Lược sử Giáo họ Quả Cảm
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Quả Cảm, Hòa Long, Tp. Bắc Ninh, Bắc Ninh.
Giáo dân: 20 nhân danh (8/2022).
Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: 1 Nữ tu thuộc Tu hội Thánh Tâm.
Nhà nguyện: Nhà nguyện giáo họ Quả Cảm thuộc xứ Chính toà, có diện tích khá nhỏ (khoảng 70m2) chiều dài khoảng 13m, chiều rộng khoảng 5m. Nhà nguyện hiện nay của giáo họ Quả Cảm nằm trong khu vực Bệnh viện Da Liễu tỉnh Bắc Ninh, thuộc núi Cai Vàng gần 13ha.
- Lịch sử hình thành và phát triển
Tương truyền khoảng năm 1913, một số bệnh nhân phong đến sống tập trung tại khu vực làng Thụ Ninh (gần cổng hậu thành cổ Bắc Ninh). Bấy giờ, có cha Tuần cùng đồng hành với họ. Sau vì lý do làng Thụ Ninh nằm gần thị xã Bắc Ninh, cha Tuần đã đưa những người phong lên định cư tại núi Cai Vàng, nằm trên địa bàn làng Quả Cảm. Thời gian sau, cha Tuần mất tại Quả Cảm vì chứng phong, hài cốt của ngài được giáo dân an táng trong khuôn viên giáo họ Sen Hồ.
Ban đầu khi lên Cai Vàng cư ngụ, cuộc sống người dân ở đây gặp nhiều khó khăn: môi trường sống thay đổi, mặc cảm vì căn bệnh phong và bị mọi người hắt hủi. Những khốn khó người mắc phong hứng chịu thực không sao kể xiết.
Để xoa dịu nỗi đau của họ, cha Phêrô Bùi Tuần (quê ở Nam Định, mất năm 1952 tại Quả Cảm, hài cốt hiện được chôn cất trong khuôn viên nhà thờ Nếnh Sen) kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm trong địa phận. Cha không quản ngại hy sinh, sẵn sàng phục vụ các bệnh nhân phong trong âm thầm. Nhờ lòng nhiệt thành của cha cùng sự giúp đỡ của mọi người, giáo dân làng Quả Cảm đã xây dựng nên một ngôi thánh đường mới. Năm 1930, nhà thờ Quả Cảm được khánh thành. Cũng trong năm này, Đức Giám mục Theosora Gordaliza Phúc thiết lập hai giáo xứ Bắc Kạn và Quả Cảm. Về sau, do chiến tranh bom đạn, ngôi nhà thờ đầu tiên của xứ Quả Cảm bị tàn phá. Dấu tích của nhà thờ hiện nay còn lưu lại trên đồi Cai Vàng.
Theo một nguồn sử liệu khác, tác giả Đinh Đồng Phương viết trong cuốn “Giáo Phận Bắc Ninh” nói rõ: Trước năm 1930, để giúp đỡ các bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân Công Giáo, các thừa sai đã xây một nhà nguyện nhỏ trong khu vực trại phong và có hai Thầy Giảng cùng mắc bệnh phong ở đó coi sóc[1]. Theo nguồn tài liệu này, ngôi nhà thờ cha Phêrô Tuần cùng bà con giáo dân Quả Cảm xây dựng và khánh thành năm 1930 là ngôi nhà thờ thứ hai của giáo họ Quả Cảm.
Biến cố năm 1954 ảnh hưởng lớn đến đời sống đức tin các tín hữu xứ Quả Cảm. Thời gian này, hầu hết giáo dân trong xứ di cư vào miền Nam. Khi đó, cụ Nguyễn Duy Chương (chủ tịch hội đồng bệnh nhân) đứng lên bảo vệ khu đất nhà xứ Quả Cảm. Điều đặc biệt là cụ Chương chưa gia nhập đạo Công Giáo. Thời đoạn chiến tranh nổ ra, nhà thờ bị tàn phá, giáo dân không có nơi để thờ phượng. Ít năm sau, tiếng súng đạn thưa dần, giáo dân trong xứ cùng chung tay xây dựng nên ngôi nhà nguyện nhỏ. Sau vì khu điều trị phong Quả Cảm cần thêm khu bệnh xá, nhà nguyện của dân họ lần nữa buộc phải phá bỏ. Trong giai đoạn này, cụ Văn và cụ Hồi (đại diện giáo họ) cùng cụ Chương (đại diện bệnh nhân) đề nghị gửi chuông và ảnh tượng của giáo xứ tại Tòa Giám mục.
Dịp lễ Phục Sinh năm 1987, được sự chấp thuận của Đức Cha Phaolô Phạm Đình Tụng, sơ Anna Nguyễn Thị Xuân (thành viên của tu hội Thánh Tâm), đến thăm làng phong Quả Cảm. Cuộc viếng thăm này đã gợi lên trong sơ Xuân niềm thao thức trở nên tông đồ của những bệnh nhân phong. Từ đây, nhờ chỉ dẫn của Đức cha Phaolô và Đức Hồng Y Phanxicô Thuận, sơ Anna Xuân đã theo học các lớp chuyên tu về điều dưỡng và chăm sóc bệnh nhân phong tại Nha Trang và Sài Gòn. Lễ Tro năm 1991, sơ Xuân chính thức trở thành nhân viên khu điều trị phong, đồng thời là giáo dân của giáo họ Quả Cảm.
Năm 1998, được sự đồng ý của Đức Giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, cha Giuse Nguyễn Đức Hiểu cùng giáo dân giáo họ Quả Cảm chung tay xây dựng nên ngôi thánh đường thứ ba. Trong thời gian này, giáo họ tiếp nhận sự giúp đỡ của nhiều ân nhân, đặc biệt là Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, bấy giờ còn là cha xứ giáo xứ Thiên Thần và phụ trách trại phong Thanh Bình; cùng cha Phanxicô Trần Thế Thuận (gốc giáo họ Sen Hồ) phụ trách trại phong Bến Sắn Bình Dương. Ngoài sự giúp đỡ của Đức cha và quý cha, việc xây dựng ngôi nhà nguyện còn ghi nhận sự giúp đỡ tận tình của giáo dân giáo xứ Ngô Khê.
Ngày 07/10/1998, ngôi nhà nguyện thứ ba của dân họ được hoàn thành (diện tích khoảng 40m2). Nhà nguyện sau đó được làm phép bởi cha Đaminh Nguyễn Văn Kinh. Số nhân danh của giáo họ Quả Cảm khi đó chỉ vỏn vẹn 5 tín hữu.
- Đời sống đức tin:
Hiện nay, giáo họ Quả Cảm thuộc giáo xứ Chính Tòa Bắc Ninh. Quả Cảm là giáo họ duy nhất trong giáo phận không có Ban hành giáo hay hội đoàn nào. Một nét đặc biệt khác nơi Quả Cảm là nhà nguyện giáo họ được trông coi bởi một người bệnh phong mù, cụ Giuse Nghiêm Đình Thị. Dù mù loà, nhưng cụ vẫn đều đặn đến mở cửa nhà thờ và cầu nguyện cùng bà con dân họ hàng ngày.
Kể từ khi thành lập, làng Quả Cảm có nhiều tâm hồn khao khát trở thành người Công Giáo, nhưng vì nhiều lý do, họ không thể gia nhập đạo Chúa. Đại diện cho những tâm hồn ấy là cụ Nguyễn Duy Chương. Khi xây dựng nhà thờ năm 1998, cụ trồng một cây Vạn Tuế phía cửa chính nhà thờ, điều đó như muốn nói lên khao khát của cụ là ngày đêm được gặp gỡ và thờ phượng Thiên Chúa. Sau cùng, ước nguyện chân thành của cụ trở thành hiện thực. Năm 2001, cụ lãnh nhận Bí tích Rửa Tội qua cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Đại. Từ đó, cụ được gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Hiện nay, số giáo dân ở Quả Cảm duy trì sinh hoạt đức tin khoảng 10 người. Khi có thánh lễ, một số tín hữu thuộc giáo xứ Ngô Khê tham dự cùng bà con giáo dân Quả Cảm. Sinh hoạt đặc biệt của giáo họ: dâng kính mọi sự cho Thánh Tâm Chúa. Bà con giáo dân giữ kinh sớm tối mỗi ngày, cùng nhau phó thác và trông cậy vào tình yêu của Thánh Tâm Chúa.
[1] Đinh Đồng Phương, Giáo Phận Bắc Ninh, 1993, tr.81.
BTT Giáo Phận