ Thi Cầu, Phước Lý.
-Cha Nguyễn Văn Lãng (sau là Đức cha Xuân Lộc) mang bà con Đại Lãm – Thanh Giã lập xứ Bắc Thần.
-Cha Nguyễn Văn Cảnh mang bà con Phượng Mao lập xứ Bắc Minh.
-Cha chính Nguyễn Khắc Mẩn đem bà con Bắc Ninh lập xứ Vĩnh Phước.
-Cha Nguyễn Đức Huấn quy tụ bà con Đại Điền lập xứ Đại Điền.
-Cha Nguyễn Khắc Đoan quy tụ bà con Trung Lai, Dũng Vy… thành xứ Nghĩa Hiệp.
-Cha Lập quy tụ bà con làng Nghĩa Hạ thành xứ Nghĩa Mỹ.
-Cha Hiếu quy tụ giáo dân gốc Thiết Nham thành xứ Thiết Nham.
Nhận thấy vùng Phước Lý phải qua sông cách đò, đi lại không thuận tiện, cha Nguyễn Bá Thi (giám học) và cha Nguyễn Quang Hiển (quản lý) đi liên hệ để có được đất mới gần thành phố hơn. May mắn được Ông Cả ở Thủ Đức dâng hiến khu đất bỏ hoang cạnh chùa Huê Nghiêm, thế là quý cha Bắc Ninh thuê người dựng nhà lầu gỗ (vẫn là ông chủ thầu dựng những nhà lá tại Phước Lý).
Ăn tết xong, đầu tháng 3.1955, chủng viện di chuyển về khu nhà mới ở Thủ Đức, đất rộng.
Tháng 7.1955, chủng viện tiếp tục tổ chức tuyển sinh. Niên học đầu tiên tại Thủ Đức ngoài các cha giáo cũ, còn thêm cha già Nguyễn Duy Thanh làm cha linh hồn của chủng viện, thầy Ký (Cụ tứ Huyền Linh) và thầy Vũ Sỹ Hiệp Ất (tốt nghiệp Rosary Hill Hồng Kông) về bổ sung ban giảng huấn. Lễ Giáng sinh năm 1955, hai thầy được Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi, phụ trách di cư về Thủ Đức truyền chức linh mục.
Niên học đó (1955-1956), chủng viện đầu tiên mở lớp Đệ Tứ do các cha nhà dạy. Cuối năm đi Sài Gòn thi bằng Trung học đệ nhất cấp.
Đầu năm 1956, chủng viện được Ông Cả tặng cho khu đất giáp đường 9 Bình Thọ hiện nay, khu này được chia ba:
-Nhà hưu cho các cha già, cũng là trụ sở của cha chính Bảo,
-Dãy lớp học của chủng viện có sân đá banh, sân bóng rổ,
-và khu đất dành cho nữ tu Đaminh Bắc Ninh làm trường An Ninh.
Chủng viện từ bãi đất trống cần nhiều công nhân xây dựng, dọn dẹp, nên Cha Nguyễn Bá Thi mang con cháu gốc Từ Phong, Dũng Quyết… về lập trại trên bãi đất trống cạnh chủng viện, nay là xứ Từ Đức, để làm công xây dựng khu chủng viện.
Sau đó các cha du học Âu châu từ 1950 về bổ sung vào ban giảng huấn: Cha Ignatio Nguyễn Đức Chấn, tốt nghiệp Sorbonne; Cha Giuse Nguyễn Hòa Nhã, Sử địa Sorbonne; Cha Gioan Baotixita Hoàng Trọng Xuân, Cử nhân Anh; Cha Gioan Baotixita Đào Duy Du, tiến sĩ triết; Cha Tôma Dương Ngọc Phán, cử nhân Fribourg. Thế là chủng viện có một ban giảng huấn hùng hậu.
Năm 1958, cha Nguyễn Đức Chấn thay cha anh, Nguyễn Đức Trị là giám đốc chủng viện. Ngài cho xây trường trung học Đức Minh, mời các giáo sư có bằng cấp về dạy. Các lớp trên sau khi tốt nghiệp Tú Tài được quy tụ về đây, vừa học tập chuẩn bị lên Đại chủng viện, vừa làm giáo sinh dạy các lớp đệ nhất cấp.
Cũng từ 1955 đến 1960, các lớp đệ nhị cấp của chủng viện Bắc Ninh được gửi đi học tại nhiều chủng viện di cư ở nội ô Sài Gòn.
Đó là niên học 1955-1957, 3 lớp đệ tam (lớp cha Phanxico Đinh Trọng Tự), đệ nhị (lớp cha Đaminh Thân Trọng Hoan) và đệ nhất (lớp Cha Gioakim Nguyễn Đăng Chí) gửi học tại chủng viện Phanxicô Xavie Bùi Chu ở Huyện Sỹ.
Niên học 1957-1958, 3 lớp đệ nhị cấp: đệ nhị (lớp cha Phanxico Đinh Trọng Tự), đệ tam (lớp cha Phêrô Nguyễn Văn Nhuận), đệ tứ (lớp cha Giuse Nguyễn Hoa Viên) gửi học tại chủng viện Phaolô Phát Diệm ở Phú Nhuận.
Niên học 1959-1960, các lớp đệ nhị cấp (đệ tam, của Cha Phêrô Chu Quang Tào, đệ nhị của cha Hiér Nguyễn Văn Thao, đệ tứ của Giuse Nguyễn Văn Tăng lại được gửi học tại chủng viện Piô XII của Hà Nội ở Ngã Sáu Chợ lớn.
Niên học 1958-1859, chúng tôi gồm 6 anh em đỗ Tú Tài 1 (Thân Văn Luân, Trần Quang Thuận, Trần Việt Văn, Nguyễn Minh Hưng, Chu Quang Minh và Nguyễn Văn Phong) được cha Chấn gửi đi trọ tại Đại chủng viện Xuân Bích, Thị Nghè của cha Gastine, để đi học lớp đệ nhất tại trường Chu Văn An, Chợ Lớn.
Tới năm 1960, Hội đồng Giám mục Việt Nam địa phương hóa các chủng viện di cư, mọi người phải gia nhập giáo phận địa phương. Tiểu chủng viện Thủ Đức không được tuyển sinh nữa, nhưng vẫn duy trì thêm hai năm quy tụ những chủng sinh vài giáo phận khác chuyển tiếp trước khi giải thể (nghe nói trong số chủng sinh gửi về học tại Thủ Đức có Đức cha Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Huế sau này).
Nhập các giáo phận địa phương nên các chú được tiếp tục đi học ở các đại chủng viện khác nhau: Giáo hoàng chủng viện Alberto của các cha dòng Đaminh; Đại chủng viện Xuân Bích Thị nghè; Đại chủng viện Tôma của Bùi Chu ở Gia Định; Đại chủng viện Xuân Bích Huế; Giáo hoàng chủng viện Piô X Đà Lạt; Đại chủng viện Xuân Bích Vĩnh Long.
Vậy là chủng sinh Bắc Ninh – Sài Gòn đã lên đường nhập các chủng viện tại miền đất mới. Thế nhưng, tinh thần chủng sinh Bắc Ninh vẫn không ngừng cháy lửa trong con người tôi.
Bình Thọ, ngày 20.9.2024
Lm. Đaminh Nguyễn Thế Hoạt