Nghĩa vụ kinh lý của giám mục giáo phận
Nơi Giám mục đến kinh lý, đó là một sự kiện của ân sủng dành cho nơi đó. Nó phản ảnh một mức độ nào đó sự viếng thăm của Chúa Giêsu Kitô, “vị mục tử tối cao” (1Pr 5,4), chăm sóc các linh hồn (x. 1 Pr 2,25), Đấng đến viếng thăm và cứu chuộc dân Người (x. Lc 1,68).
1. Bản chất và mục đích của nghĩa vụ kinh lý của Giám mục giáo phận
Kinh lý là việc đã có từ kinh nghiệm lâu đời trong Giáo Hội. Kinh lý giáo phận là một hoạt động tông đồ mà Giám mục giáo phận phải chu toàn cách sinh động theo lòng bác ái mục tử, nó thể hiện cụ thể nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hợp nhất trong một Giáo Hội địa phương (x. LG 23). Nơi Giám mục đến kinh lý, đó là một sự kiện của ân sủng dành cho nơi đó. Nó phản ảnh một mức độ nào đó sự viếng thăm của Chúa Giêsu Kitô, “vị mục tử tối cao” (1Pr 5,4), chăm sóc các linh hồn (x. 1 Pr 2,25), Đấng đến viếng thăm và cứu chuộc dân Người (x. Lc 1,68)[1].
Kinh lý giáo phận là một nghĩa vụ và quyền của Giám mục giáo phận (đ. 199,70 ; 396§1). Quyền nầy không bị chi phối bởi thời hiệu (đ. 199,70). «Kinh lý không chỉ là một nghĩa vụ bó buộc mang tính pháp lý đối với Giám mục giáo phận mà còn là một yêu cầu mục vụ tuyệt đối cần thiết»[2]. Nghĩa vụ nầy buộc cá nhân Giám mục nhưng Ngài có thể nhờ người khác khi cần thiết (đ. 396§1).
Giám mục có thể kinh lý toàn thể hoặc một phần giáo phận, sao cho ít là trong vòng năm năm có thể kinh lý toàn giáo phận (đ. 396§1)[3].
Giám mục cần thực thi việc kinh lý cẩn thận, thích đáng, có thể chọn những giáo sĩ cùng đi để giúp đỡ mình (đ. 396 §2) nhưng tránh gây gánh nặng vì quá tốn kém cho nơi kinh lý (đ. 398).
Một số mục đích chính của cuộc kinh lý:
– Giúp Giám mục trực tiếp tìm hiểu và thấy rõ tình hình và nhu cầu mục vụ thực tế của giáo phận: đánh giá đúng đắn hiệu quả cơ cấu tổ chức và phương tiện mục vụ, biết rõ hơn thực trạng và khó khăn của công cuộc truyền giáo[4].
– Dịp tốt để Giám mục gặp gỡ và tìm hiểu các cá nhân trong các thành phần Dân Chúa, đặc biệt là từng linh mục trong giáo phận như về cá tính, thói quen, nguyện vọng, đời sống tinh thần, lòng nhiệt thành, lý tưởng, mức sống, sức khỏe, nơi làm việc, gia đình hay những gì liên quan khác[5].
– Giám mục có thể khích lệ, cổ võ, an ủi, ban khen kịp thời cũng như mời gọi người tín hữu canh tân đời sống đạo đức và dấn thân hoạt động tông đồ hơn nữa[6].
– Để sửa chữa, điều chỉnh những sai sót, những lạm dụng về mặt kỷ luật (đ. 392), nếu có.
– Qua việc kinh lý, giúp Giám mục điều hành và phối trí các công việc tông đồ cho hiệu quả hơn, cổ võ và phối hợp hài hòa những dự án tông đồ đã, đang và sẽ thực hiện, xác định tốt hơn những ưu tiên các việc phải làm và các cơ cấu tổ chức mục vụ trong toàn giáo phận[7].
2. Đối tượng của việc kinh lý thông thường
Những đối tượng sau đây thuộc quyền kinh lý thông thường[8] của Giám mục trong giáo phận của mình (đ. 397):
– Nhân sự: giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ, người có trách nhiệm chăm sóc các linh hồn và các hiệp hội (hội đoàn) (đ. 305§1), cơ cấu tổ chức giáo xứ như Hội đồng mục vụ, Hội đồng kinh tế giáo xứ (đ. 536 & đ. 537).
– Cơ sở công giáo: các trường học (đ. 806), các trung tâm giáo dục nói chung (đ. 800-806), các hội từ thiện, thiện ý và thiện quỹ (đ. 1301 và tt), kể cả các cơ sở do các Hội dòng đặc trách (đ. 683§1).
– Sự vật: các đồ thờ, các xương thánh, các ảnh tượng, của di tặng (đ. 1301§2), tài sản Giáo Hội (đ. 1276 và tt); các loại sổ sách, giấy tờ, tài liệu trong văn khố của giáo xứ (đ. 491; đ. 535§4), trong đó kể cả sổ lễ (đ. 957 và 958) hay sổ ghi lại thiện ý – thiện quỹ (đ. 1306; 1307).
– Nơi thánh: Về nơi thánh nói chung (đ. 1206-1213), các nhà thờ (đ. 1215; 1220; 1222), nhà nguyện (đ. 1223-1229), nghĩa trang (đ. 1208).
– Giám mục có thể kinh lý các thành viên, các tu viện của Hội dòng thuộc quyền Tòa thánh trong những trường hợp đã được Giáo luật dự trù (đ 397 §2; đ. 683§1).
– Đối với các Hội dòng thuộc quyền giáo phận, trong giáo phận của mình, Giám mục có quyền và có bổn phận kinh lý, kể cả về phương diện kỷ luật, từng cộng đoàn của Hội dòng (đ. 628§2) cũng như có quyền được nghe tường trình tình hình kinh tế của cộng đoàn đó (đ. 637).
3. Kinh lý giáo xứ
a. Chuẩn bị
Để kinh lý được hiệu quả tốt, cần có sự chuẩn bị về phía Giám mục và về phía giáo xứ.
Đối với Giám mục, trước khi đi kinh lý, ngài cần ra một thông báo chính thức với chương trình nội dung cụ thể sẽ thực hiện đối với giáo xứ đó. Thông báo nầy có thể đưa lên Bản thông tin và website của giáo phận hay giáo xứ cho nhiều người giáo dân biết rộng rãi.
Giám mục cũng nên biết trước về hoàn cảnh xã hội, tôn giáo, điều kiện sống của dân chúng trong giáo xứ để có cái nhìn thực tế tổng quát phần nào tình trạng của cộng đoàn.
Về phần giáo xứ, cần có sự chuẩn bị cụ thể để việc kinh lý thực sự hữu ích và thuận lợi.
– Cha xứ thông báo cho giáo dân và lên chương trình cụ thể để các thành phần dân Chúa sẽ gặp gỡ Giám Mục giáo phận.
– Cha xứ phải chuẩn bị bản tường trình[9] thực trạng của giáo xứ về nhân sự, về cơ sở vật chất, về đời sống đạo, về quản trị và giữ gìn tài sản, chẳng hạn như việc hình thành và phát triển của giáo xứ, hiện trạng đời sống đạo, các đoàn hội đang hoạt động hay không còn hoạt động, tình trạng học vấn của con em trong giáo xứ, tình hình sinh hoạt giáo lý của giáo xứ, tài sản (động sản và bất động sản) của giáo xứ như: xe cộ, trang thiết bị máy móc, đất đai, ruộng vườn… Trong bản tường trình có thể nêu một vài đề nghị hay định hướng mục vụ trước mắt và lâu dài của giáo xứ.
– Cha xứ cần chuẩn bị các hồ sơ giấy tờ sổ sách, kể cả những hồ sơ lâu đời: sổ rửa tội, sổ thêm sức, sổ hôn phối, sổ tình trạng các linh hồn hay sổ các gia đình, sổ lễ, các tài liệu khác như giấy tờ mua bán bất động sản, các hợp đồng, bản vẽ xây dựng, các văn thư có tầm quan trọng pháp lý đạo – đời và các văn thư, thư từ hay chỉ thị của Giám mục từ trước đến nay[10].
b. Công việc chính
Kinh lý giáo xứ là việc rất quan trọng và cần thiết. Khi đi kinh lý giáo xứ, tùy theo thời gian và hoàn cảnh, Giám mục có thể tiến hành những công việc sau đây[11]:
– Cử hành bí tích: dâng Thánh lễ đồng tế và giảng Lời Chúa, Ban bí tích thêm sức, Thánh lễ cho các em Rước lễ lần đầu hay Thánh lễ theo nhu cầu mục vụ.
– Gặp gỡ và đối thoại: gặp riêng cha sở và các giáo sĩ khác đang phục vụ giáo xứ, gặp gỡ Hội đồng giáo xứ, hay với những tín hữu đang cộng tác vào các công việc tông đồ khác nhau và với các hiệp hội tín hữu; gặp gỡ Hội đồng kinh tế giáo xứ (nếu có); gặp gỡ thanh thiếu niên, các em học sinh giáo lý; trong giới hạn và hoàn cảnh cho phép, thăm một số bệnh nhân.
Giám mục cũng có thể chọn những cách thức khác nhau để có thể hiện diện và đối thoại với người tín hữu và với các tầng lớp xã hội khác trong giáo xứ, kể cả những người đã bỏ đạo.
– Thăm các cơ sở vật chất: nhà thờ, nhà xứ, phòng học, nghĩa trang và các nơi thánh của giáo xứ nói chung.
– Giám sát – kiểm soát: việc quản trị và giữ gìn tài sản của giáo xứ, nếu cần có thể nhờ cha hạt trưởng trong vấn đề nầy (đ. 535§4); văn khố và các sổ sách của giáo xứ, kể cả sổ lễ, sổ thực thi các thiện ý và thiện quỹ.
c. Kết thúc
Sau cuộc kinh lý, Giám mục giáo phận có thể ra một văn thư ghi nhận cụ thể cuộc kinh lý giáo xứ. Văn thư nầy sẽ lưu trữ ở văn khố của giáo xứ cũng như của Tòa Giám Mục, trong đó có thể nêu vài điểm chính như[12]:
– Lượng giá các chương trình mục vụ và truyền giáo.
– Một số chỉ dẫn giúp giáo xứ dấn thân và thăng tiến đời sống đạo.
– Ghi nhận hiện trạng các cơ sở phụng tự, công trình và các cơ sở mục vụ khác của giáo xứ.
Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ