Lược sử Giáo họ Ảm
1. Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Giáo họ Ảm thuộc thôn Thành Công, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, cách nhà xứ Bắc Giang 5km.
Bổn mạng: Thánh Giuse (19/3).
Nhà thờ: Ngôi nhà thờ này có chiều dài 12.5m; rộng 6m; cao 6m. Tổng diện tích khuôn viên nhà chung hiện nay là 485m2.
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Theo lời kể của cụ Nguyễn Văn Xếp (lương dân, sinh năm 1937) là người gốc của làng Ảm này cùng với ông Giuse Nguyễn Văn Trung và Giuse Nguyễn Văn Hà, năm 1947 giáo họ đã có được một ngôi nhà thờ 7 gian, tường xây bằng gạch, mái lợp bằng ngói, cột bằng gỗ Lim. Trước cửa nhà thờ, có dãy nhà phòng 5 gian để làm nhà ở, nhà ăn và nhà kho. Lúc đó, có thầy già Mẹt ở đây cùng với 2 cậu giúp lễ. Ngoài ra, giáo họ Ảm lúc đó còn sở hữu 5 sào ruộng để cấy lúa hàng năm. Tổng số giáo dân lúc đó là khoảng 155 nhân danh với 30 hộ gia đình Công Giáo. Khi ấy, cha Xuân (người Tây) đang coi sóc Bắc Giang cũng đôi khi đến giáo họ Ảm để dâng Thánh lễ. Đến năm 1948, giáo họ có thêm dãy nhà học, nhờ đó các em được đến học trống trắc và học văn hóa tại đây.
Vào những năm 1947, giáo họ Ảm thuộc về giáo xứ Cánh Khê (đây là một giáo xứ khá đông giáo dân và mạnh mẽ trong đời sống đức tin, nhà thờ xứ Cánh Khê được xây dựng cách giáo họ Ảm hiện nay khoảng 600m). Tuy nhiên, biến cố di cư 1954 đã khiến cho giáo xứ này không còn một người nào ở lại. Nhà thờ bị bỏ hoang, đất đai bị những người lương dân xung quanh đến chiếm hết. Hiện nay, khu nhà thờ đó không còn vết tích gì nữa mà chỉ còn là khu trồng cây và làm gạch của người dân mà thôi.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, nhà thờ xứ Cánh Khê đã hoàn toàn sụp đổ chỉ còn lại nền nhà thờ. Trong lòng nhà thờ khi đó có 2 hòm đựng xương thánh của 2 vị thánh tử đạo (không nhớ tên) được chôn cất tại đó. Rất may, ông Nguyễn Văn Năng và một số người khác đã cùng nhau đến đây chuyển hài cốt các ngài đưa về giáo xứ Thiết Nham năm 1960. Sau khi giáo xứ Cánh Khê không còn nữa, giáo họ Ảm chuyển về sinh hoạt đức tin với giáo xứ Bắc Giang kể từ năm 1954.
Biến cố di cư năm 1954 đã khiến cho giáo họ Ảm chỉ còn lại 4 hộ gia đình với 10 nhân danh. Các gia đình còn ở lại đó là gia đình ông Năng, ông Tẻo, Bà Sâm, ông Thông. Vì chỉ còn ít giáo dân, và không có nhà thờ nên đời sống đức tin của cộng đoàn giáo họ nơi đây sa sút nghiêm trọng. Việc giữ đạo khi đó chỉ còn mang hình thức cá nhân mà thôi, cộng đoàn không còn nơi nào để đọc kinh cầu nguyện chung với nhau nữa. Ngôi nhà thờ của giáo họ bị pháo Pháp bắn phá năm 1952, tuy không sụp đổ nhưng bị ảnh hưởng nặng nề. Do không được sửa chữa nên một thời gian không lâu sau đó, nhà thờ này bị hỏng hoàn toàn. Sau biến cố 1954, ngôi nhà thờ này không còn nữa.
Sau một khoảng thời gian lâu dài với gần 50 năm không có nhà thờ, năm 2000 Cha Đaminh Nguyễn Xuân Hùng đã cùng với bà con giáo dân của giáo họ Ảm xây dựng ngôi nhà thờ như hiện nay. Ngôi nhà thờ này có chiều dài 12,5m; rộng 6m; cao 6m.. Tổng diện tích khuôn viên nhà chung hiện nay là 504m2 (chưa có sổ đỏ). Ngoài ra, giáo họ còn có 2 sào ruộng.
3. Đời sống đức tin
Kể từ khi có nhà thờ năm 2000, cộng đoàn giáo họ bắt đầu duy trì việc đọc kinh hàng ngày vào các buổi tối. Còn những năm khó khăn về trước, mỗi năm giáo họ chỉ có từ 1 đến 2 Thánh lễ. Hiện nay, cha Giuse Nguyễn Văn Phong làm cha xứ Bắc Giang, mỗi tuần giáo họ Ảm có 1 Thánh lễ vào các tối ngày thứ Sáu trong tuần. Mặc dù đời sống đức tin đang dần được khôi phục, nhưng giáo họ nơi đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn: số giáo dân còn ít, cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có giáo lý viên, muốn học giáo lý thì các em thiếu nhi phải đi đến tận nhà xứ mới có lớp học (cách 5km). Còn đó những khó khăn và thách đố trong đời sống đạo. Ước mong sao, đức tin nơi giáo họ Ảm tiếp tục được lớn lên và trổ sinh hoa trái trong tình yêu Thiên Chúa.
Truyền thông Bắc Ninh