Lược sử Giáo họ Bích Đại
- Thông tin cơ bản
Tên gọi: Giáo họ Bích Đại.
Địa chỉ: Xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bổn mạng: Thánh Giuse (19/3).
Giáo dân: Giáo họ Bích Đại có 120 nhân danh, chiếm tỉ lệ khoảng 1,2% dân cư trên địa bàn xã Đại Đồng (năm 2022). Họ chủ yếu làm nông nghiệp và làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn.
Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi và ban Caritas, hội Giustino và ca đoàn.
Nhà thờ: Ngôi nhà thờ hiện nay được khánh thành năm 2008 với kích thước: chiều dài 20m, chiều rộng 7m và chiều cao 5m. Nhà thờ có một tháp chuông cao 20m, và 01 quả chuông 100kg. Diện tích khuôn viên nhà thờ hiện nay khoảng 240m2.
- Lịch sử hình thành và phát triển
Nhà thờ Bích Đại nằm trên địa bàn xã Đại Đồng. Nơi đây có hai con sông lớn Sông Hồng và sông Phó Đáy gần kề. Tương truyền kể lại, khi thực dân Pháp thành lập tỉnh Vĩnh An (Yên), Phủ Vĩnh Tường là một đơn vị độc lập thuộc tỉnh Vĩnh Yên có 8 tổng: Đồng Phú, Đồng Vệ, Hưng Lục, Kiên Cương, Lương Điền, Tăng Đố, Thượng Trưng, Tuân Lộ.
Nằm trên địa bàn tổng Đồng Vệ có làng Bích Đại nay thuộc xã Đại Đồng. Các cụ kể rằng, vào khoảng năm 1868, có cụ Đỗ Văn Đắc được sinh ra và trưởng thành tại đây. Cụ là người đầu tiên được biết và đón nhận Tin Mừng tại làng Bích Đại. Khi được rửa tội, cụ lấy tên thánh bảo trợ là Giuse. Sau này, trong số các con của cụ Đắc, có cụ Giuse Đỗ Văn Ngạch làm trùm và làm chánh trương (hàng phủ). Theo sách “Lược Giáo Hạt Vĩnh Phúc”, năm 1876, sau Hòa ước Nhâm Tuất, ngày 09/5/1862, khi vua Tự Đức ra sắc chỉ tha đạo, làng Bích Đại đã có 4 chi họ với khoảng 10 gia đình đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, thời kỳ này, đời sống đức tin còn nghèo nàn và hạn chế, các gia đình chỉ đọc kinh tại tư gia.
Khoảng năm 1890, gia đình ông Giuse Ngạch dâng hiến 360m2 đất để giáo họ làm nhà nguyện và nơi hội họp. Các cụ trong họ đạo cùng nhau đóng góp để xây dựng một ngôi nhà nguyện có cột gỗ lim, lợp mái bằng lá cọ để mọi người có nơi quy tụ đọc kinh cầu nguyện.
Năm 1912, khi thành lập giáo xứ Vĩnh Yên, Cha Antonio Silva An (Tây Ban Nha) đến thăm giáo họ. Cha cố thấy giáo dân Bích Đại có lòng đạo đức, có lòng mến yêu Đức Chúa và mọi người liên đới hiệp nhất với nhau nên đã vận động dân họ làm lại nhà thờ. Năm 1920, giáo họ Bích Đại mới chuẩn bị được vật liệu và đóng góp công của để làm lại ngôi nhà nguyện mới. Vật liệu cột kèo đều bằng gỗ lim, tường xây gạch cao 4m, mái lợp bằng ngói mũi, gồm 7 gian, dài 21m và rộng 7m. Ngôi nhà thờ nằm ở vị trí hướng Tây Nam, quay về trục đường chính ngày nay. Khi đó, cộng đoàn giáo họ Bích Đại có khoảng 100 nhân danh.
Năm 1948 – 1949, quân đội Pháp chiếm đóng Vĩnh Yên. Vì bom đạn, giáo dân Bích Đại phải chạy tản cư sang các vùng lân cận như giáo họ Sơn Tang (Vĩnh Sơn), khu vực bốt xóm mới (xã Tân Tiến ngày nay). Quân đội Pháp đã đốt phá, tháo dỡ nhà thờ cũng như nhà phòng vì tình nghi có Việt Minh cư trú, và đem hết các vật liệu ra đầu làng lập bốt.
Năm 1952, cụ Giuse Đỗ Văn Kiều xin quan huyện thuộc phủ Vĩnh Tường cho dân làng Bích Đại trở về quê hương. Khi giáo dân trở lại, dân họ họp nhau làm một ngôi nhà nguyện mới có 5 gian dài 10m, rộng 6m, có cột gỗ, tường bằng gạch và lợp mái ngói. Vị trí nằm trên mảnh đất nhà thờ như ban đầu. Đây là ngôi nhà nguyện thứ 3 từ khi người tín hữu giáo họ Bích Đại đón nhận Tin Mừng.
Năm 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội Pháp thất bại. Khi rút chạy từ Việt Trì về Hà Nội, quân Pháp bắn pháo, ném bom, tàn phá dân làng. Nhà thờ và nhà dân một lần nữa bị cháy tan hoang. Trước những tổn thất nặng nề do chiến tranh gây ra, năm 1954, một số gia đình giáo họ Bích Đại di cư vào Nam. Một số giáo dân theo đạo năm 1950 bỏ đạo hồi lương. Giáo họ Bích Đại chỉ còn 10 gia đình ở lại coi sóc nhà thờ và sinh sống tại quê hương.
Năm 1955, khi cuộc cải cách ruộng đất diễn ra, chính quyền lấy ruộng đất nhà thờ và nhà chung chia cho dân. Một số gia đình Công Giáo bị quy thành địa chủ. Giáo họ còn ít người, chiến tranh loạn lạc, kẻ đi người ở lại, tình thế bao khó khăn, kinh tế trong vùng đói khổ, nhiều gia đình giữ đạo cách âm thầm bằng việc đọc kinh tại tư gia.
Năm 1975, giáo họ có 3 gia đình vào Nam làm kinh tế mới. Đời sống đức tin không được tự do, thiếu thốn linh mục, không có người hướng dẫn đức tin, xã hội kỳ thị người có đạo, đất nhà thờ bị chiếm đến 75%. Đời sống đức tin giáo họ Bích Đại gặp muôn vàn khó khăn. Trong khoảng thời gian nay, cụ Giuse Đỗ Văn Lan là người can đảm bảo vệ đức tin, trông coi khu đất nhà thờ. Mọi công việc liên quan đến địa hạt hay giáo phận, cụ Giuse Đỗ Văn Lan là người đi lại và thông tin cho cộng đoàn trong giáo họ.
Năm 1996, cha quản hạt Giuse Trần Quang Vinh về dâng thánh lễ và ban các bí tích tại giáo họ. Lúc này, giáo họ có 17 hộ gia đình với 90 nhân danh. Nhận thấy đời sống bà con giáo họ nhiều khó khăn, cần có một ngôi nhà nguyện cho mọi người sum họp cầu nguyện, cha Giuse Vinh về Tòa giám mục Bắc Ninh thưa với Đức cha Tuyến lo liệu giúp đỡ. Đức cha đã viết thư nhờ quý ân nhân hải ngoại và đồng hương xa quê giáo họ Bích Đại đóng góp để xây ngôi nhà nguyện. Cùng với sự đóng góp của bà con trong giáo họ, ngày 19/10/2007, giáo họ Bích Đại khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới và được hoàn thành vào tháng Tư năm 2008. Ngày 20/12/2008, dân họ vui mừng đón Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt về làm phép ngôi nhà thờ.
- Đời sống đức tin
Kể từ ngày hạt giống Tin Mừng được gieo xuống làng Bích Đại cho đến nay, thấm thoát đã gần 150 năm. Với biết bao biến cố thăng trầm lịch sử, giáo họ Bích Đại vẫn luôn trung thành, kiên vững với niềm tin mà cha ông truyền dạy. Hiện nay, giáo họ Bích Đại gồm có 5 hội đoàn: hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, ban Caritas, hội Giustino và ca đoàn. Ước mong rằng, hạt giống đức tin đã được gieo xuống mảnh đất Bích Đại sẽ không ngừng trổ sinh bông hạt.
BTT Giáo Phận