Những người mẹ yêu con hơn… biển Thái Bình
Ai lấy vợ lấy chồng cũng thầm mong gia đình mình hạnh phúc, cũng ước ao sinh được những đứa con khỏe mạnh và tài giỏi. Nhưng cuộc đời lắm chớ chêu, đôi khi ước mơ mãi mãi chỉ là mơ ước. Có nỗi đau nào hơn khi ngày ngày cha mẹ thấy con mình quằn quại trong đau đớn, không thể bước đi trên đôi chân của chính mình, không đủ trí khôn để đoán định lẽ đời hay đơn giản không thể tự làm công việc cá nhân… Song không vì thế mà tình mẫu tử bị dứt bỏ, bị đổi tráo mà ngược lại những người mẹ ấy đã “xuất hành” khỏi số phận để yêu con, thương con hơn cả chính mình.
Theo chân các thành viên trong Nhóm Loan Báo Tin Mừng hạt Bắc Giang, chúng tôi đến thăm gia đình ông Hoàng Văn Hiển và bà Giáp Thị Tiền. Con đường nhỏ chạy quanh cánh đồng lúa miền trung du mơn mởn xanh thời con gái cuối cùng dẫn chúng tôi tới xóm Trại Nưa – Thôn Tiên Do – Xã Bảo Sơn (Lục Nam – Bắc Giang) khi nắng hè bắt đầu đổ bộ.
Không hẹn mà nên duyên, thật tình cờ thay khi ông Hiển đang đạp xe đi có công chuyện thì gặp chúng tôi giữa đường. Sau khi nhận ra bác Sơn, cô Hiệu, cô Cầm là những người quen, ông Hiển vui mừng chào đón và quay đầu xe dẫn đoàn vào nhà thăm. Ngôi nhà xây khá khang trang của ông bà Hiển Tiền khác xa những hình dung của chúng tôi. Bà Tiền kể, hai vợ chồng cố gắng tằn tiện để xây cho con cái chỗ ở rộng rãi sạch sẽ chứ số phận chúng nó đã khổ lại ở trong nhà lụp xụp quá thì tội lắm.
Trong ngôi nhà đơn sơ, không có đồ đạc, thiết bị gì nhiều nhưng rất thoáng mát và hết sức sạch sẽ. Nằm trên chiếc giường kê sát bên cửa sổ, cô bé Hoàng Thị Gái (sinh năm 1992) cố gắng ngẩng đầu lên để chào chúng tôi. Gái bị bại liệt từ nhỏ, chân tay teo tóp, đặt đâu nằm đó, không có khả năng phục vụ bản thân. Nhìn thấy em Gái chịu thiệt thòi mà thương vô cùng, mấy chục năm qua em chỉ sống trong thân xác của một đứa trẻ dù trí não vẫn phát triển nhưng không thể làm gì hơn để giúp cha giúp mẹ, “lực bất tòng tâm” mà.
Dẫu thiệt thòi nhưng em được bù đắp thật nhiều khi có một người mẹ tuyệt vời yêu con hơn cả bản thân mình. Ngoài những công việc đồng áng, cơm nước, lợn gà, bà Tiền còn chăm sóc con hết mực, cho con ăn uống đầy đủ, ngày nào cũng tắm cho con ít nhất là một lần, cả hai vợ chồng bà còn thường xuyên ngồi nói chuyện với con để con đỡ tủi thân…
Đang ngồi bên giường của Gái nói chuyện với ông Hiển, bà Tiền thì cậu con trai Hoàng Văn Hậu (sinh năm 1994) từ đâu chạy vào chào chúng tôi, chắc Hậu nghe thấy có khách nên hớn hở về xem ai. Cái điệu bộ ngơ ngơ, ngác ngác của Hậu trông thật dễ thương. Hậu cũng bị bại liệt từ nhỏ, khoảng chục tuổi mới bắt đầu biết đi nhưng chân tay yếu lắm, không cầm được bất cứ cái gì một cách chắc chắn. Hậu khá hơn Gái vì vẫn còn đi lại nói năng được song cũng chẳng giúp gì được bố mẹ cả, đến tắm rửa cũng phải có bố mẹ giúp. Thường ngày, Hậu cũng ra đồng, cũng chăn bò giúp bố mẹ nhưng khổ cái Hậu chăn bò còn bố mẹ thì lại luôn phải để mắt trông chừng Hậu. Vì thế bà Tiền nói đùa, Hậu coi bò để bò không ăn lúa, còn bố mẹ thì coi Hậu để Hậu không gặp nguy hiểm, còn bò thì coi vợ chồng bà để tìm cách gặm trộm lúa… Câu chuyện nghe có vẻ vui nhưng ẩn chứa trong đó là niềm thao thức, sự quan tâm và tình thương con lớn hơn trời biển.
Nuôi hai đứa con tàn tật vất vả nhưng ông bà Hiển Tiền luôn vui tươi không bao giờ oán trách số phận. Bà Tiền bảo, dù thế nào đó cũng là con mình, do mình dứt ruột đẻ ra không yêu thương sao được. Gái và Hậu còn có người anh trai tên Hoàng Văn Chuyển (sinh năm 1989), anh Chuyển may mắn hơn hai người em của mình khi vừa có sức khỏe tốt vừa được học tập đàng hoàng. Đúng là ông trời thương để cho ông bà có niềm hy vọng mai này cậy dựa.
Bà Tiền kể, trước kia khi còn ở nhà Chuyển đỡ đần ông bà rất nhiều công việc và chăm sóc cho hai em tận tình lắm, mấy năm nay Chuyển đi học nên ông bà vất vả hơn nhưng dù ở xa Chuyển vẫn thường gọi điện hỏi thăm gia đình và mỗi khi về là lại chăm sóc hai em như khi còn ở nhà. Bà Tiền vui lắm song bà cũng lo, bà lo sau này mình già yếu không thể chăm sóc cho Gái và Hậu thì mọi gánh nặng đều đè lên đôi vai của Chuyển. Bà hy vọng đứa con trai cả của mình luôn được mạnh khỏe và luôn yêu thương hai em như những tháng năm qua.
Ông Hiển trầm ngâm tâm sự, có lẽ hai cháu bị như vậy là do di chứng chất độc màu da cam từ ông nội để lại sau một thời gian dài đi chiến tranh. Ông nội của Hậu vốn là người gốc Hoa, khi chiến tranh biên giới năm 1979 xảy ra ông không vượt biên về quê gốc mà vẫn ở lại mảnh đất này vì ông xem nơi đây chính là máu thịt của ông.
Dẫu ngày đêm phải lo lắng chăm sóc cho Gái và Hậu nhưng ông Hiển, bà Tiền không xem đó là sự phiền toái ngược lại ông bà còn thấy đó chính là động lực để hai vợ chồng cố gắng. Hai ông bà yêu thương con mình thật lòng và chẳng bao giờ muốn rời xa chúng. Khi biết Giáo phận Bắc Ninh có nhà tình thương Hương La do các Sơ ở Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất phụ trách, ban đầu hai ông bà dự định gửi con mình xuống đó để vợ chồng tập trung phát triển kinh tế. Sau khi bàn đi tính lại, ông bà quyết định không gửi nữa vì sợ xa con sẽ nhớ con, thương con mà sinh ra bệnh thì còn khổ hơn. Đối với ông Hiển, bà Tiền thì con cái là món quà quí giá nhất mà tạo hóa đã ban tặng. Xa chúng là một cực hình, ông bà chỉ mong hôm nào có dịp đưa Gái và Hậu xuống Hương La chơi vài ngày để các cháu gặp bạn bè cùng cảnh ngộ mà thêm đồng cảm và hơn thế là chính ông bà có dịp tận mắt chứng kiến các Sơ chăm sóc cho những em kém may mắn thế nào.
Có nhiều lúc thấy con cái người ta bằng chăng bằng lứa mạnh khỏe làm ăn, dựng vợ gả chồng rồi về nhìn con mình ông Hiển cũng thấy tủi thay cho gia đình ông nhưng rồi ông lại nghĩ giả dụ như cả ba đứa con đều lành lặn thì có khi vợ chồng cũng chẳng cần cố gắng lao động làm gì; hay cả ba đứa đều khỏe mạnh, thông minh nhưng đứa nào cũng hư hỏng phá phách, gia đình cãi vã, bất hòa thì đó mới là bất hạnh. Đôi khi cuộc sống dễ dàng quá sẽ làm mất đi ý nghĩa, người ta không cảm nhận được đâu là hạnh phúc thực sự. Cứ như ông bà thế này thôi, nhưng ngày nào được sống, được chăm sóc con cũng cảm thấy vui, thấy bình yên và hạnh phúc lắm rồi. Những đứa con khuyết tật không giúp gì bố mẹ nhưng chẳng bao giờ cãi, chửi, đánh bố mẹ. Nếu được ước một điều gì đó, ông Hiển – bà Tiền sẽ ước thằng cu Hậu đỡ bệnh đỡ tật hơn để rồi có ai yêu thương nó mà nên nghĩa vợ chồng thì sau này ông bà có nhắm mắt xuôi tay cũng thấy nhẹ nhàng hơn.
Chia tay gia đình ông Hiển – bà Tiền, tôi thấy nghèn nghẹn ở nơi con tim và tự vấn rằng, mình sẽ làm gì để giúp đỡ Gái và Hậu. Nắm lấy cánh tay “mềm mại” của Hậu tôi thấy thương Hậu, tôi giục mình phải cố gắng hơn. Tôi vừa đùa vừa thật hỏi Hậu mấy giờ rồi, Hậu nhìn vào chiếc đồng hồ điện tử số đỏ lòe loẹt treo tường trả lời nhanh như cắt “mười hai rưỡi”. Tôi giật mình nhìn kỹ đồng hồ nhà Hậu mà không thấy rõ giờ, liếc nhìn xuống đồng hồ đèo tay thấy đúng là mười hai rưỡi rồi sung sướng reo vui “Hậu giỏi hơn cả anh, anh chỉ biết xem đồng hồ có kim thôi, còn đồng hồ số thì chịu, anh thua em rồi”. Qua cái bắt tay và câu hỏi giờ Hậu, tôi vui mừng vì thấy nơi Hậu có nhiều cơ hội phục hồi. Tồi thầm mong sao có bác sĩ hay chuyên gia nào đó giúp Hậu thì tốt biết bao.
Trên con đường chạy quanh cánh đồng trung du xanh mướt lúa thời con gái, tôi hy vọng, tôi cầu nguyện cho Hậu và gia đình em có thêm nhiều người quan tâm giúp đỡ. Hơn bao giờ hết, tôi thấy trân trọng những bậc làm cha làm mẹ một đời hy sinh vì con cái, sinh ra những đứa con lành lặn đã vất vả đủ đường đằng này còn sinh ra và dưỡng nuôi những đứa con yếu ớt, tàn tật thì nỗi vất vả có khi phải nhân lên hàng ngàn, hàng vạn lần. Tôi chợt thấy thổn thức, tôi thương cha mẹ mình – những người mỏi mòn hy sinh nuôi tôi khôn lớn, dành cho tôi mọi điều tốt đẹp, dõi theo tôi từng bước tôi đi trong đời mà quên đi bản thân. Vì dành tất cả cho con, có lẽ chẳng bao giờ cha mẹ biết đến quần áo hàng hiệu, hay những tiệm ăn nổi tiếng và có khi cũng chẳng có cơ hội đọc những dòng chữ mà con mình đang viết đây.
Lời hát “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dịu dàng vang lên trong hồn tôi. Nhưng có lẽ, nước biển mênh mông vậy cũng không thể đong cho đầy tình mẹ, nhất là những người mẹ yêu thương chăm sóc cho những đứa con khuyết tật, ốm yếu thì hẳn nhiên “lòng mẹ bao la hơn biển Thái Bình…”
Nguyên Đức
Tin liên quan