Nhà thánh Tự với Làng phong Cẩm Thuỷ – nối vòng tay yêu thương
Cẩm Thủy: ngày 24 tháng 5 năm 2014 là một ngày thật đặc biệt, cách riêng đối với các anh em ứng sinh Nhà Thánh Phê-rô Nguyễn Văn Tự. Trước khi về trời Đức Giê-su Ki-tô đã nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.” (Mc 16, 15). Đây không chỉ là lời mời gọi đơn thuần, nhưng còn là sứ mạng cao cả mà mỗi anh em ứng sinh đang hướng tới. Ý thức lời mời gọi đó, ngày hôm nay các anh em ứng sinh một lần nữa lại lên đường, lần này là đi đến những vùng ngoại vi, ra ngoài Giáo phận Bắc Ninh thân yêu đến với những vùng đất mới, để đem yêu thương, niềm vui của Chúa đến với nhiều người hơn nữa. Và điểm đến của các anh em ứng sinh trong chuyến đi lần này là Gia đình Phong Cẩm Thủy thuộc Giáo phân Thanh Hóa.
Các anh em ứng sinh có được chuyến đi ngày hôm nay là nhờ những công lao to lớn, sự quảng đại, hy sinh của các vị ân nhân trong và ngoài nước qua sự nối kết của bác Phao-lô Nguyễn Xuân Hòa – người đã đồng hành và giúp đỡ rất nhiều cho các anh em ứng sinh trong suốt năm qua, bên cạnh đó còn có các ân nhân ở Hà Nội, quý vị ân nhân miền Bắc nước Đức, Linlcon – USA.
Cùng đi với các anh em ứng sinh ngày hôm này có Cha giáo Đa-minh Nguyễn Văn Bích, thầy Đa-minh Nguyễn Văn Khang, thầy Giu-se Nguyễn Minh Thọ, bác Phao-lô Nguyễn Xuân Hòa và cô giáo Maria Christine Hà Thiên Kim.
Làng Phong Cẩm Thủy cách khá xa Nhà Ứng Sinh Thánh Phê-rô Nguyễn Văn Tự nên ngày hôm nay các anh em ứng sinh phải xuất phát từ rất sớm. Đúng 3h sáng chuyến xe chở các anh em ứng sinh lăn bánh lên đường. Vượt qua quãng đường gần 200km, và một quãng đường chừng gần 2km đi bộ các anh em ứng sinh đã đến được với trại phong Cẩm Thủy. Quãng đường chừng 2km đi bộ dường như ngắn lại, khi trên khuôn mặt của mỗi người anh em luôn nở một nụ cười, cộng thêm vào đó là sự háo hức khi được đến thăm viếng những bệnh nhân nơi đây. Làng Phong Cẩm Thủy tọa lạc gần một ngôi làng nhỏ, xung quanh được bao bọc bởi đồi núi.
Đây là lần đầu tiên đến với gia đình Phong Cẩm Thủy nên nhiều anh em đã không khỏi bỡ ngỡ, thậm chí là hơi lo lắng khi không biết là mình có nhận được sự đón tiếp của những bệnh nhân nơi đây. Nhưng khi đến nơi thì sự lo lắng của anh em hoàn toàn tan biến, thay vào đó là niềm hân hoan khi các anh em nhận được sự đón tiếp rất nồng nhiệt của các bệnh nhân nơi đây. Hiện nay ở làng Phong Cẩm Thủy chỉ còn 33 bệnh nhân, các bệnh nhân không ở trực tiếp tại khu bệnh viện nhưng chủ yếu là ở những ngôi nhà xung quanh bên ngoài khu bệnh viện.
Khi đến nơi, các anh em ứng sinh đã nhanh chóng tập trung vào hội trường của bệnh viện để thăm hỏi, chia sẻ với các bệnh nhân. Thật cảm động khi các bệnh nhân với hình hài không còn lành lặn, đôi bàn tay thiếu ngón, đôi bàn chân không còn có thể bước đi bình thường như bao người, nhưng đâu đó sâu thẳm nơi trái tim mỗi bệnh nhân nơi đây là một ý chí, một nghị lực phi thường để vươn lên trong cuộc sống, để vẫn sống vui, sống yêu thương và giúp đỡ người khác. Đó là những bài học vô giá mà các anh em ứng sinh đã cảm nghiệm được nơi các bệnh nhân. Bên cạnh sự thăm hỏi, chia sẻ là những bài hát, điệu múa làm cho không khí thêm phần náo nhiệt. Vì thời gian không cho phép nên sau khi giới thiệu các anh em ứng sinh với các bệnh nhân, các cha, các thầy, trong đó có cha Phao-lô Đinh Văn Thảo – phó xứ Phong Ý – ngài rất hăng say truyền giáo và phục vụ người kém may mắn, chính ngài cũng là người chở những phần quà hôm nay đến trại phong Cẩm Thủy – đã trao những phần quà của các vị ân nhân đến với những bệnh nhân phong, những phần quà mà ngày hôm nay, các anh em ứng sinh chỉ đóng vai trò như những sứ giả của tình yêu trung chuyển yêu thương đến với những bệnh nhân nơi đây. Sau khi đã trao các phần quà các cha, các thầy các anh em ứng sinh đã chụp tấm hình lưu niệm với các bệnh nhân, và sau đó chia tay các bệnh nhân để tiếp chuyến hành trình ngày hôm nay. Cuộc viếng thăm tuy ngắn ngủi, nhưng nó cũng gây cho các anh em ứng sinh những ấn tượng sâu sắc; sự cảm mến, cảm phục những bệnh nhân nơi đây, niềm tri ân đối với các vị ân nhân – những người đã góp phần nối những vòng tay yêu thương, nhân ái với những người kém may mắn.
Chia tay gia đình phong Cẩm Thủy, các anh em ứng sinh đến thăm Suối Cá Thần cách gia đình phong khoảng 7 km. Nhưng để đến được với Suối Cá Thần các anh em phải đi bộ 4,5 km. Vì chiếc cầu treo bắc qua sông Mã không cho phép những chiếc xe quá lớn chạy qua. Dưới cái nóng của mùa hè cộng thêm hơi nóng bốc lên từ mặt đường đã làm cho khuôn mặt mỗi anh em trở nên đỏ hơn. Nhưng cũng từ 4,5 km đi bộ các anh em ứng sinh lại cảm nhận rõ ràng hơn câu nói của Thánh Giacôbê: “Đức Tin có trải qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn”. Dường như mỗi anh em cũng hình dung đến hình ảnh các tông đồ: Phêrô, Gioan, Giacôbê xưa phải vất vả trèo lên núi Tabo để rồi được nhìn thấy vinh quang của Chúa Giêsu. Các anh em ứng sinh cũng trải qua những chặng đường oi bức để đến 10h00 các anh em được ngắm nhìn vinh quang của Thiên Chúa được thể hiện qua cảnh sắc thiên nhiên giàu đẹp nơi Suối Cá Thần. Qua nghe kể và tận mắt chứng kiến mỗi anh em được biết rằng: những con cá ở suối này nặng khoảng 2kg đến 8 kg. Ban ngày những con cá này ra bơi lội ngoài suối, ban đêm thì chui vào trong những vách núi. Đặc biệt ở những chú cá này là: tuy sống tập chung nhưng cá lớn không bắt nạt cá bé, chúng cứ vui vẻ sống chung với nhau. Nghe đến đây có người anh em nói: “Giá mà con người sống với nhau cũng hòa thuận vui vẻ như những chú cá thì hay biết mấy!” Sau khi ngắm nhìn những chú cá đáng yêu, các anh em ứng sinh vào thăm động Cây Đăng. Động xuyên ngang một ngọn núi. Khi vào trong mỗi anh em một lần nữa thấy được sự kỳ diệu của Thiên Chúa khi tạo dựng nên đất trời. Ở trong động là cả một cái điều hòa khổng lồ, nó như làm cho mỗi anh em quên đi những chặng đường oi bức đã trải qua. Dường như điều đó giống các vị thánh tử đạo ngày xưa, chắc lúc chịu hành xử các ngài cũng cảm thấy đau, cũng cảm thấy khổ. Nhưng khi đã được lên Thiên Đàng ngắm nhìn vinh quang của Thiên Chúa thì các Ngài chẳng còn tâm trí đâu mà nhớ đến các khổ hình mà mình đã chịu. Mà chỉ dành thời gian để được hưởng trọn những giây phút hạnh phúc đó thôi. Thăm động Cây Đăng xong, các anh em ứng sinh có thời gian để nghỉ ngơi và ăn uống nhẹ bên bờ Suối Cá Thần và cạnh đó là một ngôi chùa. “Đứng trước vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời như thế này tại sao chỉ có ngôi chùa mà không có nhà thờ?” – một người anh em đã thốt lên như vậy. Đứng trước một sự thật có vẻ phũ phàng như vậy anh em đã cùng nhau cất lên những bài hát thánh ca, nhảy những điệu vũ êm dịu để ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa. Lần đầu tiên nhảy múa bên cạnh một ngôi chùa và trước cảnh thiên nhiên tuyệt vời như thế này làm tim các anh em như đập mạnh hơn. Sau những bài thánh ca, đoàn khách thăm quan đến từ Nghệ An cũng không kìm nổi được niềm vui đáp lại bằng những câu dân ca xứ Nghệ. Không hẹn mà gặp nên các anh em ứng sinh đã có một buổi giao lưu văn hóa giữa làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh và những điệu hát dân ca xứ Nghệ. Hình ảnh đó thật đẹp. Đẹp khi mà Tin Mừng của Thiên Chúa được cất lên thì đã có những lời đáp trả lại. Một lần nữa các anh em lại nối kết những nhịp cầu yêu thương, hiệp nhất tại ngay bên bờ suối Ngọc êm đềm này. Những điệu vũ, những lời ca Quan Họ thắm tình yêu thương, những câu dân ca xứ Nghệ giờ đây như cùng hợp thành một bản giao hưởng bất tận của tình Chúa, tình người. Có lẽ cái mà các anh em ứng sinh gieo hôm nay không mang lại những mùa gặt ngay nhưng đến một lúc nào đó khi gặp điều kiện thuận lợi những hạt giống sẽ lại nảy mầm và trổ bông. Phao-lô đã trồng và Apolo tưới và chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những hạt mầm mọc lên…
Rời Suối Cá Thần, các anh em ứng sinh đến với Giáo xứ Phong Ý – thuộc Giáo Phận Thanh Hóa, cách Suối Cá Thần 12 km. Giáo xứ Phong Ý là nơi mà cha Phao-lô Đinh Văn Thảo đang giúp. Do sự quen biết của bác Phao-lô Nguyễn Xuân Hòa với cha, mà hôm nay các anh em ứng sinh có dịp đến và dùng cơm trưa tại nơi đây. Qua lời giới thiệu của cha, các anh em được biết giáo xứ có rất nhiều các giáo họ giáo điểm thuộc vùng dân tộc vùng sâu vùng xa (dân tộc Mông), có nơi xa khoảng 230 km. Một điều làm tôi cảm động tại nơi đây là: mặc dầu đoàn của các anh em ứng sinh đến dùng bữa trưa rất muộn (lúc 13h30), nhưng cha và cả gia đình nhà chung vẫn cứ đợi để đến khi các anh em đến mới cùng dùng bữa. Ôi những hy sinh, nếu không có những hy sinh thì có lẽ tình yêu sẽ thiếu đi vị ngọt rồi. Xin Chúa trả công bội hậu cho những người đã bao bọc chúng con trong chuyến hành trình này. Trong bữa cơm cha còn hát cho các anh em nghe nhiều bài hát bằng tiếng Mông. Quả thực từ nơi cha dường như mỗi người đều nhìn thấy hình ảnh của Chúa Giêsu. Vì muốn gần con người, muốn cứu nhân loại Người đã trở nên người phàm, trở nên nghèo khó như con người. Vì muốn gần những người dân Bản Mông Cha cũng đã cố gắng để học tiếng Mông, hát tiếng Mông. Cám ơn Cha đã cho chúng con những bài học những mẫu gương từ thực tế để chúng con noi gương. Chúng con cầu chúc cho cha và Giáo xứ Phong Ý sẽ luôn có sự bình an trong Chúa và ngày một thăng tiến. Sau khi đã viếng thăm ngôi Thánh Đường, và dùng bữa với giáo xứ Phong Ý, các anh em đã chia tay cha và giáo xứ để lên đường trở về Nhà Ứng Sinh trong niềm vui và sự động viên khích lệ lớn lao mà giáo xứ đã dành cho mỗi anh em.
Mặc dù chuyến đi khá dài và mệt mỏi, nhưng các anh em ứng sinh vẫn rất vui vẻ vì ngày hôm nay mỗi anh em đã góp một phần bé nhỏ của mình để nối kết những vòng tay yêu thương, nhân ái. Hơn thế nữa chắc chắn qua chuyến đi lần này, mỗi anh em sẽ có cho mình được những hành quý báu và cần trên con đường ơn gọi phía trước. Ngồi trên xe trên quãng đường dài gần 200km trở về nhà, một lần nữa lời mời gọi của Chúa dường như lại vang vọng đâu đây, như hối thúc, như dục dã: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.” (Mc 16, 15)
NTT