Linh mục cần “soi gương” mỗi ngày

LINH MỤC CẦN “SOI GƯƠNG” MỖI NGÀY

(Bài chia sẻ lễ tạ ơn tân linh mục Giuse Nguyễn Thành Văn)

Kính thưa cộng đoàn!

Hôm vừa rồi mở trang mạng ra, tôi thấy một bài hát thật tuyệt vời qua giọng hát của  nữ ca sĩ Ngọc Lan – một bài hát có lẽ đã làm thổn thức trái tim của bao người với ca từ mộc mạc:

Vì tôi là linh mục, không mặc chiếc áo dòng. Nên suốt đời hiu quạnh, Nên suốt đời lang thang,  ..”.  Cuối của bài hát linh mục là  “Vì tôi là linh mục, người ơi một linh mục: rất …. dại khờ..”

Tự nhiên gợi hứng  cho tôi trong bài chia sẻ hôm nay là:

Điểm thứ nhất: Áo của linh mục

Ngày còn bé, thỉnh thoảng được đi Bắc Giang dự lễ, hình ảnh cha Giuse Nguyễn Tiến Giản mặc áo chùng thâm hay mặc áo lễ trông sao dễ thương, dễ mến và dần dà ăn sâu vào tâm trí tôi. Có lẽ ơn gọi tu trì của tôi được gợi hứng và đánh động bởi chính hình ảnh áo chùng thâm và áo lễ của cha Giuse khi  tôi còn nhỏ.

Trong những dịp lễ truyền chức linh mục, áo lễ cũng chính là món quà người ta thường tặng tân linh mục. Khi tặng, ai cũng mong muốn tân linh mục mặc áo lễ mình tặng trong ngày lễ truyền chức hoặc trong thánh lễ tạ ơn. Họ  mong muốn và tranh nhau để được vị tân chức mặc áo của mình nhiều đến nỗi mà giáo phận Bắc Ninh phải may riêng cho mỗi tân linh mục một áo lễ để không làm mất lòng ai trong những ngày trọng đại như thế này.

  Hôm thứ bảy vừa rồi, trong lễ truyền chức, chứng kiến ông bà cố nâng niu chiếc áo lễ và đưa lên trao cho các con, rồi  quý cha nghĩa phụ hay những cha có ân tình, ân nghĩa  với tân linh mục mới được chọn để mặc áo lễ đầu đời cho quý tân chức. Hình ảnh đó thật thân thương, thật cảm động và nhắc nhở anh em linh mục chúng tôi về sứ mạng thiêng liêng của mình.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà đã gần 5 năm kể từ ngày tôi được truyền chức linh mục. Dẫu vậy, giờ đây tôi vẫn cứ ngỡ như mới hôm qua thôi. Cách đây 5 năm, bởi một số lí do khách quan cho nên lễ truyền chức linh mục và tạ ơn của cha Ngôn, cha Thành và tôi không được diễn ra bình thường như những lễ truyền chức khác. Sự bất thường ấy sinh ra do mấy vị có chức quyền cố tình ngăn cản không cho mấy  anh em chúng tôi mặc áo lễ, họ nói phong chức thế nào thì phong chức còn mấy ông ấy là không được mặc áo lễ. Vì vậy, đến tận bây giờ, 5 năm đã trôi qua chúng tôi vẫn được mang cái tiếng là “linh mục không áo”. Tuy nhiên so với quý cha quê hương Xuân Hòa chúng ta đây thì chúng con chưa là gì cả, cha Giuse Phạm Sĩ An hơn 50 năm và có lẽ là cả đời thi hành thánh chức linh mục trong âm thầm, hay như cha nguyên tổng đại diện Đa-minh Nguyễn Văn Kinh cũng từng âm thầm sống đời linh mục suốt mười mấy năm trời, và trong những năm tháng khó khăn trên giáo phận Bắc Ninh chúng ta đã có cả đức cha, quý cha phải âm thầm phục vụ trong cấm cách và phức tạp nhưng tất cả đều kiên trung cho tới cùng. Hôm nay, thoạt nhìn thì chúng ta thấy cha Giuse gặp nhiều thuận lợi hơn tôi và rất nhiều quý cha, nhưng thưa cộng đoàn, những khó khăn khách quan do thời cuộc, do xã hội thường chẳng là gì cả mà đôi khi lại trở thành động lực để mỗi linh mục tiến bước. Những vật cản lớn nhất trong đời linh mục lại phát xuất từ giới hạn của bản thân, đòi hỏi mỗi người phải can đảm đối mặt và quyết tâm vượt qua chính mình, mới mong trở thành vị mục tử như lòng Chúa mong ước.

Thưa cộng đoàn! Người ta thường nói: chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng đối với tôi thì: thầy tu mà không có áo thì cũng hơi kỳ lạ. Hôm Chúa nhật vừa rồi, lễ cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu ở tại giáo xứ Xuân Hoà này với nhiều hoạt động hấp dẫn, cùng với đó nhiều dòng tu còn biểu diễn thời trang tu phục  để mời gọi các bạn trẻ bước theo Chúa bằng chính bộ áo dòng của mình.

Trong tác phẩm “ Nơi đâu là nhà”, tác giả Lê Quang Phúc đã diễn tả cộng đoàn dân Chúa được dẫn dắt, được  quy tụ bởi một vị chủ chăn trong chiếc áo chùng thâm. Trong cảnh hỗn loạn của thời kỳ binh biến thì người  Ki tô hữu tìm thấy “nhà” của mình trong một mảnh đất vô cùng xa lạ và đầy dãy sự biến động nơi chiếc áo chùng thâm của vị mục tử.

Cha Giuse Nguyễn Thành Văn thân mến, giữa cuộc đời với biết bao phong ba bão táp này. Cha đã can đảm đón nhận và khoác lên mình phẩm phục linh mục. Vì vậy mỗi khi cử hành bí tích, thánh lễ, hay khi gặp thử thách trong cuộc đời, thì chính phẩm phục linh mục mà anh em chúng ta đang mặc đây hẳn sẽ nhắc nhở chúng ta – những linh mục của Chúa phải trung thành với sứ vụ đã được trao phó. Cùng với đó, chiếc áo chùng thâm mà chúng ta thường mặc sẽ mang lại bình an trong tâm hồn và từ đó lan tỏa tới mọi người xung quanh.

Điểm thứ 2: Người linh mục phải có khả năng nhìn – khả năng quan sát:

Linh mục  là Đức Ki tô thứ 2 – Alter Christus, phải là người như thế nào?  Khẩu hiệu linh mục “Ở lại trong Thầy” (Ga 15:7) là kim chỉ nam trong đời sống linh mục của cha Giuse đây. Khẩu hiệu đó cũng nhắc nhở mỗi người linh mục nói riêng và tất cả các Kitô hữu nhớ rằng  hãy luôn luôn ở lại trong người thầy chí thánh của mình là Đức Giêsu Ki tô. Tuy nhiên  trong cuộc đời, nhiều khi ta quên mất rằng chúng ta đang ở trong Chúa. Vì vậy, nếu là Đức Kitô thứ hai thì linh mục phải có khả năng nhìn vào tận  nội tâm chính con người mình, xem ta còn ở trong Chúa hay Chúa còn ở trong ta không?

Hôm tuần thánh vừa rồi có một bạn trẻ hỏi tôi qua facebook. Thưa cha, giáo dân đi xưng tội thì xưng tội với linh mục, còn linh mục thì xưng tội với ai? Tôi trả lời bạn trẻ rằng, bạn có biết đức thánh cha xưng tội với ai không? Ngay lập tức tôi gửi tấm hình đức thánh cha đang quỳ gối xưng tội cho bạn trẻ đó. Bạn đó gặng hỏi tiếp, đức thánh cha xưng tôi với ai thì con biết, nhưng các cha thì  xưng tội với ai? Tôi liền hỏi lại rằng, theo bạn thì các cha xưng tội với ai? Bạn đó mới trả lời là con nghe người ta nói là các linh mục soi gương rồi xưng tội có phải không cha. Câu trả lời của bạn đó có thể chỉ là câu nói đùa thôi, nhưng lại làm nảy sinh rất nhiều câu hỏi tự vấn: đã bao giờ tôi “soi gương” và nhìn một cách nghiêm túc sâu thẳm vào con người của mình chưa? Đã bao giờ tôi nhìn vào chính con người linh mục yếu đuối của mình và  xin Chúa nâng đỡ chưa? Câu trả lời của bạn trẻ đó cứ ám ảnh và khiến tôi phải ra trước gương trong phòng để soi và nhìn vào con người thật của mình. Qua đây cũng xin anh chị em  không chỉ tặng các tân chức phẩm phục để mặc, mà còn tặng cả gương để các cha soi nữa.

Cha Anthony de Mello kể chuyện một ký giả đến thăm vị ẩn sĩ và đặt câu hỏi: “người ta nói thầy là một thiên tài, có đúng vậy không thưa thầy?”  Vị ẩn sĩ trả lời: “Bạn có thể cho là như vậy!”. Vị ký giả thấy khó chịu, ông hỏi thêm: “vậy cái gì làm cho người ta thành người thiên tài?”. Vị ẩn sĩ trả lời: “đó là khả năng nhìn!” “Nhưng nhìn cái gì?”, ký giả thấy lúng túng. Vị ẩn sĩ thủng thẳng trả lời: “nhìn thấy con bướm trong con sâu, thấy con phượng hoàng trong quả trứng, thấy vị thánh trong con người ích kỷ”.

Cha Giuse – người anh em thân mến: chỉ khi ở lại trong Thiên Chúa thì mới có thể  nhìn thấy tường tận con người mình, nhìn thấy những cố gắng trong yếu đuối của linh mục, nhìn thấy sự nỗ lực trong con người bất toàn, nhìn thấy sự hy sinh trong con người  đầy lầm lỗi. Ở lại trong Thầy chí thánh Giêsu – người linh mục trọn hảo; ta  mới nhận được  ân sủng, và ơn ban của Thiên Chúa mới gìn giữ cho người linh mục yếu đuối mỏng giòn đứng vững trước mọi thách đố  của thời đại, vì linh mục là những bình sành dễ vở. Thiên Chúa là Đấng  thấy được vị thánh trong con người ích kỷ của linh mục.

Thưa cha Giuse và anh em linh mục rất thân mến, con thiết nghĩ  mỗi ngày trước khi đi ngủ anh em linh mục chúng ta hãy đứng trước gương để nhìn ngắm kĩ càng mình một lần hẳn sẽ thấy bụi bặm bám đầy trong những bộ phẩm phục thánh thiêng.  Nhờ vậy chúng ta sẽ nhận ra những thiếu sót tồn tại để cố gắng hoàn thiện bản thân thì mỗi người mới có thể ở lại trong thầy chí thánh Giê-su, và từ đó chúng ta sẽ thấy được vị thánh trong con người ích kỷ của mỗi linh mục chúng ta. Amen.

Xuân Hòa, ngày 28 tháng 04 năm 2015

Fx. Nguyễn Văn Thắng