Nhận định của giáo phận Bắc Ninh về dự thảo “Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo”
Nhận được thư mời góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo của ban tôn giáo chính phủ đề ngày 03 tháng 7 năm 2017, giáo phận Bắc ninh đã gửi đến ban tôn giáo chính phủ một số nhận định về dự thảo này. Xin gửi đến tất cả anh chị em giáo dân trong giáo phận thân yêu để cùng nhau suy nghĩ và cầu nguyện.
NHẬN ĐỊNH VỀ DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU
VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
Kính gửi: Ban Tôn Giáo Chính Phủ
Theo đề nghị của Ban Tôn giáo Chính phủ qua văn thư số 732/2017/TGCP-PCTT, chúng tôi, đại diện Đức Giám Mục và toàn thể giáo dân giáo phận Bắc Ninh có một số nhận định cho Bản dự thảo 1 về nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo, (sau đây gọi là Dự thảo 1) như sau:
Nhìn chung Dự thảo 1 đã quy định cũng như hướng dẫn về trình tự, thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo một cách chi tiết và cụ thể. Tuy nhiên, Bản dự thảo này vẫn còn nhiều điều đáng quan ngại, ảnh hưởng tới quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của con người:
- Cũng giống như Luật tín ngưỡng, tôn giáo thông qua ngày 18.11.2016, Bản dự thảo này tiếp tục cổ võ cơ chế xin – cho. Trong đó, các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo thuần túy vẫn phải “thông báo”, “đề nghị”, “đăng ký” và chờ đợi sự “chấp thuận” hoặc “đồng ý” bằng văn bản của chính quyền như là một “ân huệ”. Các Điều 4, 5, 6, 7 quy định trình tự và thủ tục về việc thay đổi người đại diện, thời gian, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Cũng vậy, các Điều 21 và 22 quy định trình tự và thủ tục về việc chuẩn bị nhân sự cho tổ chức tôn giáo. Đây là những sinh hoạt nội bộ của các tổ chức tôn giáo. Nếu như bất cứ điều gì cũng phải được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý nhà nước thì rõ ràng chính quyền đang can thiệp quá sâu vào các sinh hoạt nội bộ của các tổ chức tôn giáo.
- Xuyên suốt Dự thảo vẫn là cách nhìn thiên kiến về tôn giáo. Các điều 24, 25, 26 liên tục nêu ra một số khái niệm mơ hồ gây ra những hiểu lầm về các tổ chức tôn giáo như những thế lực đối kháng với chính quyền. Những điều này tạo ra kẽ hở để chính quyền quy kết trách nhiệm hoặc kết án các tổ chức tôn giáo vi phạm pháp luật. Điều này cũng đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắc đến trong Bản nhận định về luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
- Luật tín ngưỡng tôn giáo thông qua ngày 18.11.2016 mới chỉ quy định chung chung một số điều về việc tham gia của các tổ chức tôn giáo vào các lĩnh vực giáo dục và y tế. Điều này cũng đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam đề cập trong bản nhận định và mong muốn có những quy định cụ thể về hai vấn đề này. Tuy nhiên, Dự thảo 1 lại không có bất cứ một điều khoản nào quy định hay hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động vào lĩnh vực giáo dục và y tế.
- Các thủ tục hành chính được quy định trong Dự thảo 1 quá tiểu tiết và rườm rà đi ngược lại với chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020. Hầu như các điều khoản trong Dự thảo đều nhắc tới việc lập hồ sơ với hàng loạt các giấy tờ không cần thiết và không thể đáp ứng được trong thực tiễn, gây khó khăn, cản trở các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Trên đây chúng tôi chỉ nêu ra một số dẫn chứng cụ thể về những bất cập trong Dự thảo này. Cùng với quan ngại của Hội đồng Giám mục Việt Nam nêu trong bản Nhận định về Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã gửi cho Bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội Việt Nam ngày 01 tháng 06 năm 2017, chúng tôi đề nghị +quý vị không những soạn lại Dự thảo 1 này mà còn soạn lại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được thông qua ngày 18 tháng 11 năm 2016. Chúng tôi mong muốn Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo phải được soạn thảo căn cứ theo điều 2, 16, 24 và 119 của Hiến pháp năm 2013, đồng thời phải tôn trọng Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền được Đại hội đồng liên hiệp quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948, đặc biệt phải tuân thủ và thực hiện Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký năm 1982.
Thưa quý vị, chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Vì vậy, chúng ta không thể khép kín mình bằng những luật lệ rườm rà, lạc hậu đi ngược lại với luật quốc tế cũng như sự tiến bộ của nhân loại. Hy vọng rằng, những nhận định này sẽ được đón nhận để tạo tiền đề cho sự phát triển đất nước dân chủ, công bằng và văn minh./
Bắc Ninh, ngày 17 tháng 07 năm 2017.
LINH MỤC TỔNG ĐẠI DIỆN
Giuse Nguyễn Đức Hiểu